SỰ MẦU NHIỆM CỦA ĐỜI SỐNG

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 10816)
SỰ MẦU NHIỆM CỦA ĐỜI SỐNG

Mission Viejo, 1-3-1992

Sự yên lặng của căn nhà thật tuyệt vời. Mọi sự vật như ngừng đọng lại, trống không. Sự trống không không ưu tư phiền muộn, không có quá khứ lẫn vị lai, không suy nghĩ, không ước mơ, không hy vọng hay tuyệt vọng.
Sự mầu nhiệm phải chăng là sự xoay chuyển của tâm thức con người theo mỗi tíc tắc chuyển động của thời gian, không gian. Sự chuyển động hòa hợp nhịp nhàng. Sự nhịp nhàng hòa hợp càng nhiều tâm thức càng an định, thần trí sáng suốt mạnh mẽ, đời sống quân bình.

Sự mầu nhiệm của đời sống, phải chăng là khả năng thay đổi từ bi quan sang lạc quan hay từ tiêu cực sang tích cực, từ thù thành bạn, từ ghét thành thương, hay từ phá hủy sang xây dựng đóng góp. Sự thay đổi phải bắt nguồn từ chính ta rồi đến những người xung quanh ta, cộng đồng xã hội và đất nước quê hương.

Mọi hành trình xây dựng phải đi từ căn bản của con người, của chính ta trước, rồi mới lan rộng ảnh hưởng dây chuyền.
Hôm nay là một ngày tuyệt vời để khởi đầu một trang nhật ký mới. Mới của một giai đoạn trong đời sống của mình hay của vận nước? Có lẽ cả hai.

Mình sẽ viết nhiều và thật nhiều về những gì có thể xây dựng cho căn bản con người, căn bản gia đình, xã hội và đất nước. Một bài báo, một trang tư tưởng không có phép lạ, nhưng nhiều bài báo, nhiều trang tư tưởng sẽ kết thành một sức mạnh và chính sức mạnh của tư tưởng sẽ làm một sự đổi thay, sẽ làm một sự chuyển động, một phép lạ mà không ai hay biết để chống lại nó, để cưỡng lại nó hay vô hiệu hóa nó.

Mình sẽ không dùng những tư tưởng, những từ ngữ lỗi thời trong các bài viết. Từ ngữ quê mùa và lỗi thời nhất là từ ngữ cộng sản. Nó lỗi thời trước khi con người nhận biết được sự lỗi thời của nó. Nhìn lịch sử, nhìn sự thay đổi tiến hóa của một dân tộc phải có một cái nhìn xa và dài, một cái nhìn toàn diện của một khoảng thời gian nhiều thế kỷ. Như xây một căn nhà phải nhìn thấy từ lúc đổ nền cho đến khi hoàn tất.

Ta đứng đây nhìn quê hương trong tương lai sau khi xây dựng lại nó sẽ đẹp đẽ, hùng mạnh như thế nào. Ta không thể ngồi đây ủ rũ nhìn một chế độ quê mùa, tự bịt mắt, níu kéo những gì sắp mất. Sự biến chuyển chỉ còn là nhịp độ thời gian. Ta không bỏ công đi giật những gì mà họ sắp mất mà ta hãy lo thu nhặt những gì tốt đẹp, hữu ích để bù đắp vào những gì đã mất hoặc không có và chuẩn bị khởi công xây dựng.

Mỗi giây phút "nhìn thấy", là một hạnh phúc tràn đầy.
Sự bừng sáng, ngộ giác như chợt tỉnh sau một giấc ngủ dài. Cái tôi biết phân định giữa hiện tại, ảo ảnh, quá khứ. Con người bỗng tự chủ được mình toàn diện. Thời gian như ngừng đọng và trôi đi chậm rãi. Mọi biến chuyển của con người và vũ trụ không ảnh hưởng mình như ngày xưa. Không còn có sự thúc đẩy của bên ngoài, mà là sự quyết định của cái tôi ôn hòa nhưng cứng rắn. Cái tôi biết mọi sự xảy ra chung quanh, nhưng không rung chuyển và biến chuyển để thay đổi theo chiều thúc đẩy, quyến rủ của mọi thói quen ưa thích. Cái tôi thay đổi mà không thay đổi. Thay đổi vì không còn bị xu hướng lôi kéo. Không thay đổi vì mọi thói quen ưa thích, xúc cảm và nhạy cảm của các giác quan vẫn sinh hoạt bình thường. Chỉ có cái biết và cái nhận thức về sự hiện diện của nội tại làm đổi thay toàn diện con người khiến con người làm chủ bản thể, chứ không còn để bản thể khiến sai lôi cuốn.

Cái thức giúp con người tuy sống mà đứng ngoài cuộc sống, đứng trên cuộc sống, và làm chủ cuộc sống. Cái thức giúp cho mắt nhìn và thấy ngoài cái thấy và trên cái thấy. Cái thấy giúp cho ta sống với con người và biết con người.


Mission Viejo, 2-3-1992

Làm sao đứng ngoài và trên sự thương và ghét mọi người ?
Trước hết ta phải xem người đó là một con người thuần túy và ta tôn trọng con người đó.

Con người đó phải được ta đặt ngoài thành kiến chủ quan bằng cách: ta không nhìn người đó với sự liên hệ về máu huyết, tình cảm, nghĩa là ngoài mọi liên hệ giao tế về mặt gia đình hay xã hội. Người đó cũng được ta đặt ra ngoài mọi căn bản học thức, văn bằng hay địa vị xã hội. Sau cùng là ta không nhìn họ với đầu óc và sự suy nghĩ, phán xét về chủng tộc, màu da hay tôn giáo. Đó là khởi điểm và căn bản của mọi phán xét khách quan để ta có một cái nhìn nhân bản về một con người ở bất cứ hoàn cảnh hay môi trường nào mà ta đã, đang và sẽ gặp. Cái nhìn nhân bản đó cộng với kiến thức khách quan giúp cho ta hiểu mọi lý do đã tạo dựng nên một con người mà ta đang giáp mặt.

Nếu đem một con người đặt vào bất cứ cấu trúc văn hóa xã hội của một quốc gia nào, cộng với tôn giáo mà họ đang theo, hay vô tôn giáo mà họ lựa chọn, ta sẽ hiểu mọi lý do đã tạo dựng nên người đó. Khi hiểu mọi yếu tố đã tạo dựng nên họ, ta sẽ hiểu người đó một cách tường tận, ta sẽ đáp ứng, ứng phó đúng với họ mà không tạo nên sự chống đối hay đổ vỡ. Ta sẽ không gây nên sự cách biệt về giàu nghèo, địa vị xã hội hay chủng tộc tôn giáo.

Ta thu hẹp cái nhìn nhân bản trong gia đình để không có định kiến và thành kiến với các con, hay giới trẻ không cùng một môi trường giáo dục tại quốc gia của mình. Tất cả những sự học hỏi mắt thấy tai nghe cùng với sự tiến bộ của một nước văn minh và sự phát triển tiến bộ của thế giới đã tạo nên những bộ óc khác, những bộ óc rộng chứa nhiều dữ kiện hiểu biết hơn của mình.

Ta có một số dữ kiện của ta cộng với một số dữ kiện học hỏi được trên con đường mà ta cùng đi với con cái ta cho đến lúc trưởng thành. Ta có một bộ óc dễ dung hòa vì đã có một số dữ kiện học hỏi tương đồng trong khoảng thời gian tách rời quê hương cho đến hiện tại. Ta là một nhịp cầu, một phần cội rễ để cho các con ta dính liền với quê hương. Ta là nhánh rễ mạnh thì sự liên hệ về nguồn gốc của con ta nó mạnh. Ta là nhánh rễ yếu, èo ọt, ung thúi thì các con ta chẳng sớm muộn gì cũng bị bật tung bứt gốc của nó. Khi ngọn rễ bị bật tung bứt gốc, con ta sẽ không trở thành người dân của quốc gia mới, mà nó lại trở thành những con người VÔ TỔ QUỐC, mất đi căn cước của nó (Identity).


Mission Viejo, 3-3-1992

Niềm tin nào đã khiến cho con người không còn cảm thấy sợ hãi ? Sợ hãi trước kiến thức con người, cấp bằng, thế lực, đẳng cấp, uy quyền hay võ lực. Đó là sự hiểu biết. Sự hiểu biết không phải bên ngoài mà là ở bên trong nội tại. Biết được bên trong nội tại, mọi cấu kết của tâm thức và siêu tâm thức. Biết được cội nguồn của mọi cội nguồn. Biết được kết cấu của mọi sự vật, con người và vũ trụ.

Sự hiểu biết nội tại siêu tâm thức cho ta cái Thấy. Cái Thấy từ dĩ vãng cho đến tương lai của những thời điểm của con người, mọi đột khởi, kết quả và hậu quả của các hành động của họ và sau cùng tất cả những đột biến của dữ kiện lịch sử, trong từng mấu chốt của thời gian.

Sự hiểu biết, thấu triệt tâm linh đời đời bất diệt cho ta một sự bình an vô tận. Mọi xúc động và rúng động đột biến xảy ra và trôi qua, không có sự chận đứng hay che đậy. Ta phải uyển chuyển như người nhưng khác người. Ta sống, thở như người mà khác người. Vì ta là ta mà ta không lầm ta với những đột biến nội tại của mình hay của những người xung quanh và hoàn cảnh bên ngoài.

Mọi diễn biến, đột biến xảy đến, trôi qua như những khúc luân vũ nghê thường, lúc uyển chuyển dịu dàng, lúc dồn dập mạnh mẽ liên hồi. Và điệu vũ bất tận không bao giờ dứt. Siêu thức ta hiện hữu luôn luôn với điệu vũ bất tận đó. Ta tách rời mọi thân xác qua biến chuyển của thời gian để uyển chuyển theo nó. Thân xác ta thay đổi theo mọi dấu mốc, các thế kỷ. Điệu vũ không dừng lại theo các dấu mốc của các thế kỷ, của thời gian mà điệu vũ chỉ biến thiên xoay chuyển sao cho nhịp nhàng với sự tiến hóa của vũ trụ và mọi tâm linh của con người và vạn vật. Điệu luân vũ dồn dập đột biến như cuồng phong, khi con người trì trệ, gục ngã, tham lam độc hại, tranh giành quyền lợi chém giết lẫn nhau. Điệu vũ hài hòa, nhẹ nhàng lả lướt như rồng bay phụng múa khi con người và vạn vật sống hòa điệu trong tình thương yêu. Ta lướt theo điệu vũ bình an, tự tại, học hỏi với điệu vũ, với con người cùng với sự đổi thay của nó, không vui mừng lẫn đau khổ để trường tồn, vĩnh viễn.

Mission Viejo, 4-3-1992

Ngôn ngữ cũng là sự mầu nhiệm trong đời sống con người. Ngôn ngữ để diễn tả và giúp con người đạt được sự cảm thông. Ngôn ngữ làm cho thế giới trở nên nhỏ bé. Con người tiến lại gần nhau hơn. Ngôn ngữ nối liền tôn giáo với tôn giáo, các sắc tộc màu da. Ngôn ngữ giúp ta truyền đạt tư tưởng, và là sợi giây liên lạc, nhịp cầu cảm thông giữa người với người. Từ đó tình yêu nẩy nở, đơm hoa.

Đối với riêng tôi, ngôn ngữ thật là kỳ diệu. Nó đã đưa tôi đến gần với tư tưởng của những người đàn bà khác chủng tộc mà tôi chưa bao giờ gặp mặt như Anne Morrow Lindbergh, Sakti Gawain, Chris Griscom hay Gurumayi Chidvilasananda. Tôi đọc sách của họ với bao niềm xúc động và cảm thấy thật mến họ.

Ngôn ngữ phải chăng đã mở rộng tầm mắt, nới rộng khối óc nhỏ bé của một cô bé sanh trưởng tại một ngôi làng xa xôi của miền Tây nước Việt Nam. Có phải nhờ nó mà cô đã có cơ hội học hỏi nơi các thiền sư D.T. Suzuki (Nhật Bản), một Krishnamurti (Ấn Độ), Alan Watts, Gerald G. Jampolsky, Mortimer J. Adler hay những người mà cô không cần biết họ là người gì? Ở đâu? Bao nhiêu tuổi? Có cấp bằng hay không?

Tôi nhớ lúc còn làm việc ở đại học Long Beach, có một dạo tôi cứ tưởng mình là một Kabalist, Do Thái khi tôi đọc quyển Kabalah : The Way of The Jewish Mystic do Perle Epstein viết. Tôi thấy đạo Do Thái cổ truyền sao thật giống đạo Phật Giáo Hòa Hảo của tôi : Đời đạo song tu. Đời sống của các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, cách đối xử trong tình đồng đạo sao giống các Kabalists quá.

Tôi hay thầm nghĩ, cuộc đời quá ngắn ngủi. Chúng ta không có đủ thời giờ để học hỏi, thì đã có nhiều người nghiên cứu học hỏi giùm ta. Chúng ta không trải qua nhiều kinh nghiệm, kỳ công tu luyện khổ ải thì có người đã tu luyện để rồi họ mang kiến thức, sự hiểu biết, giác ngộ, ánh sáng đến cho ta. Nếu không có ngôn ngữ thì làm sao ta thụ hưởng được gia tài khổng lồ đó. Phải chăng nhờ sự học hỏi qua các kiến thức, kinh nghiệm và tư tưởng của các bậc thức giả, thiền sư để rồi cô bé nhà quê ngày nào mới hiểu thêm đạo của mình khi đọc lại Sấm Giảng Thi Thơ của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Trước kia tôi ghét ngoại ngữ vì tôi phải vật lộn với quá nhiều ngôn ngữ khác nhau để sinh sống khi bôn ba nơi xứ người. Nhưng phải chăng ngôn ngữ đã mở rộng trái tim tôi ? Tôi thấy yêu thương xứ Miên và xúc động mỗi khi nghe lại tiếng Miên và âm nhạc Cao Miên. Tôi nhớ những kỷ niệm êm đềm nơi xứ Chùa Tháp ngày còn ấu thơ. Những kỷ niệm vui lẫn buồn nhưng đều mang một niềm xúc động sâu xa mỗi khi nghĩ đến. Những âm thanh, những cảnh vật, những ngôi nhà sàn đơn sơ, cheo leo, nghèo nàn.Tôi không bao giờ quên những cây thốt nốt, những cảnh chùa với tượng Phật cao ngất, các đền đài cổ xưa hùng vĩ như Đế Thiên Đế Thích, thành vua với các cung nữ đang xòe tay múa những vũ điệu đặc biệt của dân tộc Cao Miên. Những cảnh đua ghe trước thành vua, những ông bà thầy bói, các tượng ông Tà Cùi với các nải chuối. Rồi chợ Sathmai, chợ Cũ (Sachat), chợ Cây Táo, chợ Cầu Lầu, nhà Bè, trường Bà Phước Providence với bao kỷ niệm thời nội trú. Những cây cà rem thơm mùi sầu riêng của những ông Tàu bán dạo trước cửa trường. Các bãi biển Kompongsom, Kép, thác Cam Trại với những trái chà là chín mọng, những dãy núi Tà Lơn với các hang động, huyền thoại xa xưa.

Đất Cao Miên, nơi tôi đã gặp và đi học chung với nhiều trẻ con biết nhiều thứ tiếng. Tôi có những cô bạn Tàu lai Miên và Việt Nam, nói rành cả ba thứ tiếng cùng với tiếng Pháp đang học trong trường. Ngôn ngữ đối với họ không có giới hạn. Một cô bạn đang nhảy cò cò với chúng tôi. Cô nói với tôi bằng tiếng Việt, xoay qua đứa em, cô nói tiếng Tàu, xoay qua cô bạn nhỏ cô nói tiếng Miên. Chuông reo vang vô lớp cô học tiếng Pháp. Có lẽ cô quên mình đang nói nhiều thứ tiếng một lượt rồi chăng?

Khi sống ở Cao Miên, đôi khi tôi cũng quên bẵng đi là đang sống trong một môi trường đa ngôn ngữ và tôi thấy quen tai như nghe một thứ âm thanh với nhiều khúc điệu. Có đoạn tôi nghe rõ, hiểu rõ, có đoạn tôi nghe còn sót vài chữ, có đoạn tôi phải đoán qua cử chỉ và khuôn mặt kẻ đối thoại, có đoạn tôi mù tịt hoặc chỉ nghe được vài tiếng dễ hiểu. Đó là tiếng Miên hay ít hơn hết là tiếng Tàu.

Tôi có thể đếm và đọc được tiếng Miên đến một trăm và đọc được o, a, ế v.v... Vần Miên cũng lên giọng xuống giọng như vần Việt Nam vậy. Tôi chỉ có đủ chữ Miên để chào hỏi, cám ơn, gọi xích lô trả giá, đi chợ mua cá thịt, vào nhà hàng và nói chuyện chút ít. Thế là hết.

Tôi không có cơ hội học tiếng Miên vì khi qua xứ này tôi phải đối diện với chữ Pháp. Sau đó ba muốn tôi biết chữ Việt nên cho tôi trở về Saigon học trường tiểu học Lamartine và trung học Kiến Thiết cho đến khi có những cuộc đảo chánh xuống đường tranh đấu cho Phật giáo. Lúc trở lại Cao Miên qua cuộc vượt biên với khai sanh giả, ba quyết định giữ tôi lại ở Nam Vang luôn vì tình hình Việt Nam bất ổn. Tôi lại phải chuyển trở lại chương trình Pháp. Tôi phải xếp áo dài trắng, đôi guốc và chiếc nón lá lại để khoác vào những chiếc áo đầm xòe. Đáng lẽ lên đệ lục tôi lại phải sụt hai lớp. Không còn học đại số, hình học, âm nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, hay học thêu, lịch sử, địa lý, công dân giáo dục nữa, mà tôi phải học toán đố, học văn phạm đặt câu Pháp ngữ, và học... hát. Nào bài Frère Jacques, les Choux, la Mère Michelle v.v... Madame Shishawatt giòng họ hoàng tộc thường dạy hát mỗi ngày trước khi tan học, tai tôi vẫn còn nhớ những âm thanh như ngày hôm qua.

C’est la mère Michelle qui a perdu son chat.
hay Savez-vous planter les choux
À la mode , à la mode
Savez vous planter les choux
À la mode de chez nous,
On les plante avec la main ...

Tôi thân nhất Suzane vì Suzane người Tàu lai Việt nên nói chuyện được với tôi và "giúp" tôi. Suzane dốt toán nhưng biết tiếng Pháp, còn tôi dốt tiếng Pháp mà giỏi toán. Suzane dịch toán đố ra tiếng Việt cho tôi làm rồi Suzane chép. Lúc đó toán 8ème thì quá dễ với tôi.

Mỗi buổi chiều khi đợi xe của trường đến để đưa chúng tôi về, chúng tôi chơi cút bắt rất vui. Câu nói bằng tiếng Pháp mà tôi đắc ý nhất vì mới thuộc trong những ngày đầu "bị xụt lớp" là : "Le car vient" (xe tới).

Thuở học ở Bando Vichea, tôi quên đi mất những yểu điệu của cô gái dậy thì trong chiếc áo dài, e ấp dưới chiếc nón lá bài thơ. Tôi tạm quên những ngày thứ hai mặc áo dài xanh da trời để làm lễ chào cờ. Quên đi buổi văn nghệ lên sân khấu song ca bài "Lối về xóm nhỏ", bài hát tôi rất thích, với Hạnh, cô bạn thân.

Tôi lúc đó tên Ngọc Thu và có bạn thân tên Ngọc Hạnh cùng đi bộ mỗi buổi sáng đến trường. Những ngõ hẻm Bàn Cờ, con đường Cao Thắng, Phan Đình Phùng. Hôm nào chúng tôi cũng ghé lại chiếc xe giải khát ăn đậu đỏ bánh lọt. Tôi còn nhớ con nhỏ Thu, hiền hậu khờ khạo ngày nào lần đầu tiên "chơi hụi". Tưởng phải dành cho được hốt hụi là chơi hụi nên cố bỏ giá cho cao. Ai ngờ tiền hụi chẳng được bao nhiêu, ăn bánh có mấy hôm mà mỗi ngày đóng một đồng, đóng hoài không thấy hết.

Những kỷ niệm tưởng đã quên, vì phải đối phó với hoàn cảnh và ngôn ngữ mới, thường trở về luôn trong những giấc chiêm bao. Căn nhà nho nhỏ ở đường Bàn Cờ với tấm sáo có vẽ hình mặt trời ở trong ký ức của cô bé lưu vong mang giòng máu Việt. Xa xa hơn là kỷ niệm những ngày học tiểu học ở Cái Vồn (quận Bình Minh, Cần Thơ). Căn nhà bên sông, gần trạm ăn của quân đội Phật Giáo Hòa Hảo dưới quyền chỉ huy của Tướng Tổng Tư Lệnh Trần Văn Soái. Ký ức đi xa hơn nữa là con bé tóc bum bê đứng tựa lan can, nhìn mặt nước sông Cửu Long lấp lánh dưới ánh bình minh vào buổi sớm mai.

Phải chăng lúc nhỏ con bé đã biết đón nhận ánh bình minh, niềm hy vọng của mọi con người và vạn vật. Ánh sáng thiêng liêng mầu nhiệm đã xóa bỏ mọi âm u, khó khăn, trôi nổi của cuộc sống rày đây mai đó trong cô bé làng Hòa Hảo.

Ở xứ Mỹ, ngày hôm nay, cũng như ở mọi nơi trên mặt đất, cô bé ngày nào cũng vẫn đón nhận ánh nắng mai, cho dù cuộc sống có thăng trầm, trôi nổi, tâm thức có lúc xáo trộn, đảo điên, lúc vui, lúc buồn theo nhịp điệu của đời sống. Ánh bình minh vẫn là viên thuốc mầu nhiệm nhất để nhắc nhở sự trở về nội tại của mọi biến chuyển tâm linh của cô bé ngày nào chỉ ba tuổi đã biết đón nhận, đợi chờ bên con sông của miền Tây Nam nước Việt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880