CẮM TRẠI HƯỚNG ĐẠO

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 13756)
CẮM TRẠI HƯỚNG ĐẠO

Hồ Elsinore, 8-8-1992

Thùy Trang thương,
Đố con mẹ đang ở đâu? Mẹ đang ngồi ngoài cửa lều, dưới tàng cây thật lớn tại khu cắm trại Falcon gần hồ Elsinore. Mẹ lật mặt trái Bản Tin Tị Nạn số 3 để viết thơ cho con vì không mang theo giấy trắng.
Thấm thoát mà 10 năm mẹ mới trở lại nơi này. Mẹ còn nhớ, ngày nào con và hai em Thịnh, Cường cắm trại tại đây, chỗ tụi con dựng lều ở phía thấp hơn. Nơi này cao tận trên chót núi có nhiều cây cổ thụ, nên tuy mùa hè mà mát lắm.
Thuở đó tụi con đi đoàn hướng đạo Bạch Đằng, các trưởng bắt nói và dạy ca hát tiếng Việt. Con khoảng 14, 15 tuổi, còn Thịnh 8 và Cường 6 tuổi. Con làm trưởng nhóm nữ Hướng Đạo nên phân công cho nhóm con gái nấu ăn. Thịnh, Cường mặt đồ xanh sói con trông thật dễ thương. Nhất là "thằng lùn" Cường bé tí nị mà mặc đồng phục, cột khăn, đội nón trông dễ ghét. Đoàn điều hành theo Hướng Đạo Việt Nam nên việc gì cũng do trưởng hướng dẫn và ba mẹ phải tập cho tụi con tự lập.
Vậy mà ba mẹ không yên tâm, lần nào tụi con đi cắm trại cũng đi theo, lý do con và Thịnh hay suyễn khi ban đêm trời lạnh. Hôm tụi con cắm trại tại đây, ba mẹ lên thăm thấy tội nghiệp tụi con nên ngủ lại trên xe, vừa lạnh vừa ê mình quá. Sáng hôm sau lúc đoàn đang chào cờ mẹ thấy Thịnh đứng ngay ngắn nhưng mặt xanh, mắt lấm lét có vẻ khó chịu lắm nên mẹ chạy lại hỏi nhỏ cái gì. Thì ra anh ấy "mắc" quá mà không dám xin phép trưởng. Mẹ phải xin dùm. Mẹ vẫn còn cái hình chụp tụi con đang chào cờ, Thịnh, Cường trông mũm mĩm, dễ thương. Bây giờ Thịnh Cường đều cao hơn ba rồi.
Kỳ cắm trại này trưởng Nguyễn Mạnh Trí có gởi một lá thơ yêu cầu phụ huynh tích cực hơn vì ông mệt mỏi. Ba mẹ thấy cũng có lỗi vì mấy tháng gần đây nhiều tiệc tùng, ứng cử, hội họp, đám cưới vào cuối tuần nên có vài lần không đi họp, hoặc đưa Cường đến trại mà không ở lại ngủ đêm. Liên đoàn Lam Sơn và Nhị Trưng điều hành theo lối Mỹ nên cha mẹ đoàn sinh phải tiếp tay và trợ lực cho trưởng. Phụ huynh bầu ra một ban đại diện để lo cho đoàn.
Đoàn học nhiều nhưng thiếu trò chơi và sinh hoạt nên đôi khi các em than "chán". Scott sắp xong đẳng cấp Phượng Hoàng, Cường và vài đứa khác đang chuẩn bị xong năm tới. Ba mẹ muốn Cường đi hướng đạo nên phải kèm nó, mẹ phải lo đủ thứ, nhiều khi chiều nó để nó đừng bỏ. Lúc này có thêm nữ hướng đạo do cô Thanh hướng dẫn và thêm đoàn sói con nữa.
Con biết không, sáng mẹ thức 6 giờ chuẩn bị thức ăn đem theo. Mẹ nấu một nồi cơm lớn, chiên cá thu muối xả cà ri, một nồi thịt tôm ram mặn, làm sẵn xà lách và một keo dầu dấm. Tối qua mẹ đi Bolsa mua chả lụa và bánh mì tây. Mẹ đem cà phê Pháp, sữa đặc, phin lược cà phê và đủ thứ đồ nhà bếp.
Con nhớ ngày xưa, mẹ dạy con bằng cách viết cho con danh sách đồ cần dùng để mang theo trại hoặc đứng một bên xem con nấu bếp. Con hay quên nên mẹ rầy. Mẹ bảo cứ quên hoài chắc lúc lấy chồng phải điện thoại về hỏi mẹ. Vậy mà bây giờ mẹ không thấy con gọi lúc nấu ăn, có lẽ con giỏi rồi, hoặc con để Hoàng nấu. Hôm nào mẹ phải hỏi Hoàng mới được. Ba rầy mẹ sao đi cắm trại hướng đạo mà đem theo nhiều đồ quá. Mẹ nói lần này tới phiên phụ huynh lo đồ ăn nên phải nấu nhiều.
Sáng sớm nay Thịnh đi đấu bóng chuyền ở hồ Mission Viejo. Kỳ này người ta tổ chức "sand volley ball" (chơi banh trên cát) chứ không phải "grass volley ball" (chơi banh trên cỏ) như kỳ trước. Thịnh thích đánh banh chân không trên cát lắm.
Ba mẹ có chạy vào hồ xem Thịnh một chút. Hồ này ở giữa khu nhà lớn như lâu đài. Ngày xưa nơi đây chưa xây nhiều nhà nên có nhiều khoảng trống. Sáng sớm trước khi đến tiệm hoa, mẹ hay chạy vào bờ hồ ngồi im lặng suy gẫm, viết lách hay thiền cho xả bớt ưu phiền.
Thịnh đấu bóng chuyền tại bãi cát. Hồ nầy nhân tạo, cát được chở từ nơi khác tới, trắng phau. Có hai người ngồi trên lều cao trông chừng người tắm, cũng có cầu tàu, tàu nhỏ, tàu lớn, và pédalo để ngồi chơi dạo hồ. Mẹ nghe nói họ có thả cá cho hội viên của hồ này câu nữa. Em con nó thích hưởng thụ y như Mỹ vậy. Chỗ đánh banh trang trí khá đẹp, có loa lớn để nghe nhạc mới. Chung quanh có rào bằng những băng đơ rôn quảng cáo bia, quần áo, giày dép v.v... Các cô mặc bikini đấu bóng chuyền trông xinh lắm. Cha mẹ ngồi quanh xem, nhưng phần nhiều là thành phần thanh niên.
Thịnh bảo với mẹ sẽ cố gắng "thi đua" vào đội banh của đại học San Diego. Tuần rồi mẹ dắt Thịnh đi mua mền gối, khăn trải giường mới để chuẩn bị vào nội trú. Hôm xuống trường Thịnh, ba mẹ có xem phòng thấy nhỏ hẹp lắm, giường nhỏ hơn giường của Cường ở nhà. Mẹ không biết Thịnh xoay trở làm sao cho vừa. Ở nhà nó nằm giường đôi mới thoải mái. Ở nội trú nó phải xử dụng chung nhà tắm với mọi người. Con còn nhớ không? Thịnh chẳng bao giờ chịu đi toa-lét ở đâu, lúc nào cũng phải chạy về nhà. Bây giờ Cường cũng bắt chước y như vậy. Ba nói vào nội trú cho nó quen chịu đựng.


Hồ Elsinore 9-8-1992.

Thùy Trang,
Tối qua Cường muốn ngủ chung nhưng mẹ bắt nó và Johnathan giăng lều nhỏ gần đám hướng đạo sinh, mẹ không muốn nó tách rời với nhóm. Mẹ và các bác họp nhau bàn những vấn đề cần cải tổ lại cho đoàn có kỷ luật và phát triển đúng chiều hướng hơn. Tối qua trăng sáng và nhiều sao lắm. Ba mẹ cũng đi bộ với đoàn, nhưng về sớm vì phải tiếp cô Thanh trông chừng các em nữ hướng đạo.
Hồi nãy, lúc mặt trời vừa mọc, mẹ đi bộ đến một khoảng đất trống, không có ai cắm lều. Mẹ ngồi yên dưới ánh mặt trời, thật là êm lặng, thoải mái tuyệt vời. Hình như lâu rồi mẹ ít ngồi yên dưới ánh mặt trời buổi sớm mai. Nhớ 10 năm trước, mẹ làm việc và đi học ở Đại Học Long Beach. Buổi sáng mẹ đi sớm đến trường, tìm chỗ vắng, đậu xe hướng về ánh bình minh ló dạng. Mẹ ngồi yên nhắm mắt, thưởng thức hơi ấm mặt trời, tai nghe chim hót, lá reo. Thật là tuyệt, tâm hồn nhẹ nhàng. Khoảng thời gian đó mẹ cực lắm, đi làm bán thời gian, đi học tiếp tục lên cao học, hai em còn nhỏ, mẹ phải lo nấu nướng, chăm sóc nhà cửa; rồi cuối tuần đưa các con đi hướng đạo Bạch Đằng vào thứ bảy và chủ nhật học tiếng Việt ở trường Hồng Bàng, Westminster. Có lẽ những phút yên lặng thoải mái vào buổi sáng giúp cho mẹ tiếp nhận đời sống bận rộn lúc bấy giờ dễ dàng hơn, có nhiều sức chịu đựng hơn.
À, mỗi ngày con có còn đọc quyển "Reflections in the Light - Daily Thoughts and Affirmations" mẹ đã tặng con không? Mẹ có mua một cuốn mới cũng của Shakti Gawain. Quyển này cũng vậy, chia ra làm xuân, hạ, thu, đông, mỗi trang có ghi ngày tháng và trích những ý nghĩ, tư tưởng từ những sách hoặc các bài giảng của Shakti, nhứt là từ quyển Return to The Garden. Quyển sách mới này gọi là "Awakening, A Daily Guide to Counscious Living". Con biết đề tài hôm nay trong quyển đó là gì không? - Find a New Direction.
Cô ta nói nhiều người sáng tạo ở lãnh vực này hơn những lãnh vực khác. Nếu mình thành công hay sáng tạo ở lãnh vực nào, mình nên suy nghiệm những gì đã giúp mình và mình đã làm được những gì? Mình tự phán xét, bình phẩm, tin tưởng ra sao và bày tỏ phát biểu những điều đó như thế nào? Theo Shakti, mình phải tìm cách dùng những phương thức trong lãnh vực sáng tạo này để ứng dụng ở lãnh vực khác trong đời sống? Mình nên ứng dụng trong những công việc khác để cho sự sáng tạo của mình được chuyển sang một chiều hướng mới. Câu tóm tắt của Shakti là : "I’m expressing my creativity in new areas of my life" (Tôi bày tỏ sự sáng tạo trong những lãnh vực mới của đời sống).
Khi giảng bài trong các lớp báo chí, ở nhật báo Người Việt hoặc ở Trung Tâm Công Giáo Santa Ana mẹ nói với những học viên, nghề viết báo giúp mở rộng kiến thức vô cùng. Khi viết về một đề tài mới mẻ mình không nên sợ mà nên đọc tài liệu, nghiên cứu và phỏng vấn các giới am tường. Một đề tài mình hoàn toàn không biết, sau khi viết xong, mình nắm vững hơn vì có hiểu mình mới viết được.
À, mẹ có đi dự lễ vào lúc 8 giờ 30 sáng. Một nhóm người Mỹ đạo công giáo dựng lều bên cạnh, họ cho phép đoàn mình qua dự lễ chung. Cha mẹ các em hướng đạo thích lắm vì không phải vội vã về sớm đi nhà thờ như mấy lần trước,
Giữa buổi lễ, mọi người đến bắt tay nhau chúc tụng hòa bình. Mẹ thích lắm vì tất cả mọi người bỗng cảm thấy thân nhau bằng những cái siết tay và nụ cười. Hay hơn hết là lúc ăn bánh mình thánh chúa và uống rượu tượng trưng cho máu chúa. Mọi người, Mỹ đen, Mỹ trắng, Việt Nam đều uống chung một cái ly. Các hướng đạo sinh nhỏ thường ngày không chịu uống ly chung ly với người khác, lúc đó nghiêm trang, có đứa khoanh tay đến uống rượu. Mẹ không thấy đứa nào sợ dơ cả, thật là dễ thương. Khi vị Linh Mục người Mỹ đen cho bánh và rượu ông nói:
"The body of Christ, the Bread of Heaven (Amen).
The Blood of Christ, The cup of Salvation (Amen)".
Sau lễ họ mời mọi người ở lại ăn bánh, uống nước ngọt nhưng mẹ và các bác ra về vì có buổi họp của phụ huynh. Ngoài các vấn đề cần cải tổ đoàn, mẹ đề nghị đoàn nên mời các cựu huynh trưởng hướng đạo đến sinh hoạt. Mẹ cho rằng nên học những gì hay của hướng đạo Mỹ nhưng cũng nên cho các em học hỏi những điều tốt của hướng đạo Việt Nam vì sau này các em sẽ sinh hoạt trong cộng đồng mình .Các em cần học lịch sử Việt Nam và nên biết thế nào là trách nhiệm và tình yêu đối với quê hương. Mẹ nhớ lại lần ba mẹ tham dự khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng Hướng Đạo. Trưởng Lê Mậu Ngọ bày nhiều trò chơi rất vui. Chỉ với một cây gậy mà trưởng Ngọ bày ra không biết bao nhiêu là trò chơi. Các trưởng khác dạy thắt nút dây. Buổi hội thảo vào ngày cuối cho mẹ thấy các trưởng trẻ và lớn tuổi có nhiều quan điểm bất đồng về phương thức điều hành. Nếu các trưởng nghĩ đến tương lai giới trẻ Việt Nam cố gắng tìm cách dung hòa giữa cái hay của hai hướng đạo Mỹ và Việt thì quý biết bao nhiêu.
Trang ơi, mãi viết cho con mà sắp trưa rồi, mẹ phải tiếp các bác chuẩn bị cơm và thức ăn cho đoàn.
Mẹ của con.


Mission Viejo, 21-8-1992

Con thương,
Hôm nay là ngày cuối của tuần lễ nhập thất, mẹ rất muốn viết cho con, nhưng cũng như bao nhiêu lần khác trong tuần, mẹ suýt bỏ qua ý định này.
Sau ngày mẹ dắt Thịnh lên đài truyền hình Little Saigon thực hiện ba buổi phỏng vấn về việc trẻ em không cha mẹ trong trại tị nạn bị cắt lương thực và chương trình giáo dục để buộc phải hồi hương; chương trình Con Lai; chuơng trình "Học trước con sau" và vấn đề thiếu cảm thông giữa cha mẹ con cái, mẹ định ngưng viết một thời gian.
Tại sao mẹ muốn ngừng viết? Mẹ nhận thấy nếu viết nhiều quá, mẹ sẽ bị ngòi bút lôi kéo, hướng dẫn. Nhiều lần ngòi bút không bắt kịp tư tưởng và sự sáng tạo của mẹ. Khi mẹ viết tư tưởng phải dừng lại. Hơn nữa khi đặt bút xuống, dù viết điều gì cho người thứ hai (thơ) hay cho nhiều người đọc (bài báo) mình phải trình bày, lý luận, tự biện hộ hay giải thích. Những điều trên đều ngăn chận sự sáng tạo và phát triển tâm linh mình.
Có phải mẹ quyết định ngừng viết vì sự ích kỷ? Tại sao mẹ định không viết cho con rồi lại cầm bút viết? Con người thứ hai của mẹ nghĩ rằng phải hy sinh cho các con, phải có những giây phút ngừng lại để đối thoại, để chia xẻ những gì mẹ học hỏi, trải qua trong tâm thức. Những gì mẹ trải qua đó là bài học đáng giá cho các con của mẹ sau này, rút ngắn thời gian học hỏi, tìm tòi, tránh những vấp ngã, thất bại. Mẹ tự hiểu còn rất nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên khi thấy những điểm sai của mẹ, các con tránh được sai lầm và sẽ làm những điều tốt đẹp, hữu ích hơn cho đời mình hay tha nhân.
Sáng nay Thịnh thức sớm, xin đi câu cá với đám bạn của Mark. Ba không cho Thịnh chơi với Mark vì Mark không lo đi học mà chỉ tụ bạn lại nhà chơi. Thịnh trả lời chỉ đi "câu cá" chứ không "chơi với Mark". Thịnh bảo người ta cho rằng người Á Đông bắt cá giỏi, mà "nguyên cuộc đời" Thịnh chưa câu được con cá nào nên muốn đi thử. Nghe Thịnh cãi lời ba, mẹ viết cho nó một lá thơ. Mẹ định khi Thịnh đi San Diego học mẹ sẽ gởi nhiều thơ cho nó, cũng như con vậy.
Mẹ viết: lúc mẹ giữ im lặng trong phòng để cầu nguyện nhân mùa Vu Lan báo hiếu, đôi khi mẹ nghe Thịnh nói diễu với bà nội, mẹ rất buồn. Lễ Vu Lan là lễ mà con cháu phải cầu nguyện và tỏ ra kính trọng ông bà cha mẹ. Mẹ cũng khuyên trong tương lai Thịnh nên học một lớp tôn giáo và một lớp về tâm lý học. Mẹ nghĩ rằng, lòng tin sẽ hướng dẫn Thịnh đi đúng đường và sự cảm thông những người xung quanh sẽ giúp Thịnh có một cuộc sống tốt đẹp.
Đôi khi mẹ cảm thấy rất "phiêu lưu" trong vấn đề dạy con cái. Mẹ chỉ gieo hột giống mà không bắt các con làm theo ý thích của mình. Mẹ không uốn nắn đứa nào theo ý ba mẹ cả. Mẹ muốn các con "biết mình là ai" và tự tìm lấy chân lý của chính mình. Mẹ không muốn biến các con trở thành người máy, một người do người khác tạo ra khuôn mẫu, dù cho con người đó xấu hay tốt. Một ngày nào đó, các con sẽ vỡ mộng khi biết con người đó không phải là mình rồi đau khổ, đi trở ngược con đường tìm lại "con người thật của mình". Như vậy, các con sẽ phí biết bao thời giờ để sống một cuộc sống không phải cho mình. Cộng thêm hành trình đi tìm lại con người thật của mình là một hành trình rất khó khăn, đau khổ có thể chỉ trong một giây phút, hoặc một hay mười năm, hay cũng có thể mất cả một cuộc đời vẫn chưa tìm thấy.
Con biết không? Chiều nay mẹ rất vui nên thay vì đi xuống đồi bách bộ sau khi ăn cơm chiều, mẹ lại cầm bút viết cho con. Hôm nay trời đã bắt đầu bớt nóng, hình như mẹ chưa trải qua một mùa hè nào nóng như mùa hè này. Mẹ ngồi nơi cửa sổ của phòng đọc sách trên lầu, nơi mẹ luôn luôn ở vào những dịp tĩnh tâm.
Mẹ nhìn xuống đất thấy bà nội đang tưới cây. Mấy hôm trước bà nội đi chơi nhà bạn về rất gầy, vì ăn không đúng nên bị trúng thực. Hôm nay trông bà "phương phi" lại rồi. Bà nội thường hay đưa cho người này, người kia xem bức ảnh chụp lúc bà ghé Thái Lan trước khi qua Mỹ. Bà nói: "Hồi ở Việt Nam qua tôi ốm quá". Bây giờ đi đâu ai cũng khen bà nội "đẹp lão".
Lúc trước mẹ dắt bà nội đi đặt may quần áo, bà lựa kiểu áo cổ bẻ lớn. Mỗi lần bà mặc áo này ba hay chọc bà giống ông "Mao Trạch Đông". Nhứt là mặt bà nội nghiêm ít cười. Vừa rồi nghe tiếng rồ máy xe "van" xanh, mẹ nhìn xuống sân trước thấy Thịnh chuẩn bị tập cho Hằng lái xe. Mẹ cảm thấy lâng lâng niềm vui vì Thịnh biết giúp các em họ của mình. Mẹ nhớ ba năm trước, Hằng và Vân ở Việt Nam qua cùng với cô Huệ, bà nội, dì dượng Út và Phượng, Hoàng, bé Phương, tất cả đều mới mẻ nên ai cũng lo lắng cho cuộc sống xứ này. Nay sau một thời gian dài, bao nhiêu bài toán khó đã được giải dần. Mọi khó khăn từ vật chất đến tinh thần đều trôi qua.
Mẹ còn nhớ có lần Hằng khóc, mét: "Anh Cường nói con tắm lâu, hao nước quá, nên từ nay con không tắm nữa". Mẹ mới giải thích lúc đó Cali đang hạn hán, nhà nào xài quá số lượng nước sẽ bị phạt, nên Cường nhắc tắm cho mau đó thôi. Lúc đó Hằng và Vân đi học ở trung học đệ nhất cấp Los Alisos chung với Cường. Mỗi lần hai đứa con gái gặp "anh Cường" ở trường đều rất mừng. Cường than phiền: "Mẹ à, mỗi lần Hằng, Vân gặp con ở trường cứ kêu Anh Cường, anh Cường um xùm làm ai cũng nhìn con, quê hết sức."
Cũng như bao trường hợp đoàn tụ, gia đình ba mẹ cũng gặp những sự khác biệt, mâu thuẫn do hoàn cảnh đất nước tạo ra. Sự khác biệt giữa cách sống, cách suy nghĩ cũng như phát biểu tạo ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc. Những đứa bé, đứa sống ở Việt Nam, đứa sanh ra tại Mỹ rất khó hiểu nhau, nhưng thời gian qua đã thay đổi những người sống ở Việt Nam qua Hoa Kỳ một phần nào trở thành "người sống ở Mỹ". Nhờ thế mà cả hai bên hiểu, cảm thông và hòa hợp với nhau hơn.

Con thương,
Mẹ nghe nói gia đình bên chồng con sắp qua. Con cũng như những người khác sẽ tiếp đón những người mới tới. Mẹ có lời dặn dò con nên kiên nhẫn. Mẹ biết rằng đời sống ở xứ Mỹ đã đem đến cho mọi người quá nhiều bận rộn, lo lắng, căng thẳng vô cùng. Con đang có mối ưu tư về đứa con đầu lòng. Mỗi ngày vợ chồng con phải thức từ bốn giờ rưỡi sáng, lo cho bé Hiền bú, mang nó đi gởi lúc năm giờ và lái xe mấy chục cây số đi làm. Mẹ hiểu vì nhu cầu đời sống nên con không thể tự tay săn sóc bé Hiền được. Mẹ biết và biết tất cả... Mẹ hiểu sự chịu đựng và sức lực con người có giới hạn, nhưng mình là người Việt Nam, là người Á Đông, có một truyền thống đại gia đình. Hạnh phúc của mình không phải là hạnh phúc cá nhân hay chỉ gia đình thu hẹp, mà là của đại gia đình.
Con thương, hạnh phúc cá nhân dễ tạo được, nhưng cũng dễ mất; còn hạnh phúc đại gia đình phải qua nhiều khó khăn mới đạt được, nhưng khi đạt được thì rất bền vững. Điểm này đã khiến cho xã hội mình khác hẳn xã hội các nước tây phương. Mình nên bảo tồn nó vì hạnh phúc của đại gia đình giúp cho cấu trúc xã hội được bền vững. Một quốc gia có một cấu trúc gia đình như vậy sau này sẽ phát triển và mạnh mẽ vô cùng.
Điều gì khiến cho mình thành công trong việc xây dựng hạnh phúc đại gia đình? Đó là sự cảm thông giữa vợ chồng rồi đến cha mẹ với con cái. Dù khó khăn hay xáo trộn đến đâu, trước nhất con và chồng con phải có sự cảm thông, phải nói chuyện, hiểu nhau và "tin" nhau. Điều này tối quan trọng. Tiểu gia đình sẽ tan rã nếu chồng nghĩ một đàng, vợ nghĩ một nẻo. Chồng phe bên chồng, vợ phe bên vợ và trở thành hai đội để tranh thủ. Từ đó tự ái nổi lên, lời qua tiếng lại, kẻ nói vô người nói ra. Vợ chồng sẽ dần dần bị chia rẽ. Hố sâu giữa hai bên sẽ càng ngày càng sâu. Vợ chồng chia rẽ sẽ đưa đến đổ vỡ, con cái đau khổ, hư hỏng, và việc gẫy đổ của tiểu gia đình thường luôn luôn gây nên tan rã của đại gia đình.
Một cộng đồng có nhiều tiểu cũng như đại gia đình tan rã sẽ èo uột, sẽ không có sức mạnh vì thiếu căn bản, thiếu sự trợ lực của các tiểu và đại gia đình đó. Hơn nữa, khi gia đình tan vỡ, con cái dễ hư hỏng, bụi đời. Thay vì dùng toàn lực để phát triển, cộng đồng đó phải lo đối phó với mọi tệ đoan xã hội của mình, vừa mất uy tín với cộng đồng bạn và quốc gia mình đang sinh sống.
Mẹ nghĩ ai cũng có thể cố gắng xây dựng được, nếu hiểu hạnh phúc đại gia đình là hạnh phúc của mình và kiên nhẫn hy sinh để tạo dựng hạnh phúc đó, cũng chính là tạo dựng hạnh phúc cho con cái của mình.
Con thân, giấy ngắn tình dài, mẹ mong rằng con hiểu được mẹ muốn gởi gấm con điều gì. Cho mẹ hôn thằng cháu ngoại của mẹ mười cái nhé.
Mẹ của con

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880