VIỆC HÃNG, VIỆC NHÀ VIỆC CỘNG ĐỒNG…

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 10963)
VIỆC HÃNG, VIỆC NHÀ VIỆC CỘNG ĐỒNG…

Mission Viejo, 30-7-1992

Hôm nay có thư của một độc giả đồng đạo gởi cho... ba. Thư đề "Kính gởi Chủ Biên: Cố cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam". Đồng đạo nầy ở Richmond, Úc Châu báo tin cho ba là Việt Cộng vừa tuyên án 20 năm khổ sai một người làm cách mạng là ông Nguyễn Ngọc Đại, có tổ chức ở Khánh Hòa. Cùng bị bắt với ông là ông Lê Văn Trịnh, Trần Hữu Huyên, Nguyễn Văn Hoàng và Huỳnh Văn Cải.
Nghe mình nói có người viết thơ cho ba, Tài, Thu, Long, Sang, Nam đều cười xòa. Thu chỉ hình ba treo trên vách bên trái bàn làm việc của mình, cười nói đùa: "Chị Hai đọc cho ba nghe đi". Tài nói hồi chưa mất ba thương hãng lắm nên anh xin mẹ hình ba treo cạnh chỗ trước kia ba ngồi.
Mình nhớ lúc mới qua Mỹ, sau khi rời trại đi định cư ở Minnesota một tuần, ba và Tài được công ty Weinstein cho việc làm. Ba làm Phó Tổng Giám Đốc cho ông Weinstein còn Tài làm thơ ký với số lương 400 đồng. Mỗi tháng họ cho gạo. Ông Louis người bán hàng của hãng này, là người bảo trợ vì ông có mua hàng của công ty PASEFOCO (Thái Bình Hải Sản Công Ty), xuất cảng tôm đông lạnh do ba làm Tổng Giám Đốc ở Việt Nam và ông cũng đã từng qua Việt Nam gặp ba. Công ty có 12 cổ đông hiện nay đều ở hải ngoại.
Lúc ông Louis đến phi trường đón gia đình mình, trên đường đưa về nơi cư ngụ, ông đãi cả nhà một bữa hamburger (bánh mì kẹp thịt bò xay) ở Mc. Donald. Hai căn chung cư chưa có bàn ghế nên cả nhà ngồi dưới đất. Khởi đầu có ba mẹ, các em, Thu, Việt, Mỹ, Nam, Lệ và gia đình mình gồm 3 người. Sau đó ba bảo trợ Mạnh, cháu của mẹ và bác Bệ em họ ba.
Một thời gian sau ba bảo trợ gia đình người bạn gồm có 3 người, bác Nhiệm, Thanh, Viễn. Tất cả 15 người cộng với Cường trong bụng mình là 16 người di chuyển với một chiếc xe Huê Kỳ.
Ban ngày Tài chở ba đi làm. Tối anh chở một số qua trường trung học Edina học Anh văn. Tối về 9 giờ 30 anh ghé trung tâm thương mại rước Thu đi làm ở Dayton’s.
Mình bực ghê vì ở trên lầu rất bất tiện, không được chặt gà, chặt vịt gì cả, nhất là giò heo. Mỗi lần mình và Lệ nấu gà xào mặn là cứ y như ở tầng dưới họ lấy cây thụt lên rầm rầm. Mình hay mượn Mạnh bưng thớt và thịt xuống tầng chót nơi đậu xe để chặt .
Một hôm đi chợ Á Đông, thấy một hũ mắm Thái Lan, mình mừng quá đòi Tài mua cho được. Chừng về nhà mở ra nó hôi quá vì không có ướp thính, ướp nước đường thắng như mắm ở Việt Nam. Đúng ra phải gói lại đem bỏ thùng rác dưới hầm, chỗ đậu xe, mình lại dại dột" đổ vào máy xay nơi bồn rửa chén. Muốn cho bay đi hết mùi mắm mình vặn nước nóng thật nhiều. Thế là mùi mắm được dịp "bốc lên và tỏa ra". Lệ và mình mất cả hồn vía, đóng kín cửa sợ hàng xóm Mỹ ở các phòng bên gọi cảnh sát, rồi hai chị em mở quạt hút hơi ở nhà bếp lên.
Khoảng thời gian mới đến Mỹ thật dễ thương. Mấy chị em nhìn qua cửa sổ thấy chợ, các khu thương mại thật gần, bèn kéo nhau "đi bộ". Eo ơi lội bộ mỏi cả chân mà vẫn chưa tới. Có một lần mấy chị em đi qua một căn nhà nhỏ của một bà già. Bà già lắm, thấy có người đi qua bèn gọi lại nói chuyện chơi. Bà ở một mình, con cháu lâu lâu mới đến thăm. Lúc đó đầu óc mình "thiển cận" cho rằng Mỹ không thương ông bà cha mẹ và không "báo hiếu". Bà hỏi: "Tụi bây có phải là mọi không?" Mình giận ghê. Mình còn nhớ hồi dó mỗi lần đi ăn gà chiên ở Kentucky thấy người Mỹ lột da gà bỏ mình cho rằng họ không biết thưởng thức, bây giờ mình cũng như họ vì sợ mỡ nhiều trong máu.
Thời gian này, khi đi học Anh văn mình quen được hai bà bạn già người Mỹ là Arden Miller và Harold Lindahl. Hai bà tổ chức một buổi họp toàn mấy bà "khá già" để mình kể chuyện. Tiếng Mỹ mình rất dở mà cũng ráng kể chuyện mất nước. Các bà hỏi lung tung, mình giận nhất khi bị hỏi có ăn kem và uống Coca lúc còn ở Việt Nam không. Mình đem tập hình chụp bên nhà, có cả hình Thái Bình Hải Sản Công Ty (PASEFOCO tức Pacific Sea Food Company), hình nhân viên đang lựa tôm, hình phòng họp, ba đang thuyết trình cho phái đoàn chánh phủ do ông Nguyễn Văn Hảo, Tổng Trưởng Kinh Tế hướng dẫn, hình ba và mình chụp với Ban Giám Đốc, hoặc mình đứng với các Trưởng Phòng v.v.. Lúc đó mình làm Phụ Tá Giám Đốc cho bác Lưu Hùng, đặc trách về nhân viên, hành chánh, tiếp liệu v.v... Nhân công có gần 300 người mặc đồng phục áo trắng tay mang găng cao su. Bên nhà viết thơ qua cho hay sau khi cộng sản vào ông Trưởng Phòng Hành Chánh và Tài Chánh tố toàn ban Giám Đốc. Nếu ở lại chắc mình cũng không yên với ông.
Công ty trách nhiệm hữu hạng PASEFOCO có 9 cổ đông trong đó có mình, sau ngày mất nước chính quyền cộng sản đã tịch thu cơ xưởng cùng với 10 chiếc xe van và nhà của ba mẹ. Một người bà con chụp hình gởi qua thấy họuôi heo, chụm củi khói đen thui, lại còn phơi quần áo trước cửa. Cộng sản còn tịch thu xe Peugeot 404 của ba, cả xe Volkswagen mà mình đã làm giấy để lại cho ba má chồng họ cũng lấy. Gia đình bên nhà viết thơ nói nhiều khi thấy công an chạy xe của mình ngoài đường tức hết sức.
Ngoài công ty PASEFOCO bên Cầu Chữ Y, gia đình mình và các cổ đông còn có một công ty PASETCO, xuất cảng đồ tiểu công nghệ. Văn phòng làm việc và phòng triển lãm các đồ mẫu như đồi mồi, đồ gốm, tranh ảnh, đặt tại đường Tự Do đều bị cộng sản tịch thu hoàn toàn. Vào tháng 4-75 một lô hàng đang được chở đến Hồng Kông, các cổ đông không đòi khách hàng được đồng nào vì đã mất nước.
Ông chủ hãng Weinstein tại Minnesota là người Do Thái. Ông qua Mỹ với 500 đô la mà tạo nên sự nghiệp. Công ty này kỳ thị không cho đàn bà làm chức vụ cao và hay cho nhân viên cũ nghỉ để mướn nhân viên mới với giá rẻ hơn. Vì hai điểm trên cộng với sự hăng hái siêng năng trong công việc nên Tài được "lên chức" nhanh. Mỗi lần nói chuyện với khách hàng, nhất là khách hàng các nước khác, anh đều nhờ cô thơ ký Mỹ nghe điện thoại song song, khi nào anh nghe không kịp cô ta giải thích.
Nhiều lần Tài tâm sự với mình, anh bực bội mỗi khi thấy ba đứng ở cửa chờ nói chuyện với ông chủ hãng, dù ba là Phó Tổng Giám Đốc. Mình nhận thấy bên Mỹ họ rất tự nhiên khi để người nào đó đứng đợi. Anh nói có khi ông chủ tán gẫu với cô thơ ký, hay "cà kê dê ngỗng" với bạn trong điện thoại để ba đứng đợi thật lâu, "máu nóng của anh" bốc lên. Nhiều lần mình cũng bị như vậy, gặp những lúc cần hỏi gì gấp hoặc phải đi đâu ngay, thật rất khó chịu. Khoảng thời gian theo học báo chí ở đại học Minnesota, có một lần muốn hỏi ý kiến ông cố vấn, mình đứng chờ ông nói chuyện trời mưa trời nắng cả giờ với cô thơ ký, đến đỗi trễ học. Tuy vậy trong trường hợp họ đang nói chuyện với nhau mà mình xen vào, ở Mỹ họ cho là "rude" hay bất lịch sự.
Nhiều lúc nghĩ đến công ty bên nhà, mình cảm thấy buồn vì công sức của ba và các bác bỏ ra gây dựng sự nghiệp, rồi bỗng dưng vào tay của những người cộng sản xa lạ.
Mình được biết vào tháng 5-1975, một tổ công tác trong đó có Mười Tâm, Tư Thuần thuộc Tổng Cục Công Nghiệp Thực Phẩm vào tịch thu công ty PASEFOCO, lúc đó do bác Trần Trọng Luật thay ba làm Tổng Giám Đốc. Sau khi kiểm kê, họ cho bác Út Luật nghỉ, công ty tái hoạt động vào ngày 15-5-1975, dưới sự điều hành của một cán bộ tập kết tên Lê Hồng Bê người Cần Giuộc và công ty đổi tên là Nhà Máy Đông Lạnh Thanh Bình.
Sang năm 1976, cộng sản lại sát nhập Nhà Máy Đông Lạnh Thanh Bình với Đông Hải Ngư Nghiệp. Lý do là ngay sau khi chiếm miền Nam, bộ đội Bắc Việt vào tịch thu hãng làm cơm xấy cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa và lấy luôn hãng này vì nằm sát bên cạnh. Họ tháo gỡ đồ ra chụm lửa, hoặc trưng dụng. Hãng tôm bị phá hoại hư hỏng tan hoang không hoạt động được nên họ giao cho Nhà Máy Đông Lạnh Thanh Bình quản lý vì cùng ngành.
Đến năm 1978, công ty được chuyển qua Tổng Cục Thủy Sản quản lý, nên đổi thành Xí Nghiệp Chế Biến Hải Sản số 8, rồi trở thành Xí Nghiệp Hải Sản Đông Lạnh 8. Xí Nghiệp này sau sát nhập với Xí Nghịệp Hải Sản Đông Lạnh 9 (trước của bà Ngô Đình Nhu) để tránh sự cạnh tranh.Với cái tên mới, Xí Nghiệp Hải Sản Đông Lạnh 4 hay PASEFOCO cũ, hiện nằm trong hệ thống công ty Xuất Khẩu Hải Sản hay SEAPRODEX (Sea Product Export) đã qua một thời do Thứ Trưởng Bộ Hải Sản tên Nguyễn Hồng Cẩn làm Tổng Giám Đốc. Hệ thống đại công ty này bao gồm nhiều xí nghiệp chế biến đồ tươi, đồ khô, đông lạnh, xuất nhập khẩu v.v...Có nghĩa là chánh quyền cộng sản đã thống lãnh toàn bộ các xí nghiệp của những người bỏ nước ra đi vì không chấp nhận họ lẫn của những người ở lại Việt Nam.
Thật là một cuộc "cách mạng" lạ lùng! Một cuộc cách mạng đúng nghĩa phải đem tốt đổi xấu, thay đau khổ, bất công bằng tự do, no ấm hạnh phúc cho người dân. Nhưng ngược lại, sau ngày "được giải phóng", nhà tù đã mọc lên rất nhiều tại Việt Nam, rồi không biết bao nhiêu người đã bị xích xiềng, bị bịt mắt, bịt miệng và chết trong âm thầm. Ôi! Bao linh hồn tức tưởi oan khiên, bao đau khổ tràn ngập dải đất hình chữ S. Tại sao trên mặt đất này lại có những con người không biết thương con người. Phải chăng họ là những "con người không trái tim".
Mình thầm nghĩ, nếu chẳng may bị sanh ra và lớn lên dưới chế độ công sản rồi trở thành cấp lãnh đạo; có lẽ mình sẽ rất đau khổ vì chắc chắn con cháu mình sau này sẽ rất tủi nhục khi chúng đọc lịch sử và biết những việc mình làm.
Con người còn có thể che đậy hoặc tha thứ nhau được, chứ lịch sử thì không.


Mission Viejo, 31-7-1992

Những lời nói của Tài đêm qua lúc hai đứa đi bộ quanh khu nhà cứ lẩn quẩn trong đầu mình sáng nay. Hai đứa bàn luận về vấn đề Phật Giáo đang sôi động ở Việt Nam, buổi họp các đại diện tôn giáo tại Vatican, việc mình định tiếp Sang và Nam trong công ty bán lẻ mới mở mấy tháng nay v.v...Tài bảo mình:
"Em cứ viết về tình người, vân vân và vân vân. Tình người gì được với cộng sản..." Anh lại khuyên: "Em không liệu sức mình. Cái gì em cũng muốn. Giúp người tị nạn, báo Đuốc Từ Bi, làm truyền hình, viết báo, viết sách, đọc sách ngồi thiền, lo cho gia đình con cái. Bây giờ em lại tính tiếp công ty bán lẻ... Đầu óc em đâu có quen đối phó làm ăn buôn bán được. Em tưởng buôn bán dễ hả? Nhiều khi anh muốn điên. Nào là nhà băng nó "khiền" mình, nhân viên xung khắc với nhau, đứa này với đứa kia, đứa kia với đứa nọ, mình phải giải quyết. Lớp nào tụi nó cứ đòi tăng lương, rồi thuế má, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm lao động. Lại thêm khách hàng giựt tiền, họ mua hàng của mình rồi tuyên bố vỡ nợ. Nhiều lúc chạy đến hãng, họ đã dọn trống trơn. Có lúc thần kinh anh căng thẳng mà về nhà gặp hai thằng con cãi nhau, hay vợ "cằn nhằn" là anh chịu hết nổi. Giống như ly nước chỉ đợi lúc tràn. Ý là tánh anh lúc nào cũng cố giữ, hễ đóng cửa sở sau lưng là dẹp hết để về nhà vui với gia đình."
Mình thấy những ngày mình ra hãng thì anh vui hơn. Nhứt là trên đường đi hay trên đường về mỗi lần cả giờ, chàng trút bao nhiêu tâm sự và bực dọc. Lúc trước, đó là những lúc cãi vã nhau, có khi hai đứa giận nhau. Bây giờ mình "khôn" hơn và "kiên nhẫn" hơn, chỉ im lặng cho chàng "trút nỗi niềm". Như vậy chàng sẽ"nhẹ thở", giãn thần kinh. Tài thường bảo: "Nếu gia đình êm thắm, các con ngoan đừng làm anh nhức đầu, anh sẽ có nhiều sáng kiến hơn cho công ty phát triển".
Tối qua anh quyết định cho bà nội Thịnh về Việt Nam chơi. Tài có nói tình trạng lộn xộn bên nhà cho bà nghe nhưng bà muốn quá. Anh bảo nếu không cho bà đi, lúc bà trăm tuổi mình sẽ cảm thấy bứt rứt lương tâm, vì bà mất cơ hội về thăm con cháu bên nhà. Bà qua Mỹ tháng 9 này là đủ 3 năm rồi. Má chồng thường bảo với mình khi về Việt Nam sẽ kể sự cực khổ bên Mỹ cho chị em của Tài nghe, để họ không còn trách anh Tư không đem hết gia đình qua.


Mission Viejo, 01-8-1992.

"Sau cơn bỉ cực, tới hồi thái lai" hay "sau cơn mưa trời lại sáng". Tối hôm qua sau khi nấu một nồi phở có đủ gân, thịt bắp, thịt tái cho các con, hai đứa đi chơi ăn mừng vì mọi người trong liên danh đã đồng ý rút lui. Hôm nọ tự dưng Tài nóng máu anh hùng, nổi "chí khí làm trai" ra ứng cử vào liên danh Hội Đồng Chấp Hành, nên ôi thôi đủ thứ chuyện nhức đầu. Mình đã biết trước không làm được nhưng muốn cho anh "phỉ chí tang bồng hồ thủy" nên đồng ý cho chàng "ra cộng đồng", bây giờ chắc chàng thấy "vợ mình đúng quá".
Mình nghe nói Ủy Ban Vận Động Bầu Cử buộc hai liên danh ứng cử Hội Đồng Chỉ Đạo và Chấp Hành phải đổi tên vì hai liên danh này lấy danh hiệu Việt Nam, dấu hiệu Quốc Kỳ (nền vàng ba sọc đỏ). Họ lập luận nếu hai liên danh này thất cử thì không lẽ Việt Nam và lá quốc kỳ "rớt" hay sao? Thế là các ứng cử viên nói nếu buộc đổi, họ sẽ lấy dấu hiệu "Cây chổi chà" và danh hiệu "tẩy uế".
Đúng như mình nghĩ, họ tố qua tố lại riết rồi ai cũng buồn, mất tin tưởng. Trong cộng đồng hiện nay ai cũng thích biết, thích nghe, thích nói. Việc gì càng bí mật họ càng khoái. Mỗi khi đi ăn tiệc, họp mặt, dự các buổi nói chuyện, mình đều nghe thiên hạ "thì thầm" chuyện ông chủ báo này gặp "nhân vật cao cấp này của cộng sản", cô tài tử, ông bác sĩ, tài phiệt kia gặp "nhân vật kia của cộng sản". Rồi người này được cộng sản móc nối, kẻ kia được Mỹ yểm trợ, sắp xếp, người này sẽ được phong chức này, kẻ kia được giao cho chức vụ kia. Tương lai Việt Nam có nằm trong các bàn tay "no ấm" của quý vị tị nạn hải ngoại không? Chắc là không!


Mission Viejo, 6-8-1992.

Hôm thứ Hai cả sở buồn. Mấy nhân viên bán hàng người Mỹ buồn ít, còn mấy tên "Rice" (gạo) như Tài, Thu, Long, Sang, Nam và mình thì nhức cả tim vì công ty Galletti Brothers Foods Inc. tuyên bố vỡ nợ. Các công ty buôn bán hải sản xôn xao lo lắng vì đã bán hàng cho họ mà chưa thu được tiền.
Theo Seafax Inc., công ty chuyên môn cung cấp dữ kiện tín dụng thuộc ngành hải sản, các hãng được gọi là các "con nợ lớn" của công ty này như S.I. ở San Diego bị 661,000; R.C. Co. ở Los Angeles bị 450,000; C. to C. ở Kirkland bị 372,576; C.F. ở Seattle, Washington bị 361,000 cùng trên 10 công ty khác đều bị giựt trên 100,000 đô. Công ty mình tuy không nằm trên danh sách nhưng cũng bị mất nhiều tiền, không biết làm việc bao lâu mới lời được bằng số tiền bị mất. Thu bảo sáng nay vào sở nghe tin "tim em cứ như bị thắt lại". Tài buồn, tức bực nên trưa không chịu đi ăn. Ai cũng dặn đừng cho mẹ hay sợ mẹ buồn.
Mình nhớ có một lần đi với Tài qua Luân Đôn thăm Minh Thư khi cháu mình mất. Lúc trở về nghe tin công ty bị Ông T.T.H ở Los Angeles giựt nợ. Đến bây giờ gần 10 năm tòa vẫn xử chưa xong. Anh bảo, ông ta giựt nhà băng một triệu. Một hôm anh gặp ông chạy xe ngoài đường, bèn rượt theo một đỗi rồi cuối cùng không biết để làm gì, nên thôi. Mình thấy luật vỡ nợ ở xứ này làm nhiều người qu?ợ, rồi vẫn sống phây phây, sau đó lại tiếp tục làm ăn bằng cách nhờ người khác đứng tên.
Tối qua hai vợ chồng đi bách bộ, Tài giải thích về luật vỡ nợ chapter 7 và chapter 11. Hãng G.B.F., Inc. chỉ mới tuyên bố chapter 11, tức họ xin tòa một thời gian để tổ chức lại. Tài bảo, tháng trước họ đã trả cho công ty mình tiền mua hàng, nhưng trong vòng 90 ngày họ tuyên bố vỡ nợ, mình phải trả lại số tiền đó cho một ủy ban thanh tỏa do tòa án chỉ định, vì số tiền này được xem như "của chung" của các "con nợ" (!). Đau thật! Sau đó họ sẽ xin "tái tổ chức" công ty để làm ăn lại, nếu được cho phép và nếu làm ăn được họ sẽ tiếp tục, còn bằng không họ sẽ khai vỡ nợ chapter 7.
Theo anh cứ 100 công ty tuyên bố chapter 11 để xin "tái tổ chức", chỉ có 2 công ty thành công mà thôi. Lý do, khi tuyên bố Chapter 11 không ai dám bán cho họ và họ phải điều hành bằng tiền mặt.
Công ty vỡ nợ này có rất nhiều bất động sản, nào là nhà ngủ, bến tàu v.v... Mình hỏi, không biết họ có vỡ nợ thật không, Tài bảo thật. Bà con người Ý của họ đang đổ tiền mặt vào khoảng 5 triệu bạc để cứu, nhưng so với số tiền họ làm ăn hàng năm cả trăm triệu, thì đâu có thấm gì. Họ giựt tất cả 35 triệu vừa nhà băng vừa các công ty bán tôm cá đông lạnh. Hôm qua họ gọi lại mua hàng và hứa sẽ trả trong vòng bảy ngày. Tài nhất định không chịu bán. Có lẽ công ty nào cũng chỉ bán cho họ, nếu họ mua bằng C.O.D. tức "tiền trao cháo múc".
Những ngày qua thật lạ lùng, đủ thứ chuyện không vui liên tục xảy ra. Một người cha Việt Nam còn trẻ, hiền lành, đốt chết 4 đứa con 3, 6, và 10 tuổi. Trước đó cô vợ muốn đi học và đi làm, ông ta không bằng lòng, thế là cô vợ đòi ly dị về nhà cha mẹ ruột ở nên ông bèn tự tử với các con.
Hôm thứ ba mình đến tòa soạn Người Việt đưa Bản Tin Tị Nạn, thấy mọi người buồn hiu mới hay nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã nằm chết trong xe. Có một lần mình gặp ông trước cửa tòa soạn. Mình hỏi : "Anh có mạnh khỏe không? "Ông bảo : "Chưa chết là may lắm rồi chứ khỏe gì?". Sau lần gặp đó mình thấy Nguyễn Tất Nhiên có vẻ vui hơn, vô ra tòa soạn, mang ống nghe nhạc từ radio hay cassette để trong túi. Ăn mặc cũng sạch sẽ hơn là lúc ông ta khoe "cả tuần không tắm".
Càng ngày càng có nhiều người Việt tị nạn bị bệnh tinh thần vì không hội nhập được đời sống xã hội văn minh. Người trong trại cũng bị bệnh tinh thần vì chờ đợi, đói khổ, tuyệt vọng, hay vì phải trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng. Còn người trong nước thì sao? Ai được sung sướng? Các cán bộ cao cấp chắc đang lo cất dấu, chuyển tiền ra ngoại quốc chăng?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880