LÝ TƯỞNG VÀ ĐỜI SỐNG

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 11116)
LÝ TƯỞNG VÀ ĐỜI SỐNG

Mission Viejo 3-4-1992

Con thương,
Mỗi dân tộc đều có những người dân yêu say đắm nồng nàn quê hương mình, mẹ của con lại có nhiều quê hương để yêu thương. Mỗi quê hương mẹ sống, ăn thức ăn, nghe ngôn ngữ, hít thở không khí, hòa đồng với dân tộc đó, và nó trở thành một phần của tâm hồn và thể xác mẹ.

Lòng mẹ lúc nào cũng xúc động bồi hồi mỗi sáng thứ bảy mẹ thức sớm xem chương trình truyền hình Miên. Tuần rồi là Tết Miên, người Miên gọi là Cho Sanam, có nghĩa là vào năm mới. Tuy không hiểu, nhưng quen âm thanh, biết người và y phục của họ, nên mẹ rất thích. Lâu lâu hiểu được một tiếng, mẹ mừng lắm.

Họ chiếu một đoạn phóng sự người Miên đang ăn Tết. Có hai nhóm đàn ông, đàn bà đang hát đối nhau. Họ vỗ tay và cử chỉ rất vui làm mẹ cười theo họ. Nhạc thật rộn rã. Xong, tất cả đều ngồi xuống ăn uống và nghe một ông vừa đờn, vừa hát diễu, mẹ nghĩ có lẽ giống hề Văn Hường hay Văn Chung của mình vậy.

Tối hôm qua, sau khi dọn dẹp bếp núc xong, ba mẹ đến công viên Aliso xem Thịnh và Cường đánh banh. Ba mẹ đi bộ vòng quanh chơi. Mẹ nghĩ về những kỷ niệm tại làng Hòa Hảo hay ở Cồn Phước, thật là êm đềm. Nào là cắt thân cây chuối làm phao tắm sông, đi hái mận, ổi, bắt ốc, nhảy cò cò, đánh đũa. Tất cả vẫn luôn luôn ở trong tâm hồn mẹ, và nó êm đềm làm mẹ thấy quyến luyến muốn sống lại những ngày ấy. Giờ đây đứng nhìn các em chơi banh, mẹ nghĩ rằng những lúc chơi ở sân bóng chuyền mỗi đêm dưới ánh đèn, sẽ là những kỷ niệm khó quên đối với Thịnh. Thịnh còn thích chơi banh ngoài bãi biển. Nó đi loại dép ôm chặt chân để chơi trên cát. Mẹ không biết tại sao nó thích quá vậy, tới chừng xem truyền hình mẹ mới biết chơi bóng chuyền ngoài biển là một phong trào. Tụi nó ngồi quanh sân đấu bóng chuyền, xem thi hoa hậu áo tắm. Có khi Thịnh mượn máy ảnh của mẹ để chụp các cô gái Mỹ đang dự thi. Một lần có trận đấu lớn, Thịnh đi sớm ngồi hàng đầu nên được thu trong truyền hình. Thịnh và Cường thu hình đoạn đó, rồi cứ chiếu đi chiếu lại, coi bộ khoái chí lắm.

Sáng nay lúc đang tập Aerobic ở Holiday Spa, mẹ chợt nhận thấy ông Trời thương dân tộc mình ghê. Mẹ nghĩ mình có một người bạn ngoại quốc nào tốt mà mình thân và quý mến hay cảm phục người đó, thì mình có cảm tình luôn với dân tộc của họ. Cho dù có những việc đã xảy ra giữa hai dân tộc Việt Miên ngày xửa ngày xưa chém giết thù hằn nhau, hay việc họ đuổi người Việt chạy về nước năm 1972, mẹ cũng vẫn thương "người Miên và xứ Miên".

Trong quá khứ mẹ có dịp học chương trình Pháp, biết văn hóa, lịch sử Pháp có vị thánh như Jeanne D’arc, rồi có những người bạn tốt như Irène Chanjou, Paulette, vẫn viết thơ thăm mẹ khi mẹ qua Mỹ, thì làm sao mẹ ghét tất cả người Pháp được. Khi nhắc đến lịch sử 100 năm đô hộ, thì "ghét thiệt", nhưng những cái ghét trong quá khứ không ảnh hưởng đến tình thương hiện tại.

Hôm nọ tập thể dục xong ở Holliday Spa, khi vào phòng xông hơi, mẹ gặp một cô người Canada trạc tuổi mẹ. Hai đứa nói chuyện một hồi mới biết là cùng biết tiếng Pháp và học trung học cùng một thời. Mẹ và cô ấy cùng nhau hát mấy bài của nữ ca sĩ Francoise Hardy như: C’est Le Temps De L’amour, Tous Les Gar篮s Et Les Filles..v.v...

Ông Trời thương nên cho người Việt Nam mình đi khắp thế giới. Người mình có bị mang tiếng xấu, nhưng tiếng tốt cũng rất nhiều. Nếu không, tại sao có nhiều công ty, hãng xưởng lại thích mướn người Việt Nam. Rồi biết bao nhiêu học sinh, sinh viên của mình được vinh danh trong lãnh vực học vấn. Mình đã tạo bao cảm tình và những cảm tình đó sẽ ảnh hưởng vô cùng về sau này.

Hai tuần trước mẹ làm phụ tá cô giáo (chaperon) cho trường Cường. Mẹ đi theo xe bus để tiếp bà giáo hướng dẫn 150 học sinh đi dự hội nghị Liên hiệp Quốc Kiểu Mẫu thứ 12 tại Long Beach, do hai trường trung học Ocean View và Century tổ chức. Lần này có nhiều trường trung học các nơi tham dự.

Ôi chao, các cô các cậu kỳ này được ở Hyatt Regency Hotel, sang và đẹp ghê. Mẹ thấy chủ tọa đoàn của nhiều hội nghị là học sinh Việt Nam, mẹ mừng hết sức. Chủ tọa của Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế (International Atomic Energy Agency) là Lan Phạm, của Thỏa Hiệp Chung về Mậu Dịch (General Agreement on Tariff and Trade) là Thanh Ninh, của Nghị Viện Âu Châu (European Parliament) là Huỳnh Hiền. Rồi một số khác làm phó chủ tịch hoặc cũng là thành phần chủ tọa đoàn.

Mặc dù ở trung học, nhưng LHQ Kiểu Mẫu được tổ chức y như Liên Hiệp Quốc thật, con ạ. Mẹ nhận thấy có đa số phái nữ trong thành phần chủ tọa đoàn hoặc làm tổng thơ ký hội nghị điều hành mấy chục trường. Học sinh Việt Nam mình được cơ hội học hỏi thực tập như vậy, sau này quốc gia mình mới khá được. Kỳ này Cường đại diện xứ Iran. Anh chàng còn nhát chưa dám thuyết trình vì mới năm đầu. Mẹ nghĩ, nó đi nghe và nhìn người khác cũng là học rồi. Mấy đứa học chương trình này dù cho có làm chánh trị hay không, thì cách thức học hỏi, thuyết trình, thảo luận cũng giúp cho chúng trong bất cứ ngành nào, nhất là sự tự tin để phát biểu, tổ chức, điều hành các buổi họp.

Mẹ nhớ đến thời gian thực tập săn và viết tin tại tòa báo Chính Luận, lúc mẹ mới học năm thứ hai ban báo chí Đại Học Vạn Hạnh, có một lần mẹ đi lấy tin ở Hội Đồng Đô Thành, một ông Nghị viên bô bô phát biểu rồi dặn mẹ đừng viết. Mẹ "phá luật", viết cho bỏ ghét, hôm sau ông ta nhờ báo đính chính, vì sợ chính quyền. Mẹ không biết dân bầu họ lên để làm gì nữa?

Lần khác mẹ đi săn tin ở Quốc Hội (ngày xưa gọi là Nhà Hát Tây), xem dân biểu họp, các ký giả ngồi trên lầu nhìn xuống, mẹ thấy chán lắm. Hôm nào biểu quyết thì có đông người một chút để "giơ tay", còn thường thì vắng vẻ và lèo tèo. Phía trên có người thuyết trình, nhưng ở dưới thì mọi người lơ đễnh, lo nói chuyện, đọc báo. Mẹ có cảm tưởng như đang nhìn một lớp học làm biếng vậy đó.

Lúc tan họp, nhà báo bu lại các dân biểu để phỏng vấn, săn tin. Có nhiều vị tránh né, hoặc chẳng biết trả lời. Mẹ hỏi con làm sao nước mình khá được? Có lẽ tại vậy mà mẹ không thích đi săn tin, mà chỉ mê viết phóng sự. Mẹ tự chọn đề tài, rồi đào sâu để viết ra những nhận xét cũng như cảm nghĩ của mình.

Mẹ nhận thấy Liên Hiệp Quốc Mẫu ở trường Mỹ có cái hay là giúp cho đứa bé lớn lên không có thành kiến, vì mỗi đứa đại diện cho một quốc gia để đi họp. Nó phải nghiên cứu về quốc gia đó và giải quyết vấn đề theo tư cách của quốc gia mà nó "làm bộ" đại diện. Làm như thế nó đặt mình vào hoàn cảnh của quốc gia tạm của nó, nên sau này nếu nó có làm đại diện của Liên hiệp Quốc nó mới biết giải quyết vấn đề sao cho có lợi chung cho các quốc gia, chớ không phải chỉ riêng cho nước nó.

Kỳ này mẹ giúp bà giáo hữu hiệu hơn chớ không loanh quanh như mấy kỳ trước. Bà Kunt đưa cho mẹ một tập giấy trong đó có tên Cường và các bạn cùng trường lẫn quốc gia mà chúng nó đại diện. Mẹ đi đến từng phòng họp để ghi chú những gì chúng nó làm để tiếp bà chấm điểm.

Thí dụ tên của đứa nào có trong danh sách thuyết trình viên thì mẹ ghi SL, tức Speaker List. Đứa nào phê bình, mẹ ghi C, tức Comment, và số lần chúng nó phát biểu... Mỗi lớp mẹ ngồi một chút vì quá nhiều "hội nghị". Mẹ thường đợi nghỉ xả hơi hay giờ thảo luận để lên hỏi thuyết trình đoàn. Mỗi thuyết trình đoàn có một máy điện toán. Mọi việc xảy ra trong lúc thuyết trình, biểu quyết, thảo luận đều được giữ vào máy điện toán. Mẹ chỉ cần đưa tên từng đứa là chúng nó bấm nút "gọi" ra để mẹ ghi chú cho đầy đủ. Cường còn nhát, hôm tổ chức ở trường Mission Viejo, nó ngồi ghi dữ kiện vào máy điện toán, khi thấy ba mẹ vào, nó núp sau máy để ba mẹ khỏi thấy.

Lần tổ chức ở Long Beach này tội nghiệp nó lắm, nó đã đến trễ, vì phải tranh giải quần vợt ở Santa Ana. Chơi banh xong, về đến nhà đã 8 giờ tối, ba phải chở nó qua Long Beach lúc 9 giờ nó không kịp tắm mà phải mặc đồ "đại biểu" và gắn phù hiệu Iran, nên người mồ hôi rít chịch, mặt bơ phờ. Lúc này Cường cao nhưng ốm hẳn...


Mission Viejo, 10-4-1992

Trang thân,
Mẹ đang đọc tài liệu để viết về buổi đi thăm tượng Nữ Thần Tự do tại New York, bài số 19. Báo Người Việt chỉ mới đăng đến bài mẹ viết về buổi biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm các nhà lãnh đạo Trung Hoa, Nga Sô và Hoa kỳ là các ông Lý Bằng, Boris Yelsin và Bush đến đó.

Mẹ thấy dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do có dây xích đã bị bẻ gãy. Bức tượng trông thanh thoát, nhưng tràn đầy nghị lực, con ạ. Nhất là cánh tay của Nữ Thần cầm bó đuốc. Mẹ mong chóng có ngày hòa bình để nước mình cũng có một bức tượng nữ thần mặc áo dài, quấn cờ vàng ba sọc đỏ...

Ba của con bận việc ở sở làm, bù đầu, mà bây giờ lại dính vào việc ứng cử cộng đồng. Ba mẹ cũng suy nghĩ rất nhiều về việc này, cân nhắc dữ lắm vì ba mới nói với mẹ năm nay ba ráng tập trung tinh thần cho công việc làm ăn khá hơn. Ba giao cho dì Thu lo về xuất cảng, còn mở thêm chi nhánh bán lẻ cho cậu Nam và dượng Sang. Mới khởi sự được mấy tuần, bây giờ lại ra.... ứng cử.

Việc cộng đồng thì nhiều, phức tạp, nơi mình ở quá đông người, và nhiều phe nhóm. Muốn bước vào đóng góp, sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại, lắm chuyện nhức đầu. Nhưng không bước vào thì không tiếp tay xây dựng được. Có lẽ những người quan tâm đến đất nước đều lo lắng như nhau cả. Nếu bây giờ người Việt hải ngoại còn chưa bắt tay đoàn kết xây dựng, thì không biết đến lúc nào nữa, và dân nước mình xem như vô phước suốt đời.

Mẹ mơ ước các liên danh ra ứng cử Đại Diện Cộng Đồng Nam Cali đắc cử sẽ cố gắng lo cho giới trẻ, mà không nghĩ đến trục lợi. Mẹ mong có một Trung Tâm Sinh Hoạt cho giới trẻ. Cộng đồng mình có nhiều thanh thiếu niên hư hỏng, mà các ông đại diện chỉ lo chánh trị sa lông, nói xấu nhau, tranh giành quyền lợi. Thật đáng buồn! Mục đích mẹ viết về cộng đồng New York hay Florida cũng có ý đem những cái hay cái đẹp ở nơi khác về cho cộng đồng mình suy nghĩ. Người Việt mình lại thêm cái tật lười đi bầu. Họ thấy chán, không thích thì càng lơ là hơn, nhưng điều tai hại là những người mà họ không thích đó, sẽ đại diện cho họ.

Thôi mình để chuyện nhức đầu qua một bên đi. Con biết không, mẹ của con bây giờ thua xa mấy bà già Mỹ năm sáu chục tuổi. Lúc trước mẹ tập Aerobic ở Holiday Spa mỗi lần chỉ có nửa giờ, sau này họ gia tăng 45 phút rồi lên một giờ, gần đây nhất lại bày ra "step". Tức là phải bước lên, bước xuống trên một cái bục có nhiều mức cao thấp tùy sức mình. Mấy cô trẻ mạnh dạn thì kê lên hai nấc. Mẹ chỉ để có một nấc vậy mà tập xong rồi về đau mình quá. Bây giờ mọi người trong lớp đều tập với cái bục, còn mẹ thì tập trên ... "đất bằng". Mẹ thường gặp bà già Mỹ khoảng 70 tuổi, bà tập mỗi ngày, năm này qua năm nọ, chỉ có mẹ là đi không đều thôi. Bà giỏi hơn mẹ của con vì bà kê được một nấc.
Mẹ nghe nói tập "step" tốt cho tim và đầu gối lắm. Bây giờ ở đó dán bích chương quảng cáo giày hiệu Reebok. Hôm nọ ba thấy đôi giày chơi bóng chuyền của Thịnh, ba lắc đầu, ba nói tốn tiền quá, còn Cường thì dẫn mẹ xuống tận San Juan Capistrano mua giày để chơi quần vợt đang hạ giá. Ba nói ở Việt Nam mang giày Bata chơi thể thao cũng được, đâu cần mỗi thứ thể thao mang một loại giày.

Ba kể chuyện hồi nhỏ ba mê đá banh lắm. Chừng ba bị bạn đá đứt gân chân, ba mới đổi qua chơi bóng chuyền. Hai em con hỏi ba đá banh mang giày gì? Ba bảo ba đá bằng "chân không". Hai anh em nó ôm bụng cười bò làm ba mẹ cũng tức cười theo. Ba bảo ở dưới quê, dưới tỉnh, đá banh trên sân đất hoặc ngoài đồng ruộng, người ta đá "chân không" chớ đâu có mang giày gì.

Mẹ nhớ có một lần lúc mẹ học cao học về truyền hình và làm việc ở văn phòng Đào Tạo Giáo Chức Song Ngữ tại đại học Long Beach, mẹ hay cảm và nhức đầu, nên mẹ lấy lớp Aerobic. Thấm thoát mà trên mười năm rồi! Thời gian đó có một hôm, đang tập thể dục nửa chừng mẹ mệt, phải vào phòng thay đồ nằm nghỉ. Trong người mẹ nóng và máu huyết chạy rần rần, mẹ nghe nhạc Aerobic dồn dập, các cô gái Mỹ vừa tập vừa la hét thật hăng say. Tâm hồn mẹ chợt hướng về quê hương, về giới trẻ ở Việt nam. Mẹ nhớ những lớp học chật chội, khi ngồi viết học sinh phải xây qua xây lại để đừng đụng tay nhau. Có khi mẹ đang ngồi viết thì cùi chỏ của đứa bạn ở ngay mặt mẹ.

Ở xứ mình rất ít trường có chỗ để tập thể dục và chơi thể thao. Mẹ thấy thương học sinh, thương giới trẻ mình quá. Mẹ nằm trên ghế dài mà nước mắt tuôn hoài không dứt. Không biết khi nào thanh niên Việt Nam mình mới có cơ hội như giới trẻ xứ người.

Mẹ có ý định viết xong loạt bài New York thì viết thêm một số bài về trại tị nạn Thái Lan, Nhật Bản và mấy bài về băng đảng, rồi mẹ sẽ giúp đài truyền hình Little Saigon. Mẹ dự định làm những chương trình phỏng vấn về con lai, cựu tù nhân chính trị, nạn ly dị... Ôi biết bao vấn đề!

Hôm qua dì Phương đến thăm mẹ sau giờ làm ở tiệm hoa Conroy’s. Mẹ biết nếu mẹ muốn mở tiệm hoa, dì Phương sẽ hợp tác với mẹ ngay. Mẹ còn mê cắm hoa lắm, nhưng lý tưởng phục vụ cộng đồng, quốc gia xem ra còn nặng hơn con ạ. Mẹ nói với dì Phương có lẽ về già mẹ sẽ mở tiệm hoa hoặc mở trường dạy cắm hoa ở Việt Nam.

Mission Viejo, 3-5-1992

Trang ơi,
Hôm nay các vụ bạo động ở Los Angeles đã yên, mẹ cũng mừng. Khi mới xảy ra, mẹ xem truyền hình thấy giống như cảnh Việt cộng tấn công Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân năm 1968 quá. Mẹ không dè ở Long Beach gần nhà con mà cũng có đến 200 nơi bị đốt. Hôm thứ năm, mẹ gọi con hoài không được, mẹ lo quá, mẹ sợ nhà cháy nhiều, thằng Hiền bị ngộp và tụi con chạy không kịp. Nghe con kể chạy xe đi làm trên Los Angeles vòng quanh khu bạo động, loay hoay tìm đường về, mẹ sợ ghê. Mẹ nghĩ nếu con mắc kẹt, không biết sẽ xoay trở ra sao, chắc con rất khổ.

Ba mẹ đã chán chuyện bầu cử, chỉ muốn rút tên. Ba mẹ có nhiều việc quá, lại thấy những trò ma giáo trước mắt lại càng đâm chán. Mẹ nghĩ mẹ chọn con đường giáo dục và xã hội là đúng, tranh cử, ứng cử sẽ dính vào chánh trị rất mệt trí.

Ba mẹ muốn bỏ cuộc, nhưng có lẽ ba cũng như mẹ đều tự vấn là muốn xây dựng cộng đồng, muốn làm gì cho giới trẻ mà lại bỏ cuộc thì làm sao dọn đường cho nguời đi sau. Rồi mẹ tự hỏi mình có đủ sức làm việc đó không? Nếu dấn thân làm việc, mình vừa phải tranh đấu với những bộ óc đầy ảnh hưởng của quá khứ, vừa phải tránh bị giựt dây hay rơi vào bẫy của những kẻ mưu cao. Đúng ra, mình phải tránh xa những người mưu mẹo, nhưng khi vào làm việc chung, mình không chỉ tránh né, mà phải "trực diện". Nếu phải "trực diện" và tranh đấu với nhau, rồi thêm cộng sản phá, liệu mình có còn đủ sức để làm việc xây dựng cộng đồng không? Nếu làm gạch nối giữa "giới già" và "lớp trẻ", mình đâu có tránh được mấy đầu óc đầy ngoắc ngoéo, mưu mẹo mà trên 17 năm qua đã gây ra bao thất bại, mà vẫn không thay đổi. Nhưng mình không tranh đấu thì làm sao mở đường cho lớp trẻ. Nếu mình đợi cho họ chết hết, chắc Việt Nam lâu lắm mới được tự do và dân chủ. Ngay trong hàng ngũ giới trẻ cộng sản chắc chúng cũng khổ không ít, bởi lớp người cộng sản già tham quyền cố vị.

Buồn nhất là tình yêu quê hương dân tộc không đủ cho các bực đàn anh chiến thắng tự ái, tự kiêu và tự hào của họ. Người trẻ thì lý tưởng, thiếu kinh nghiệm, người già có kinh nghiệm, và hiểu biết nhưng lại cao ngạo, ảo tưởng. Những kinh nghiệm mà họ có nhiều khi lại không phù hợp với hiện tại vì họ không chịu học hỏi thêm để điều chỉnh cho hợp với hoàn cảnh và con người của thế kỷ này.

Ôi dân tộc Việt Nam sao bạc phước và người Việt Nam chừng nào mới thấy tương lai sáng sủa hơn.

Mission Viejo, 4-5-1992

Trang,
Mấy hôm nay các đại diện cộng đồng và hội đoàn ở Hoa Kỳ về thủ đô Hoa Thịnh Đốn họp, nhân dịp 30-4. Họ có thật sự kết hợp với nhau được không? Đó là một câu hỏi lớn. Nền tảng là cộng đồng tại khắp nơi có vững chắc chưa? Có sẵn sàng để xây dựng một tòa nhà chăng? Chớ ở miền nam Cali mình còn lủng củng quá. Việc thành lập Uỷ Ban Bầu Cử thất bại. Các ông đại diện đã hết nhiệm kỳ, mà vẫn đại diện cộng đồng Nam Cali để sang họp bên ấy.

Nếu yếu thì phải thấy rõ mình yếu; nếu thấy lủng củng, phải tìm xem tại sao; nếu thấy chưa kết hợp được, phải có nhiệt tâm để sửa đổi. Phải chăng việc quên mình, bỏ tự ái chỉ là một giấc mơ, không thực hiện được. Lòng yêu nước phải chăng không đủ để cùng nhau xây dựng một cộng đồng vững mạnh. Hôm kết thúc loạt bài viết về cộng đồng New York, mẹ có viết cảm nghĩ của mẹ về cuộc bầu cử. Dưới đây là một đoạn mẹ trích cho con đọc nhe:


NẮM TAY ĐOÀN KẾT
Khi tôi cầm bút viết những dòng chữ này thì Miền Nam California, nơi tôi sinh sống, đang xôn xao chuẩn bị ứng cử và bầu cử vào tổ chức Đại Diện Cộng Đồng.

Tôi nghĩ rằng sau 17 năm mất nước, 17 năm hô hào chống cộng, xây dựng cộng đồng, tranh đấu để giành lại quê hương, người Việt tỵ nạn chắc chắn đã đặt ra câu hỏi: "Cộng đồng ta đã vững mạnh chưa? Nếu chưa thì tại sao?"
Sau 17 năm các bậc đàn anh đã có đủ thời gian để thêm kinh nghiệm về đoàn kết, về xây dựng và giáo dục con cháu của mình; tuổi trẻ đã có đủ thời gian để học hỏi, phát triển khả năng về đời sống tinh thần lẫn vật chất, bây giờ là lúc để chúng ta cùng kiểm thảo, trao đổi và bổ túc cho nhau.

Các bậc đàn anh hãy san sẻ kinh nghiệm, dù cho thất bại hay thành công. Giới trẻ hãy mang sự học hỏi của mình và bước ra khỏi sự vị kỷ, để cùng nhau nắm tay đoàn kết xây dựng một tập thể, một cộng đồng cho lớn mạnh. Chúng ta không thể thành công một việc lớn, nếu không làm được một việc nhỏ. Nếu việc hy sinh bản thân, dẹp bỏ tự ái, tỵ hiềm, nghi ngờ nhau để đoàn kết nơi cộng đồng mình mà bất thành, thì việc xây dựng quê hương mãi mãi chỉ là một ước mơ thôi!


NGỒI LẠI VỚI NHAU
Kỳ bầu cử này có nhiều liên danh ứng cử, có nhiều khuôn mặt đã hoặc chưa xuất hiện ở cộng đồng và cũng có nhiều thành phần chính trị lẫn kinh doanh và nhiều lứa tuổi.

Người viết bài cầu mong cho nhiều người ứng cử vì muốn hy sinh bước ra gánh vác việc chung, sau những năm học hỏi, chuẩn bị, chứ không phải vì cho rằng "cơ hội" đã tới hay "Mỹ phựt đèn xanh". Những suy nghĩ sai lầm trên đã khiến cho cộng đồng của chúng ta chưa kết hợp và trưởng thành được.

Chúng ta hãy nhìn xung quanh, xem truyền hình, đọc báo, có rất nhiều vấn đề của cộng đồng mà chúng ta cần hợp lực để giải quyết, cấp thiết nhất là vấn đề hướng dẫn, giáo dục thanh thiếu niên. Các đại diện cộng đồng và phụ huynh cần tích cực hợp tác với chánh quyền và nhà trường để lo cho tương lai của chính con em mình, thay vì khoán trắng cho họ. Rồi những người mới định cư tại Mỹ, chân ướt chân ráo, thiếu thốn mọi bề, họ cần gì những lời hứa cao cả, xa vời. Họ chỉ cần chỗ ở, cơm ăn và việc làm. Người đại diện cộng đồng không thể có cây đũa thần để giải quyết mọi khó khăn, nhưng ít nhất biết quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn họ, đem đến cho họ nguồn an ủi, dìu họ đi trong giai đoạn đầu, còn bỡ ngỡ.

Tôi ước mong, sau mùa bầu cử, các liên danh thắng cũng như bại đều sẽ ngồi lại với nhau, chứng tỏ rằng ra ứng cử không phải vì tranh giành quyền lợi hay chức tước, mà vì thiện chí muốn đóng góp xây dựng cộng đồng.
Hãy cùng chứng tỏ căn bệnh "lãnh tụ" và "thời cơ chủ nghĩa" đã chấm dứt sau những năm mất nước. Căn bệnh trầm kha đã phá tan bao công trình xây dựng của người dân Việt. Nay đã đến lúc những người Việt ly hương thầm lặng phải đưa ra sự suy nghĩ của mình bằng lá phiếu.


CHO THẾ HỆ TƯƠNG LAI
Nhiều người cho rằng các cộng đồng nhỏ ít người Việt Nam thì dễ đoàn kết, và xây dựng hơn, vì cộng đồng càng lớn càng phân hóa.

Theo sự suy nghĩ của tôi, cộng đồng càng lớn, nhu cầu đoàn kết càng quan trọng, cần thiết. Những người ưu tư cho việc xây dựng một cộng đồng phải thấy trách nhiệm của mình và đứng ra nhận lấy trách nhiệm đó, rồi đem hết nhiệt tâm cũng như khả năng ra phục vụ.

Nước Việt Nam chúng ta sau 30-4-1975, không còn là một nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới mà đã lan rộng ra khắp hoàn cầu theo bước chân của con dân Việt. Chúng ta đã trải qua những đau khổ của ngày mất nước, qua những cơn bão tố sống chết của những ngày vượt biển; tất cả chúng ta đã bước ra khỏi quê hương, để học hỏi những cái hay cái đẹp của các nước bạn, cùng lúc phải vật lộn với những khó khăn để mưu sinh và dạy dỗ con cái...

Các bậc đàn anh đã chia sẻ những kinh nghiệm đau thương của lịch sử, những sự thất bại đớn đau vì tranh chấp, chia rẽ. Giờ đây chúng ta phải gom góp lại, học hỏi, suy gẫm để đoàn kết, để xây dựng và cùng làm việc cho thế hệ sắp trưởng thành. Thế hệ tương lai đó sẽ hàn gắn lại những đau thương của lịch sử, của dân tộc, để quốc gia Việt Nam phát triển, lớn mạnh và người Việt Nam biết ngẩng mặt khi sánh vai cùng các nước bạn trên thế giới".


Mission Viejo, khuya 5-5-1992, 1 giờ 30

Con thương,
Con có biết mẹ vừa nói chuyện với Thịnh không? Hồi nãy mẹ thắp nhang đèn xong, mẹ gọi Thịnh lạy Phật, rồi bắt nó ngồi nghe mẹ nói chuyện. Thịnh nói không thích đạo nào hết. Mẹ nói lại rằng trước khi nói không thích đạo, phải hiểu đạo, nhất là đạo của mình trước. Và sẵn đó mẹ dạy nó về đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Mẹ giảng Tứ Ân là ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại cho nó nghe.

Mẹ nói chuyện rất nghiêm trang và chắc rằng nó sẽ nhớ những điều mẹ dạy, nhất là bổn phận của nó đối với đất nước Việt Nam.

Thịnh hiền, nhưng quá vô tư. Nó đã 18 tuổi mấy tháng nay, nhưng lơ đễnh, ham chơi như một đứa con nít, và hay làm ba nổi nóng lắm. Mẹ nói nó đã lớn rồi, nên mẹ phải bắt đầu dạy cho nó trở nên một con người có trách nhiệm. Trước khi nói không thích điều gì, phải biết rõ điều đó. Luôn tiện mẹ nói cho nó nghe những việc mẹ đang làm làm cho nó hiểu, bằng không nó hay hỏi tại sao mẹ hay làm thiện nguyện và cho rằng mẹ cúng lạy, ngồi thiền là "tu". Mẹ giảng cho nó "tu" là gì? Là phải luôn luôn sửa mình.

Mission Viejo, 6-5-1992

Con biết không?
Sáng hôm nay Thịnh phải quá giang Cường đi học. Mẹ không cho Thịnh lái xe vô hạn định. Tùy tư cách và việc học của nó mẹ mới tính sau. Mỗi lần bị phạt, nó mới có vẻ "dừng lại suy nghĩ" và thay đổi cách ăn nói cũng như tư cách.
Sẵn dịp mẹ cho hai anh em nó một bài học "lưỡng lợi". Thịnh sẽ hiểu hoàn cảnh nhờ vả Cường, Cường phải biết trả ơn và hiểu sự bực bội khi đưa rước người khác.

Sáng nay mẹ rầy Cường vì tối qua khi mẹ biểu nó đi rước Thịnh nơi sân banh, nó cằn nhằn không chịu đợi Thịnh, rồi lại bỏ về. Mẹ nói nếu nó đối xử với Thịnh không đàng hoàng, mẹ sẽ lấy xe nó lại luôn. Ba đồng ý "đứng ngoài" để mẹ dạy hai anh em nó. Mẹ giao Cường cho ba vì Cường biết tự lo học, đi hội thảo, họp hướng đạo, v.v... Duy có Thịnh là rất khó kềm, chỉ ham chơi banh và ăn. Đầu óc nó như con nít. Mẹ biết nó thông minh, nhưng vô tư và không biết lo.

Tuần rồi đám giỗ, mẹ biểu Thịnh lạy bàn thờ cúng cơm. Nó nhăn nhó nói không thích lạy, nó không tin ông bà về ăn cơm. Hôm đó mẹ giảng luôn một mạch là tại sao phải cúng giỗ ông nội, tại sao nó phải mang ơn và kính trọng ông bà cha mẹ. Nhứt là bây giờ không được làm cho bà nội buồn vì bà nội sanh ra ba, nuôi cho ba ăn học, để ngày hôm nay nó mới được đầy đủ sung sướng vì ba có thể lo cho nó. Mẹ giảng về ân đồng bào nhân loại. Mẹ chỉ cái đèn rồi giảng cho nó nhờ bao nhiêu người để cho nó có ánh sáng, áo quần, cơm và thức ăn v.v... Thịnh thông minh lắm, mẹ nói tới đâu là nó hiểu tới đó liền. Mẹ cho nó quyền lựa chọn bất cứ tôn giáo nào, nhưng trước tiên nó phải hiểu cho rõ đạo Phật Giáo Hòa Hảo dạy những gì.

Mẹ không bắt buộc Thịnh hay Cường cúng lạy, ngồi thiền như hồi các con còn nhỏ. Mẹ nhớ tối nào cũng qua vặn đèn mờ, ngồi niệm Phật với các con. Sao lúc đó thật là êm đềm và hạnh phúc, đứa nào cũng ngoan, răm rắp nghe theo mẹ mà còn thích thú nữa. Thịnh và Cường lại còn thích nghe mẹ kể chuyện Đức Phật hay đời sống của các vị Lạt Ma Tây Tạng lúc còn bé. Lớn dần chúng nó thích tự do, đi Hội Quán lấy lệ, phần nhiều chỉ làm lễ cúng lạy, còn các bài thuyết trình, giảng đạo thì không hiểu. Mẹ không ép chúng nó, vì làm thế chúng sẽ ghét và chống. Mẹ dạy bằng cách cho tự do và chỉ gieo vào đầu con cái những ý niệm về đạo, về đời, về quốc gia dân tộc, một cách nhẹ nhàng trong những dịp như trên.

Thỉnh thoảng đi xe chung mẹ cũng dạy dỗ các em con. Mẹ biểu Thịnh sau này phải giúp Việt Nam, nó cằn nhằn nói phải giúp nó "sống" trước, sao mẹ lại bắt về Việt Nam nghèo khổ quá, cho nên hôm đó sẵn dịp mẹ giải thích luôn cho nó về bổn phận đối với đất nước mình. Mẹ nói dù cho nó có nói tiếng Mỹ giỏi, nhập tịch Mỹ, người Mỹ vẫn không chấp nhận nó mà chỉ xem nó là người Việt Nam. Có lẽ mấy ngày bạo động ở Los Angeles, thấy khu phố Đại Hàn bị tàn phá, Thịnh đã hiểu thêm những lời mẹ nói với nó.

Sáng hôm qua trên đường đến Hội Quán, mẹ kể cho ba nghe về buổi thức đêm nói chuyện với Thịnh. Ba nói những buổi nói chuyện như vậy thật là cần thiết vì ở Mỹ, trường không có dạy môn công dân giáo dục. Mẹ nói với ba để mẹ kềm Thịnh. Ba thường rầy lúc nóng, rồi sau đó hay "tội nghiệp" và chiều nó. Thế là nó lại "tỉnh bơ", tiếp tục "vô tư".


Mission Viejo, 11-5-1992

Trang thương,
Con biết không, mọi việc rồi đâu lại vào đó...
Sáng sớm nay mẹ đem xe đi sửa, về nhà giặt quần áo, giày thể thao, dọn dẹp nhà cửa, rồi cúng Phật. Buổi trưa mẹ đến đài truyền hình Little Saigon tiếp chú Hoan ráp nối và viết bài tường thuật về các sinh hoạt cộng đồng. Mẹ bận rộn, mệt nhưng vui. Vì lễ "Ngày Của Mẹ" (Mother’s Day) này mẹ đi làm ở tiệm bông và làm phóng sự truyền hình ngày Lễ Phật Đản.

Mẹ kể con nghe nhe. Thứ sáu mẹ đi làm ở tiệm hoa Laguna Hills, đứng cắm hoa suốt 10 tiếng. Tối hôm đó ba mẹ đi họp với giáo sư Long về bài vở cho báo Đuốc Từ Bi đến 10 giờ đêm. Tối về ba mẹ mời hai bà nội ngoại đi ăn ở tiệm tàu Sea Food Cove. Mẹ mua một bó hoa hồng, cắm tặng hai bà hai bình rất đẹp.

Chủ nhật mẹ đến trụ sở Hội Cao Niên Á Mỹ với chú Hoan để thu hình triển lãm hoa và phỏng vấn cụ Nguyễn Văn Giai về sinh hoạt của hội. Mẹ yêu cầu cụ Giai và cụ Tân ngồi đánh cờ tướng cho chú Hoan quay. Cụ Giai râu tóc trắng phau, trông quắc thước, đẹp lão lắm. Mẹ không ngờ cụ cũng là một tài tử điện ảnh đã đóng đến mười mấy cuốn phim hồi ở Việt Nam.

Sau đó mẹ qua làm phóng sự buổi lễ ra mắt Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Miền Nam Cali ở Hội Quán Lạc Hồng. Mẹ phỏng vấn Phan Vũ, Cựu Chủ Tịch và Nguyễn Ngọc Huy, Tân Chủ Tịch. Huy trông mặt mũi sáng sủa thông minh và cũng lanh lắm. Mẹ phỏng vấn luật sư Nguyễn Quốc Lân, đại diện chương trình trợ giúp pháp lý cho thuyền nhân (LAVAS). Luật sư Lân đã đi trại tỵ nạn Phi Luật Tân để giúp đồng bào làm đơn kháng cáo, sau khi bị rớt thanh lọc một cách bất công.

Con biết không, sáng chủ nhật trước khi đi phỏng vấn, mẹ gọi Thịnh, Cường thức dậy. Mẹ nói nếu hai anh em muốn làm vui lòng mẹ thì đến chỗ sinh viên làm lễ. Mẹ không cần quà Mother’s Day. Lúc hai em đến thì mọi người còn đang xếp ghế, và mẹ đang phỏng vấn nên hai anh em xin tiền ba đi ăn phở. Tuy hai đứa mặc áo thung, quần đùi, mẹ cũng biểu vào ngồi dự lễ.

Mẹ nói với ba chính sách của mẹ là bắt hai đứa tham dự, thích hay không cũng được, nhưng ít ra cũng thấm "vào đầu". Mẹ không bắt chúng nó ở hết chương trình hoặc phải ăn mặc theo như ý mẹ muốn. Mẹ nói với Thịnh: "Lúc còn học sinh các anh ấy nói tiếng Việt không lưu loát nhưng lên đại học nói nhiều, nên bây giờ các anh ấy giỏi vậy đó". Mẹ cũng cho biết đó là đại diện sinh viên Việt Nam của 32 đại học tại miền Nam Cali. Thịnh hỏi có trường đại học San Diego (SDSU) không, mẹ nói có.

Mẹ thấy Thịnh và Cường nói khá giỏi tiếng Việt, nhưng chữ viết chúng nó quên gần hết, vì lúc nhỏ ba chị em con đi học, Thịnh và con hay bị suyễn, hoặc bận đi cắm trại hướng đạo thứ bảy và chủ nhật, nên nghỉ hoài. Mẹ nhớ hồi đó cuối tuần ba mẹ cực với tụi con quá. Nhưng mẹ thấy ích lợi lắm. Lúc con lên Thanh Nữ Hướng Đạo mẹ thấy mỗi lần đi trại con chỉ huy cũng khá, biết chu toàn những gì các trưởng giao phó. Có lẽ nhờ vậy mà bây giờ con giỏi thu xếp việc nhà, việc sở đó.

Lúc luật sư Nguyễn Quốc Lân trao quà cho bảy đoàn thể trẻ đã giúp anh trong Ngày Đi Bộ Cho Quyền Tỵ nạn, mẹ thấy có Trường Sơn, trưởng đoàn Hướng Đạo Chi Lăng nữa. Sau đó mẹ với chú Hoan đến trường trung học Valley High thu hình Lễ Phật Đản, mẹ phỏng vấn Hòa Thượng Thích Mãn Giác và giáo sư Lưu Trung Khảo, trưởng ban tổ chức. Nhờ vậy mẹ được biết tình hình Phật tử ở Việt Nam sôi động lắm, vì Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đã viên tịch, và chính quyền cộng sản đòi làm lễ an táng, nhưng quý thầy và Phật tử không đồng ý.

Năm nay là năm đặc biệt đối với mẹ vì mẹ làm cả ba nghề: cắm hoa, viết báo và truyền hình. Tối qua sau khi về nhà, ba đánh máy, mẹ sửa bài cho báo Đuốc Từ Bi đến khuya để sáng nay ba đưa cho chú Dũng lên khuôn. Vậy là báo kỷ niệm này 30-4 ra trễ rồi đó, cũng tại vụ bạo động ở Los Angeles lan xuống Long Beach, nên Ban Biên Tập mới không xuống nhà chú Dũng làm việc được.

Nếu so sánh kỹ ba nghề, mẹ thích cắm hoa nhất. Viết báo ở hải ngoại thật là chua cay, phải có tinh thần rất mạnh mới tiếp tục được. Mẹ học ngành truyền hình vì lý tưởng, bởi thấy nhiều chương trình của Mỹ thiếu khách quan khi nói về Việt nam. Khi ra trường đụng vào thực tế, mẹ thấy bàn tay mình nhỏ bé quá, mình cộng tác với họ thì chỉ là viên đá lót đường cho những gì họ "muốn làm". Họ có tiền và có chính sách, đường lối của họ. "Một cánh én không làm nổi mùa xuân".

Bây giờ mẹ chỉ mong thực hiện những chương trình về giáo dục và xã hội trên đài truyền hình Little Saigon để giúp cộng đồng mình thôi. Nếu công việc trôi chảy và điều hòa, mẹ sẽ rủ bác Cúc mở lớp cắm hoa, để giúp cho một số phụ nữ hay sinh viên VN có việc làm bán thời gian sau giờ học, hay những người có con nhỏ có thể đi làm trong khoảng thời gian con của họ đang học ở trường.

Mẹ làm nghề cắm hoa tuy cực nhưng tâm hồn nhẹ nhàng, không va chạm với cộng đồng, không sợ kẻ khen người chê... Ăn mặc trang điểm giản dị không sợ xấu, sợ đẹp. Ngoài ra nghề cắm hoa giúp mẹ thấy có thêm tự tin và hãnh diện vì mẹ lãnh lương khá cao so với người cùng nghề.

Hôm thứ sáu tuần rồi bước vào tiệm hoa Laguna Hills của bà June bỗng mẹ thấy nhớ lại cả một khung trời cũ mấy năm về trước, lúc ông ngoại chưa mất. Little Jeff vẫn còn đến giao bông. Big Jeff hơi ốm hơn một chút nhưng bụng vẫn còn to lắm. Một ngón tay của Big Jeff bằng hai ngón rưỡi của mẹ nhập lại. Little Jeff người Nhật, hơi thấp. Mẹ thân với Little Jeff hơn, vì mấy năm cắm hoa khi mẹ làm tiệm nào cũng gặp hắn đến giao bông. Little Jeff hỏi sao đi đâu cũng gặp mẹ hết. Mẹ phải làm dấu hiệu với hắn vì có khi mẹ làm hai ba tiệm cùng một lúc, mà chủ tiệm thường không thích mình làm nhiều nơi, vì họ không muốn tiệm khác biết công việc làm ăn của họ.

Thợ cắm hoa chánh (head designer) của bà chủ June bây giờ là Carol. Mẹ không thích kiểu cắm hoa của Carol lắm, vì "Mỹ" quá, với lại Carol hay làm đủ thứ màu chứ không làm từng loại màu hòa hợp với nhau, hoặc cắm theo đường nét Á Đông như mẹ hay David hoặc dì Phương. David người Tàu đã nghỉ vì Carol người Anh, bạn mẹ, đã rủ hắn hùn tiền mua tiệm bông ở Santa Ana rồi.

David cắm rất đẹp, nhiều sáng kiến, một phần vì David là họa sĩ vẽ tranh, vẽ áo để bán. David lại học được nhiều từ Michi Burrell, bà thầy của mẹ hơn. Con còn nhớ lúc mẹ làm thợ chánh ở tiệm hoa Conroy’s, Mission Viejo, mẹ đi học kiểu cắm hoa "high style" không? Mẹ học một khóa với Michi Burrell còn David thì xin vào làm người giao hoa cho tiệm của Michi rồi được bà dạy nghề. David vào làm tiệm hoa Laguna Hills, hai người thường thay phiên làm các kiểu "exotic high style", tức kiểu cắm hoa Á Đông, theo đường nét Ikebana của Nhật, và thường dùng các loại hoa, lá vùng nhiệt đới, nhập cảng từ Hawaii, rất lâu héo. Những loại hoa như hoa Lan, Enthurium, Ginger, Protea, Haliconia v.v...

Lúc mẹ làm ở tiệm hoa Ten Ten ở Laguna Niguel, ông bà chủ Đại Hàn thích hoa theo kiểu Nhật nên mua cho mẹ nhiều loại hoa nhiệt đới mắc tiền để mẹ cắm. Có khi các trái Thơm còn non, hoặc hoa Haliconia thật lớn, màu đỏ, vàng, hay hoa Ginger cao, khi thì cây Chuối nhỏ có nải chuối non và nhiều loại lá cao vút, mẹ có thể uốn thành đủ kiểu v.v... Bên cạnh tiệm hoa ông chừa một thửa đất nhỏ để trồng nhiều loại hoa lạ. Lúc làm việc ở đây mẹ có cảm tưởng như sống ở thế giới riêng.

Bà thầy của mẹ, Michi Burrell người Nhật, tốt nghiệp trường cắm hoa Sogetsu Ikebana ở Tokyo. Lúc mẹ học lớp của bà ở Coast Floral Design Center do bà Lily Cowell Briggs điều hành. Bà kể chuyện lúc mới qua Mỹ, bà rất giỏi, nhưng các chủ tiệm không biết dùng, nên bà phải dọn dẹp, chùi nhà. Sau này bà thắng giải nhất thi cắm hoa bốn lần tại miền Nam California và thắng giải năm 1982 của hệ thống FTD gửi hoa khắp thế giới, rồi đại diện nước Mỹ đi tranh giải thế giới tại Đức.

Sau khi học cách thức cắm hoa của Michi, kiểu hoa của mẹ được rất nhiều khách hàng thích. Mẹ còn cắm thêm các bình hoa lụa để chưng trong tiệm. Các bình hoa lụa thật mắc tiền mà bán cũng mau ghê, nên ông bà Sonal và Deru, chủ Ấn Độ tiệm Conroy’s ở Mission viejo của mẹ thích lắm.

À con nhớ lúc gần Giáng Sinh, mẹ lại đi học lớp tu nghiệp hoa cưới kiểu Âu Châu ở Mc Fox Floral Design không? Thầy của mẹ là Jim McNulty, ông cũng đoạt giải cắm hoa thế giới. Mẹ hay đi xem trình diễn cắm hoa ở nhiều nơi như Shinoda, San Lorenzo, nên mẹ cũng học "lóm" của nhiều người cắm hoa nổi tiếng khác. Nhất là hoa cưới của trường Bill Hixson Wedding Design, đẹp và sang quá con ạ.

Hồi mới nhận việc ở Conroy’s, mẹ cứ sợ hư kiểu cắm hoa của mẹ, vì tiệm này làm theo lối sản xuất. Nhưng vừa làm ở đây, vừa học hỏi, tu nghiệp thêm, mẹ lại thấy khả năng của mẹ phát triển rất nhanh. Mẹ học được phương thức tổ chức sao cho sản xuất được nhiều bình bông, mà tốn ít thì giờ, nhờ đó giá thành hạ. Trong những ngày lễ, mỗi giờ mẹ có thể cắm 12 giỏ hoa lớn. Nhiều khi khách vào quá đông, nhiều người chỉ muốn mua bình hoặc giỏ hoa mắc tiền, sáu, bảy chục đồng do mẹ cắm. Có lúc mẹ tính nhẩm thấy mỗi giờ mẹ làm ra cho chủ rất nhiều tiền, vậy mà nhiều khi tiền thưởng sau mỗi dịp lễ không được bao nhiêu cả con ạ. Lúc đó mẹ được chủ cưng hết sức, buổi trưa hai ông bà hay dẫn mẹ đi ăn lắm.

Nhờ học kinh nghiệm ở đây nên sau này làm ở tiệm nào, mẹ cũng được trả lương cao vì một mình làm bằng hai người khác. Nghề cắm hoa giúp cho mẹ lấy lại tự tin trong thời gian mẹ bỏ nghề viết báo hoặc truyền hình. Mẹ có thể phụ giúp vào ngân quỹ gia đình và đồng thời cũng lo cho con cái, việc nhà cơm nước được.
Chúc con hạnh phúc, vui trong việc nhà, việc sở hằng ngày. Hôn dùm cháu ngoại cho mẹ mười cái.

Mẹ của con

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880