8- Tập giữ tâm an vui

24 Tháng Mười 201810:46 SA(Xem: 1632)
8- Tập giữ tâm an vui

8- Tập giữ tâm an vui

14-1-2000

Có lẽ đã 11 giờ đêm. Tài vào Internet in tin tức ra đọc cho tôi nghe trong khi tôi làm việc, soạn bài vỡ cho báo đạo.

 

Khuya, sau khi cúng lạy xong, tôi tiếp tục đọc quyển Training the Mind. Tôi lưu ý đến hai tiết mục dưới đây.

21. Luôn giữ tâm an vui.

Khẩu hiệu 21 cho rằng mình phải luôn luôn giữ tâm ở trạng thái vui vẻ hài lòng, dù trong cuộc đời có nhiều khó khăn trở ngại.

Thiền sư Trungpa viết, khởi đầu bạn phải tập giữ cảm giác mừng vui bởi vì bạn đang đi trên con đường đạo, bạn đang thực hiện việc gì cho chính mình. Trong khi có nhiều người không biết phải làm gì cho cuộc đời họ. Ít nhất bạn được sự dẫn dắt. Điều này thật là đặc biệt. Bạn phải cảm thấy thật thích thú hăng hái, và cảm thấy vô cùng hân hoan khi nghĩ đến điều đó.

Từ cái nhìn đó, khi bị thất vọng, hay buồn phiền, bạn nên nghĩ đến cảm giác vui mừng, chào đón, mỗi khi bạn cảm thấy quanh mình không có điều gì làm bạn vui, hoặc khi thấy bạn không được đáp ứng đầy đủ để có thể tu tập. Ý nghĩa của điều này là dù cho trời mưa, nắng, nóng, hay lạnh dữ dội, dù cho bạn đói, khát, no, hay ốm đau nhiều, bạn vẫn có thể giữ được cảm giác vui vẻ. Một cảm giác vui vẻ khiến bạn được tỉnh thức.

Sự vui vẻ này là bắt đầu của tâm từ bi. Câu khẩu hiệu này dựa trên cách thức giữ cho mình ý thức được sự tu tập theo Đại thừa Phật Giáo một cách đầy đủ.

 

Câu khẩu hiệu thứ 22 như sau:

22. Nếu có thể tu tập cho dù khi bị phân tán, như thế là luyện tập tốt.

Thiền sư Trungpa dùng thí dụ rất hay để giải thích câu trên. Một lực sĩ giỏi bị trợt trên một mặt phẳng trơn, khi cố giữ cho mình khỏi  bị trợt bằng cách dùng sức mạnh của tiến trình trợt (hoặc dùng tiến trình khi bị trợt để giữ lại cho khỏi trợt).

Giống như trợt tuyết, khi mình dùng sức mạnh để trợt xuống, và khi bỏ mình để trợt xuống trên tuyết – bỗng dưng mình chú ý và phát triển sự quân bình từ đó.

Khi một việc gì va chạm mình, vì mình thiếu tỉnh thức, thì sự thiếu tỉnh thức đó tự động tạo cho mình sự nhắc nhở. Nhờ vậy bạn thật sự trở lại đúng vị trí mình, và có khả năng lèo lái cuộc đời mình. Bạn bắt đầu nhận ra mình có thể thực tập ngay khi đầu óc đang nghĩ vẩn vơ.

Ý nghĩa là khi bạn đã tu tập, thực hành, sẽ không gặp trở ngại nữa. Khi bạn gặp những điều làm cho bạn thích thú hay đau khổ, bạn sẽ không trở nên nô lệ cho nó. Bạn đã thực tập thở ra những điều tốt đẹp và hít vào những điều buồn xấu, và đã vượt được ý niệm xấu và đẹp, và trí tuệ của Bồ Tát  đạo, thì bạn sẽ không còn vui thích hay đau buồn, thất vọng quá độ nữa.

Khi bạn gặp trường hợp này, tâm hồn và tình cảm của bạn bị ảnh hưởng. Khi bạn bị ảnh hưởng, thì sự va chạm làm bạn giật mình và việc xảy ra đó giúp bạn tỉnh thức và ý thức. Bạn không cần phải cố gắng vì nó tự đến với bạn. Bạn không cần phải che chở, chống đỡ, hiểu biết hay canh chừng gì cả.

Điều rõ ràng là bạn cần phát triển ý thức căn bản, sự tỉnh thức, và luôn luôn tự giác. Những sự tự giác có thể là căn bản của khuôn khổ tinh thần gắn liền với thiền quán.

 

Đọc Mục lục quyển Training the Mind thấy nơi trang 200 có tiêu đề “Always meditate on whatever provokes resentment” (Luôn quán chiếu những gì gây sân hận). Lời giải thích của thiền sư Trungpa trong tiêu đề 49 như sau.

“Luôn luôn quán chiếu những gì khó khăn nhất. Nếu không bắt đầu ngay tức khắc, khi việc khó khăn nổi lên, thì khó mà vượt qua được nó.”

 

Tiêu đề 50: “Không bị lay chuyển bởi ngoại cảnh,” được giải thích:

“Mặc dù ngoại cảnh có thể thay đổi, tu tập không nên bị lệ thuộc vào đó. Dù bạn đang khỏe mạnh hay đau yếu, giàu hay nghèo, có danh tiếng tốt hay xấu, hãy thực hành lo-jong (luyện tâm). Rất giản dị, nếu hoàn cảnh tốt, hãy thở nó ra, nếu hoàn cảnh xấu, hãy hít nó vào.”

Thiền sư có giải thích nơi đầu quyển sách về ý nghĩa của lo-jong. Lo có nghĩa là trí (intelligence) hay tâm (mind), có thể giúp cho ta nhận thức; jong có nghĩa là luyện tập (training) hay diễn tiến (processing). Những điều dạy về lo-jong gồm nhiều bước hay điểm theo quy luật của Phật Giáo Đại thừa. Quy luật căn bản của lo-jong gồm 7 giai đoạn hay tiến trình tu luyện tâm.

Thiền sư cho biết, theo truyền thống Phật Giáo Đại thừa, chúng ta có một cảm giác nhẹ nhàng đối với chính mình, và một cảm giác thân thiện đối với người khác dấy khởi. Sự thân thiện hay lòng từ ái (Tạng ngữ: nyingje), biểu hiện tâm cao thượng (noble heart). Chúng ta có quyết định làm việc với mọi người, nhưng trước khi thực hiện điều này, chúng ta cần tu tập thật nhiều.

Trở ngại cho một người tu theo Phật Giáo Đại thừa chính là thiếu vắng tình cảm dành cho tha nhân – và cho chính bản thân mình. Đó là điều căn bản. Sự khó khăn này có thể khắc phục bằng tu tập pháp lo-jong, luyện tâm trí của mình. Tu tập này cho chúng ta một hướng đi, một con đường để làm việc với những tính tầm thường, thô thiển, ngoan cố của chính mình, hầu trở thành một Phật tử Đại thừa tốt. Một Phật tử Đại thừa chỉ muốn tự vinh danh mình, hay trở thành người lãnh đạo, người dẫn dắt, thường trở nên si mê, ám muội. Có những phương pháp tu tập để vượt chướng ngại này. Đó là việc khai triển tính khiêm nhường, liên hệ đến việc luyện tâm nói trên.

Cái nhìn Đại thừa, là làm việc cho tha nhân và tạo một hoàn cảnh ích lợi cho họ, thái độ hy sinh, và xem người khác quan trọng hơn mình, đó là ba điều căn bản của pháp luyện tâm. Phát triển ba điều trên cùng với nhau, bạn triển khai tu tập theo phương pháp Đại thừa.

*

Tiêu đề 29 trong pháp luyện tâm là “Buông bỏ độc phẩm” (Abandon poisonous food).

Thiền sư giải thích, khi ta thực tập diệt ngã thì đó là một cách tạo nên cái ngã, cái tôi – tạo ngã bằng cách diệt ngã – cũng giống như ăn độc phẩm. Thế nên, thay vì giúp mình tỉnh thức luôn, thì lại khiến mình như đã chết, vì nó cho mình cái ngã, cái tôi. Vì vậy, khi xem việc ngồi tham thiền hay tu tập là sự tiến hóa, cũng giống như ăn những thức ăn pha độc dược.

Chẳng hạn, khi cho rằng, “Tôi ngồi nghiêm chỉnh, với một kỷ luật cao, và nỗ lực tinh tấn, thì tôi là người ngồi thiền hay hơn hết,” đó là thái độ đầy chất độc.

Tiêu đề rất có giá trị có nghĩa, khi mình làm gì với sự tu tập thực hành lại có liên hệ với thành đạt cá nhân, tức là đang vật chất hóa tâm linh (spriritual materialism), hay đang tôn vinh cá nhân, vì cho ta đúng còn người khác sai, và có ý muốn thắng sự sai lầm của kẻ khác, bởi vì ta đang ở bên Thượng Đế, vân vân... Đây là một hình thức đầu độc tâm linh. Một loại thức ăn mới nhìn thì thấy đẹp, mà ăn vào thì hôi thối hay độc hại.

 

Tiêu đề 30 là  “Đừng để dễ bị dự đoán” (Don’t be so predictable). Có nghĩa là đừng cố định, trước sau như một. Người ta cho rằng một người bình thường hay người thế gian luôn luôn biết về sự liên hệ của mình với bạn hay thù của mình, cũng như bao nhiêu nợ nần mình thiếu người khác. Tất cả đều có thể dự đoán được.

Cũng giống như khi một người làm cho ta đau đớn, ta sẽ giữ trong lòng rất lâu, tranh luận rất lâu và ghét bỏ người đó rất lâu. Ta còn muốn trả đũa lại họ, và không quên được sự chưởi rủa hay hành hạ của họ trong mười hoặc hai mươi năm.

Cũng giống như những người ta tin tưởng và làm bạn, lòng tin của ta đối với họ kéo dài rất lâu. Ta luôn luôn nghĩ đến sự liên hệ với họ. Những người đối với ta xấu hay có bất hòa, ta không nên có ác cảm đối với họ. Điều chính là ta càng không nên nhớ đến điều xấu giữa ta và họ.

Tiêu đề này hơi làm ta lẫn lộn. Nhưng tựu trung có nghĩa là ta nên quên đi niệm tưởng kéo dài về sự đối kháng trong tinh thần, vốn dĩ lưu giữ rất lâu trong trí óc.

Thường thì những gì ta hay làm có thể dự đoán trước. Khi ai cho ta một vật gì tốt, ta hay nghĩ sẽ đáp trả lại. Khi ai làm điều xấu đối với ta cũng thế, ta hay chờ đợi họ sẽ tiếp tục làm điều xấu đối với ta, và xem họ như địch thủ. Đó không phải là việc nên làm. Điều tốt nhất là nên làm bạn ngay hơn là để cho họ đụng chạm đến ta. Thay vì chờ đợi đến khi họ phạm tội, hay tấn công ta, thì nên thông đạt và nói chuyện thẳng với họ, trước khi họ chuyển thành một sách lược (strategy).

 

Tiêu đề 31: “Đừng nói xấu người khác” (Don’t malign others).

Thiền sư dạy không nên đặt người khác vào phía sai quấy bằng cách nói xấu về họ. Bên ngoài thì được bọc đường hay kem, tất cả nghe hay ho, nhưng bên trong thì ta đang cố dìm họ xuống, tìm cách trả thù. Nói xấu người khác là dựa vào sự nâng cao giá trị đạo đức của mình, xem người khác kém giá trị hơn, tệ hại hơn.

Những điều này được áp dụng vào giáo dục và thực tập. Chẳng hạn, ta được học hỏi Phật pháp, và có thể nói rằng, “Người đó hiểu ít hơn tôi.” Hoặc nói một cách khác: “Người đó si, tôi khá hơn họ!” Câu tiêu đề này quả rất trực tiếp. Ta nên tránh phạm phải.

 

22-1-2000 – 8:30 giờ tối

Thật là lạ, tôi đang đau đầu ghê mà cảm thấy thèm đọc sách đạo. Mà lúc nào đọc sách cũng đúng những gì ơn trên dạy tôi những điều tôi cần rèn luyện.

Những việc đang xảy ra thật đúng những điều tôi cần học. Chẳng hạn như việc một đồng đạo bên nhà chụp mũ bôi nhọ tôi, điều đó hình như chỉ là giúp cho tôi thêm thấu đáo và có cơ hội thực tập các bài Phật pháp Đại thừa, mà hiện tôi đang đọc pháp lo-jong (luyện tâm) của thiền sư Trungpa.

Tôi thắp bốn cây nến  hương lớn để cúng ông bà. Tôi để hình Đức Thầy ngồi xếp bằng, mặc áo tràng nâu vào khuôn rồi đặt bên bàn thờ Phật, phía bên trái, cạnh bức hình Đức Thầy mặc áo dài đội khăn đống.

Trong bức hình này Đức Thầy có khuôn mặt thật hiền từ, không chút ưu tư. Sau khi chụp bức ảnh này vào lúc mới khai đạo, Đức Thầy có tín đồ theo rất đông, và rất bận rộn, rày đây mai đó, còn bị Pháp bắt đưa vào nhà thương điên.

Tôi phải noi gương Đức Thầy lo tu hành và hy sinh cho đạo. Đừng than trách ai và cũng đừng buồn phiền, vì những chỉ trích, tấn công, và chụp mũ. Tôi biết là rất khó, vì tâm tôi đang nặng trĩu, mặc dù vốn quen bị đả kích.

Tôi thực tập một trong những pháp luyện tâm của Thầy Atisha. Hít vào những điều buồn phiền điều xấu, thở ra điều hay điều tốt. Tôi hít vào những trường hợp và cá nhân đã chỉ trích tấn công tôi. Tôi thở ra những điều vui như mẹ tôi còn sống với tôi, hai con đã ra trường, có đứa sắp thành hôn, tôi sống trong căn nhà rộng có vườn, tôi biết làm trang nhà cho P.G.H.H., tôi có thể viết bài về P.G.H.H. gởi đi khắp nơi, báo Đuốc Từ Bi có nhiều bài giá trị và được giới trí thức khen, những người nhận thơ rơi bôi nhọ tôi lại bày tỏ sự quý mến và ủng hộ tôi, vân vân...

Một lúc sau, tôi thấy điều xấu tôi hít vào quả là ít hơn điều tốt tôi thở ra. Thật hiệu nghiệm. Đến lúc hít vào chỉ có hơi thở, và tôi không tìm ra điều xấu mà điều tốt thở ra cứ còn hoài. Như vậy điều tốt hơn nhiều quá sao tôi lại để cho điều xấu xâm chiếm tâm hồn khiến tôi buồn phiền, đau đầu, thần kinh căng thẳng.

Nhìn lại, tôi phải thương những người tấn công tôi mới phải, vì hầu hết đều đang đau khổ, bất hạnh, gặp việc không hay không vừa ý trong cuộc đời, nên mới sinh tâm lý bất mãn, phản kháng, thích tấn công bôi nhọ người khác.

 

Hôm nay tôi quyết định phải là ngày chỗi dậy của tôi. Nếu thể xác chưa khỏe thì sẽ nhờ tinh thần, và nếu tinh thần chưa mạnh, tôi sẽ nhờ thể xác. Nếu cả hai còn yếu tôi sẽ nhờ ý chí hướng dẫn hành động, và từ đó tôi sẽ giúp cả hai tinh thần và thể xác đứng dậy, như nhiều lần tôi đã làm. Phải chăng ý chí đã chủ động và ý chí đã hun đúc mọi năng lực điều khiển các cơ năng yếu đuối của tôi. Tôi đốt một cây nến nhỏ để phát lên nguyện này với Đức Thầy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880