7. Phải buông bỏ ý

13 Tháng Tư 20171:33 CH(Xem: 1955)
7. Phải buông bỏ ý

7. Phải buông bỏ “ý”

Thứ Ba 8-9-1998 – 12:35 giờ trưa

Sáng nay tôi tự bảo mình phải buông bỏ “ý.” Ý muốn làm điều này điều kia. Tôi chợt thấy mình đã làm quá nhiều việc từ hôm tỉnh lại sau khi tan thuốc mê.

Thật sự tôi “làm việc” gấp đôi lúc tôi bình thường. Không phải làm việc thật sự bên ngoài mà “làm việc trong ý tưởng.” Nào là làm Đuốc Từ Bi, làm chương trình truyền hình cho người bị bệnh AIDS, cho người già, cho thanh niên, bỏ chương trình phát thanh lên trang nhà của Phật Giáo Hòa Hảo trên Internet, soạn dàn bài cho quyển “Lên Đường,” vân vân... Chiều qua xem lại cuộn băng của bác Phan Thanh Nhãn xong tôi còn dự định bảo trợ để mở lớp Thiếu Lâm Thất Sơn Cổ Truyền.

Sáng nay tôi tự biết khuyên mình đừng bắt mình làm điều này điều kia nữa, đừng bắt mình bước vào kỷ luật nữa dù kỷ luật đã giúp tôi hoàn thành bao nhiêu việc trong nhiều năm ngay. Nay cả dẹp ý chí trong lúc này vì tôi đã nhiều lần nói với lòng là “lạm dụng ý chí” sẽ tạo mình thành một  “người máy.” Tôi phải bỏ hết vì tôi đang đau chưa lành. Còn một điều nữa. Tôi lại giận tôi vì vết mổ chưa lành đã cản trở không cho tôi làm việc. Chính tôi chống cái đau của thân xác mình nên khiến nó lâu lành, và cũng vì đôi khi tôi lạm dụng thuốc để có thể ngồi viết hay làm việc.

Sáng nay tôi buông bỏ làm việc cho sợi dây đang căng bỗng nhẹ hẳn. Tôi cũng chưa chắc điều đó kéo dài được bao lâu.

Những lúc u tối nhất, tôi cảm thấy vô cùng kính trọng và hết lòng nương náu nơi Đức Phật, vì Ngài luôn nhắc nhở chỉ dạy những gì cần thiết nhất.

Tối hôm qua, sau khi cúng xong, tôi tụng kinh, viết và đọc sách, rồi đi ngủ. Nhưng tôi ngủ chẳng được gì cả. Mỗi khi ngủ không được, tôi biết là tôi phải “tỉnh thức.” Trong đầu tôi nghĩ đến ba chữ “Kinh Kim Cang.”

Quả thật, trong Lời Tựa, thầy Thích Thiện Hoa có nhắc lời Phật dạy:

“Đừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào.”

Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật mở đầu – mà cũng là trọng tâm của bộ kinh này – bằng hai câu hỏi của Thầy Tu Bồ Đề:

“Làm sao hàng phục vọng tâm?” và

“Làm sao an trụ chơn tâm?”

Thầy Thích Thiện Hoa viết, Đức Phật nói Kinh Đại Bát Nhã chép đến 600 quyển, thế mà sau cùng Phật dạy: “Ta không nói một chữ!”

Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh gọi tắt là Kinh Kim Cang.  Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán, nay thầy Thích Thiện Hoa dịch ra chữ Việt và lược giải vào năm 1965.

Kinh là kinh điển giáo lý do Phật hay Bồ Tát nói ra. Kinh cũng có nghĩa là sự tổng hợp ghi chép lại các lời nói của Phật hoặc Thánh hiền. Còn có nghĩa là sự không thay đổi. Chơn lý của Phật không thay đổi. Dù Phật quá khứ, hiện tại, hay vị lai cũng đều nói chơn lý như vậy. Nghĩa thứ ba là kinh của Phật “hợp với chơn lý của vũ trụ” và “hợp với căn cơ trình độ của chúng sanh.”

Về ý nghĩa của hai chữ Kim Cang – người Nam gọi là ‘cang’ trong khi người Bắc gọi là ‘cương’ – có hai nghĩa: Ngọc kim cương cứng và bén, không bị vật phá hoại mà phá hoại được các vật khác. Kim cang còn là thép cứng bén cũng không bị vật phá hoại.

Chất cứng rắn của ngọc kim cang hay của thép vốn sẵn có chứ không do rèn luyện hay nhờ các vật bên ngoài tạo thành. Phật dùng hai vật đó để thí dụ “Trí tuệ Bát Nhã” rất quý báu sẵn có trong mọi người, dù là phàm phu hay đã chứng quả Thánh.

Còn hai chữ Bát Nhã được dịch âm của chữ Phạn Prajnã, tóm lại trong sáu nghĩa: Nghĩa viễn ly là xa lìa các vô minh, phiền não, vọng chấp. Nghĩa thứ nhì là minh, sáng, không mờ tối. Nghĩa thứ ba là Huệ, sáng tỏ. Nghĩa thứ tư là thanh tịnh, trong sạch, không ô nhiễm. Hai nghĩa cuối là Trí, thông suốt và Trí Huệ, sáng tỏ thông suốt.

Trí tuệ Bát Nhã chiếu soi các pháp thì pháp nào cũng đều bỏ hình tướng giả dối, mà hiện ra tướng chơn thật. Lúc đó chơn tâm, chơn như, hay chơn lý của vũ trụ hiện ra vậy.

Trí tuệ Bát Nhã có công năng đưa chúng sanh từ bên bờ phiền trược mê muội sang bên kia bờ giác ngộ nên còn được gọi là “thuyền Bát Nhã.”

Ba chữ Ba La Mật là dịch âm của chữ Phạn Pãramĩta, có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất là Đáo Bỉ Ngạn, hay đến Bờ Bên Kia của giác ngộ. Nghĩa thứ hai là Cứu Kính Viên Mãn, hoàn toàn rốt ráo. Trí tuệ Bát Nhã là loại trí tuệ rốt ráo nên gọi là “Bát Nhã Ba La Mật.”

Tóm lại, đây là bộ kinh nói về “Trí Huệ Phật,”  rốt ráo viên mãn, vừa cứng rắn, sắc bén có thể phá tiêu núi vô minh vọng chấp và đốn tận gốc rừng phiền não nghiệp chướng, từ vô lượng kiếp đến nay.

 

Trong phần mở đầu của Kinh Bát Nhã có viết:

“Tôi nghe như vầy: Một hôm, tại nước Xá Vệ, Phật và 1250 vị Đại Tỳ kheo, đều ở Tinh xá Kỳ Hoàn, trong vườn của ông Thái tử Kỳ Đà và ông Trưởng giả Cấp Cô Độc.

Sắp đến giờ ngọ trai, Phật và chúng tăng đều đắp y, mang bình bát vào thành Xá Vệ, theo thứ lớp khất thực.

Khất thực xong, Phật và chúng tăng đồng về Tinh xá để thọ trai. Sau khi thọ trai xong, Phật xếp y, cất bình bát và rửa chân, rồi trải tọa cụ, ngồi yên tịnh.”

Ngài Thái Hư Pháp sư giảng:

“Phật nói kinh này để chỉ rõ trong mỗi chúng sanh đều sẵn đủ bản thể Kim Cang Bát Nhã. Cái diệu dụng của Kim Cang Bát Nhã là làm cho hành giả khi tu lục độ vạn hạnh, mà không trụ chấp các tướng.

Người ngộ được Kim Cang Bát Nhã rồi thì đối với các pháp và mọi việc đều được thông suốt vô ngại; những việc làm bình thường hằng ngày đều là Phật pháp, tâm bình thường đó cũng là Phật pháp; cho đến đi, đứng, nằm, ngồi, vân vân... cũng đều là Phật pháp. Những việc thần thông biến hóa đều là diệu dụng vô thượng của Chư Phật đã đành, mà những nỗi mừng, vui, giận, ghét cũng là cái phương tiện hay khéo của Phật pháp.”

(trang 17-18-19)

 

Bộ Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa quý báu này đã được Ngài A Nan kết tập theo lời giảng của Đức Phật trong vườn của Thái tử Kỳ Đà, ở nước Xá Vệ, nơi tôi có đến viếng thăm khi đi hành hương viếng bốn chỗ Động Tâm tại Ấn Độ.

Có lẽ nhờ tôi đã viếng tận nơi có sự hiện diện của Đức Phật nên tôi cảm thấy được gần gũi với ý nghĩa thâm sâu của lời Kinh chăng?



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880