NHỚ TRẠI TỊ NẠN

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 13071)
NHỚ TRẠI TỊ NẠN

Mission Viejo, 24-7-1992

Trang ơi, sáng nay mẹ buồn Thịnh lắm. Mẹ đem thịt gà ra, mẹ hỏi nó: "Bây giờ con muốn mẹ nấu món gì, xào mặn con chê, cà ri, ra-gu, rô-ti con ngán. Con muốn mẹ nấu phở gà hay cháo gà với gà xé phay?" Nó lắc đầu nói: "Mẹ không nấu gì lạ, mẹ cứ nấu giống nhau hoài". Mẹ nói: "Vậy thì con muốn ăn gì, con không lựa món rồi con chê nếu mẹ nướng hay ướp bột chiên".

Nó suy nghĩ một hồi rồi mừng rỡ nhìn mẹ với đôi mắt "chiến thắng", nó nghĩ là "bắt chẹt" được mẹ. Nó nói: "Mẹ làm gà chua ngọt đi". Nó dòm mẹ lom lom, xem mẹ có rầu không? Mẹ cười bảo: "Nếu làm món đó thì gà phải chiên trước rồi mới làm". Nó làm thinh vì biết mẹ nấu được.

Thỉnh thoảng Thịnh nấu ăn nhưng làm xong nó thèm quá nên ăn liền và ăn gần hết, không chừa cho ba mẹ gì cả. Hôm qua mẹ nấu hủ tiếu cho tụi nó đi chơi banh về ăn, còn ba mẹ đi họp ở Santa Ana để làm Bản Tin Tị Nạn. Khi về mẹ hỏi, nó nói chỉ ăn một chút rồi nướng Pizza ăn. Mẹ giận ghê, vì sợ nó ăn nhiều Pizza sẽ mập. Hồi sáng mẹ nói với nó: "Bà ngoại thấy mẹ nấu ăn, dọn dẹp một mình mà con không biết thương mẹ, bà ngoại buồn lắm. Ngoại nói tụi con không làm mà còn chê mẹ, hồi nhỏ mẹ đâu có như vậy". Anh ta quê, nên lên lầu dọn phòng, bưng quần áo đi giặt. Mẹ thấy mình phải thương yêu con cái, lo lắng và săn sóc cho chúng nên người, nhưng đôi khi phải giảm bớt, nếu không chúng sẽ cho đó là "sự tự nhiên", và nghĩ rằng cha mẹ phải có bổn phận như vậy hoài. Ba mẹ thường nói với Thịnh và Cường về sự "có đi thì mới có lại", phải "hai chiều" chớ không thể "một chiều" được.

Tối qua, ba mẹ tới nhà chú Hòa họp, có hai chú Tường Thắng và Nguyễn Quốc Lân. Bây giờ số người quan tâm đến vấn đề tị nạn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nên mọi người phải ngồi lại để phân công và để đừng cảm thấy là mình "làm việc đơn thương độc mã". Mọi người quyết định Bản Tin Tị Nạn sẽ trở thành định kỳ. Mẹ là người nhận hết các bản tin rồi phối hợp, phân công. Chú Tường Thắng lo tin Hồng Kông, chú Lân lo tin liên hệ đến tổ chức LAVAS và S.O.S., vì chú ấy đã qua trại, am tường luật lệ về tị nạn. Chú Hòa cũng đã đi thăm trại tị nạn và thuộc nhóm LAVAS. Mẹ yêu cầu họp gấp quá, nên chú Hòa không mời được nhóm sinh viên Project Ngọc, lo cho người tị nạn, ở đại học Irvine.

Hôm chủ nhật vừa rồi, ba mẹ buồn quá vì khi họp ban biên tập Đuốc Từ Bi, mọi người trực diện vấn đề tài chánh. Báo đạo, ai cũng thích đọc, nhưng vì không có bán và nhận quảng cáo nên tiền thu ít, mọi người phải cố gắng vận động để có thể tiếp tục ấn hành.


Mission Viejo, 29-7-1992

Trang à, ở đời không biết cái khổ nào hơn cái khổ nào? Khuya nay, khi Thịnh mở cửa phòng để vào nhà tắm, mẹ thức giấc và không tài nào ngủ lại được. Mẹ buồn quá, nhớ đến buổi cãi nhau trước khi ngủ. Cũng vì chuyện Thịnh ăn nhiều. Thịnh có lý khi hỏi mẹ sao Cường cũng ăn mà mẹ không la rầy. Nó nói: "Cường ốm ăn ít, còn con lớn hơn nên con phải ăn nhiều hơn".

Thịnh và mẹ ai cần đi bác sĩ? Thịnh bị quá cân lượng còn mẹ bị bịnh "lo" khi nhìn Thịnh ăn. Mẹ đang bị bệnh như bao nhiêu triệu bà mẹ ở xứ Mỹ này, và bạn mẹ cũng khổ như mẹ. Bạn mẹ đã về Việt Nam và nói rằng nỗi khổ của các bà mẹ ở Việt Nam lo cho con của mình là"không có thức ăn vào ngày mai". Khi nghe vậy mẹ thấy đỡ buồn, nhưng sau đó quên đi, lại trở về nỗi khổ của mình.

Chủ nhật rồi ba mẹ chở Cường, Johnathan qua Balboa Island để xem Thịnh tranh giải bóng chuyền. Kỳ này Thịnh không tham dự giải đấu trên sân cát mà lại đấu trên sân cỏ ở công viên Balboa Island. Công viên này nằm cạnh bãi biển nơi trước kia ba mẹ hay chở các con qua mua cá tươi lúc tàu đánh cá mới về. Bãi biển này đẹp và giống như bãi biển Vũng Tàu ở Việt Nam.

Bạn mẹ về thăm Việt Nam cho biết có quá nhiều bờ biển đẹp, thật nên thơ, cát trắng phau và nước trong veo, đẹp hơn biển bên này. Mẹ ước mong một ngày nào đó được đi thăm các vùng mà mẹ chưa hề được đặt chân tới ở quê hương. Dân tộc mình có nhiều người sanh ra và lớn lên rồi chết vẫn chưa được đặt chân đến miền Bắc, hay người miền Bắc chưa đặt chân vào miền Nam. Hoặc có những người vào Nam chỉ biết rừng rậm và các hầm hố chứ chưa biết gì đến thành phố, thì đã chết rồi.

Ngày xưa mẹ còn con gái, có phương tiện xem truyền hình, mẹ ước mơ con của mẹ được đi học đầy đủ như các trẻ con bên Nhật, bên ngoại quốc; bây giờ mãn nguyện thì phải đối đầu với một cái bệnh gây ra bởi một xã hội dư thừa thức ăn.

Lúc Thịnh đang chơi banh, ba mẹ có vào xem một căn nhà cho mướn có đề bảng "Open House". Trước cửa có hai mẹ con chủ nhà ngồi chơi. Hai người đều mập. Cậu con trai khoảng ba trăm ký đang ăn kem và cậu cầm nguyên hộp to. Cậu ăn một cách ngon lành không cần múc ra ly gì cả. Căn nhà này vừa sửa lại và trang hoàng màu sắc, khăn trải giường rất đẹp. Dĩ nhiên là giá nhà của họ mắc hơn nơi khác.

Con còn nhớ ngày xưa mấy mẹ con mình hay đứng xem người ta làm cá. Có lần người ta làm cá mập, lột da, chặt đầu, đuôi, mang, rồi cắt ra từng khoanh. Họ làm cá sống nên khi bị cắt ra, miếng thịt nhảy tưng tưng vì các bắp thịt co thắt. Ba mẹ sợ quá không dám mua ăn và cứ bị ám ảnh mãi. Bây giờ bãi biển này sửa sang lại, có nhà hàng Robin ở tận đầu cầu.

Nơi Thịnh đấu bóng chuyền có giăng rất nhiều lưới. Phần nhiều họ đấu mỗi bên 2 người. Thịnh một phe với Jean, bạn thân người Phi, còn bên kia là hai cậu Mỹ. Mẹ không rành luật chơi bóng chuyền nên cứ hỏi ba xem Thịnh đang thắng hay thua. Nếu thắng thì nên đứng xem, còn thua ba mẹ phải đi nơi khác vì lúc thua Thịnh hay "đổ thừa" lắm.

Ba mẹ đi bách bộ vòng quanh khu này chơi. Dọc theo bờ biển có rất nhiều nhà cho mướn theo tuần hay tháng, giá cả lên xuống tùy mùa. Mùa đông rẻ hơn mùa hè, phòng có đầy đủ đồ dùng. Mẹ nói với ba ở đây đẹp vì có nhiều hàng dừa. Nghỉ hè ở đây vừa thoải mái lại vừa rẻ hơn đi Hawaii. Bao nhiêu người tứ xứ về đây trong khi dân Cali lại đi nơi khác. Nhiều người đi Hawaii hay Miami chơi trong khi các bãi biển ở đây như New Port Beach, Laguna Beach, Dana Point hay La Jolla ở San Diego thật là đẹp.

Nghỉ hè tại Balboa Island chắc là thích lắm vì từ nơi này có bắc (phà) chở xe hơi và người qua lại bên kia bờ của bãi biển New Port Beach. Thỉnh thoảng ba mẹ hay đi bắc cho đỡ nhớ Việt Nam. Tuy nhiên phải đậu xe xếp hàng hơi lâu. Hồi tụi con còn nhỏ, ba mẹ có dắt đi ngắm cảnh bằng tàu một vòng eo biển xem nhà của tài tử, nhiều nhà trị giá cả chục triệu. Một biệt thự có bãi biển riêng, cây dừa của họ và cát trắng phải chở từ xứ khác qua. Tàu cũng chạy qua nhà tài tử John Wayne rất lớn và lộng lẫy. Lúc đi xem, mẹ hơi buồn, nghĩ bụng nhiều người đang nghèo đói mà sao họ lại hưởng thụ quá. Tuy nhiên trong giới tài tử và ca sĩ nổi tiếng và giàu cũng có người lo làm việc thiện lúc trở về già.
À mẹ dặn con khi nào đưa thằng Hiền đi chơi biển, nhớ thoa thuốc bảo vệ da cho nó nhe. Con nên đi buổi sáng lúc mặt trời còn dịu và đừng để nó phơi nắng quá lâu. Thương hai con và Hiền. Mẹ.


Mission Viejo, 29-7-1992.

Sáng nay, sau khi cúng lạy theo nghi thức Phật Giáo Hòa Hảo, mình đọc Bát Nhã Tâm Kinh, bài kinh ngắn, tóm gọn nguyên bộ kinh. Quyển Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa do thầy Phạm Công Thiện cho mình khi thầy từ Pháp qua năm 1983, Hòa Thượng Thích Trí Thủ dịch lời Việt và chú giải. Quyển sách thật hữu ích vì giải thích cặn kẽ những chữ Bát Nhã, Ba La Mật Đa, Tâm, rồi Kinh là gì.

Hòa Thượng cũng giảng từng câu kinh và dịch bài kinh ngắn ra hai bản, một bản dịch âm và một bản dịch nghĩa đối chiếu nhau, để ai thích bản nào thì đọc bản đó. Bài Tâm Kinh ngắn gọn nhưng đối với mình thật là nhiệm mầu, đã giúp mình rất nhiều trong những lúc tâm hồn bị đảo lộn nhất.

Mình đã viết xong Bản Tin Tị Nạn và gởi "điện thư " cho anh Hòa. Bản tin thông báo địa chỉ và tên của ông Jan Bewild giúp những người tị nạn bị cưỡng bức về Việt Nam có thể khiếu nại khi gặp khó khăn; thông báo địa chỉ ông David Pierce, cố vấn Đại Sứ Mỹ tại Thái Lan cho những ai biết người nào đã được thả ra mà còn bị bắt trở lại trại học tập cải tạo có thể liên lạc với ông nhờ can thiệp.

Mình cũng đã trả lời thơ cho các ban đại diện Phật Giáo Hòa Hảo tại trại tị nạn. Gởi vào trại các bản tin, bài báo về lá thơ đòi hỏi 9 điểm của Thượng Tọa Huyền Quang đối với chính quyền Cộng sản và bản thông báo về ngày cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam của Văn Phòng Trung Ương Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại tại Roma.

Đồng bào bên trại tị nạn không còn được đọc báo hải ngoại nữa mà chỉ có báo, tài liệu của cộng sản. Đồng đạo xuống tinh thần vì sự thanh lọc nên mình nghĩ những bản tin nhỏ sẽ an ủi và giúp họ một chút kiên nhẫn và thêm ý chí. Mình sẽ cố gắng tiếp các ban đại diện Phật Giáo Hòa Hảo mở lớp Phổ Thông Giáo Lý giúp đồng đạo hay đồng bào có chút hướng dẫn tinh thần lúc đau khổ. Tất cả hình ảnh về các buổi lễ 18 tháng 5 của các Ban Đại Diện Sikew và Nam Dương gởi ra làm mình cảm động và mừng vì đồng đạo tổ chức hết sức chu đáo, được sự tham dự của các tôn giáo, đoàn thể và các cơ quan thiện nguyện cũng như những giới chức tại trại.

Trong lúc tại Việt Nam đang bắt đầu sôi động về phong trào tranh đấu của Phật Giáo, thì ở trại tị nạn nhiều người bị cưỡng bức như ở Hồng Kông, có nơi bị cúp thực phẩm, bữa đói bữa no, rồi bệnh hoạn không thuốc men phải ra về như ở Mã Lai, Sikew, Nam Dương. Đồng đạo Hội Trưởng Sikew Võ Thái Lộc cho biết những người ở trại bị mắc bệnh tinh thần rất nhiều.

Có lẽ không bao giờ mình quên những giây phút gặp gỡ chớp nhoáng các ông Võ Thái Lộc, Lê văn Nho, cố vấn Ban Đại Diện và ký giả Hồ Ông qua hàng rào kẽm gai của trại Sikew vào ngày 14-8-1991. Buổi thăm viếng ngắn ngủi đầy xúc động, nhưng mình không dám viết hay đăng hình trên báo, ngại các ông gặp khó khăn, bị đánh rớt thanh lọc vì mình đã vào cổng trại bằng cách lo lót. Hôm đó sau khi chú Hai, người dẫn đường và các tên lính gác cổng đồng ý giá cả, Tài và mình ngồi chờ ở quán nước ngang cửa trại Sikiew. Lúc trưởng trại đi tuần hành xong lính gác cổng ra dấu hé cửa cho hai đứa chạy vào. Sau hàng rào kẽm gai dày đặc, ba ông ngồi núp dưới đất, cạnh các luống rau thơm, cả ba đều có nụ cười buồn. Ông Lộc vừa nói chuyện với mình, tay tần mần những lá rau quế được trồng dọc theo hàng rào. Lần đầu chưa kịp nói chuyện hai đứa đã bị đuổi ra vì họ thấy ông trưởng trại đi tới. Lần sau hai đứa mang theo hai máy chụp hình. Tài bị xúc động mạnh, mắt đỏ khi thấy các ông bị đối xử như tù nhân.

Thăm viếng và gởi trái cây nhan đèn, kinh giảng, tự điển, sách và băng Anh ngữ cũng như lạp xưởng gà quay vào trại xong, hai đứa vẫn còn tiếc là chưa được vào hội quán lạy Phật, nên ở lại tìm cách xin vào. Đến bảy giờ tối, khi ông phó trại ra quán nước, Tài nhờ chú Hai mang rượu Pháp đến mời và đãi họ ăn. Mình hết sức năn nỉ ông phó trưởng trại, nhưng ông nói nếu muốn vào thì phải trở về Bangkok cách đó 300 cây số để xin giấy phép. Vừa đãi họ ăn uống vừa năn nỉ đến 8.30 giờ tối, không được mọi người đành ra về. Điều an ủi là mình đã chuyển được một số quà cho đồng đạo và sách dạy Việt ngữ của thầy Thích Thiện Dũng.

Cách đó một hôm, mình đã đến trại Phanat Nikhom Chonbury, phía Nam Bangkok, viếng thăm hai Ban Đại Diện Phật Giáo Hòa Hảo trại O và S2. Vào các trại này dễ dàng hơn nhờ xin giấy phép tại tòa tỉnh Chonbury. Giấy phép cho mình thăm hai ông Phan Bá Bách, cố vấn Ban Đại Diện trại O và ông Nguyễn văn Hai, Trưởng Ban Đại Diện trại S2. Nhờ chú Hai lo lót nên mình được gặp thêm ông Nguyễn văn Rao hội trưởng và ông Đoàn Văn Có cố vấn. Hôm đó ông Có vừa mới bị tai nạn ở nhà thương ra còn rất xanh xao, băng một mắt vì bị dây chì gai móc. Cũng nhờ có rượu, thuốc lá và bia nên có lính gác cổng đi rước các ông ra bằng xe Honda.

Các đồng đạo rất muốn mời mình vào hội quán mà không được phép nên đề nghị mình đợi ban đêm mặc quần áo của người trong trại rồi theo xe chở thức ăn lẽn vào. Mình cũng rất muốn nhưng vì đau nhiều phải trở lại Bangkok khám bệnh ở nhà thương Paolo và tu bổ xe để chuẩn bị đi trại Sikiew cách đó 300 cây số. Khi anh Bách đối thoại bằng tiếng Thái Lan, mình nghe rất lạ tai. Có lẽ chưa có người xứ nào nói được nhiều thứ tiếng như người Việt Nam.
Hiện nay các đồng đạo đã di chuyển về Sikiew và phần nhiều bị rớt thanh lọc, mặc dù là cựu sĩ quan ở tù cải tạo nhiều năm. Nhiều người có cha là chức sắc cao cấp của giáo hội bị cộng sản xử tử hình hay chết trong tù như bác Phan Bá Cầm, ba của anh Phan Bá Bách.

Mình tiếc không đi viếng các trại tị nạn ở Hồng Kông như dự trù vì bác sĩ bệnh viện Paolo khuyên nên trở về Mỹ ngay. Bù lại mình được thăm Trung Tâm Quốc Tế Cứu Viện (là trại xúc tiến định cư cho người tị nạn Việt Nam) tại Nhật Bản khi máy bay dừng lại phi trường Narita mười mấy tiếng. Hôm đó Đỗ Thông Minh ra dón hai đứa về nhà ở Tokyo ăn phở gà. Trung tâm tạp hóa và dịch vụ Mêkông của Minh nhỏ chỉ độ 64 thước vuông mà vừa là nhà của hai vợ chồng và ba đứa con, vừa là nơi trữ thực phẩm Á Đông, cũng như đủ loại sách báo băng nhạc cassettes, video. Minh biên soạn và tự xuất bản Bảng Thường Dụng Hán Tự bằng tiếng Việt và tiếng Anh và các tự điển học chữ Hán, Nhật-Việt, Việt-Nhật..., thực hiện mẫu tự Hán-Nôm trên máy điện toán Desktop Publishing. Lúc mình ghé thăm, Minh đang soạn quyển "Tin Học Tổng Hợp" (đối chiếu 30,000 thuật ngữ Anh-Việt của bốn ngành Điện Khí - Điện Tử - Điện Toán - Điện Thông...). Mình nhận thấy việc làm của Minh hết sức cần thiết, sau này giới kỹ thuật gia trẻ về nước từ nhiều quốc gia cần có những thuật ngữ chung để sử dụng mới dễ truyền bá và làm việc chung với nhau được.

Vợ chồng Minh nói đời sống ở Nhật rất đắt đỏ, nhất là nhà cửa. Minh làm thịện nguyện từ ngày mất nước cho người Việt tị nạn tại Nhật nên dắt mình vào trại dễ dàng. Đời sống của đồng bào tại trại tị nạn này tương đối thoải mái hơn các nơi khác vì họ được lo cho ăn, học, phòng ngủ nhỏ có tivi, quạt máy đầy đủ, học xong được giới thiệu ra đi làm. Tuy nhiên vấn dề khó khăn nhất của họ là ngôn ngữ vì tiếng Nhật viết mẫu tự riêng là Hiragana và Katakana, ngoài ra còn có thêm chữ Hán nữa. Lúc đi ngang các lớp học, nhìn khuôn mặt kém vui của các học viên và bài học viết chi chít trên bảng, mình thấy thương cảm họ vô cùng.

Trước khi từ giã trại tị nạn để trở lại phi trường về Mỹ, mình cám ơn ông Kazuo Fujii, Phó Trại Trưởng cũng như ban điều hành đã đối xử tốt với người tị nạn Việt Nam tại Nhật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880