NHẬP THẤT “TRONG TÂM”

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 11801)
NHẬP THẤT “TRONG TÂM”

Mission Viejo, 6-3-1992

Trang thương,
Sau kỳ nhập thất lần thứ ba này mẹ nhận thấy sự nhập thất có thể liên tục, không cần phải ở trong phòng một mình và im lặng. Đó là sự "nhập thất trong tâm". Mình vẫn có thể sống "một mình" khi có người và chỉ nói những gì cần nói. Không nói những lời thừa và phải "biết rõ" những điều mình nói, mình làm, và "sống trên" những gì mình "phải sống" hằng ngày.

Thời gian của mình không còn đi nhanh như xưa, mà chính mình làm chủ thời gian và sử dụng thời gian cho đúng nghĩa. Thời gian chỉ vội vã khi mình không làm chủ lấy mình. Trước kia mình tất tả khi làm một điều gì vì mình bị ảnh hưởng sự thúc giục của ngoại cảnh, của sự biến chuyển bên ngoài hay của tha nhân, hoặc đúng hơn của chính mình. Mình hay muốn thế này thế kia. Mình sợ trễ, sợ hư, sợ dở. Mình muốn làm vui lòng người này hay người kia, hoặc cho chính mình. Mình phải chủ động hành động lẫn thời gian. Nội tại phải vững vàng, để không biến chuyển bởi những yếu tố bên ngoài.
Mình không hoảng sợ theo nhịp độ của thời gian vì chính mình nắm mấu chốt và quyết định cuộc sống, không nhường bước cho ai quyết định giùm. Mình tự quyết định và chịu trách nhiệm lấy bản thân mình.

Trang thương,
Sáng nay mẹ đưa Cường đến trường để lên xe bus đi Palm Spring tập quần vợt, và xem những người chuyên nghiệp về quần vợt đánh. Tuần tới mẹ sẽ đưa Cường đi thi lấy bằng lái xe. Vậy là mẹ bớt lo chuyện đưa rước nó vì Thịnh thường hay bận dợt bóng chuyền, về khác giờ. Lúc này ba mẹ không còn bận tâm chuyện dọn nhà đi nơi khác nữa, vì không còn sợ Thịnh hay Cường bị ảnh hưởng của các trẻ con hàng xóm bỏ học tụ tập du đảng.

Thịnh và Cường bận rộn vì hai đứa đều được chọn vào đội tuyển của trường, nên chiều nào cũng đi đấu hoặc tập dợt. Thịnh chỉ còn ba tháng nữa sẽ tốt nghiệp trung học, nó sẽ xuống San Diego ở nội trú trong trường. Còn Cường, ngoài quần vợt ở trường còn phải đi hướng đạo và M.U.N. (Model United Nations) ở trường. Vì vậy nên cuối tuần, hết đi cấm trại, đến đi hội thảo ở các trường khác, hoặc đi đấu quần vợt.

Mẹ nhớ ngày nào khi còn ở đường Vườn Chuối lúc chưa lập gia đình. Mỗi lần xem truyền hình thấy quay cảnh các lớp học ở ngoại quốc. Mẹ nhớ là nước Nhật. Thấy các học trò được xếp giấy đủ loại thú vật, được học với đủ thứ đồ chơi. Mẹ cứ mơ ước sau này các con của mẹ được ra xứ ngoài học để hiểu biết như các trẻ con ngoại quốc. Vậy là mơ ước của mẹ đã đạt thành.

Hồi mẹ còn nhỏ mới đến trường lần đầu ở làng Hòa Hảo, mẹ ngồi học với những đứa bé nghèo. Lúc chuyển trường qua quận Cái Vồn tỉnh Cần Thơ mẹ được đưa vào lớp mẫu giáo. Cô giáo ngoắt mẹ lên chỉ một chữ nào đó trong quyển tự điển cho mẹ đọc, mẹ đánh vần trúng nên được "lên lớp" năm. Lớp năm có vẻ đàng hoàng hơn. Mỗi học trò có một bình mực mủ hay bằng ve chai nhỏ và một cây viết có gắn ngòi . Tập đứa nào cũng có một miếng giấy chặm mực màu xanh hay màu hồng.

Mỗi buổi sáng trước khi học chữ cô giáo tập thể thao cho các trò "xem". Cô mặt áo dài, thở vô thở ra, hai tay duỗi thẳng lên trời rồi khom lưng thòng tay chấm đất. Học trò chỉ ngồi xem, để mỗi sáng ở nhà bắt chước cô tập thể thao.
Mẹ không biết vì sợ cô giáo hay vụng về mà mẹ cứ làm đổ mực hoài, ướt cả tập lấm lem. Có lẽ chưa quen với bình mực chăng? Sau lần đổ mực thứ ba cô cho mẹ xuống lớp cũ. Thế là mẹ lại được ngồi cạnh thằng bạn thò lò mũi xanh.
Có một lần ông ngoại đi Sàigòn về cho mẹ một cái áo mưa của Pháp dầy bằng kaki, có lót và cái nón nhọn. Mẹ cứ trông trời mưa để được mặc. Một hôm mưa nhiều, mẹ mặc áo mưa đi học về. Nhà mẹ ở cuối phố nên khi đi về nhà, mẹ đi ngang qua một số người đang ngồi trò chuyện. Mẹ cảm thấy hãnh diện với chiếc áo mưa mới không ai có ở vùng quê này. Thình lình vì trời mưa đất sét trơn trợt nên mẹ té một cái bịch. Áo dính xình lắm lem mà mẹ ngồi dậy không được, nên họ phải chạy lại bế mẹ lên. Mẹ bẽn lẽn đi một mạch về nhà.

Cạnh nhà mẹ có một ông có nghề võ. Mỗi lần mẹ nghe vợ chồng ông cãi lộn là hôm sau mẹ thấy bà vợ sưng mặt bầm mắt. Mỗi tối ông dạy nghề võ cho chị Tư con của vú và các bạn chị. Mẹ thấy vui quá nên năn nỉ chị dạy lại. Chị dạy mẹ một đường quyền dễ nhất có cái tên là lạ là "Đường Sa Cúp Bế". Cũng bái tổ, đỡ gạt, lên xuống, đá và phải đi cho đúng bốn phía.

Mẹ hay theo chị Tư và các bạn gái chị. Nghe các chị nói hễ cô nào có bồ thì hôn trái đu đủ sẽ chảy mủ. Mẹ thấy mấy chị ưa bắt bạn gái khác hôn trái đu đủ mới bẻ ở gần nhà. Phải hít thật mạnh xem có "đứa" nào có bồ mà dấu bạn không. Còn các chị muốn biết đứa nào "mất trinh" chưa thì lấy sợi dây đo cổ rồi lấy vòng đó trồng vào đầu. Nếu vòng đó qua khỏi đầu là "mất rồi". Còn không thì cô đó còn con gái, mấy chị nói đàn bà thì cổ nở lớn hơn con gái.

Cô bạn thân nhất của mẹ là A Múi, người Tàu ở sau nhà mẹ. Phía trước bên mặt của nhà mẹ là nhà lồng dài để các chú lính Phật Giáo Hòa Hảo đến ăn cơm trưa và chiều. Thật là vui và náo nhiệt. Mẹ và A Múi hay qua xin những miếng cơm cháy từ các chảo bự. Cơm cháy chan mỡ hành thật là thơm ngon. Có những lúc ông bà ngoại đãi tiệc, khách ăn xoài tráng miệng là mẹ và A Múi được cạp rất nhiều hột xoài, ngon ghê.

Có một lần mẹ và A Múi chơi nhà chòi. Hai đứa làm bánh khọt, mẹ có một lò nhỏ và một khuôn bánh khọt nhỏ lớn hơn bàn tay của mẹ. Hai đứa nhóm lửa bằng củi và xin bột bánh khọt của vú pha sẵn, hai đứa ngồi chồm hổm dưới đất đổ bánh. Không ngờ mẹ té chống tay vào khuôn bánh khọt bị phỏng tay, mẹ rát quá thò tay vào hồ nước cho đỡ nóng. Vú bắt mẹ lấy tay ra thoa bằng "nước mắm", tay mẹ bị phồng lên, mọng nước.

Mẹ nghe nói người người cho mình ăn đầu tiên và người dạy mình học rất quan trọng vì mình sẽ giống người này. Ngoại kể mẹ nghe là vú lén nhai cơm cho mẹ ăn. Ngoại biết ngoại rầy vú dữ lắm vì lúc đó vú ăn trầu ngoại sợ dơ. Còn người lén viết chữ A, B, C cho mẹ học cũng là vú. Vậy mà qua xứ Mỹ mẹ còn đi học, thật là lạ trong khi vú dốt.
Vú mất lúc mẹ ở Cao Miên khoảng mẹ 15 tuổi. Trước khi rời Sài Gòn, mẹ có gặp vú. Mẹ và vú ngủ chung lần cuối. Vú bị đau phổi nên ốm và già.


Mission Viejo, 12 -3-1992

Trang thương,
Con có biết mẹ đang tập gì không?
Mẹ đang tập làm sao tìm thấy sự bình an trong tâm hồn trong mọi công việc làm, ở mọi thời gian và không gian.
Lúc đang đi chợ, mẹ nhủ lòng, hãy xem việc đi chợ như việc ngồi viết báo hay viết những bài về tư tưởng, về các trạng thái tâm linh hay đang ngồi thiền hoặc đang cúng Phật. Khi mẹ thấy đi chợ lâu quá định nhìn đồng hồ thì mẹ tự ngăn mình lại đừng nhìn đồng hồ. Vì khi nhìn thấy số giờ trôi qua là mình sẽ bị thôi thúc bởi thời gian, rồi tiếc rẻ hoặc cho mình đã tốn quá nhiều thì giờ cho việc đi chợ.

À, mẹ có cắt phiếu giảm giá mua tã hiệu Pamper, Luvs, và Huggies, định gởi cho con, để mua cho thằng Hiền nhưng mấy hôm nay mẹ lo viết ký sự về chuyến đi New York nên mẹ quên. Con có biết mẹ gần giống mấy bà già Mỹ rồi. Từ một năm nay mẹ hay cắt phiếu đó lắm, bị ba con la cắt bỏ tùm lum. Có khi mẹ cắt trên xe lúc ba con lái xuống Bolsa đi chợ, đi Hội Quán vào chủ nhựt hoặc đi thăm bà ngoại. Lúc đầu mẹ ham cắt ghê đi, sau này mẹ chỉ cắt những cái nào cần xài thôi, như dầu ăn, khăn giấy, nước ngọt vv... Có lúc đi chợ Albertsons mẹ được bớt đến 6,7 đồng vì họ cho bớt gấp đôi. Mỗi lần ba la mẹ thì mẹ nói có khi chợ hạ giá xà bông Tide giặt quần áo còn 99 xu mà mẹ có phiếu giảm giá 50 xu, chợ cho thêm 50 xu vậy mẹ được miễn phí hộp xà bông rồi còn gì? Lúc trước mình chỉ đi bộ từ nhà có năm phút là đến chợ, mỗi lần quên mua món gì thì mẹ sai con hoặc các em. Bà nội hay Hằng Vân cháu của ba cũng hay đi bộ qua đó mua đồ lặt vặt hoặc băng qua đường là tới chợ Target. Con nhớ không? Lúc trước là chợ Gemco đó. Còn chợ Albertsons bị đập tan ra để cất thành Mervyn’s bán quần áo.

Mẹ phải khoe con cái này mới được, sáng nay lần đầu mẹ bán ve chai và lon nước ngọt. Lúc sau này mẹ đi chợ Lucky chứ không đi chợ Alpha Beta nữa vì mẹ thấy chợ Lucky bán rẻ hơn.

Mẹ thấy trước chợ có máy mua lon nên mẹ bán thử. Hai tuần nay mẹ bắt các em con bỏ lon vào thùng mà trời mưa hoài nên mẹ không đi được. Ba con đi qua đi lại cứ nhằn hoài. Ba nhắc lúc trước bà nội để dành đầy cả một thùng rác bự nặng quá nên cho xe rác đổ vì mẹ khiêng đi bán không nổi, mà em con thì làm biếng. Con biết hôm nay mẹ bán được bao nhiêu không? 52 xu. Lon nước ngọt, chai bia 2 xu, chai nước ngọt 2 lít 5 xu, chai Perier 7 xu. Còn... chai rượu Courvoisier của ba bán không được vì cái đít chai to quá bỏ vào máy không lọt, mà nếu lọt cũng không bán được vì máy chỉ mua những chai có ám số riêng.

Thương con.

Mission Viejo, 13-3-1992

Trang thương,
Con có biết mẹ con hư không? Trong khi sáng sớm bà ngoại tập Arobic theo truyền hình thì mẹ trùm mềm nằm trên giường. Cả tuần nay mẹ không đi Holiday Spa, cũng không tập thể thao theo truyền hình vào buổi sáng sáu giờ rưỡi nữa. Mẹ chỉ tập trên giường khi xem tin tức buổi tối vào lúc sắp ngủ thôi.

Tuần rồi mẹ gọi điện thoại dặn bà ngoại tập . Thường thì ngoại đi bộ tới lui trong phòng 50 lần. Mẹ có dặn ngoại tập động tác chậm mà ngoại quên, cứ dòm theo cô Mỹ nhảy theo động tác trung bình nên ngoại mệt quá phải ngồi xuống nghỉ mệt. Ngoại bây giờ đỡ lắm, mẹ không phải gọi điện thoại cho ngoại hay gặp ngoại thường như trước nữa.
Đôi khi ngoại chỉ thoáng trách mẹ không ở chơi với ngoại lâu lâu mà chỉ gặp đưa ngoại đi bác sĩ hay đi mua thuốc, ăn tiệm rồi về vì mẹ phải rước Cường. Khi nào nó lái xe một mình chắc mẹ ở chơi với ngoại lâu hơn.

Mẹ nói với ngoại tuy không gặp mặt nhưng ngoại nghĩ mẹ và ngoại đều hiện diện và chỉ khác là khoảng cách. Mẹ và ngoại thường nghĩ đến nhau thì cũng như gặp vậy, ngoại đồng ý nhưng gặp thì thích hơn.

Hôm qua mẹ xem chương trình của Oprah về vấn đề các đứa con không chịu gọi điện thoại cho các bà mẹ. Mẹ thấy các bà ấy chỉ làm khổ mình thôi. Có bà nhìn con nói mà nước mắt ròng ròng. Con bà nói bà hay khóc quá nên nó không gọi. Một cặp khác thì cãi nhau cả trên truyền hình, đứa con nói gọi bà thì hai mẹ con gây lộn nên không kêu vì bà hay nói xấu ba nó v.v...

Sáng nay mẹ gọi thăm ngoại lúc ngoại vừa tập thể thao xong (còn mẹ thì trùm mềm). Ngoại nói ngoại tập thể thao xong ngoại đổ mồ hôi. Trưa nay mẹ sẽ xuống ngoại rồi đi chợ Bolsa luôn vì ngày mai mẹ phải đãi 20 người bạn của ba, mấy bác thường hay đến nhà, ngày xưa học chung với ba đó. Nhớ lúc trước mẹ có con làm bếp tiếp bây giờ phải làm một mình. Cũng có thời gian mẹ có hai cháu Hằng, Vân tiếp lúc mới ở Việt Nam qua. Lúc đầu hai đứa học ở Los Alisos với Cường. Hai đứa theo học rất khó vì bên Việt Nam đã nghỉ học quá lâu, phải nhảy bốn, năm lớp mà lại gặp toàn tiếng Mỹ.

Năm sau vì Hằng bằng tuổi Thịnh nên họ buộc phải lên trường trung học Mission Viejo. Trường tụi con trình độ cao và không có chương trình song ngữ nên ba mẹ phải chuyển hai đứa về Bolsa Grande ở Westminster. Khổ nỗi ở đó lại quá đông Việt Nam nên hai đứa lại than không có dịp nói tiếng Mỹ. Bây giờ thì hai đứa học ở Fullerton cùng với các con của dì dượng Út rồi. Hai đứa nó ham học lắm, điểm đều khá hết, mẹ chắc tụi nó có tương lai vì đã khổ ở Việt Nam nên quý việc học.

À hôm tối thứ tư, mẹ có đến trường tiếp mấy bà trong hội Phụ huynh học sinh xếp bản tin và các báo cáo của nhà trường, dán địa chỉ để gởi về nhà. Mẹ mới biết việc này từ trước đến giờ là do các bà làm, mỗi năm bốn lần. Các bà vừa làm việc vừa hàn huyên tâm sự. Bà nào cũng hãnh diện cho con đi học ở đây vì trường được xếp một trong mười trường trung học khá nhất nước Mỹ.


Mission Viejo, 16-3-1992

Trang thương,
Ba biểu mẹ nên viết về những khó khăn trong vấn đề đoàn tụ gia đình, ba nghĩ sẽ giúp ích rất nhiều người vì không phải ai cũng biết giải quyết vấn dề này.

Tối thứ bảy mẹ đãi bạn của ba, mọi người ngồi kể chuyện, nhiều bạn bè gặp cảnh khó xử, gia đình đi đến chỗ tan nát. Các ông khổ tâm vì một bên là mẹ cha, một bên là vợ con. Nhiều người đi vào chỗ bế tắc, không biết giải quyết. Mẹ nói nhiều người vợ không phải họ xấu, nếu xấu tại sao gia đình họ hạnh phúc từ nào đến giờ. Họ lo cho chồng con nhà cửa tươm tất, đi làm đàng hoàng. Mẹ chỉ nghĩ là những khó khăn trong cuộc sống đã có sẵn cộng thêm quá nhiều gánh nặng khiến họ kham không nổi. Nhiều người vợ trẻ không có kinh nghiệm sống nên họ không biết cách đối phó mới xảy ra tan vỡ. Nếu mọi người đều suy nghĩ và đừng để tình cảm ảnh hưởng quá độ thì mọi việc rồi sẽ dần dần êm. Điều quan trọng là giữa vợ chồng phải nói chuyện nhiều và hiểu nhau, sát cánh với nhau luôn luôn mới giải quyết được.

Có một số người qua đoàn tụ muốn gia đình lo cho mình và thụ hưởng nhiều hơn, chớ họ đâu ngờ là một gánh nặng cho những người bảo lãnh. Thật ra với số tiền thân nhân gởi về Việt Nam giúp, đời sống của họ lại đầy đủ, thoải mái hơn. Họ không biết được những số tiền nợ mà thân nhân phải vay mượn để lo cho việc đoàn tụ, cộng thêm tất cả chi phí mà người thân phải chịu khi họ qua, đã tạo nên một mối lo rất lớn.

Cũng như những người ở trại tị nạn khao khát, mơ ước tự do, nhưng họ chưa va chạm với thực tế về sự trả giá rất đắt cho hai chữ "tự do". Họ chưa hiểu rằng một người bị bốc từ một thế giới xa lạ, chậm tiến khi bị rớt vào guồng máy văn minh ở xứ người nó khó khăn ở mức độ nào.

Tuy nhiên thuyền nhân là thành phần chủ lực của sự đòi hỏi tự do và nhân quyền khi họ bị cưỡng bách trở về quê hương. Họ đã hy sinh mạng sống, tài sản để đi tìm tự do và đã được học hỏi, mở rộng tầm mắt phần nào tại các trại tị nạn. Họ là những người thật đáng thương. Tuy nhiên muốn cho một dân tộc thay đổi, người dân phải trả một cái giá rất đắt. Mẹ thật sự nghĩ rằng Việt Nam sẽ thay đổi, sẽ lớn mạnh qua bao hy sinh xương máu và sẽ được bù đắp để một ngày không xa lắm, tấm bản đồ hình chữ S sẽ vang danh khắp hoàn cầu.


Mission Viejo, 15 -3-1992

Trang thương,
Buổi sáng, lúc ngồi thiền mẹ thấy cuộc sống con người như ở trên một bàn cờ thiêng liêng mà muốn đi cho đúng nước cờ con người phải vượt thoát được cuộc sống bình thường. Vượt cuộc sống bình thường trong ý nghĩa tâm thức chớ không nằm trong ý nghĩa thể chất. Con người sống ở trần gian với dạng thức con người nhưng phải vượt qua mọi yếu tố đã cấu tạo ra họ. Phải học về họ và biết nhận thức đâu là chân, như, đâu là sự vĩnh viễn, bất biến, vĩnh cữu, đâu là phù du để không kềm hãm tâm thức mình rồi ngụp lặn trong bể khổ.

Nếu không bị quay cuồng điên đảo trong hỉ, nộ, ái, ố, nhục dục và bị nó xô đẩy lôi cuốn thì ta mới nhận định rõ nước cờ thiêng liêng đó. Khi đã phân định rõ ta mới bắt đầu một cuộc sống mới và biết những điều nên và không nên làm để có thể ngồi vào bàn cờ.

Vừa rồi mẹ có nói chuyện với bà ngoại lúc bà đang xem truyền hình thiếu nhi sau giờ tập Arobic. Bà nói chương trình này có các em ca hát nhảy múa vui quá. Bà thích nhất là cô bé Nhật Bản. Tuần tới mẹ sẽ rước bà ngoại lên ngủ một đêm vì dạo này bà phải đi bác sĩ với dì Mỹ từ khi bị đụng xe hôm mồng một Tết. Người mà mẹ sợ mất nhất là bà ngoại. Từ khi ông ngoại mất đến giờ đó là vấn đề mà mẹ phải đối phó thường xuyên. Nhất là ông thầy tử vi nói bà ngoại sẽ mất sau ông ngoại năm kế tiếp. Bây giờ thì ông thầy đó đã qua đời rồi. Mẹ không còn bị lời nói của ông ám ảnh vì bà ngoại không còn sợ như trước. Mẹ không còn bị ngày tốt ngày xấu, tuổi tác hay tử vi ảnh hưởng nữa. Mẹ tin vào ơn trên và vào chính mình, cùng những việc mình phải làm.


Mission Viejo, 16-3-1992

Hôm nay nắng lên thật là đẹp, chim kêu chíu chít ngoài trời. Buồng cau có những sợi khô trắng xõa bay theo chiều gió. Các hàng cây bên đường đều trụi lá và bị tỉa ngắn như những cây chỉa ba. Mùa đông vẫn còn đâu đây, chỉ có mấy chậu kiểng trước nhà là tươi xanh.

Nắng ấm tràn vào cửa sổ nơi tôi ngồi rồi dịu lại vì những áng mây mỏng bay qua. Chốc chốc lại phựt lên sáng rực làm người tôi thật ấm. Tai tôi nghe thật xa những âm vang như xoáy tròn trôn ốc ngoài vũ trụ mênh mông. Hơi thở tôi nhẹ nhàng trong sạch. Mọi thời gian, không gian, con người và vạn vật ngừng lại với tôi thật gần gũi, trọn vẹn. Tất cả đều hiện hữu, đều đã giải quyết và chưa giải quyết. Đã đến rồi đi.

Tất cả đều dừng lại trong khoảnh khắc nào đó rồi cùng tiến triển bước đi, để rồi phân tán, hội nhập, liên kết, gút mắt và cứ thế tiếp tục theo những chu kỳ nhất định. Tất cả đều nằm trên một con đường quyết định của một định luật sanh diệt. Ta phải sống, phải uốn lượn theo sự luân chuyển trong vòng tròn bất định đó và đồng thời phải đứng bên ngoài để nhìn những giai đoạn của mỗi chu kỳ của nó để ta không điên cuồng, quá tận hưởng hay điên loạn vì những biến chuyển của nó. Để ta có thể nhìn thấy hậu quả và kết quả của những biến chuyển và không bị lôi cuốn .

Đứng bên ngoài để nhìn thấy kết quả của những đau khổ và hậu quả của những đam mê tận hưởng hay mù quáng. Hậu quả, kết quả của những phút thập tử nhất sanh, những đau thương chia lìa ngoài biển cả phải chăng là cả một phần dân tộc mầm non đang phát triển vương lên với những bộ óc vĩ đại, tương lai xây dựng đất nước. Những hậu quả của sự say men chiến thắng đã đưa một ý thức hệ, một chế độ lầm đường đi vào ngõ cụt, tàn rụi không có một sự tiếc thương mà chỉ có sự rẻ khinh thù hận. Những khuôn mặt cáo già, lừa đảo, say men chiến thắng trước kia hôm nay đổi sắc diện, trông trơ trẽn u tối, ngượng ngùng.

Dân tộc Việt Nam đã qua một cuộc Đạo Học toàn diện, để học hỏi rồi tỉnh ngộ. Thay đổi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880