1 Tâm phải vững

23 Tháng Mười 20181:27 CH(Xem: 1984)
1 Tâm phải vững

1. Tâm phải vững

1-5-1999

Trong một thân thể mệt mỏi vì quá nhiều việc xảy ra trong đạo từ trong đến ngoài nước, tôi khẩn nguyện trước ngôi Tam Bảo, cầu xin cửu huyền thất tổ, Chư Phật, Phật Tổ Phật Thầy ban cho tôi sự sáng suốt để biết tôi phải làm gì.

Tôi không thể để cho tâm hồn dằn co vì những chuyện phải trái của những người trong đạo. Tin tức từ Việt Nam, những sắc lệnh của chánh quyền hiện tại, những buổi họp, những bức thơ tấn công qua Internet, buổi họp báo của các phe nhóm khác tại Little Saigon, vân vân và vân vân...

Đồng đạo bên nhà ai thật đạo, ai giả đạo? Việc gì đến thì phải đến. Điều quan trọng là phải có Đại Lễ 60 năm để mở ngỏ cho P.G.H.H. triển khai.

Tôi phải tự nhắc mình: Tâm Phải Vững. Vững là thế nào? Vững là nghe như không nghe, biết như không biết, hầu có thể đi đúng con đường mình đã vạch ra. Tất cả mọi việc kể cả chuyện thị phi sẽ không làm mình bối rối, chùn bước, nản lòng. Tóm lại là không để bị ảnh hưởng để ngả sang bên A lẫn bên B, mà phải nhất quyết giữ đúng chương trình làm việc và con đường mình đi.

Ngoài việc lo cho Đuốc Từ Bi, thì ưu tiên một là lo cho trang Hòa Hảo trên Internet. Ưu tiên hai là đi học dù có khó khăn và sức khỏe kém. Ưu tiên thứ ba là tiếp tục làm sách. Dù cho muốn ẩn cư, không muốn nổi tiếng, dù không muốn đụng chạm ai vì những gì mình viết, tôi vẫn phải ra sách vì đó là chứng nhân cho giới trẻ.

Tôi phải tập cho tôi mạnh dạn. Càng bị tấn công, đả kích, tôi càng được rèn luyện cho ý chí vững mạnh sắc bén hơn để đối đầu với mọi khó khăn.  Phải chiến thắng cái ngã, chiến thắng mọi tị hiềm, đả phá, và tiến tới. Càng lùi sẽ càng bị đè bẹp, càng tiến thì đối phương mới thối lui, câm nín, vì họ sẽ hiểu ra rằng tất cả những đòn thâm độc của họ sẽ không thể nào ngăn nổi bước chân tôi đi.

2-5-1999

Phải chăng tôi chỉ tìm được niềm an ủi khi cầm bút lên? Viết phải chăng là một liều thuốc an thần cho đời sống của tôi?

Tôi đã tự hứa là sẽ tìm hiểu về giới trẻ trong và ngoài nước. Việc này đến hôm nay tôi vẫn chưa làm.

Thấy tôi giận vì hai con Thịnh và Cường không đi tham dự đêm 30 tháng 4 do các đoàn thể trẻ tổ chức, Thịnh nói:

“Mẹ à, con năm nay 25 tuổi rồi. Con biết con nghĩ gì và làm gì. Sao mẹ không nói là nếu con đi mẹ sẽ vui, thì con sẽ đi. Mẹ biết thứ Sáu con làm việc cả ngày, quá mệt. Lúc con về mẹ kêu con đi liền, con nói phải đi tập thể dục. Khi tập về thì ba mẹ đi mất rồi.”

Tôi biết con có lý nên tôi hơi nguôi ngoai. Tôi biết rõ là nếu tôi ra lệnh thì cả hai đứa đều đi, nhưng rõ ràng là trong tôi có hai ý muốn tương phản. Nhất là lúc Cường vừa bước vào nhà với khuôn mặt mệt mỏi vì bệnh và đang căng thẳng vì quá nhiều công việc trong sở.

Tôi vừa muốn con đi vừa không muốn. Một đằng muốn con mình hiểu thêm lý do mất nước, biết nghĩ đến nguồn cội, và nhìn thấy những người cùng trang lứa đã biết đứng ra tranh đấu cho quê hương. Nhưng trong tận cùng tâm khảm, tôi lại không muốn con mình dính đến những sinh hoạt chánh trị của “Bolsa.” Tôi muốn con tôi đầu óc phải trong sáng, không bị vẩn đục, thiên lệch vì những đòn chia rẽ, chụp mũ, chưởi mắng nhau inh ỏi trên radio, báo chí của cộng đồng Việt Nam. Tất cả những điều phải hay không phải, đúng hay sai, đều được đưa ra bằng cách đó, chỉ sẽ làm cho giới trẻ buồn lòng, nản chí. Và một khi chán nản, chúng sẽ bỏ cuộc luôn. Tốt hơn là để chúng tự tìm hiểu và chọn lấy một con đường thích hợp nhất.

Tối thứ Sáu 30 tháng 4, kẻ thì đi biểu tình ở khu Bolsa, người thì đi dự Lễ Tưởng Niệm Ngày Mất Nước với giới trẻ ở trường trung học Westminster. Những người không đi chỗ giới trẻ thì cho rằng giới trẻ bị dẫn dắt, ảnh hưởng, bị lôi kéo.

Cường thấy vợ chồng chúng tôi giận nhau buồn bã vì chuyện hai con không đi đêm Kỷ niệm 30-4, nên Cường hỏi chúng tôi ăn gì, rồi chạy đi mua phở gà Nguyễn Huệ cho Tài và nó, và sang tiệm bánh Mỹ Hiệp mua xôi đậu và xôi bắp cho tôi vì tôi ăn chay. Thịnh  thì rủ hai vợ chồng tôi đi xem phim Ý có mấy giải Oscar. Thịnh nói tài tử chính vừa là người viết chuyện vừa là đạo diễn.

Phim nói về chuyện tình giữa cô gái Ý và chàng trai gốc Do Thái. Khi Đức quốc xã bắt người chồng và đứa con nhỏ, thì người vợ xin lính Đức cho cô lên chuyến xe lửa để vào trại tập trung người Do Thái chung với chồng con.

Người chồng tuy bị làm việc cực khổ ở lao trường, nhưng về phòng ngủ tập thể vẫn luôn vui vẻ đặt chuyện với đứa con cho nó an vui, rằng đây chỉ là một “trò chơi,” và dặn con phải cố nhịn đói hay im lặng để được điểm cao thắng giải cuộc chơi. Cuối cùng, người chồng bị lính Đức quốc xã bắn chết. Đứa con được đoàn tụ cùng người mẹ khi quân đội Mỹ đến giải phóng trại.

Tài không đồng ý với tên của cuốn phim là “Life is Beautiful”  vì chuyện quá buồn. Tôi nghĩ có lẽ tên đó dùng cho đứa bé, vì nhờ ba nó gạt cho là một “trò chơi,” đứa bé tin là thật, và luôn vui vẻ cho dù sống trong địa ngục trại tập trung, chung với những tù nhân Do Thái sợ hãi chờ chết. Nó không biết là nhờ ba nó dấu nó nên nó không bị buộc phải vào phòng tắm hơi ngạt chung với đám trẻ con và người già trong trại. Trẻ con chết hết chỉ còn lại mình nó. Khi đứa bé được bế lên xe tăng, nó quá sung sướng vì ba nó có nói nếu nó cố gắng sẽ được giải nhất đi xe tăng. Lúc nhìn thấy mẹ đứng bên lề đường, người lính Mỹ cho nó leo xuống xe tăng ôm lấy mẹ. Hai mẹ con ôm nhau cười hạnh phúc ở màn cuối.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880