BẢN TIN TỊ NẠN

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 12981)
BẢN TIN TỊ NẠN

Mission Viejo, 3-6-1992

Thời gian ngừng lại nếu mình muốn. Thời gian, không gian của mình, nếu mình muốn. Vạn vật gần mình, và mình sống một mình, nếu mình muốn. Cái muốn có thể làm mình hạnh phúc, đau khổ, tùy thuộc vào chiều hướng xuất phát của nó. Cái muốn đó bắt nguồn từ hạt nhân. Nếu tâm ta trống không thì hạt nhân cũng không có. Khi ta vô tâm thì không sướng cũng không khổ. Lúc đó ta thật sự bình yên, tự tại, tuyệt vời, không bút mực nào tả được!

Con người chỉ khổ khi đời sống tâm linh và vật chất không hòa hợp, trộn lẫn và uyển chuyển. Nếu ta không biết lúc nào sống tâm linh và lúc nào phải sống vật chất, thì sẽ gặp xáo trộn, dằn vặt, đau khổ. Muốn sống quân bình ta không nên xem nặng vật chất, hoặc cũng không quá chú trọng về tâm linh. Phải hiểu cả hai phương diện tâm linh và vật chất đều giúp cho mình có một cuộc sống "đáng sống". Ý chí muốn qua sông phải cần có một chiếc thuyền. Làm sao để phối hợp tâm linh và vật chất là một và giúp mình đạt được mục đích hữu ích cho mình, cho tha nhân và quê hương.


Mission Viejo, 5-6-1992

Một con sâu có đủ khả năng làm rầu nồi canh hay cả bữa tiệc, nhưng "một cánh én không làm nổi mùa xuân".
Rốt cuộc qua bao nhiêu vật đổi sao dời, rày đây, mai đó. Lấy thêm mấy cái bằng cấp, nói thêm mấy ngôn ngữ rồi chỉ nhìn sự đau khổ của đồng bào, dân tộc mình và thở dài bó tay. Có thể nào vận nước mình cứ mãi như thế này, chỉ toàn là rên siết, nghèo đói, thất học. Có những kẻ đang bước vào đường cùng và lại có những "con người Việt Nam" chạy ra nước ngoài tị nạn rồi, bây giờ lại đem tiền về nước ăn trên ngồi trước, qua các bữa tiệc linh đình, hay hưởng thụ các thú vui xác thịt...

Nhìn những lá thơ lén gửi từ trại tị nạn Hồng Kông do Tường Thắng trao, mình buồn quá chưa dám đọc, chỉ đọc những lời ghi chú của Thắng trên mỗi lá thơ.

"Chị Mai, thơ của vợ anh Đỗ Văn Đua từ trại giam Nei Kiu Châu gởi cho em cầu cứu. Xin chị đọc lại báo Việt Nam Hải Ngoại số 246, 247. Em có gặp anh Đua lúc qua Hồng Kông. Bây giờ họ rất sợ về Việt Nam sẽ bị trả thù".
Hoặc: "Chị Mai, chị đọc xong cho em biết ý kiến. Em cũng chưa biết mình sẽ làm gì để nâng tinh thần họ, trong khi ngoài này nhiều người lo cắn xé nhau chỉ vì một tí hư danh huyền ảo. Mong điện thoại của chị".
"Tình hình tuyệt thực tại trại Chi Ma Wan"; "Danh sách tuyệt thực của trại giam Chi Ma Wan"; "Lá thư cầu cứu của anh Phan Kế Thiện từ trại giam Chi Ma Wan".

Trong các đợt đầu đồng bào tị nạn tại trại cấm Hồng Kông bị cưỡng bách hồi hương, các cô cởi quần áo chống trả, bị cảnh sát quấn mền, bấm huyệt, đem đi. Tường Thắng và Nguyễn Phương Minh trao cho mình cuốn băng cassette của Uỷ Ban Chống Cưỡng Bách Hồi Hương thu trong trại Hồng Kông, mình bị căng thẳng thần kinh cả tuần. Mình phải để tinh thần dịu lại rồi mới bắt đầu làm việc. Mình viết ba bài báo về những việc xảy ra ở trại Bạc Đầu (Whitehead) rất cặn kẽ, rửa hình gởi đi mấy chục tờ báo khắp nơi và đưa lên đài truyền hình Little Saigon, rồi tường thuật các buổi truyền hình này trên báo. Sau đó, mọi việc... cũng chìm vào yên lặng, mặc dù lúc đến thành phố New York, mình cũng thấy cộng đồng Việt Nam nơi đó biểu tình, căng biểu ngữ chống cưỡng bách hồi hương trước trụ sở Liên Hiệp Quốc. Bà Hồng Liên, Tổng Thư Ký Cộng Đồng Người Việt tại New York, có đưa mình xem thơ các dân biểu mà bà vận động trả lời. Họ hứa sẽ lên tiếng v.v...

Một đài truyền hình Việt Nam tại Quận Cam, Cali, lại loan truyền tin tức cổ võ việc cưỡng bách hồi hương, hoặc trình chiếu những buổi phỏng vấn những người tị nạn hồi hương "có chọn lựa" tại Hà Nội, để mọi thuận lợi hướng về chánh sách của Anh Quốc và Hồng Kông. Thắng bảo có thể hẹn cho bên trại nói chuyện điện thoại thẳng với mình và Thắng cho muợn máy để thu thanh lại đưa lên truyền hình. Chi phí nói chuyện nửa giờ mất 30 đô la. Vấn đề chính là sau buổi nói chuyện đó mình sẽ làm gì được cho họ?

Thắng cho hay ngày 18-5-92, đồng bào tị nạn trại Chi Ma Wan đồng loạt biểu tình, cạo đầu, tuyệt thực. Trong 30 người có 10 người ngất xỉu, bị đưa đi nhà thương, rồi sau đó bị đưa luôn vào nhà thương điên. Tại trại Whitehead, nơi có 10 phân trại cũng đồng loạt biểu tình, mong được bên ngoài yểm trợ. Trại Nei Kiu Châu bị đóng cửa, mọi người bị chuyển qua Thanh Châu. Đây là trại chứa những người bị cưỡng bách hồi hương chuẩn bị lên máy bay. Ngày 12-5-1992, Anh Quốc và Hà Nội đã ký thỏa ước về việc trao trả tất cả người Việt tị nạn về nước trong vòng ba năm, kể từ tháng 6, mỗi tháng đưa về 1000 người.

Sáng sớm mình nhắn anh Trần Chí Trung nhờ anh chụp lại dùm hình trong trại để gởi cho các báo. Mình gọi cho Nga vợ bác sĩ Vũ Đình Minh, nhà văn Mai Kim Ngọc, hỏi ý kiến. Nga cho biết Ngọc, con của Nga, làm việc thiện nguyện tại Hồng Kông sắp trở về Mỹ, vì thất vọng không làm gì được để giúp đồng bào tị nạn. Nga nói Ngọc không lên truyền hình cho mình phỏng vấn được vì phải ký kết với Hồng Kông là sau khi trở về không được tiếp xúc với báo chí trong một khoảng thời gian. Nga nói con của ông T.M.T. sau khi về có viết phúc trình và đề nghị cải tiến nên bên Hồng Kông người làm thiện nguyện còn ở lại bị "đì".

Ngọc cho Nga biết là rất bất mãn khi đi thăm nuôi các em ở nhà thương mà không làm gì được. Các em bị đau thận đái dầm nên bị đánh đòn. Các em người Trung Hoa được ăn thức ăn ngon hơn. Khi Ngọc hỏi tại sao các em Việt Nam không được ăn cam, y tá bảo tại đau bao tử. Cô bèn lục hết hồ sơ, không thấy có ghi đau bao tử gì cả. Ngọc đi mét cấp trên, họ bảo im đi để lo "chuyện lớn". Cô bé sợ bị tuyệt vọng vì không giúp được các em nên trở về Mỹ. Chả bù cả năm mẹ kêu về hoài cũng không chịu về.

Nga bảo con gái được Đại Học Yale nhận và cô định năm thứ hai sẽ làm khảo luận về y tế Việt Nam nhưng sau chuyến đi về thăm quê hương, cô bảo với mẹ là khi nào thay đổi cô mới về, vì không thể nào làm việc với những người hối lộ, nói dóc, nói láo như vậy được. Cô và các người Pháp, Mỹ đi cùng nhóm về An Giang và bị làm tiền dù có đưa giấy tờ, tài liệu gì cán bộ cũng nhất định đòi tiền. Cô nàng quyết định không học bác sĩ như bố nữa mà theo ngành y tế cộng đồng. Mấy cô như vậy có lẽ sẽ giúp được đất nước mình hơn.

Mình lại có một quyết định bất ngờ khi nói chuyện điện thoại với Tường Thắng. Mình đề nghị làm một Bản Tin Tị Nạn. Mình dặn Thắng mang thêm địa chỉ các báo đến nhà mình vào chủ nhật để bổ túc với các địa chỉ mình đã có, lập danh sách để gởi các bản tin vì người tị nạn tại Hồng Kông bị cưỡng bách trong thời gian dài ba năm. Ngoài ra còn có tin tức các trại khác ở Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương v.v...

Mình định làm bản tin, có tên và địa chỉ đàng hoàng và phát hành gởi các báo cho họ cắt ra trình bày, khỏi đánh máy lại. Mình đề nghị lúc đầu có hai chị em nhưng sau đó sẽ mời những người có ưu tư đối với người tị nạn vào nhóm như Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Quốc Lân, Tống Nhiệm, Đinh Quang Anh Thái, Bùi Văn Phú v.v... Hai chị em xuất tiền túi, rồi dần dần gây quỹ sau (chắc còn lâu lắm mới đến việc này).

Mission Viejo, 9-6-1992

Nếu sự đau khổ, tuyệt vọng tận cùng của người trong trại tị nạn là để xoay chuyển vận mệnh đất nước thì sự hy sinh đó rất xứng đáng.

Mấy hôm nay mình cảm thấy đau trong người như bị ai đánh. Tuy nhiên hôm qua mình cũng lên đài truyền hình Little Saigon, mang hình đồng bào Hồng Kông tuyệt thực, cạo đầu, ngất xỉu cho Hoan quay và viết được bản tin ngắn tóm lược. Hoan muốn bài viết ngắn cũng tốt, chớ nếu muốn dài mình cũng không viết nổi vì buồn quá.

Cũng y như lần trước lúc nhận được tài liệu và cuộn băng của Uỷ Ban Chống Cưỡng Bách Hồi Hương, mình nghe, ghi chép, sang băng lại mà trong người mệt mỏi, thần kinh căng thẳng, phải nghỉ ngơi để thần kinh giãn ra.

Hôm qua đến nhà in ABC đưa hình cho anh Đinh Quang Anh Thái in. Thế là sau buổi gặp gỡ hôm chủ nhật với các anh ấy mình lại có thêm người giúp một tay để phổ biến tin người tị nạn. Mình định số đầu tiên Tường Thắng viết lá thơ nói lý do làm bản tin, mình tường trình về vụ tuyệt thực cạo đầu ở Hồng Kông, đăng thêm một bài về trại tị nạn Sikiew, và một lá thơ từ Hà Nội của người bị cưỡng bách hồi hương. Theo lá thư này, tình trạng của người bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam không tốt đẹp giống như họ đưa lên truyền hình Việt Nam tại địa phương. Chiều nay mình đưa bài cho anh Nguyễn Gia Hòa đánh máy, trình bày để làm bản tin và lấy một số hình anh Thái đã in, đưa các báo Người Việt, Diễn Đàn Chủ Nhật, Thời Báo, Thời Luận, Việt Nam Tự Do v.v...

Sáng nay, sau khi tắm nước thật nóng cho tỉnh người và cúng lạy cầu nguyện ơn trên hướng dẫn cho mọi việc làm có ích cho tha nhân, dân tộc, mình mong rằng có đủ tinh thần và khả năng để viết.


Mission Viejo, 10-6-1992

Nhìn theo khía cạnh đời sống của Hoa Kỳ, mình là một người hoàn toàn không thích hợp với xã hội này. Mình không bương chải, lanh lẹ, không biết đối phó về mặt lương bổng, tiền bạc, làm việc. Anh ngữ không lưu loát vì mình cứ quanh quẩn với những sinh hoạt của người Việt; và phần lớn mình làm những việc không mang lại tài chánh hầu nâng cao đời sống vật chất của gia đình. Mặc dầu đã cố gắng, xem ra mình vẫn không đúng mẫu mực của người đàn bà trong xã hội văn minh khoa học.

Hôm qua, khi đi ngang qua đài truyền hình Little Saigon, tự dưng mình ghé thăm, đúng vào lúc Quỳnh Trang chuẩn bị phỏng vấn bà Christina Noble. Mình ngồi nghe bà nói chuyện mà cảm thấy xấu hổ và cảm động đến chảy nước mắt. Bà nói về cảm nghĩ của bà đối với trẻ em Việt Nam. Bà đã mang các em bé tật nguyền, bịnh hoạn, dơ bẩn về Trung Tâm của bà tại Sài Gòn để tắm rửa, cho ăn, săn sóc, dạy đọc và viết. Đinh Xuân Thái bảo hôm về Việt Nam gặp bà ngồi ăn hàng bên lề đường. Bà bảo lúc đầu còn đau bụng, nhưng sau ai ăn cái gì, bà ăn cái nấy mà không sao cả.

Tối qua Nga, vợ bác sĩ Minh, cũng kể cho mình là đi ăn trưa với bà ở quán Bình Minh. Bà nói thức ăn nhiều quá nếu còn dư thì cho bà mang về phòng ngủ ăn, đừng bỏ có tội, ở Việt Nam nhiều trẻ con không có thức ăn.

Lúc phỏng vấn, Trang hỏi tại sao có nhiều trẻ con trên thế giới cũng đói và nghèo mà bà lại giúp các em bé Việt Nam. Bà Noble bảo, năm 1971, bà có một giấc mơ rất huyền bí. Bà thấy có nhiều đứa bé Việt nam chạy lại, kêu gọi bà giúp đỡ. Bà nói rất khó giải thích và cho đó là định mệnh và Thượng Đế đã chọn bà làm những công việc này. Một người đàn bà Ái Nhĩ Lan đã làm được những việc cụ thể để giúp cho các trẻ em Việt Nam. Còn mình là người Việt Nam, mình làm được gì hay chỉ là những bài báo xuông, hoặc những chương trình phỏng vấn hay tường thuật trên truyền hình? Độc giả hay khán giả đọc qua, xem qua bất quá thở dài, chép miệng, rồi sao nữa?

Thường thường những người khổ mới cảm nhận được cái khổ của người khác. Christina Noble, người đàn bà tóc vàng mà trẻ con Việt Nam gọi là "Mamatina", mồ côi mẹ từ lúc lên 10, ba nghiện rượu. Sáu chị em bà phải vào nơi giữ trẻ vì ba của bà không có tiền trả tiền nhà. Bà bị một người bà con cưỡng dâm đến đỗi phải bỏ nhà, ra ngủ ngoài công viên và đi xin thức ăn. Sau đó lại bị hiếp dâm và mất con... Mình tôn trọng sự thành thật của bà. Bà đã can đảm nói hết sự thật về cuộc đời mình, những điều mà những người đàn bà khác thường hay che dấu. Bà dùng câu chuyện đời mình để kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người giúp trẻ em Việt Nam. Bà hay Mẹ Teresa là những vị Phật tại thế.

Người Việt Nam tị nạn, cam chịu nhiều đau khổ đắng cay, mất của cải, mất người thân, mất cả quê hương, có nghĩ rằng sẽ làm gì, để giúp đất nước đồng bào của chính mình chăng?


Mission Viejo, 11-6-1992

Đối với thiên nhiên, sau cơn bão luôn luôn phải qua một chu kỳ chuyển động, rồi mới trở lại trạng thái bình thường. Nhưng đối với con người thì sao? Con người, sau lúc bị xáo trộn, thường cũng phải trải qua những biến chuyển tâm hồn thể xác, rồi mới trở lại trạng thái quân bình.

Phải chăng con người có thể khác với thiên nhiên, tức quân bình trong chốc lát hoặc chuyển đổi theo ý muốn của mình? Muốn được như vậy, phải làm sao?

Con người, nếu muốn chuyển từ thể động qua thể tịnh, phải biết chính mình. Biết mình và theo dõi mình qua mọi trạng thái. Đừng thất vọng và tuyệt vọng khi thấy những lúc mình quá "con người" đầy sân, si, hỉ, nộ, ái, ố. Biết con người và mọi bản tánh của mình, cho dù nó nhỏ nhặt, yếu đuối, hèn nhát, ganh tị. Mình phải chấp nhận nó với lòng ước muốn đổi thay, cải sửa. Đừng nản lòng khi thấy mình cứ trở đi, trở lại với bản chất "quá con người" ấy, vì không có nó mình lại không "là người".

Con người thật sự chỉ đau khổ khi không chấp nhận cái bản chất "người" của mình. Đôi khi mình sung sướng vì tưởng đã thoát được những cái rất người đó, vì mình cho nó xấu còn mình đang thoát tục. Sự sung sướng càng nhiều, càng lâu thì sự đau khổ cũng gia tăng khi một lúc nào đó vỡ lẽ ra cái "con người rất người của mình". Mọi bản chất, tánh xấu mà mình che dấu trong sâu thẳm tâm hồn càng được đưa ra ánh sáng một cách dũng cảm hay hồn nhiên càng nhiều, càng hóa giải được mọi khúc mắc của tâm hồn và đời sống của mình.

Con người càng đem hết mọi u uẩn, khúc mắc của mình ra xem xét, phân tách, sửa đổi, biết nó tường tận thì mọi cơn đau, mọi vết thương hằn sâu trong ngõ ngách tâm hồn càng được xoa dịu, hàn gắn. Cũng như mọi bùn nhơ trong đáy hồ được khuấy động rồi mới có thể được lược sạch. Lúc đó nước trong hồ mới thật sự trong veo, chớ không phải trong sạch trên mặt mà cặn bã lắng chìm sâu dưới đáy nước. Nếu nước trong hồ không được lược sạch thì bất cứ lúc nào và mãi mãi nước sẽ đục mỗi khi bị khuấy động.

Vận nước có bi quan hay lạc quan là tùy theo tầm nhìn của mình. Nếu nhìn vào sân khấu của các cộng đồng, mình sẽ tuyệt vọng vì cứ thấy những bài bản, màn tuồng, lớp lang cứ mãi được hát đi hát lại. Khi đổi hướng nhìn lạc quan, chúng ta sẽ nhận ra những việc làm âm thầm, hy sinh, không mệt mỏi của nhiều người suốt 17 năm qua. Nếu có những kẻ ôm xa hoa vật chất làm chất liệu cho đời sống, quên cả dĩ vãng, nguồn gốc, thì cũng có những kẻ nhìn cảnh sống chung quanh mà cảm thấy đó không phải của mình, không phải là những gì mình tìm kiếm...

Năm rồi khi đọc một đoạn trong quyển Future Mind của Jerome Clayton Glenn, niềm hy vọng dấy lên trong lòng mình. Tác giả viết: "According to Plato’s Republic, Socrates thought the City could be understood as the individual written large. In that vein, if an individual can experience enlightenment, why not a city? a nation? or a species".

Niềm hy vọng của mình phải được lớn mạnh khi thay đổi cách nhìn và hướng nhìn, để có thể nhận thấy có nhiều người cùng mang mối ưu tư xây dựng dân tộc. Những người có cùng một hướng đi càng tiến lại gần nhau, càng kết hợp, càng có sức mạnh, để làm đà phát triển đẩy nhanh sự xoay chiều của vận nước.


Mission Viejo, 12-6-1992

Sáng qua trước khi đi học, Cường chạy lại ngồi cạnh mình. Mình vuốt mái tóc còn ướt của con, tình thương tràn ngập. Con mình còn vô tư, ngây thơ quá, không biết khổ là gì. Từ ngày ra đời cho đến giờ, chưa biết đau buồn, đắng cay, chưa biết nhìn đời mà tim thắt ruột đau, cũng chưa biết nhìn người mà lòng chán ngán.
Hai ý muốn đến cùng một lúc với mình. Một đàng là tình thương con, muốn bảo bọc cho nó được trọn vẹn sung sướng, cả tinh thần lẫn vật chất, một đàng muốn cho con biết khổ để hiểu đạo và giác ngộ. Con người có khổ đau mới thức tỉnh, vậy mình có muốn con mình gặp cảnh khổ không, hay vì nó là con mình mà mình chỉ muốn ấp ủ và thương yêu bảo bọc nó?
Hôm qua mình nhận được tài liệu của ông Nguyễn Đình Hữu, Giám Đốc Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tị Nạn Không Cha Mẹ, với một cuộn phim video quay hình ảnh các em bé tị nạn mồ côi. Buổi chiều, trong lúc đi bộ trước giờ cơm, mình nói về ý muốn đi trại tị nạn với Tài. Hình như hai vợ chồng đã trở nên đôi bạn từ lúc nào. Mỗi buổi chiều hai đứa đều thảo luận mọi vấn đề và trao đổi mọi suy nghĩ, ý tưởng, ý muốn. Anh khuyên mình nên biết mình "đang đứng ở đâu", "đang làm gì" và "tiến tới mục đích" nào?
Mình bảo, mình chỉ giới hạn vai trò của mình trong phạm vi một nhà báo, có một "mục đích nhỏ" là phổ biến tin tức về người tị nạn. Mình giới hạn để tránh thất vọng. Nếu ai cũng nghĩ không làm được gì để giúp người tị nạn, thì không ai sẽ làm gì cả. Người trong trại viết thơ ra và lá thơ đến tay mình, nó trở nên một bản tin để gởi khắp nơi. Vậy biết đâu sẽ có một người nào đó đọc được bản tin, rồi họ sẽ làm được một cái gì. Cũng như bà Christina Noble, bỏ hết nhà của ở Anh để qua Việt Nam với một trái tim, và nhờ trái tim đó bà đã giúp cho bao nhiêu đứa trẻ sống lăn lóc ở các vỉa hè. Có được bao nhiêu bà mẹ Việt Nam thương yêu trẻ em mồ côi Việt Nam như bà Noble? Nhìn ảnh bà bế em bé Việt Nam cụt hai chân, đăng trên nhật báo Los Angeles Times, nước mắt bà chảy ướt cả mặt. Bà không cần nói nhiều, hành động của bà đã nói lên tất cả.
Mình phải khổ mới hiểu được cái khổ của người khác. Khi thấy các con phung phí, mình giận quá, ước muốn cho chúng nó phải trải qua một cuộc sống cam go, phải vượt biển, đói khổ như các thuyền nhân, để biết giá trị của "sự sống", của hột cơm, miếng nước. Người ta không thể học hỏi thấm thía, qua cái đau, cái đói của người khác.
Nhiều khi, mình đau buồn vì thấy những kẻ đã có lần lầm than, dở sống dở chết, bây giờ huênh hoang, tự mãn, hưởng thụ nơi xứ người. Khi đổi tầm nhìn qua khía cạnh lạc quan, mình thấy Việt Nam là một tu viện khổng lồ và trong đó biết bao nhiêu người đã giác ngộ. Một quốc gia có nhiều người giác ngộ như vậy là một đại phước cho dân tộc sau này. Tại hải ngoại có nhiều gia đình để con cái hư hỏng, nhưng cũng có biết bao người hy sinh cho con có cơ hội học hỏi, nên người.
Mỗi người dân Việt Nam yêu quê hương đều tranh đấu tùy theo cảnh ngộ và môi trường của mình. Có điều rõ rệt là những người bị tuyệt vọng vì mất tự do sẽ là những người đòi hỏi tự do dân chủ hơn hết. Đó là những người bị khước từ quyền tị nạn. Họ bị đối xử như những người "đã mất quyền làm người". Thường thường người ta chỉ tranh đấu cho đời sống và mạng sống "chính mình" chứ ít ai tranh đấu thật sự cho mạng sống "người khác". Dù thật tâm, người ta cũng không thể hết lòng khi nợ cơm áo vây quanh. Sự tranh đấu cho lý tưởng phải triền miên chớ không thể chỉ đôi ba giờ vào ngày cuối tuần trong những bữa tiệc thịnh soạn. Sự tranh đấu không thể là những ánh nến lập lòe mà phải là ngọn đuốc phừng phực cháy càng lúc càng mạnh, càng lúc càng sáng.


Mission Viejo, 15-6-1992

"To Be or Not To Be", câu nói của Shakespeare mà mình đã nghe lặp đi lặp lại trong phim Star Trek VI, The Undiscovred Country. Thật sự là phải như vậy. Phải có sự chọn lựa, một là đi đường chánh, hai là đi đường tà, chứ không thể vừa chánh, lại vừa tà. Một là cộng sản, hai là "không cộng sản", chứ không thể vừa theo bên này rồi núp lén bắt tay với bên kia, để bên nào thắng mình cũng hưởng lợi.

Chúng ta phải chọn một con đường nhằm đưa dân tộc thoát khổ. Hôm qua, Đại Lễ 18-5, có một không khí đặc biệt, nhất là lúc chị Cao Thị Huệ diễn ngâm Sấm Giảng của Đức Thầy. Đồng đạo cúi đầu lộ vẻ xúc động, nhất là những đồng đạo mới qua Mỹ, đã mười mấy năm họ không được cử hành hay tham dự Đại Lễ tại Thánh Địa Phật Giáo Hòa Hảo.
Nhớ ngày nào ở quê nhà ghe thuyền tấp nập chở bầu, bí về Thánh Địa. Những chiếc đò, chiếc bắc đều đưa rước đồng đạo miễn phí. Đồng đạo kẻ đi lên chợ, người xuống chùa tấp nập. Không khí đông đảo náo nhiệt, đượm tình thương và đạo hạnh. Tiếng Sấm Giảng ngân vang khắp mười mấy tỉnh ở Miền Tây. Các tỉnh, quận, xã, ấp đều rộ cờ vàng ba sọc đỏ và cờ đà. Nơi nào cũng dựng cổng mừng đại lễ Khai Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Ngày đó rồi phải đến. Không khí đạo hạnh không những sẽ nở rộ lại khắp các tỉnh miền Tây mà phải được phát triển nơi nơi, vì đây là nền đạo lấy giáo lý Phật Giáo làm kim chỉ nam và tình yêu quê hương dân tộc làm nền tảng xây dựng con người. Người Việt Nam phải tranh đấu cho tự do độc lập xứ sở quê hương mình. Dù ở bất cứ nơi nào, chúng ta cũng phải giữ nguồn gốc của mình. Nguồn gốc có vững mạnh, người của dân tộc đó mới nẩy mầm phát triển tốt đẹp được.


Mission Viejo, 16-6-1992

Chưa kịp viết bản tin về Mã Lai và Sikiew, mình lại nhận được các thơ từ Hồng Kông của các trại Whitehead và Nei Kiw Châu. Anh Hòa hứa mỗi kỳ phát hành Bản Tin Tị Nạn anh giúp in 4 trang, mình tự hỏi làm sao có thể đăng đầy đủ mọi chi tiết trong 4 trang ấy. Bài của Bình Minh hay đồng đạo Nguyễn Văn Nho, Cố Vấn Ban Đại Diện PGHH trại Sikiew dài 8 trang viết tay, hai tâm thư của Trương Hồng Sơn và Uỷ Ban Tranh Đấu Bảo Vệ Nhân Quyền tại Mã Lai, dài 8 trang, rồi thêm thư của đồng bào Hồng Kông và ông Lê Bình, Hội Văn Bút Tị Nạn tại Whitehead nữa.

Đêm qua mình viết bản tin về Đại Lễ Kỷ Niệm 53 năm Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo để gởi đi 13 tờ báo và đài phát thanh BBC Luân Đôn. Mình tường thuật những chi tiết từ bài báo An Giang ngày 23-11-89 của cộng sản, nói đến ba mẹ và các đồng đạo. Bài báo tựa đề "Hoạt động phá hoại của những kẻ đội lốt Phật Giáo Hòa Hảo từ giải phóng đến nay". Theo tờ báo của cơ quan đảng bộ cộng sản tỉnh An Giang cho biết, cộng sản đã giải tán toàn bộ hệ thống tổ chức đạo, hành chánh, và chánh trị của Phật Giáo Hòa Hảo. Họ đã bắt hàng ngàn tín đồ đã vào mật khu chống chánh quyền cộng sản và tịch thu đạn dược, vũ khí, tài liệu. Cũng theo tờ này, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã lập ra các tổ chức với danh xưng Mặt Trận Cứu Nguy Dân tộc, Thanh Long Phục Quốc, Mặt Trận Liên Bang Đông Dương v.v... Bài báo trên cũng cho biết riêng năm 1989, cộng sản địa phương đã tịch thu 232 băng ghi âm thi văn giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, 12 máy cassettes, và họ cấm tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức Đại Lễ 18-5 tại Tổ Đình. Hàng ngàn Độc Giảng Đường bị phá hủy hay bị tịch thu để trở thành các văn phòng của chánh quyền cộng sản địa phương.
Theo tài liệu của Văn Phòng Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại, từ tháng tư năm 1975, chánh quyền cộng sản Việt Nam đã giải tán toàn bộ Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại Việt Nam gồm Ban Trị Sự Trung Ương, 28 Ban Trị Sự cấp tỉnh, 82 Ban Trị Sự cấp quận, 476 Ban Trị Sự cấp xã và 3100 Ban Trị Sự cấp ấp. Các cơ sở bị tịch thu gồm văn phòng Hội Quán Trung Ương tại Thánh Địa Hòa Hảo và trụ sở tại đường Bùi Thị Xuân, Sài Gòn, 28 tu viện, chùa, trung tâm Phổ thông Giáo Lý, 4168 Độc Giảng Đường, 452 Hội trường, 2876 văn phòng Hội Quán tỉnh, quận, xã, ấp.

Số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bị cấm hoạt động gồm: 36.500 trị sự viên các cấp, 2.700 cán bộ phổ thông giáo lý, 6.000 độc giảng viên. Những người này bị theo dõi sau thời gian tù cải tạo. Các tín đồ hoàn toàn không được cử hành lễ đạo tại Thánh Địa cũng như tại các địa phương khác.

Các chức sắc bị cộng sản xử tử hình sau 30-4-1975 như Nguyễn Văn Phụng, Nguyễn Đê tức Cò Đê, Huỳnh Văn Lầu, Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Văn Khiết, Nguyễn văn Oanh, Lê Chơn Tình, Nguyễn văn Cội, Nguyễn văn Ba, Nguyễn văn Út, Tô Bá Hộ, và Nguyễn Thành Long bị cộng sản bẻ cổ chết tươi. Riêng ông Trương Minh Ký bị đâm bằng dao găm trong nhà tù. Ngoài ra ông Phan Bá Cầm, Tổng Bí Thơ Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng bị tra tấn và chết trong tù. Khi được chở về nhà thì xác ông bị bầm đen nhiều chỗ. Hiện nay còn rất nhiều đồng đạo đang bị án chung thân như Nguyễn văn Đấu, Nguyễn văn Hùng, Nguyễn văn Trân, Nguyễn văn Dũng, Toản (con ông Biện Đài) v.v...

Mình phát hành Bản Tin Tị Nạn và bận rộn cộng tác với đài truyền hình Little Saigon, lo báo Đuốc Từ Bi, nên đã khá lâu không liên lạc với các Ban Đại Diện Phật Giáo Hòa Hảo tại các trại. Theo thơ của quý vị đại diện Phật Giáo Hòa Hảo trong trại cho hay, hiện tại các sách báo hải ngoại bị cấm vì họ phát các sách báo của cộng sản để tuyên truyền khuyến khích đồng bào hồi hương. Nhà cầm quyền Việt Nam tham tiền của cộng đồng Âu Châu mà bức hiếp đồng bào trở về với chế độ của họ. Họ không ngờ đó là tai họa mà họ phải trả. Qua các thơ đồng đạo và đồng bào, họ hết sức uất hận và khối người Việt Nam tại các trại tị nạn sẽ là một sức mạnh chống chế độ bức hiếp họ tới đường cùng. Qua thơ từ Hồng Kông, kỳ này có nhiều người tị nạn lại tự tử bằng cách mổ bụng và uống thuốc độc. Trên bàn thờ của Ủy Ban Tranh Đấu Cho Tự Do Nhân Quyền tại Mã Lai treo lá cờ đẫm máu của người tị nạn đã rạch bụng để chống lại việc cưỡng bức hồi hương. Những cơ quan ngôn luận hay giới thông tin Việt Nam, cá nhân hay tập thể, vì lợi lộc riêng tư mà hỗ trợ cho việc ức hiếp đồng bào, sẽ phải trả lời trước lịch sử dân tộc, và những linh hồn đã bị bức tử vì yêu chuộng tự do.

Những kẻ mượn thời cơ tiến thân, tìm lợi lộc cho mình mà trở cờ hay đi đêm với chế độ vô thần Việt Nam, sẽ thân bại danh liệt và xấu hổ với con cháu mình, dù cho họ có ra công xây đắp danh vọng, địa vị bấy lâu.
Tất cả hiện ra như một bàn cờ trước mắt mình. Những việc gì cần phải thực hiện dù có quá nhiều trở ngại. Mình biết những việc làm như ra Bản Tin Tị Nạn rất khó khăn trong lúc phong trào giúp người vượt biển đã chìm và người tị nạn bị bắt buộc về Việt Nam vì không có quốc gia nào khác nhận, hay vì Anh Quốc và Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên cũng không vì thế mà mình nản chí hay bỏ cuộc.

Người ta thường cho rằng "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", nên muốn làm việc gì cho thành công phải có đủ 3 yếu tố đó. Hiện nay có nhiều người thất bại vì "hồ hỡi", tưởng đã đến lúc nên "đi với nhà cầm quyền VN" để kịp nắm lấy thời cơ ăn trên ngồi trước, có chức vụ trong chánh quyền mới v.v... Vì vậy nên mới có nhiều người bị "đi tàu suốt". Cũng có người "không làm gì cả?" và rán đợi cho đủ 3 yếu tố trên mới xuất hiện.

Vậy "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" thật ra là gì? Có ai biết được "thiên thời" là gì không, và làm sao biết được thiên thời? Có thể phỏng đoán "thiên thời" bằng trí đời được không? Không tu học có biết không? Chắc chắn là không.
Muốn biết thiên thời phải được sự hướng dẫn của thiêng liêng. Muốn được sự hướng dẫn của thiêng liêng, phải tu học, và hành đạo. Hành đạo vì tha nhân bất vụ lợi, chứ không phải hành đạo để đem danh lợi lại cho mình.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là ba yếu tố nhân thiên địa. Tức người muốn giúp đời phải sống trên mặt đất này, và học đủ ba cõi. Phải là người mới hiểu và giúp được người, nhưng cũng sẽ không làm được gì nếu không có sự hướng dẫn của Đấng Thiêng Liêng.

Người trần gian không thể biết được sự biến chuyển của thiên cơ mà chỉ biết được thời cơ. Thời cơ hữu hạn trong chốc lát rồi qua đi. Con người có thể thành công nếu tính đúng về mặt đời nhưng nhiều lúc sai về mặt đạo. Thiên cơ vô giới hạn và đi đúng con đường thiêng liêng đã định sẵn.

Con đường thiêng liêng nằm trong chu kỳ tiến hóa của nhân loại. Muốn biết được chu kỳ này để làm việc như thế nào phù hợp với nó, mà có thể đem lợi ích hạnh phúc cho nhân loại và vạn vật, phải sống với con người trong mỗi thời điểm, đồng thời cũng sống ngoài đời sống của con người, hội nhập với Đấng Thiêng Liêng, và tiến thoái nhịp nhàng với những chu kỳ ngắn hạn.

Những người sống trong mỗi chu kỳ ngắn hạn đó, làm việc tiếp nối từng thời kỳ để các chu kỳ ngắn hạn nối kết nhau, hòa hợp nhau, liên lạc, kếp nạp thành một chu kỳ dài hạn phù hợp với đà tiến hóa của con người và vũ trụ.


Mission Viejo, 17-6-1992

Vai trò báo chí tị nạn tại hải ngoại thật vô cùng quan trọng và cần thiết cho sự xây dựng lại Việt Nam. Hơn lúc nào hết người Việt Nam yêu chuộng tự do dân chủ cần lên tiếng để tranh đấu giải phóng đất nước khỏi chế độ vô thần đang đưa dân tộc đi đến họa diệt vong.

Nhà báo đem sự chuyên nghiệp của mình để phục vụ lý tưởng dân tộc rồi nới rộng ra là phục vụ nhân loại đi đến sự an lạc hòa bình. Người viết báo phải có lương tâm, phải trung thực, không phục vụ chính mình hay phe nhóm chế độ nào đi ngược lại với sự an lạc, hạnh phúc con người.

Nhà báo cũng không thể lấy lý do chuyên nghiệp để lồng vào những tin tức có lợi cho chế độ độc tài tại Việt Nam mà phải biết lọc lại những nguồn tin nào gây bất lợi cho sự phục vụ xây dựng quê hương. Phải luôn luôn ghi nhớ nhiệm vụ thiêng liêng của ngòi bút, của nghề nghiệp mà mình lựa chọn.

Chế độ vô thần tại Việt Nam chắc chắn sẽ thay đổi theo đà biến chuyển toàn cầu. Các cơ quan ngôn luận người Việt tại hải ngoại cần cổ xúy mạnh mẽ cho tự do dân chủ, cần hướng dẫn quần chúng biết thế nào là độc tài phi nhân, đi ngược lại quyền lợi dân tộc.

Trong nước có quá nhiều vấn đề phải được cấp thời cải tiến, sửa đổi, bổ khuyết về phương diện truyền thông, giáo dục lẫn chính trị, kinh tế, xã hội. Người dân Việt Nam cần thu ngắn thời gian học hỏi qua các phương tiện truyền hình hay báo chí để theo kịp đà tiến triển của nhân loại.

Người trong nước phải được phổ cập kiến thức văn minh nước ngoài. Người Việt hải ngoại cần hiểu biết hiện trạng của nước nhà, của người dân đang gặp những khó khăn gì, cần mình trợ giúp để cải tiến. Muốn phục vụ đất nước phải hy sinh, chịu khó, nhẫn nhục. Người Việt Nam trong quá khứ đã có biết bao tiền nhân hy sinh không những chính mạng sống mình, mà còn cả gia đình. Người ở hải ngoại không đói khổ, nếu phải hy sinh một chút sức lực và vật chất, có đáng là bao!


Mission Viejo, 18-6-1992

Phải chăng đường đạo đã nở hoa? Khi mình đi trại tị nạn Thái Lan về vào tháng 8 năm 1991, cây phát tài trong phòng khách của mình trổ hai nhánh, một nhánh có chín hoa và một nhánh bảy hoa. Hoa nở thơm lừng về đêm.

Đại lễ 18-5 năm nay được tổ chức vào ngày chủ nhật 14-6-1992 tại Trung Tâm Cao Niên gần Hội Quán. Đinh Xuân Thái có đến thu hình cho truyền hình Little Saigon. Mình mang hình ảnh đại lễ chụp bên nhà và hình Đức Thầy lên đài để thu vào chương trình. Tối hôm lễ, cây quỳnh nhà mình nở được ba đóa hoa trắng, và nở thêm vào các đêm sau, tất cả được mười cái thật đẹp. Ba năm trước, lúc gia đình chồng của mình qua đoàn tụ, cây quỳnh đã nở được tám hoa và các buồng cau trước nhà đậu trái chín vàng... Ngày Thịnh ra trường lại đúng vào ngày Đại Lễ 18-5, mình cầu nguyện cho Thịnh nên người và biết sống đạo đức.


Mission Viejo, 21-6-1992

Mình nhất định từ nay phải quan niệm nuôi con như nuôi một công dân Việt Nam, cho nó nên người và biết quê hương, biết nhiệm vụ phụng sự đất nước, chứ không nên buộc nó lệ thuộc mình, hay cần nó biết những gì mình làm hoặc hy sinh cho nó, nghĩa là mình hoàn toàn không mong ước nó phải đền đáp gì dù tinh thần hay vật chất. Có như vậy mình mới tĩnh tâm, tiếp tục con đường đã lựa chọn.

Mình không thể buộc con phải suy nghĩ như mình, hoặc phải đánh giá sự thành công của một con người bằng tinh thần như mình. Mỗi chủng tộc, mỗi môi trường xã hội có quy luật, và căn bản riêng để đánh giá con người. Không phải chỉ ở xã hội văn minh mà ngay cả ở bất cứ xã hội nào, sự thành công thường xuyên được đánh giá bằng chức vụ, hay hiện kim. Muốn định giá một con người cho đúng nghĩa, ta phải trưởng thành bằng tư tưởng, bằng hành trình của chính mình, bằng sự đập vỡ mình ra. Có đập vỡ mình, đánh giá về mình cho chính xác, mình mới biết đánh giá người khác.

Người biết mình làm gì, phải biết chấp nhận những phán đoán của người khác, dù đó là người thân hay chính con cái của mình. Một khi đã biết làm gì, bước đi của ta sẽ luôn luôn vững chắc, không bị lay chuyển để thay đổi theo chiều hướng của người khác vạch ra như thế nào mới thành công hay có giá trị đích thực trong xã hội.

Con đường đã vạch ra dù khó khăn sóng gió, đớn đau mình cũng phải nhận chịu mà tiến bước.

Mission Viejo, 22-6-1992

Sáng qua là buổi cầu nguyện cho mẹ giáo sư Nguyễn Thành Long, Chánh Thơ Ký Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại tại hội quán. Tài và mình có đem cuộn băng video thâu hôm lễ 18 tháng 5, và đoạn phóng sự do Thanh Thu, em mình làm xướng ngôn viên cho chương trình truyền hình Little Saigon TV. Ai cũng vui, nhất là thấy hình Đức Thầy xuất hiện trên màn ảnh và những lời tường thuật nói rõ giáo lý và đường lối Phật Giáo Hòa Hảo, nhất là sự hy sinh của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đối với đất nước.

Mình có đem sấp báo Người Việt và Việt Báo Kinh Tế của anh Trần Dạ Từ và chị Nhã Ca có hình Đức Thầy và quý vị trưởng lão đang làm lễ trước bàn thờ, đăng kèm với bài của cô bạn Lưu Kim Chi. Lưu Kim Chi viết rất hay, tóm lược mọi ý chính của các diễn giả và nói lên được giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo. Sau đó là buổi họp rút ưu khuyết điểm của buổi tổ chức, soạn thảo thơ cám ơn các giới truyền thông.

Năm nay, qua phương tiện truyền thông tín đồ khắp nơi được chiêm ngưỡng chân dung của Đức Thầy, có nhiều người sẽ cắt hình để thờ hay cất giữ. Những người không biết gì về Phật Giáo Hòa Hảo cũng có dịp hiểu về Đạo của mình. Mình lựa bức ảnh Đức Thầy trẻ, mặc âu phục, khuôn mặt thanh tú, trong sáng, toát ra một vẻ khác người và nhất là gây được cảm tình ngay.

Buổi chiều hai đứa đi dự buổi Hội Thảo của Liên Minh Tự Do với đề tài "Tù nhân Chính trị tại Việt Nam: Thực trạng và hướng giải quyết". Có nhiều diễn giả, trong đó có anh Trần Dạ Từ nói về những người đã chết trong tù và dùng chính sinh mạng của mình để bảo vệ cho phẩm giá con người, cho tự do nhân quyền. Anh nói đến Linh Mục Hoàng Quỳnh, vị lãnh đạo tinh thần, đã bị xô chết trong tù vì chống chế độ. Thượng Tọa Thích Thiện Minh, vì ra tuyên cáo đòi cộng sản thực thi bình đẳng và thả tù chính trị, đã bị giam và chết ở Hàm Tân, nơi lạnh đến 30 độ C. Trước ngôi mộ của ông chỉ có một cây tre khắc tên Đỗ Xuân Hàm.

Anh Từ nói về việc Hà Nội tung hết lực lượng công an và sở bảo vệ đặc biệt từ Hà Nội vào bắt gần 200 văn nghệ sĩ, nhà báo, đạo diễn, cả những người viết chuyện cho thiếu nhi... Họ đã đem một lực lượng võ trang đến vây bắt "tên cướp" phường Kinh Bạc, một xóm nghèo. Đó là thi sĩ Vũ Hoàng Chương, chủ tịch Văn Bút Việt Nam. Ông kiệt lực ở khám Chí Hòa và chết ngày 19-8-1976, ngày chánh phủ Việt Nam mừng "cách mạng khởi nghĩa".

Nhà thơ Trần Dạ Từ nhắc đến văn sĩ Hồ Hữu Tường bị giam ở Xuyên Mộc, Hàm Tân, được thả lúc hấp hối, nhưng đã tắt thở trước khi về nhà ở Gia Định. Rồi đến nhà văn Nguyễn Mạnh Côn cũng chết ở Xuyên Mộc. Anh Từ nói về trường hợp của nhà văn Hiếu Chân bị mặc cảm vì không bị tù với bạn bè, ông cũng cố gắng đánh máy, viết văn, cho đến lúc bị bắt bỏ tù và sau cùng cũng chết.

Anh cho rằng những người kể trên và nhiều nguời khác đã chết, đã dùng chính sinh mạng của mình để nói với bạo lực đang được suy tôn là "uy lực của họ giả tạo". Sức mạnh và ý chí phấn đấu của những người đã chết được truyền cho các thuyền nhân, giúp cho thế giới thức tỉnh. Chủ nghĩa tàn ác, vô nhân của những kẻ đang thống trị đồng bào tại quê hương, đang đến hồi kết thúc... Anh Từ khẳng định rằng các nhà tù lớn, nhỏ ở Việt Nam sẽ vỡ tung bất cứ lúc nào, có thể là hôm nay hay ngày mai...

Những lời anh Từ nói phải được chuyển đến mọi người Việt Nam trong và ngoài nước. Những lời nói bộc lộ từ trái tim, bằng chính sự chiêm nghiệm của một người đã bị gần 12 năm tù cải tạo. Hơn lúc nào hết mình chắc chắn rằng hai chữ cộng sản sẽ bị xóa đi trong ngôn ngữ thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880