6. Thầy Quảng Độ được tự do

13 Tháng Tư 20171:26 CH(Xem: 2165)
6. Thầy Quảng Độ được tự do

6. Thầy Quảng Độ được tự do

Thứ Hai 7-9-1998 – 6:30 giờ chiều

Cường vừa xem chương trình football xong, bạn bè đã về hết. Tôi bảo Cường đi tắm trong khi tôi đi cúng, lát nữa tôi sẽ kể chuyện Đức Mục Kiền Liên cho Cường nghe. Tôi nhắc Cường về Đức Địa Tạng Bồ Tát mà hôm nọ tôi đưa Cường đến chùa Huệ Quang để lạy Ngài,  cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào mùa Vu Lan.

Từ đêm 14 ta, tôi bắt đầu tụng kinh Mục Liên Sám Pháp do Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch. Thật là một kỳ duyên, vì tôi mới hay tin Ngài được trả tự do cách đây mấy hôm. Theo đài BBC Luân Đôn, khi Thầy Thích Quảng Độ đến phi trường Tân Sơn Nhứt ở Sàigòn thì có khoảng 500 tăng ni Phật tử đến đón tặng hoa. Thầy đã trên 70 tuổi, bị cao máu, đau bao tử, sức khỏe rất kém, đi đứng khệnh khạng.

Đầu cuốn kinh, Thầy Thích Quảng Độ có đăng bài thơ “Dâng Mẹ” sáng tác vào mùa Vu Lan Quý Mão năm 1963:

DÂNG MẸ

Bao năm con lưu lạc ngàn phương,

Con nhớ mẹ suốt canh trường khắc khoải.

Ơn dưỡng dục mẹ ôi! Sao xiết kể,

Công sinh thành con nghĩ: quặn lòng đau.

Gốc mai già xơ xác đã từ lâu,

Chơ vơ đứng giữa trường đời gió lộng.

Dòng sông chảy: ấy đời con trong mộng,

Lững lờ trôi, trôi mãi đến bao giờ?

Có những đêm con thiêm thiếp trong mơ,

Con mơ thấy hồn con về thăm mẹ,

Được ấp ủ trong tình thương của mẹ,

Mảnh hồn con ấm dịu biết bao nhiêu?

Bốn phương trời con tìm kiếm đã nhiều,

Nhưng không có một tình yêu của mẹ.

Vu Lan đến, cõi lòng con quạnh quẽ,

Bóng người xưa như phảng phất đâu đây.

Một chiều thu lạnh, dâng bát cơm đầy,

Tình nghĩa ấy, mẹ ôi! bao thấm thía.

Phương trời này con ngậm ngùi rơi lệ,

Đức cù lao muôn một trả chưa xong.

 

Kinh Từ Bi Đạo Tràng Mục Liên Sám Pháp có ba quyển, đều dạy sám hối các tội từ nhiều kiếp do mình làm hay mình dạy cho người khác làm, hoặc nghe hay thấy người khác làm mà sinh lòng vui mừng.

Giảng về Tam Bảo, quyển một có ghi:

“Phật Bảo là gì? – Phật là Chính Giác. Trong bao nhiêu kiếp, tu hành khổ hạnh, ngộ đạo Bồ Đề, gọi là Chính Giác. Tự giác giác tha, cứu độ chúng sinh, không thể kể xiết, quả hạnh đầy đủ, làm Thầy Trời Người, vì thế cho nên, kêu là Phật Bảo.

Pháp Bảo là gì? – Những lời Phật nói, chép thành kinh sách, nghĩa lý cao sâu, những người được nghe, đều sinh kính tín, những người đọc tụng, ngộ được Phật tâm, thoát nỗi phiền não, lên núi Niết bàn, đến bến Bồ đề, thành bậc Chính giác. Thế là Pháp Bảo.

Tăng Bảo là gì? – Thụ trì giới luật , như Pháp tu hành, mở lòng từ bi, cứu khổ hết thẩy, ba áo che thân, tu theo vạn hạnh, cũng như Chư Phật, tu hạnh Bồ Tát, trước độ chúng sinh, sau mới thành Phật. Thế là Tăng Bảo.

Chúng sinh ngu muội, điên đảo mê lầm, không tin Tam Bảo, không biết quy kính, lại còn kiêu ngạo, sinh lòng phỉ báng, bởi thế cho nên, sa vào ba đường, vòng quanh sáu ngã, đắm chìm bể khổ, mãi mãi vô cùng. Nếu có những người, thiện nam tín nữa, mở lòng Bồ đề, quy y Tam Bảo, thì diệt được tội, mà sinh phúc lành. Quy y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục, quy y Pháp rồi, thoát khỏi ngã quỷ, quy y Tăng rồi, không làm súc sinh.”

(trang 5, 6, 7)

Kinh này có kể lại khi Đức A Nan hỏi về 12 căn hạnh sâu nặng của một con người, thì Đức Phật đáp:

“Không kính cha mẹ, đó là một bệnh; ngu si tạo ác, đó là hai bệnh; gian giảo điêu ngoa, đó là ba bệnh; lời nói hại người, đó là bốn bệnh; hay tìm lỗi người, là bệnh thứ năm; căn bệnh thứ sáu: giết hại chúng sinh; không biết hổ thẹn, đó là bảy bệnh; ham mê sắc dục, là bệnh thứ tám; kiêu ngạo khinh người, đó là chín bệnh; phạm tội không hối, là bệnh thứ mười; khen mình chê người, là bệnh mười một; không biết lợi hại, là bệnh mười hai.”

(trang 32, 33)

 

Khi Ngài A Nan hỏi những bệnh như vậy chữa bằng cách nào, thì Phật dạy:

“Dùng thuốc đúng bệnh, sẽ được thuyên giảm. Từ bi hỷ xả, khiêm tốn nhún nhường, tán thán Đại thừa, nói lời hiền dịu, có lỗi lo đổi, thương người nghèo khó, kính người già cả, người ta chê mình, không giận không tức, khen ngợi người khác, nguyện độ chúng sinh, có oan phải giải, kính trên nhường dưới: đó là phương thuốc, trị những bệnh trên.”

(trang 33)

Ngài A Nan lại hỏi các thứ thuốc đó tìm được ở đâu, thì Phật bảo ở núi Tu Di. Khi ông A Nan hỏi Tu Di là gì, Đức Phật trả lời: “Là thân con người.” Phật giảng thêm là chúng sinh có sáu nạn: một là thân người khó được, hai là thân người khó đủ, ba là thiện tâm khó phát, bốn là chính pháp khó nghe, năm là trung quốc khó sinh, và sáu là đạo tràng khó gặp.

Trong kinh lại có câu: “Đời này nếu chẳng phát tâm, kiếp sau thân người khó được.” Và: “Cố gắng tu trì, tội chướng tiêu trừ, nghiệp căn thanh tịnh, cha mẹ hiện tiền, sống vui trăm tuổi, tổ tiên quá khứ, rũ sạch oan khiên.”


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880