CÔ BÉ LÀNG HÒA HẢO
Làng Hòa Hảo!
Chỉ vỏn vẹn có ba tiếng, vậy mà mỗi lần nhắc lại, tim tôi luôn luôn rung động xao xuyến. Cả một khung trời kỷ niệm ấu thơ ẩn hiện vấn vương. Rồi hình ảnh hiền hòa chơn chất của một ngôi làng Miền Tây từ ký ức bé thơ trở về lại đậm đà rõ nét: Con sông hiền hòa với những chiếc thuyền qua lại. Con đường đất đi quanh Thánh Địa Hòa Hảo với những chiếc xe lôi, xe đạp hay những người bộ hành mặc áo quần dân quê giản dị.
Tôi làm sao quên được ngôi làng với những buổi tờ mờ sáng khi tiếng gà bắt đầu gáy hay những buổi chiều chạng vạng tối, mùi hương bay tỏa nơi nơi, nhà nhà đều thắp nhang đèn hành lễ.
Ba mẹ nói tôi được sanh ra giữa lằn tên mũi đạn. Vậy mà tuổi thơ của tôi tại làng Hòa Hảo sao quá êm đềm. Khi bắt đầu đời sống của một con người, tôi không biết chiến tranh mà chỉ biết sự an lạc. Tôi được nhìn thấy những người chung quanh sống với nhau trong sự chơn chất, thương yêu với tình đồng đạo, tương kính nhau như anh em chú bác một nhà. Qua bao nhiêu vật đổi sao dời, bao lần ly hương xa xứ, quê hương thanh bình vẫn là lời mời gọi thiết tha nhất đối với tôi.
Mẹ kể cho tôi nghe: "Trước 1945, ở Sàigòn nhiều gia đình tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo mua ghe lớn để dọn về làng Hòa Hảo. Các ông các bà thấy thời cuộc không yên giống như lời tiên tri trong Sám Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ nên họ thức tỉnh, về làng Hòa Hảo tu hiền. Lần lần họ mua đất cất nhà ở luôn vì thấy nơi đây an lành vui vẻ, không ai tranh chấp cao thấp, sống một cuộc đời bình dân giản dị. Trong làng nhà không đóng cửa, giấc ngủ êm đềm, không phải bận tâm như chốn phồn hoa đô hội".
Ở làng Hòa Hảo, trước mỗi nhà đều có một bàn thông thiên. Bàn thông thiên hình vuông, được đóng trên một cái cột đứng, trên đó có một bình bông, ba chung nước, một lư hương và một cái đèn cóc thấp bằng dầu lửa. Đèn này bằng thiếc, trên ống khói có một cái nắp nhỏ che mưa để đèn khỏi tắt.
Mỗi ngày cứ năm giờ sáng và sáu giờ chiều, các tín đồ nam nữ đều mặc áo tràng màu đà, thắp hương lên đèn hành lễ. Sau khi làm lễ trước ngôi Tam Bảo nơi bàn thờ đặt trong nhà, họ ra bàn thông thiêng để cúng lạy bốn hướng. Hướng chánh bàn thông thiên họ đọc bài Quy Y, còn ba hướng kia thì đọc bài Tây Phương Ngũ Nguyện.
Cũng như các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khác, mỗi lần đến bất cứ nhà ai, tôi thường theo người lớn đến trước bàn thờ xá ông bà, xá Phật, cúi đầu trước chân dung Đức Thầy rồi mới bắt đầu nói chuyện hay chạy đi chơi.
Sau này, khi đã dời nhà lên thành phố, mỗi khi cùng với gia đình về làng dự Đại Lễ 18 tháng 5, ngày Đức Thầy lập đạo, nếu đến gia đình bà con nào đang đi vắng chúng tôi vẫn tự động vô nhà, làm lễ trước bàn thờ rồi tìm chỗ ngủ như ở nhà mình vậy.
* *
Chuyện làng Hòa Hảo, đối với mẹ tôi, là một đề tài vô tận, kể không bao giờ hết.
Mẹ nói khi còn con gái mẹ thường lên nhà Đức Ông, thân sinh của Đức Thầy để làm công quả. Mẹ, cô Năm Biên, em Đức Thầy và cô Năm Kiết là ba người bạn kết thân với nhau. Ba người ngủ chung một mùng, ăn chung một mâm, quần áo cũng đổi nhau mặc chung. Thuở đó ai cũng mặc màu đà hoặc màu đen. Mỗi lần làm công chuyện hay đi cúng ba cô cùng đi một lượt. Khi cúng xong cùng ngồi niệm Phật chung một phòng.
Mỗi ngày vào khoảng năm giờ sáng ba người thức dậy thay phiên nhau nấu nước pha trà cho Ông Bà dùng, có lúc bóp tay chân cho Ông Bà, thật là thương hết sức.
Đó là khoảng thời gian mẹ học ở trường nữ công ngang trường Tôn Thọ Tường, Sàigòn. Các giáo sư Pháp dạy thêu may và làm bánh mứt. Mỗi năm trường đều có triển lãm. Mỗi lần hè hay vào dịp lễ là mẹ về làng Hòa Hảo.
Mẹ kể, bàn tay mẹ nhỏ xíu thường hay thêu thùa mà mẹ cũng đi chùi nồi bằng trấu. Mẹ nhớ có lần Đức Ông bảo mẹ gánh nước thử mẹ bèn biểu anh gánh nước đặt đôi nước xuống, mẹ kề vai gánh thử thì nặng ơi là nặng! Vì gia đình khá giả từ nhỏ đến lớn, không có làm việc nặng nên mẹ gánh nước không nổi. Đức Ông Đức Bà thương mẹ lắm, Ông Bà nói mẹ hiền, thiệt thà, siêng năng lo làm công chuyện. Mỗi ngày mẹ lau chùi bàn Phật, nói giảng. Vào thời kỳ này chánh quyền hay dòm ngó nên ít ai đến Tổ Đình. Những người thân lắm thì mình mới đọc giảng cho người ta nghe chớ không có công khai như về sau này. Lúc đó Tây đang buộc Đức Thầy phải đi xa, biệt cư.
Mẹ giải thích mặc dù là con nhà giàu nhưng khi đã theo Đạo, nghe lời Thầy dạy, tu thì phải hy sinh tất cả tinh thần lẫn vật chất nên mẹ mặc áo vạt miểng màu đà, quần vải đen. Khi làm công quả mẹ cũng bỏ guốc, bỏ dép, đi chân không như mọi người. Có điều mẹ cười khi nói với tôi: "Lúc đó ở làng phái nữ mặc xú cheng bị người ta cười dữ lắm, nên mẹ may áo lót là một miếng vải ngang, kết ba chục cái nút gài cho ngực sát lại. Mỗi lần giặt là phải phơi chỗ kín đáo. Quần thì phải mặc quần lá nem chứ không may quần đáy giữa. Áo thì đơm nút ốc chứ không đơm nút bóp. Tóc phải chảy thẳng lên chứ chảy bảy ba cũng bị cười, cũng không để móng tay dài..."
Đến giai đoạn Thổ dậy và Việt Minh lùng kiếm bắt cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo thì dân làng tại đó bảo vệ nhau hết sức tận tình. Anh em đồng đạo coi nhau như ruột thịt. Nhà ai có đau ốm thì đến cạo gió hay giúp đỡ chuyện nọ chuyện kia. Có lúc dân chúng bị bịnh thổ tả thì trong làng tổ chức một ban chẩn tế. Hễ nhà ai có bịnh thì gõ mõ. Ban chẩn tế đến nhà cạo gió, cho uống thuốc rượu do Đức Thầy cho toa. Họ bổ thuốc ngâm rượu chuyền đi khắp nơi trong làng và họ pha thật nhiều để cứu bịnh. Hễ ai bị ói mữa đi tiêu uống thuốc vào thì hết. Mẹ nói năm đó ghê quá. Còn mỗi lần Tây "bố" thì anh em trong làng chạy xe đạp la lên. Nhà ai có con gái đẹp thì lo đi trốn. Mẹ và dì Hai Bắc đi xuống mé sông dưới bến của Tổ Đình. Nơi này sóng vỗ lâu ngày đất lở nên có chỗ hõm vô. Mẹ và dì Hai vô đó ngồi, kéo lục bình che bên ngoài. Khi nào các anh liên lạc cho hay Tây đi rồi thì mới leo lên.
Lúc còn nhỏ, trước khi lên Sàigòn học nữ công, mẹ học École Primaire, sau này là trường tiểu học Long Xuyên. Đến bây giờ đã trên năm mươi năm qua mà mỗi lần nhắc đến thầy cô, mẹ vẫn còn thương kính. Mẹ học với cô Ba Giáp, Cô Phán và cô Năm Liệp. Mẹ học môn nào cũng khá, chỉ trừ môn toán mẹ rất dở vì không thích tính toán, nhưng mẹ vẽ giỏi và thêu thùa rất khéo. Các cô giáo thường mượn mẹ thêu khăn để tặng bạn. Bà Mười không tin hễ thấy mẹ điểm cao là bắt mẹ vẽ lại ở nhà.
Hồi nhỏ mẹ thích tu nên phòng mẹ để hình Phật Bà, mỗi ngày mẹ cúng lạy bốn thời: Năm giờ sáng, mười hai giờ trưa, năm giờ chiều và mười hai giờ khuya. Tối trước khi đi ngủ, mẹ ngồi kiết già niệm Phật ở trong mùng.
Khi tựu trường, mẹ ở trọ nhà thầy giáo Cứ và cô giáo Hoa. Mẹ nói: "Hồi đó khác bây giờ. Từ ngày người Bắc di cư vào Nam, học sinh sinh viên mới mặc áo dài đi học. Còn thời của mẹ, Pháp thuộc, học trò mặc đồ bà ba trắng, ủi có nếp đàng hoàng, xách cặp táp, kẹp nách thêm cây dù che nắng, che mưa."
Nơi mẹ ở trọ có rất đông học sinh. Con trai ở trên lầu, con gái ở tầng dưới. Mỗi giường ngủ có bốn cô con gái. Lúc tan học về nhà ăn cơm, các cô gái lo dọn bàn, bưng cơm và đồ ăn. Mấy cậu con trai lo gắp tôm tép, đồ xào chôn dưới chén, bới cơm lên trên. Các cô con gái phần chậm chạp, phần sợ cô giáo không dám nói, nên có nhiều bữa ăn cơm không, hoặc chan nước cá kho còn dư.
Mẹ cười khi kể chuyện các trò con trai. Buổi tối các cậu ngồi học bài cho thầy cô thấy mặt rồi đi đâu mất. Khi thầy cô soạn bài, sửa bài xong thấy vắng các cậu thì xách roi mây giỡ mùng kêu từng người một. Thầy cô thấy họ đắp mền đàng hoàng mà kêu hoài không ai nhúc nhích gì hết nên khều mền lên, thấy bên dưới toàn là gối ôm. Thầy cô làm thinh đợi khi các cậu leo cửa sổ về, chun vô mùng đắp mền xong mới kêu ra hỏi tội. Thì ra các cậu trốn đi xem hát bóng. Thế rồi thầy cô kêu nằm dài ra, đét vào đít mỗi cậu hai roi.
Mẹ kể đến đây lòng bồi hồi xúc động nhớ các anh em bạn trai thuở xưa mà rơi nước mắt. Tôi hỏi mẹ tại sao buồn thì mẹ nói: "Nghĩ mà tội nghiệp lắm con ơi! Trong những cậu đó, về sau này có nhiều người chết vì Việt cộng đó con. Thôi đừng nhắc chuyện xưa buồn rầu đó nữa. Nó chứa biết bao nhiêu kỷ niệm vui lẫn buồn. Thời loạn con ạ! Bây giờ mình ở Mỹ ăn đủ thứ. Mẹ ưa ăn hủ tiếu mà mẹ thấy nhiều thịt mẹ ớn quá con ạ! So sánh lại thời mẹ mười mấy tuổi ở Long Xuyên, mỗi tuần mới ăn một tô hủ tiếu của chú Sình người Tàu. Chú đẩy một cái xe ba bánh, phía trước ở chính giữa có cái thùng nước lèo, chung quanh để thịt và gia vị, rau, hẹ, bánh... Xe có lợp mui vải che nắng, mưa. Chú bán một tô hai đồng xu. Nếu thêm thịt thì hai đồng rưỡi. Chú Sình để hủ tiếu và vài miếng thịt heo vô tô đá, thêm hai miếng gan, một miếng tim, một chút thịt bằm, chế nước súp vô. Xong để hành hẹ, một chút xà lách xon, xịt chút xì dầu, tiêu. Vậy mà ngon hết sức. Đâu phải vậy xong đâu con. Còn cách ăn có nghệ thuật nữa. Lúc còn nhỏ không làm gì cho ra tiền nên mẹ ăn xài kỹ lưỡng lắm, cho xứng đồng tiền mà lại thích thú nữa. Mẹ bưng tô hủ tiếu ngồi bên cạnh bạn ở lề đường. Mẹ gắp thịt, gan, tim để một bên rồi ăn hủ tiếu trước. Mẹ tính ăn xong rồi thưởng thức các miếng thịt cho ngon. Ai dè mấy người bạn rình mẹ ăn xong hủ tiếu, họ gắp thịt, tim gan trong tô của mẹ ăn hết rồi cười ầm lên. Mẹ nghĩ lại thời thơ ấu thật là sung sướng, không bận tâm lo nghĩ."
Mẹ tôi lại kể tiếp: "Các con đừng cười. Hồi nhỏ mẹ cũng chơi nhà chòi như các con. Thứ bảy về nhà mẹ bưng quần áo xuống sông chỗ cầu Henry, bây giờ là cầu Hoàng Diệu, chỗ đồn Sơn Đá của Pháp để giặt đồ. Chủ nhật mẹ cất nhà chòi lợp bằng lá chuối, rồi cắt lá bạc hà làm nón. Trước nhà mẹ ở đường Gia Long có cái rạch. Từ ngoài đường vào nhà mẹ phải qua cái cầu. Mẹ xuống rạch cắt lục bình, lấy khúc giữa làm bánh mì. Rồi mẹ ngồi bán bánh mì suốt ngày vui lắm".
"Con biết không, đến bây giờ nhắc lại chuyện xưa mà lòng mẹ vẫn còn thương kính các thầy cô. Sau này dù lớn tuổi cũng vậy, gặp cô giáo mẹ vẫn khoanh tay, cúi đầu chào đàng hoàng. Mẹ thấy tình thầy trò không hề phai lạt. Mẹ cảm thấy tâm thần xúc động, sợ sệt, khép nép như hồi còn đi học."
* *
Hiện nay mặc dù xa cách Việt Nam hằng nửa trái đất, nhưng mỗi lần nghĩ đến quê xưa, tôi thường giỡ ra xem lại những bức hình lưu niệm. Niềm thương nhớ quê hương lại trào dâng. Những kỷ niệm thời thơ ấu sống lại thật rõ rệt, như vừa xảy ra ngày hôm qua.
Tôi có những bức ảnh chụp tại sân trước hay sân sau căn nhà cạnh bờ sông thời kỳ tản cư sống tại làng Hòa Hảo. Những bức ảnh này ba tôi ghi năm 1950, lúc đó tôi được ba tuổi. Có hình tôi ngồi trên lan can nhà, hai chân nhỏ xíu đánh tòn ten, cái mặt tròn xoe. Cái thì tôi mặc bộ đồ pi-da-ma con trai, tay đeo đồng hồ. Có cái hai tay thọt vào túi áo, hai má chảy xệ. Cái hình mà tôi không thích lắm vì mặt tôi trông hơi đần, là tấm hình tôi mặc bộ đồ bông tây kiểu con trai. Tôi chụp với anh Khanh con nuôi của cô Năm Biên em gái Đức Thầy. Anh Khanh là con của cô Hai chị của Đức Thầy. Cô Năm không có con nên nhận anh Khanh làm con. Khuôn mặt anh Khanh trông không giống lúc anh lớn lên chút nào. Lúc nhỏ má anh phính, còn khi tôi gặp anh lúc anh sắp cưới vợ thì anh gầy nhom, cao nhòng. Trong hình này tóc tôi dài tới vai, bàn tay trái của tôi nắm chặt lấy ngón tay cái của bàn tay phải của anh. Hai chúng tôi đứng cạnh mấy cây chuối, sau lưng tôi là cây chuối non, chỉ mới cao bằng tôi thôi.
Hồi xưa sao mà người ta hà tiện phim quá. Hình rửa nhỏ xíu nên xem rất khó. Trong bức hình khác tôi đang cưỡi con ngựa gỗ. Có cái tôi đang ôm Thảo, cháu gái của tôi, con của cậu Tư Hồng. Mẹ tôi mồ côi cha mẹ sớm nên có nhận hai em nuôi là cậu Hồng và cậu Tặc mà tôi gọi là Ba Hồng và Má Tặc vì lúc hai cậu còn thanh niên ai cũng gọi đùa hai cậu là vợ chồng vì hai cậu đi đâu cũng có nhau. Hai cậu là tài xế của Đức Thầy. Cậu Tặc được Đức Thầy đặt tên là Võ Văn Đắc.
Tấm hình tôi thích nhất cũng chụp lúc ba tuổi. Tôi mặc chiếc áo tràng nâu bé xíu đang đứng chỗ bàn thông thiên. Tôi đứng trên bục xi măng vuông, nơi trải chiếu lên để cúng lạy. Chiều cao của tôi được ba phần tư của bàn thông thiên. Không hiểu sao tôi nhớ những kỷ niệm thời đó một cách rõ rệt vậy.
À, còn một tấm hình mặt tôi đưa ra, mắt lim dim trông thấy ghét hết sức. Hình này cô năm Biên giả trai mặc áo sơ mi, mang kiếng đen, đội nón nỉ. Má tôi mặc áo dài ngồi một bên, cô Năm ngồi một bên, tôi và anh Khanh ngồi giữa. Tay mặt anh Khanh choàng qua vai tôi.
Bức ảnh này làm tôi liên tưởng đến lúc tôi gặp anh tại nhà thương Đồn Đất, lúc Đức Bà lâm trọng bịnh. Tôi và anh đều bỡ ngỡ vì qua mười mấy năm không gặp. Anh lên Sàigòn học còn tôi bôn ba tận Cao Miên mới hồi hương. Hôm đó tín đồ đến viếng Đức Bà rất đông. Mọi người đều im lặng cầu nguyện cho Bà. Tôi thấy Bà nhìn tôi. Nước mắt tôi tuôn ra vì không ngăn được xúc động.
Mẹ ngoắc tôi vào nói nhỏ: "Nắm tay Bà đi con, sợ rồi không còn có dịp". Tôi vuốt bàn tay Bà, lúc đó sưng húp lên mà lòng xúc động mãnh liệt. Tôi bước vội ra ngoài, anh Khanh đến bên tôi nói chuyện an ủi. Hai anh em lo lắng thở dài.
Tôi được gặp Đức Bà thêm một lần nữa tại Tổ Đình lúc theo gia đình về dự lễ 18 tháng 5. Sau đó Bà mất vào ngày mồng 2 tháng 6, 1967 tại Thánh Địa Hòa Hảo. Anh Khanh chịu tang thay thế Đức Thầy lúc Thầy còn vắng mặt.
Có một bức ảnh mà tôi thấy thích nhất. Trong ảnh, tôi là một cô bé rất điệu và dễ thương. Ba tôi ghi năm 1951. Cô bé mặc chiếc áo đầm có cái nơ trước ngực, chân mang giày trắng có quai, tóc chải bảy ba có gắn một cái nơ nhỏ. Miệng cô bé cười toe, hai bàn tay xòe ra, õng ẹo trông có vẻ "con gái" lắm. Ảnh này tôi cũng chụp tại bàn thông thiên. Không biết ông câu nào lại phơi luới để đi chài cá lên hàng rào thành ra cái phông của bức ảnh nhờ vậy mà đẹp ra.
Không hiểu tại sao mẹ tôi lại thích cho tôi giả trai lúc còn nhỏ. Chắc lúc có bầu, mẹ mơ sinh con trai. Hình một tuổi của tôi ngồi trên ghế giống y đứa con trai với mái tóc hớt cao sát ót. Hình mẹ bế tôi chụp trong tiệm cũng vậy nữa.
Có một tấm ảnh tôi chụp chung với chị Tư con của bà vú, tôi mặc bộ đồ trắng, tóc bum bê, hai mắt tròn xoe. Một tấm khác tôi chụp với chị Thanh, người vú em chuyên dắt tôi đi chơi.
Dưới tấm hình tôi chụp với chị Loan Giao ba ghi Hoàng Cầm và Loan Giao. Chị Giao ốm nhom ốm nhách, mặc chiếc áo bà ba may trừ hao nên dài lòng thòng. Chị Giao là con của dượng Hai họa đồ Tố ở Hưng Nhơn. Dượng Hai giúp rất nhiều bà con từ ngoài Bắc di cư vào Nam ở tại nhà dượng. Có nhiều lần tôi định hỏi tại sao hồi nhỏ ba tôi đặt tên cho tôi là Hoàng Cầm mà tôi quên, bây giờ thì ba đã mất rồi. Có người bảo Hoàng Cầm là tên một vị thuốc rất đắng. Tôi tự hỏi không biết có phải nghĩa là con chim màu vàng không?
Ngoài những bức ảnh của tôi còn có những bức ảnh của mẹ. Mẹ ngồi tại bàn viết tóc thắt bính kiểu người Bắc quấn vòng lên đầu. Mẹ mặc áo dài cổ bâu hở, tay cầm viết. Trên bàn có chậu hoa sen bằng giấy do mẹ làm, trên kệ có đồng hồ reo. Trên vách có treo tấm lịch có hình phong cảnh. Cạnh mẹ ngồi là vách có dán giấy, xa hơn là vách lá, có một cái võng đong đưa treo ngang các kèo nhà.
Trong một tấm hình khác mẹ ngồi trên ghế xưa có nệm bọc nhung bông trong tiệm hình. Mẹ mặc áo dài, đeo bông, giây chuyền và lắc. Vai mẹ choàng khăn sọc ca-rô bằng len. Chân mẹ chéo nguẩy. Tay mặt mẹ gác lên ghế, tay trái đặt trên đùi. Hình này trông mẹ ra dáng con của giòng họ Nguyễn Hòa có tiếng ở làng Long Kiến, Ông Chưởng.
Có hình ba chụp mẹ đang tắm dưới sông với dì Ba Yến và chị Hai Hồi Văn. Ba người mặc nguyên quần áo. Dì Ba Yến là con của bà Sáu Nhạn và là vợ của cậu Sáu Dữ, cháu Đức Ông. Cậu Sáu Dữ tên thật là Huỳnh Hữu Thiện. Cậu bị mật vụ thời ông Diệm bắt giết lúc đi từ Sàigòn về miền Tây cùng với dượng Ba Lê Hoài Nam, thầy giáo Tập, ông Huỳnh Thiện Tứ và tài xế Dành. Tất cả đều là tín đồ trung kiên của Đức Thầy. Sau thời ông Diệm, tất cả năm gia đình đều thưa nội vụ ra tòa và đã thắng kiện. Những người thi hành mệnh lệnh của chính quyền cũ có nhận tội trước tòa và các gia đình nạn nhân đã được bồi thường.
Tuy nhiên dù có bồi thường bao nhiêu tiền đi nữa cũng không bù đắp được sự đau khổ mất mát của những thân nhân ở lại. Những cái chết này quá đau thương vì họ bị bỏ vào bao bố cột đá nhận sâu dưới lòng sông Nhà Bè.
Trong một bức ảnh khác mẹ đang chèo xuồng với bà Sáu Nhạn, hai người đều mặc đồ bà ba đen, đầu đội khăn chàng tắm ca-rô. Trong hình có chị Annie hiện giờ đang ở Hoa Thạnh Đốn, Chị "Ni" là cháu ngoại của bà ngoại Cò, mẹ tinh thần của mẹ tôi. Chị đang ngồi trên xuồng, tay cầm chiếc dầm vọc nước.
Tôi có được những tấm hình quý giá và nhiều đồ kỷ niệm trong đó có những bài báo mà tôi viết lúc còn ở Sàigòn, cũng nhờ ông xã tôi ráng xách theo lúc chạy vào những ngày mất nước, 30-4-1975.
Trong ký ức, tôi nhớ ba có một tấm hình chụp ngược ánh sáng mặt trời, đang ngồi ở lan can hút thuốc, cái phông phía sau là bờ sông. Có lẽ chú Hai Răng chụp cho ba. Chú Hai Răng tên Pháp là Jean, tên thật là Nguyễn Thành Ngọc, chú là thợ chụp hình. Tôi rất sợ chú mỗi khi chú hôn, râu chú chích vào mặt tôi rất đau. Nếu tôi không cho chú hôn chú sẽ giả làm người cùi. Hai tay chú rút lại đưa tới đưa lui. Miệng chú mếu một bên, nước miếng chảy lòng thòng, làm tôi khóc thét lên... Đến lớn mỗi lần gặp chú, tôi hay năn nỉ chú làm người cùi lại cho tôi xem. Chú Răng là anh dì Ba Yến, con bà Sáu Nhạn.
Mỗi lần xem album thấy ít hình ba, tôi buồn ghê, vì khi gia đình tôi chạy lên Nam Vang gởi nhà cho chú Hai. Chú ấy sợ bị xét nhà nên bao nhiêu hình của ba chú chôn hết sau hè căn nhà ba má mua cho tôi ở đi học tại đường Bàn Cờ. Về sau, người chủ mới đập nhà ra cào nền lên cất lại phố lầu. Những hình ảnh kỷ niệm thời trẻ của ba bị mất gần hết.
Tôi thích nhất là hình ba mặc đồ sĩ quan quân đội Phật Giáo Hòa Hảo trông ba vạm vỡ oai phong ghê. Tôi còn thấy hình ba mặc quần tắm chụp dưới bãi biển Vũng Tàu với hai anh hộ vệ là anh Chín Ốm và anh Chín Mập. Phải chi hai anh ấy qua được bên Mỹ thì tôi tha hồ phỏng vấn thời ba còn trẻ, vì hai anh luôn luôn theo cạnh ba vào sanh ra tử, ngay cả lúc kháng chiến ở bưng biền.
Hai anh hết sức trung thành với ba. Anh Chín Ốm đi theo ba vượt qua biên giới Cao Miên. Anh nói, anh liều sống chết với ba. Khi gia đình tôi hồi hương thì hai anh trở về làm việc với gia đình tôi cho đến ngày mất nước.
Trong hình tôi thấy ba tôi và hai anh người nào trông cũng có vẻ vạm vỡ, ngực to bụng eo. Anh Chím Mập hồi đó là lực sĩ tập tạ. Tuy anh mặt rỗ nhưng rất có duyên và đắt mèo. Sau này khi gia đình tôi hồi hương, anh làm tài xế cho ba tôi. Vì không tập tạ nũa bụng anh bự ra, còn anh Chím Ốm vẫn còn ốm như thường.
* *
Mẹ kể, khi tôi được tám tháng, mẹ có sữa ít quá nên phải nấu giò heo và đu đủ ăn để có sữa cho tôi bú. Mẹ ăn hoài mà cũng ít sữa nên mẹ phải mướn một bà vú trẻ mới hai mươi hai tuổi ở Chợ Mới, cũng đẻ con so để cho tôi bú ké với con của bà. Bà ấy cho tôi bú và săn sóc tôi được vài tháng thì nhớ nhà nên xin về. Mẹ tôi phải mua sữa Guigoz pha trong chai cho tôi bú nhưng tôi không chịu và cứ đòi bú vú mẹ hoài. Mẹ đành cho tôi bú và ăn thêm cho đến bốn tuổi thì mẹ tôi bôi dầu Nhị Thiên Đường vào vú. Tôi bị cay quá nên không đòi bú mẹ nữa.
Nghe mẹ nói tôi mới biết cái cô mặc áo đầm xòe đứng trong hình với mái tóc có cài nơ vẫn còn vòi sữa mẹ. Vậy mà tôi vẫn hay chọc Cường, đứa con thứ hai của tôi đẻ ở Mỹ, tối nào cậu cũng tu một chai sữa tươi trước khi ngủ cho đến bốn tuổi.
Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác chạy giặc tản cư về cất nhà ở tại làng Hòa Hảo. Căn nhà tôi ở quay mặt xuống sông Tiền Giang. Con sông thật lớn mênh mông. Bên kia bờ là Tân Huề, ở dưới bãi làng Tân Huề có Tân Quới, Tân Long.
Những buổi bình minh ló dạng, sau khi cúng lạy xong mẹ thường đứng nhìn những chiếc xuồng thả câu trên mặt sông có sóng gợn lăng tăng, trông rất êm đềm và đẹp mắt. Có những lúc mấy ông câu được nhiều cá đem vào bờ, mẹ đón mua cá tươi để kho hoặc nấu canh chua.
Nhà tôi ở gần nhà Đức Ông hay còn gọi là Tổ Đình. Bên cạnh là nhà bà ngoại Cò, nhưng người trong làng gọi là nhà bà Sáu Nhạn, em bà Năm Cò. Dì Ba Yến, con của bà Sáu biên thơ qua cho mẹ tôi hay là bà Sáu đã qua đời vào tháng 5 năm 1991.
Bà ngoại Cò và bà Sáu Nhạn là hai tín đồ trung kiên tin tưởng Đức Thầy mãnh liệt. Bà ngoại rất giàu, có vựa cá ở Sàigòn và lo về tài chánh cho đạo. Mặt bà tròn, đẹp và nghiêm. Giọng nói của bà to và rổn rảng nên tôi rất sợ. Mỗi lần gặp bà, tôi mau mau khoanh tay thưa bà ngoại rồi chạy đi chơi. Bà ưa hỏi: "Con bé đó hả, lại đây ngoại biểu. Đói bụng không bà ngoại cho ăn hủ tiếu?"
* *
Mẹ tâm sự: "Lúc con còn nhỏ mẹ thường vào làng Hưng Nhơn. Hễ ai có bị ghẻ lở thì mẹ cho thuốc. Hễ ai bị ghẻ khuyết mẹ lấy nước nóng pha ấm ấm và thuốc tím rửa sạch, chậm lại cho khô rồi mẹ rắc thuốc, băng lại ít ngày thì hết. Còn ghẻ ngoài da thì mẹ xức pô-mát. Mẹ giúp người nghèo đau ốm mẹ thấy rất vui."
Bên cạnh nhà bà ngoại Cò có dư một cái chái. Cái chái là một mái cất bên hông nhà. Nơi này để băng hay ghế ngồi chơi hay nghỉ chân. Mẹ kêu mấy ông bà đi ăn xin, lớp mù, lớp ghẻ, lớp đi chống gậy, câm, điếc, đủ thứ vì mẹ giúp được cái gì mẹ giúp. Khổ một điều là mẹ không có khả năng lo nổi mà càng ngày họ càng đông. Mẹ lo không xuể.
Mẹ còn kể cho tôi nghe chuyện đám cưới ở nhà quê nữa. Mẹ nói: "Họ nhà trai đi rước dâu bằng ghe máy. Theo tục lệ người Việt Nam nếu đến sớm thì đàng gái không cho ghe cập bến, phải chạy đến nơi khác đậu. Nhiều khi bị đuổi vì chủ nhà nói họ có con gái, họ sợ xui con gái họ sẽ ế. Vì vậy nên đàng trai phải tách bến chạy vòng vòng ngoài sông, chờ đến đúng giờ tốt, đàng gái mới cho lên nhà. Lối xóm người lớn, con nít đứ?ai bên đường xem đám cưới rất đông."
Nghe tôi hỏi về "bộ đồ lớn" để đi ăn cưới ở quê nhà, mẹ cười:
"Ngày xưa đi đám cưới ở thôn quê, người già mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, còn người trẻ mặc sao cũng được miễn cho kín đáo sạch sẽ, nghiêm trang thôi."
Tôi còn nhớ dạo đó phần nhiều thanh niên trong làng mặc pi-da-ma đi ăn cưới hay giỗ. Họ ủi và xếp thẳng để khi mặc còn lằn xếp mới đẹp. Mỗi lần ủi đồ thì phải đốt than, mở nắp bàn ủi ra để than vào. Khi nào bàn ủi nguội thì mở nắp ra quạt hoặc bỏ thêm than vô...
Đôi khi ba mẹ cũng có đi dự đám giỗ. Mẹ thường đến sớm để làm tiếp, nhổ lông gà vịt hoặc làm cá, nhặt rau. Khi nào chủ nhà cúng xong, họ mời khách và bà con xúm lại dùng cơm chớ không có ai đem món gì. Nếu mình có đem bánh trái cúng ông bà, họ cũng nhận vui vẻ. Khi dọn ăn, phe nam ngồi ghế đặt quanh bàn, còn phe nữ ngồi xếp chè he quanh mâm cơm dọn trên bộ ván ngựa.
Mẹ nói trong gia đình Phật Giáo Hòa Hảo còn có một tập tục phổ thông. Khi đến bữa ăn mọi người gác đôi đũa ngang chén cơm, chắp tay lâm râm nguyện vái, xá ba xá rồi bắt đầu ăn. Ăn xong cũng gác đũa ngang chén xá ba xá rồi mới đứng dậy.
Ba mẹ giải thích cho tôi động tác này là tỏ lòng hiếu thảo với Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ đã quá vãng. Tập tục này cũng bắt nguồn từ thuyết Tứ Ân, trong đó Đức Thầy có nói: "Ta hưởng tấc đất ngọn rau là nhờ ơn đồng bào nhơn loại cung cấp."
Khi có một chút trí khôn tôi hỏi ba về ý nghĩa tấm Trần Đà mà người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nào cũng có trên bàn thờ. Ba tôi giải thích: "Mầu đà là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên tượng trưng cho sự hòa hợp của nhân loại, không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy chúng ta thờ phượng để tiêu biểu tinh thần vô thượng của nhà Phật."
Về sinh hoạt của làng Hòa Hảo, mẹ cho biết có chợ, nhà thương, trường học, chùa chiền, nhà máy xay lúa, tàu bè, xe cộ nhưng rất thanh thản không ồn ào, phức tạp và nhộn nhịp làm cho lòng người phải xáo trộn lo âu như đời sống ở thị thành. Mẹ cười nói với tôi: "Hồi nhỏ xíu con thấy ngoài đường lộ có nhiều xe chạy lên chạy xuống, con cứ đòi đi hoài. Mẹ cũng thường cho con đi xe lôi từ chợ Mỹ Lương xuống chợ Đình ăn quà rồi về, vậy mà con mừng lắm đó."
Trước mặt chợ Đình là ngã tẽ sông Tiền qua sông Hậu gọi là Vàm Nao, bên kia bờ sông là chợ Thuận Giang.
Khi nào xe chạy về nhà phải chạy ngang qua nhà Đức Ông, nếu chạy luôn thì đến chợ Mỹ Lương hay còn gọi là chợ Đường Tắt, Phú An, Phú Lâm, Long Sơn, Tân Châu. Xe lôi qua lại nhà Đức Ông, mọi người đều xuống xe, dở nón xuống rất kính cẩn vì nơi đây là nhà của thân sinh của Đức Thầy. Trước nhà Đức Ông cách con đường lộ là cầu mát nơi tàu bè của các phái đoàn chánh phủ ghé viếng Tổ Đình. Từ đường lộ xuống nhà mát có trồng một hàng dừa. Sau này nhà mát bằng gỗ được xây lại rất lớn bằng xi măng. Nhưng tôi vẫn thích cái nhà mát cũ kỹ nhỏ bé ngày xưa. Từ đường lộ vào nhà Đức Ông là vườn cây ăn trái có trồng đủ loại bông để cúng và nhiều chậu kiểng.
Trước Tổ Đình có bàn thông thiên, rồi đến nhà khách lợp lá. Kế đến là nhà lợp ngói, phía trước có thờ Phật và ông bà bên nội bên ngoại, phía sau để ở. Bên trái có một dãy nhà dành cho khách ở lại ngủ và ăn cơm, phía sau có nhà bếp và vườn cây ăn trái rất mát mẻ.
Đức ông ở gần người chị thứ tám, nhà phía bên phải, còn bên trái là nhà ông Út, em trai của Đức Ông.
Mẹ nói ở trong làng buổi sáng có nhóm chợ, kẻ mua người bán rộn rịp. Tàu bè chạy đưa khách qua lại trên sông. Trẻ con đi học, người lớn đi làm. Nhà thương và các cơ sở đều làm việc. Buổi chiều không khí trở lại yên lặng. Sau khi ăn cơm xong mọi người bắt đầu nghe đọc giảng.
Làng Hòa Hảo có ba độc giảng đường, nơi tín đồ họp lại để nghe đọc giảng, kinh sách. Phía sau nhà lồng chợ Mỹ Lương một cái, ở ngã ba Tấn Lễ một cái và một cái nữa ở ngã ba Lộ Sứ. Gần chợ Đình có một cái chùa lớn cất từ xưa, thờ Phật rất kỹ lưỡng và trang nghiêm. Tên chùa là An Hòa Tự. Ngày rằm và mồng một kẻ ra người vào lễ Phật tấp nập.
Cũng như các nơi khác, chợ Đình có một bến đò đưa khách qua sông đi buôn bán ở chợ Thuận Giang và chợ Mỹ Hội Đông (Xẻo Bún), ngang cua Nàng Ét của làng, hoặc đi về Chợ Mới ở bên làng Kiến An, Ông Chưởng.
Nếu muốn qua Năng Gù thì khởi điểm từ chợ Đình đi tàu bọc vòng theo cồn Ông Chủ Bó đến bến đò Thị Đam. Ngang sông lớn có chiếc bắc chở cả xe hơi từ Thị Đam đi qua Năng Gù. Bắc này thường được dòng cặp bằng ghe máy lớn. Từ bến bắc Năng Gù khách có thể đón xe đò đi Long Xuyên, Châu Đốc rồi lên Sàigòn rất thuận tiện.
Nếu từ Sàigòn về Hòa Hảo thì đi xe đò khỏi Long Xuyên về đến bắc Năng Gù. Xuống bắc trở qua bến đò Thị Đam, đi xe lôi vòng theo đường Hưng Nhơn về chợ Mỹ Lương rồi quẹo mặt là đến Tổ Đình, nhà Đức Ông. Nếu không muốn đi đường bộ thì mỗi ngày đều có tàu hay tắc rán đi từ làng Hòa Hảo qua Long Xuyên hoặc trở về.
Bây giờ tôi cầm bút ghi lại những kỷ niệm về ba mẹ, mới thấy tôi biết về thuở nhỏ của ba rất ít. Tôi hối tiếc vì đã không hỏi ba, vả lại tôi cũng không ngờ ba mất sớm. Tôi nhớ một chút ít là lúc nhỏ đi học ngoài Bắc ba cũng làm báo trong lớp bị thầy bắt được nên bị phạt. Ba mặc áo dài đen đi học và móc cây dù trên vai. Mỗi lần ba đánh lộn, ba cột hai vạt áo qua hai bên hông.
Bà nội tôi mất sau ông nội. Khi được tin bà nội mất ba tôi buồn lịm đi mấy tuần lễ không nói chuyện. Mỗi ngày ba lạy bàn thờ bà nội một trăm lạy. Ba nói ba phải lạy đủ mười ngàn lạy để chịu tội bất hiếu không săn sóc ông bà. Thỉnh thoảng, ba hay biểu mẹ mua tép khô nhỏ hay mua thịt bằm ram thật mặn để ba ăn vì món đó bà nội hay làm cho ba ăn đi học lúc còn nhỏ.
Ba vào Nam lúc còn thanh niên. Ba theo làm việc với dượng hai Kinh Lý Nguyễn Ngọc Tố, là một cao đồ của Đức Thầy và là chức sắc lớn trong Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Trung Ương. Mỗi lần ba đi Sàigòn về làng Hòa Hảo ba hay mua quà cho tôi và chị Loan Giao. Tôi thích nhất là búp bê nhắm mắt mở mắt.
Lúc tôi được khoảng bốn tuổi mẹ bị đau ruột dư đến thời kỳ thứ ba. Ba đưa mẹ lên Sàigòn mổ và gởi tôi ở chơi với hai chị vú tại nhà dượng ba Lê Hoài Nam, một cao đồ của Đức Thầy. Dượng thuộc chi đội Ba Mươi Nguyễn Trung Trực. Trước kia dượng Ba ở Sàigòn, dượng theo Đức Thầy nên về làng Hòa Hảo cất một nhà máy xay lúa ở chợ Mỹ Lương, nơi có con rạch rẽ vào Hưng Nhơn. Sau này dượng Ba hiến nhà máy cho Giáo Hội. Dượng bị mất tích trên đường về Hòa Hảo họp, về sau mới biết dượng bị dìm chết dưới lòng sông Nhà Bè.
Nhà dượng Ba ở cạnh nhà máy và ngang một cái miếu. Trong làng ai cũng sợ oai Đức Ông, lúc đó mấy đứa trẻ nhỏ như tôi gọi là Ông Cố. Nếu có ai làm lỗi thì bị quỳ hương tại miếu này. Nếu lỗi nặng sẽ bị quỳ nhiều cây hương rất đau đầu gối. Đến bây giờ các tín đồ đã từng ở làng Hòa Hảo đều nhắc kỷ niệm bằng cách dọa quỳ hương mỗi khi có ai làm lỗi.
Từ lúc tản cư về làng Hòa Hảo, mẹ tôi làm thư ký lo về sổ sách cho nhà máy. Khi mẹ nằm nhà thương Đồn Đất Sàigòn, tối nào tôi cũng khóc vì nhớ mẹ. Một đêm tôi nghe tiếng dượng Ba ra lệnh: "Mở cửa cho con bé ra sân sau rồi đóng cửa lại". Ở ngoài trời tối, tiếng côn trùng kêu làm tôi nín khóc ngay. Đến bây giờ nhớ lại lần bị phạt ấy, tôi vẫn còn ớn xương sống.
Dì Ba rất đẹp, người mảnh khảnh. Dì có cho tôi một túi vải nâu, loại túi vải nhỏ để bạc cắt rồi vắt ở lưng quần. Mỗi lần dì dượng cho tôi tiền xu, tôi bỏ vào túi và rút giây lại cho khỏi rớt mất. Dì Ba có cô con gái đẹp có tiếng trong vùng là chị hai Sáng. Chị Sáng mắt bồ câu, chị hay mặc áo xẩm để lộ hai cánh tay no tròn trắng nõn. Các cậu trong làng mê chị rất đông. Mỗi lần có người liệng thơ vào hàng rào hay sai trẻ nít đưa thơ là các chị xúm nhau đọc rồi cười. Có một lần chị hai Sáng đi chợ về, sau khi lấy rau thịt ra thì có thêm một củ ngải của cậu trai nào liệng vào giỏ để mê hoặc chị. Nhưng chị không có thương ai cả.
Có những lúc khác ba mẹ và tôi đến thăm dượng Hai ở Hưng Nhơn. Tôi thích chơi với chị Loan Giao hay Dung, Thảo con của "Ba Hồng" em nuôi của mẹ, là chồng của chị Hồi Văn, con của dì hai Hòa Yên, chị ruột của mẹ. Bà con tản cư từ ngoài Bắc vào ở đây rất đông, đến mấy chục người. Nào là gia đình bác Lưu Hùng, bác luật sư Hà. Con nít nhỏ bằng tôi cả chục đứa, đứa nào cũng cắt tóc bum bê nói tiếng Bắc rất khó nghe. Suốt ngày chúng tôi đi hái nhãn lồng hay loanh quanh dưới mấy tàng cây trứng cá. Khi thì đánh đủa, búng hột me, nhảy cò cò, chạy đua. Có lần tôi chạy đua mau quá, chị Giao đưa chân ra cản lại làm tôi té bể môi, trầy đầu gối. Tôi khóc quá và mét mẹ. Chị Giao khóc hu hu nói:"Tại nó chạy mau quá, con không biết làm sao cho nó ngừng, con lấy chân cản nó lại."
* *
Những kỷ niệm mộc mạc ở làng Hòa Hảo ăn sâu vào tâm hồn tôi, tưởng như không thể nào phai lạt được.
Hè năm 1988, ba mẹ tôi mua một căn nhà ở gần khu Sàigòn Nhỏ (Little Saigon) để dưỡng già. Ba mẹ dự định ở đó để đi bách bộ ra đường Bolsa ăn sáng, mẹ đi chợ, mua thuốc tây, thuốc bắc cho gần. Con cháu cuối tuần đi khu Việt Nam ăn nhà hàng hay đi chợ, rồi tiện ghé thăm ba má luôn, khỏi phải đi xa như lúc ba mẹ ở Los Alamitos.
Một hôm ba cười ngoắc tôi ra phòng khách. Ba kéo màn cửa sổ để lộ ra hai lồng chim máng hai bên cửa sổ. Mỗi lồng chim có một con. Ba kéo sợi dây của mỗi lồng chim. Tiếng chim trống và chim mái kêu lên thánh thót, ríu rít. Ba liếc mẹ, cười âu yếm bảo: "Mẹ con mua đó".
Ba mất đã gần hai năm rồi. Mỗi lần ghé Bolsa thăm mẹ, tôi thường hay nhìn hai chiếc lồng chim im lìm trên cửa sổ.
Tôi ngồi nơi phòng khách im lặng, với một cảm giác mất mát tưởng không bao giờ vơi.
California, 14-6-1991