THUỞ BIẾT YÊU

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 11804)
THUỞ BIẾT YÊU

THUỞ BIẾT YÊU:

Sàigòn, 18-9-1966.
Mình sẽ viết gì đây???
Mình ghi lại cuộc đời của một "đứa con gái", nhưng trong tương lai hay dĩ vãng? Dĩ vãng mình có gì vui, hay toàn những kỷ niệm buồn? Hai mươi tuổi, với số tuổi này mình đã gặt hái được những gì? Hay chỉ đôi bàn tay trắng, không một mảnh bằng cho ba mẹ vui lòng. Nhưng có phải tại mình đâu? Tại thời cuộc, tại hoàn cảnh đất nước kia mà! Biết thế, tại sao mình lại cứ khổ tâm?
"Lúc thiếu thời gặp nhiều bất mãn, nhưng tốt về sau." Đó là lời của một ông bạn của ba trong dinh Gia Long xem tử vi cho mình. Mình nghĩ rằng có lẽ đúng, vì mình cảm thấy trong tâm hồn như có một luồng gió mới thổi vào, cuốn đi những nỗi buồn đè nặng tâm tư...
Có phải Đức Thầy không? Có phải chăng Đức Thầy đã giúp con tìm được con đường Chánh Đạo. Đức Thầy đã cứu vớt con trong lúc con đang chơi vơi trong biển khổ.

Sàigòn, 22-9-1966.

"Đời người tựa bóng câu, hơi đâu mà nghĩ tới những chuyện lặt vặt." Câu này của Disraeli và trong tờ "This Week", André Maurois viết: "Câu đó đã giúp tôi nén được bao nỗi đau lòng mà đáng lý ta nên khinh và quên nó đi... Chúng ta chỉ còn sống được vài chục năm trên trái đất này, thời khắc bất tái lai, cớ sao bỏ phí bao nhiêu giờ để ủ ấp trong lòng những ưu tư, bất bình không quan trọng mà chỉ một năm sau là người khác và cả ta đều quên hết? Không nên vậy, hãy nên hy sinh đời ta cho những hành động và cảm tình đáng quý, những tư tưởng cao thượng, những tình thương chân thật, và những sự nghiệp lâu bền."
Từ đây mình cố xóa hết những buồn phiền để nghĩ đến tương lai. Tương lai của mình, của đạo và của đất nước. Mình ước mong sau này có thể giúp cho xã hội ít nhiều, nếu không đạt được cao vọng: cho đất nước. Nhưng trước hết mình mong cuối năm thi đỗ cho ba mẹ vui mừng.

Sàigòn, 11-10-1966.

Đọc xong cuốn "Đời cách mạng của Đức HUỲNH GIÁO CHỦ", mình hỏi mẹ rằng: "Không biết lúc trước ba có gặp Đức Thầy lần nào chưa?" Mẹ nói có. Mình lại hỏi: "Sao ba theo đạo một cách tích cực, tin tưởng mãnh liệt như vậy?" Mẹ trả lời: "Thì nhờ Đức Thầy phát huệ và dẫn dắt cho." Mình ước mong sao cũng được phát huệ như vậy, vì mình cảm thấy trí óc mình còn quá tối tăm, non kém. Không biết những ước vọng của mình sau này có đạt được như ý mong muốn của mình chăng?
Mình ghi lại bài thơ này để biết rõ quan niệm của Đức Thầy về chữ "Tu" mà Đức Thầy thường đọc đi đọc lại trong lúc nhàn rảnh
"Tu là tâm trí nhu mì
Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong
Tu cầu cứu vớt tổ tông
Vớt cho bá tánh máu hồng bớt rơi
Tu cầu cha mẹ thảnh thơi
Quốc gia thủy thổ chiều mơi phản hồi
Tu đền nợ thế cho rồi
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen."


Sàigòn, 20-10-1966.

Lúc sáng thầy Phan đọc điểm bài kiểm Việt văn hàng tháng, mình run và lo quá, nhỡ ít điểm thì sao? Mắc cở chết? Nhưng ai ngờ thầy lại gọi tên mình và khen. Lời của thầy như khuyến khích mình, làm mình vui mừng lẫn sung sướng.
Mình tự hứa sẽ cố gắng hơn lên. Mình quyết định bắt đầu viết một chuyện ngắn cho báo Xuân của trường dựa theo bài "Một Câu Chuyện Văn Nghệ" của ba đã viết. Ước mong sao "sự nghiệp văn chương" của mình sau này sẽ không đến nỗi tệ lắm!


Sàigòn, 23-10-1966.

Thật ở đời có nhiều chuyện không thể ngờ. Mình đi học mới vừa về thì được biết Sơn ở cạnh nhà đã chết vì xe đụng. Tuy mình và Sơn không giao thiệp với nhau nhưng sao đứng trước cái chết của Sơn mình cũng cảm thấy đau đớn, nhứt là thương cho má Sơn. Hôm nọ trong lớp học thầy Phan có nhắc câu: "Sự hiện diện của con người trên thế gian này là vô lý." Hôm nay đứng trước thi hài của Sơn mình cảm thấy thấm thía làm sao! Có đụng chạm với sự thật, mới hiểu một cách sâu xa cái ý nghĩa của câu văn.
Buồn ghê! Mình buồn và thương đây không phải cho riêng Sơn mà cho kiếp sống của con người. Con người mới hôm nào cười nói vui đùa, hôm nay đã xuôi tay, đầu bể, mặt méo, tay gẫy, xác thân chết đi không được vẹn toàn. Thế gian này còn bao nhiêu điều đớn đau nữa mà mình chưa được trông thấy?
Mình phải cố làm một cái gì! Phải làm một cái gì để xoa dịu đi bao nỗi đau thương của nhân loại. Bàn tay mình nhỏ bé, trí óc mình non kém. Mình có đoạt được cái hoài bão ấy chăng? Ước vọng quá to lớn, biết mình thực hiện được không?
Nam Mô A Di Đà Phật! Con xin Trời Phật giúp con đạt thành chí nguyện, xin dẫn dắt con trên đường học đạo và trên đường đời.


Sàigòn, 17-3-1967.

Lâu quá mình không viết, vì mình tự cảm thấy mình viết không được thật với lòng mình lắm, và gần như mình không dám viết hết những gì mình nghĩ.
Ờ, mà mình viết cho mình đọc cơ mà, có ai đọc được đâu mà ngại. À, hay là vì những lời đầu tiên mà mình đã hứa với Đức Thầy: tu theo đường lối của Người để phục vụ đất nước, dân tộc và hòa bình nhân loại. Phải chăng mình sợ không giữ nổi lời hứa ấy? Nhưng nghĩ lại mình cũng như bao nhiêu người khác trên thế gian này. Có thể mình thua họ nữa. Làm sao mà mình dẹp được hết những ham muốn, những ước vọng, những ý nghĩ như những vị tu hành.
Đức Thầy đã nói:

"Tu đền nợ thế cho rồi
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen."

Vậy đâu có phải là chỉ đi tu trong chùa mới thật tu đâu. Hiện tại mình sống đây, trong gia đình, trong xã hội, trong cuộc sống tranh đua này, mình cũng có thể đang tu vậy.
"Tu tâm dưỡng tánh."
Bây giờ mình đã thi xong hết kỳ thi nhị lục cá nguyệt rồi. Vậy là chỉ còn đợi đến ngày thi "thật tình" nữa mà thôi. Sao đôi khi mình thấy không sợ gì cả. Mà lại có lúc mình cũng thấy sờ sợ nhỡ rớt rồi sao há! Chắc không rớt đâu. Nếu mình cố học thì làm sao rớt được. Vả lại chẳng lẽ mình rớt hay sao? Cuộc đời mình ít ra từ đây cũng phải sáng tỏ đôi chút.


Sàigòn, 10-8-1967.

Sáng hôm qua anh Công đến cho mình hay là đậu rồi, nhưng sao mình cũng vẫn cứ lo. Chừng nào thấy tên trên bảng mới yên tâm, mình bắt anh Công chở đi xem kết quả. Ảnh nói mình thiếu độ mấy điểm nữa sẽ có thứ hạng. Mình tức quá cứ than hoài. Anh Công nói mình có tham vọng một cách lãng nhách!
Mình tự nghĩ nhảy lớp từ 3ème lên đệ tam chương trình Việt, đậu cũng là khá rồi. Nhưng mình học nhiều, sút đến mấy ký, ít ra mình đậu có thứ hạng thì sự cố gắng của mình mới được đền bù một cách xứng đáng chứ. Nhưng thôi biết làm sao bây giờ.
Sáng hôm nay thức dậy, cảm giác buồn buồn còn quanh quẩn xung quanh phòng. Nhưng một tia sáng vừa lóe lên. Phải rồi mình vừa nằm chiêm bao thấy Đức Thầy, trẻ độ hai mươi mấy tuổi, mặc bộ đồ bà ba trắng, hơi mập hơn trong hình mình thường ngắm và đẹp hơn nhiều. Đức Thầy nhận dạy mình học và một vài người trong đạo nữa chứ. Nhưng sau cùng chỉ còn có một mình mình mà thôi. Đức Thầy tỏ ra rất thân với mình như: choàng tay qua đầu mình để chỉ mình những mảnh giấy mà Đức Thầy nói rằng để làm chứng khi những người khác xin cho con học, Người mới có thể từ chối. Mình ước mong sao sẽ có một ngày mình được hưởng những phút hầu cạnh bên Đức Thầy như trong giấc chiêm bao vậy. Có lẽ đó là một phần thưởng rất lớn cho sự thi đậu của mình. Vì đây là lần đầu tiên mình thấy hầu cạnh và được trò chuyện thân mật với Người. À, mình có hỏi vì sao Đức Thầy từ chối không dạy mấy người kia, Đức Thầy nói bận lắm không có thì giờ để dạy đông người.


Sàigòn, 11-10-1967.

Dạo này mình lười viết nhỉ. Sau ngày mình thi đậu, Tài đi Bạc Liêu, còn mình đi Vũng Tàu. Trước khi chia tay hai đứa lên thăm cô bạn Tú Linh người giới thiệu cho hai đứa quen nhau, rồi Tài mời mình đi ăn. Lúc Tài bắt tay từ giã, một cái bắt tay như muôn ngàn cái bắt tay khác, nhưng tại sao mình xúc động, xao xuyến. Bàn tay mềm mại, ấm áp. Cánh cửa vừa khép lại, mình cảm thấy choáng váng muốn té. Một cái gì? Một cái gì dâng lên cổ. Mình bước vội vào nhà.
Sao lạ nhỉ? Khoảng thời gian nghỉ hè ở Vũng Tàu mình thấy thảnh thơi ghê. Nhớ một hôm đi bộ ra bãi Sau. Buổi sáng Vũng Tàu đẹp lạ. Mình nhìn mãi cảnh hai bên đường mà không biết chán. Đến hồ sen, mình dừng lại ngắm rừng hoa. Ở đây sao mát ghê! Mình ngửi mãi, ngửi mãi mùi hương của hoa sen mà chưa bao giờ thấy thỏa. Mình leo lên bệ cầu ngồi, quên cả cảnh vật chung quanh. Nhìn những đứa bé chống xuồng giữa hồ sen, mình cứ ước ao được như chúng. Ừ nhỉ! Phải chi mình được như chúng, mình sẽ được kề cận những đóa hoa thơm ngát ấy. Sung sướng biết dường bao. Đằng kia xa xa là những dãy núi cát trắng như cảnh sa mạc. À cái gì xanh xanh đẹp nhỉ! Đúng rồi, đó là biển, biển rộng ghê, mình cứ tưởng là trời xanh. Quê nhỉ?
Bãi biển sao vắng lạ, có lẽ trên đời nầy chỉ có biển và mình. Mình xuống tắm tí rồi lại lên lượm ốc cho các em! Buớc mãi và bước mãi! Những lượn sóng cao như muốn ngăn chận bước chân mình. Bọt biển trắng xóa. Sao mình bỗng rùng mình, sợ hãi. Biển ơi, biển rộng quá. Biển có cướp tôi đi không? Mình cảm thấy nhỏ bé, yếu đuối. Sao hôm nay mình sợ biển quá! Một ý nghĩ chợt đến. Ờ phải chi có Tài.
Từ hôm đi Vũng Tàu về đến nay, bao nhiêu là chuyện vui buồn xảy đến. Mình nên buồn hay vui? Kỷ niệm sâu đậm nhất là hôm 30-9-1967. Ngày hôm ấy Tài đã nói nhiều. Còn mình sao lạ vậy? Không dám ngẩng đầu lên. Những cảm xúc là lạ chưa từng thấy. Nước mắt mình đã chực sẵn rèm mi. Một cái gì không thể tả bằng lời nói, làm cho tim mình muốn ngừng đập. Thời gian ơi! Đừng trôi đi, hãy dừng lại nơi đây để cùng tôi tận hưởng giây phút êm ả này. Mình không biết phải làm gì? Mà làm gì bây giờ? Đôi tay mình thừa thãi! Đôi chân mình tê dại! đôi mắt mình bị gắn chặt xuống nền nhà. Ô hay, sao không ngẩng đầu lên Mai? Ngẩng đầu lên để uống trọn những lời nói êm đềm trìu mến. Tóc ơi hãy phủ kín lấy khuôn mặt thẹn thùng này. Đừng để ai thấy nó, dù kẻ ấy là Tài. Thời gian ơi! Hãy dừng lại, tôi van mà, đừng bao giờ trôi đi phút giây này... Tôi say sưa nghe lời tỏ tình đầu tiên. Này, các người xung quanh, xin đừng nói, đừng cười. Các người hãy đứng thẳng và cúi đầu im lặng...
Ô hay sao không ngủ đi Mai, cứ trằn trọc mãi, khuya rồi. Nhạc hôm nay hay quá, toàn là êm dịu đưa mình vào cõi mộng. Lúc nãy trước khi ra về, Tài muốn mình trả lời, mình cứ giả bộ không biết gì. Tức lắm! Ai mà con gái đi nói ra những gì mình nghĩ. Thôi cậy răng cũng chẳng dám. Thời gian ơi! Độc ác lắm, khuya rồi lại phải chia tay. Biết bao lưu luyến! Anh bảo: "Chúc Mai ngủ ngon!" Ngủ ngon ư! Giấc ngủ ở đâu, sao mãi không chịu tới? Mình cứ chập chờn không biết ngủ hay mê. Mình đã trải qua những giây phút ấy rồi sao? Thật hay mơ? say hay tỉnh? Thật mà, nơi phòng khách anh ngồi ở ghế dài cười mãi trước khi nói. Mắc cở ư? Con trai gì mà mắc cở! Tài sẽ nói trong một câu rất ngắn. Thôi nói dài hà. Mai không thích ngắn. Nói đi, sao cứ cười hoài vậy? Lại cười nữa. Cuối cùng cũng nói. Thôi không thèm vì anh nhắc đến tên một người con gái khác. Buồn lắm! Tài biết nói sao bây giờ. Chẳng lẽ mình nói thẳng ra hết nhỡ Mai giận thì sao? Ờ nhỉ! Có lẽ, tại tánh mình khó từ lâu. Thôi cũng tạm được nhưng phải nói lại hay hơn vào lần khác nhé!
Hôm Chủ nhật anh đãi Mai, Tâm, Ánh, Minh Thư, anh Hữu, anh Đinh Hùng đi ăn ở Ngân Đình cạnh bờ sông Sàigòn. Ngân Đình! Ngân Đình! Ngồi đây nhìn mây nước. Đêm từ từ xuống, đêm đen không một vì sao. Gió nhẹ thổi mái tóc bồng. Mai nghĩ gì vậy? Nghĩ gì đâu! Sao Mai buồn? Mình yên lặng nhìn nước. Bên kia sông Thủ Thiêm những ngọn đèn le lói, chập chờn. Một ý nghĩ chợt đến. Bên này sang trọng! Bên kia nghèo hèn! Chứ gì nữa, lúc nãy trời còn sáng, mình chẳng thấy những mái nhà lá chen chúc, san sát nhau, núp dưới những tấm biển quảng cáo là gì? Biết chừng nào, biết chừng nào mình mới hết thấy cảnh "kẻ sang, người hèn" nhỉ? Hai năm nữa ư? Có thể lắm! Mình hy vọng. Món ăn cuối cùng mình chấm ngon nhất. Tâm đồng ý. Ngon thật! Tài đau mà ngồi ngoài sương, ngoài gió, về đau thêm cho mà xem, nói mà không nghe gì hết. Anh đau Mai buồn lắm. Thật mà! Buồn lắm!...
Thôi đau thì ở nhà ráng uống thuốc, một tuần nữa hẳn lại nhe. Trời ơi! Tới một tuần lận, lâu quá Mai ơi! Mình thử ráng chịu xem sao. Tài đến hoài Mai không học được gì hết, lúc này Mai lười lắm đó nhe! Phải ráng để cuối năm thi đỗ cho ba má vui chứ! Bằng một thế kỷ Mai ơi. Thật không? Thật mà! Lấy gì làm bằng chứng. Thôi xoay qua nói chuyện với Tâm đi. Mình đi chung thì phải hòa đồng chớ đừng nói chuyện riêng hoài kỳ lắm. Biết rồi, lúc nãy anh hòa đồng được, bây giờ hòa đồng hết nổi rồi. Anh Hữu ơi! Mấy giờ rồi. 9 giờ đêm, thôi chúng ta về. Chúc Mai ngủ ngon!


Sàigòn, 8-5-1968. (Sau Tết Mậu Thân).
Trưa nay cố nhắm mắt ngủ bao nhiêu lần mà vẫn không được. Những hình ảnh buổi sáng cứ hiện ra trong đầu mình hoài, rồi lại hình ảnh của Vân nữa chứ. Lạy Trời Phật phù hộ cho Vân được tai qua nạn khỏi và tìm gặp được ba má. Vân ơi, Vân, sao hình ảnh Vân cứ lởn vởn trong đầu Mai, sao Mai lo quá, không biết hiện tại Vân ở đâu, ra thế nào mà mấy ngày nay Mai đợi Vân hoài không thấy Vân đến. Quần áo Mai đã sắp sẵn từ lâu, bao nhiêu câu dự định để năn nỉ Vân nhận lấy, vì Mai sợ Vân từ chối, sao Vân vẫn biền biệt tăm hơi. Trường Văn Học đóng cửa, xe cộ ngoài đường thật thưa thớt. Ai đi cũng có vẻ vội vã.
Sáng nay mình, Quyên, Ánh lên nhà thương Sàigòn xem có việc gì có thể tiếp được người ta không. Gặp chị Chín làm y tá ở ngang nhà. Chị nói hôm nay ít bệnh nhân chớ mấy hôm trước làm không kịp. Ba đứa cũng ráng ngồi đó đợi, chớ chẳng nhẽ đến đó lại đi về. Một hồi sau, bệnh nhân lần lượt được chở tới. Mặt mày Ánh xanh lét. Mình cố gượng ghê chứ không sẽ phát khóc vì thằng bé bị trúng đạn ở lưng. Trông tội không thể tả. Đạn đi ngang qua sau lỗ tai nó rồi ghim vào lưng. Người ta mở lưng nó lấy ra một cục đạn, lúc đầu mình tưởng cũng nhỏ thôi, ai ngờ nó dài gần 8 phân, to hơn cả ngón tay cái của mình. Nó sợ quá cứ kêu trời ầm ỷ, nó nói hai hôm rồi không có chi ăn nên đói quá. Thấy nó than tim mình đau không thể tả, đứa em thì bị trúng đạn vào trán lũng một lỗ to, tội nghiệp con bé, mới được chín tháng. Má chúng nó bị miểng bom làm bấy cả lưng. Còn nhiều người nữa... Nhất là một người đàn bà bị thương ở..., thôi mình không muốn nhắc đến cho đau lòng (tuy hình ảnh đó không bao giờ phai mờ trong trí được).
Mình còn nhớ hôm chiều thứ hai, Minh Tâm vừa điện đàm với mình về vụ Thanh Tâm, người yêu đi lấy vợ khác, mẹ thì bị tê liệt gần á khẩu. Cha mẹ vừa mới bị giật nợ, anh bỏ vợ và sáu đứa con lại để đi theo vợ bé. Sao bạn bè học chung lớp Đệ Nhứt ở Văn Học với mình, nhiều đứa sung sướng quá, còn nhiều đứa khổ không thể tả được. Như Nhứt Tâm cũng vậy, ba ghẻ không cho đi học phải tìm việc làm...
Vừa mới qua nhà Điệp chơi, kể chuyện buồn cho Điệp nghe thì Lan kêu. Vừa chạy về đến sân, mình chợt đứng khựng lại. Thu Vân đấy ư? Có thật Thu Vân trước mắt mình chăng. Một Thu Vân đầu bù tóc rối, mình đầy bụi, đi chân không, chạy xe Honda đàn ông. Vân vừa khóc vừa nói nhà Vân bị sập hết rồi, ba má Vân còn kẹt ở trong trận chưa ra được...


Sàigòn, Chủ Nhật, 2-6-1968

Nam Mô A Di Đà Phật.
"Je commence à penser que je pourrai sacrifier "tout" pour l’amour de l’humanité."(Con khởi sự nghĩ rằng con có thể hy sinh tất cả cho tình yêu nhân loại.)
Đó là một sự thật Thầy ơi, không biết đây là lần thứ mấy con nhìn ảnh Đức Thầy mà lệ tuôn tràn. Con không biết tả sao cho siết nỗi khổ tâm của con đây. Con không biết phải làm gì cho đất nước chúng ta. Và một lần nữa bao hình ảnh đau thương của dân Việt lại hiện lên trong đầu óc con.
Từ sáng tới giờ mình cảm thấy buồn không thể tả, bứt rứt, không biết tại sao. Mà mình chẳng muốn ăn uống gì cả. Ngồi học bài cũng thế, những hàng chữ cứ quay cuồng trước mắt. Mình có than với mẹ sao buồn quá, mẹ có vẻ giận mình và nói buồn gì, buồn hoài hà. Có lẽ mẹ không thích mình nói đến tiếng đó. Chiều nay cũng vậy, sau khi đi chơi với Cúc về, mình sang thăm Ánh, gặp Điệp, Quyên và anh Huyên, mình thấy chán nản quá không buồn nói chuyện với ai nên bèn về. Ngồi vào bàn ăn với ba mẹ, điện thoại reo, ba đi nghe, lúc trở lại ba nói bác Phó Quốc Chụ chết. Mình cứ tưởng nghe lầm. Ba nói tiếp: "Chính thằng lính vuốt mắt ảnh mà". Cầm chén cơm trên tay mà không buồn nghĩ tới, mình không biết phải làm một cử chỉ gì đối với một cái tin đau đớn như vậy. Liền lúc đó những kỷ niệm xưa lúc ở Cao Miên lại hiện đến, êm đềm và quý giá vô cùng. Bác trai đang dạy học cho mình, hai bác cháu bàn chuyện thời sự, chánh trị. Trên bàn có chưng mấy cành hoa do mình mang đến biếu bác. Hai bác dắt mình đi ăn hủ tiếu, đãi Bé Hai của hai bác mà... Bây giờ chiến tranh đã cướp bác đi. Hết, thế là hết rồi bác ơi, bác đi để lại bác gái và năm em dại khờ, tương lai sẽ ra sao? Buồn ghê, mưa lại rơi, ngồi đây ghi lại một vài đau buồn và nhìn mưa ngoài trời, phải chăng Ngài cũng đau buồn cho cảnh dưới thế gian nên nhỏ lệ. Đôi khi mình mâu thuẫn lạ, trời mưa mình mừng vì các đám cháy sẽ được dập tắt. Nhưng hỡi ơi, cái vui lại đổi thành cái buồn khi mình nghĩ đến những kẻ không cửa không nhà.
Nhiều lúc đang ngồi học bài, mình thấy buồn bực lạ, mình nói với mẹ là không đi nhà thương mình buồn và nhớ nhà thương ghê. Ngồi học bài, sách vở trước mắt mà hồn mình ở đâu đâu. Mình muốn xé nát sách vở để đi theo tiếng gọi thiêng liêng nào đó nhưng ... Không thi tú tài hai ba mẹ sẽ buồn nhiều... biết làm sao đây? Hừ học, học, học. Học xong, thi xong rồi hẳn cứu thương, hẳn cứu trợ. Nghĩ cũng nực cười, tại sao những việc mình muốn làm, có thể làm và cần thiết làm thì lại phải chờ đến hai tháng nữa. Đậu xong để làm gì, có bằng cấp để làm chi. Toàn là hư danh cả. Lấy bằng cấp để đi cứu đồng bào ư? Tối vô lý. Tại sao không để hòa bình rồi hẳn học cho yên tâm. Một cái gì tưng tức, cay đắng dâng lên tận cổ mình. Mình chỉ là hạt cát.


Sàigòn, thứ bảy, 29-6-1968.

Sáng hôm nay, sau khi buổi lễ đã bế mạc, cầm ly nước ngọt trong tay, mình đứng tựa cột nơi cửa dinh Độc Lập nhìn ra phía nhà thờ Đức Bà. Mưa đã nhẹ hột, lất phất rơi trên thảm cỏ xanh, cảnh vật sao đẹp lạ thường. Sàigòn lại có một nơi đẹp đến thế cơ à! Thật vậy, mình nói với cô bạn đi cùng: "Ở đây nhìn ra, mình có cảm tưởng như phong cảnh ở Ba Lê vậy hả bồ?" Cô bạn tán đồng ý mình.
Mải ngắm cảnh, mình quên tất cả mọi người xung quanh, bỗng một ông đến hỏi, làm mình giật mình: "Xin lỗi các cô, có mấy ông ký giả đến xin phỏng vấn." Mình thấy phát ghét, chúng tôi là cái thá gì mà mấy ông bày đặt phỏng vấn. Mình nhường lời cho cô bạn: "Thưa chúng tôi không thuộc thành phần đảng phái nào cả. Ban tổ chức nhờ chúng tôi đến tiếp tân, thế thôi."
Mặc cho mấy người nói chuyện với nhau, mình tiếp tục ngắm cảnh. Cảnh đẹp nghìn năm một thuở. Một kỷ niệm lại đến với mình. Hôm nọ mình cùng ba má đi ngang dinh, tự nhiên mình có ý nghĩ ngồ ngộ rồi nói: "Biết đâu có ngày con lại chẳng vô đó." Ba mình cười đáp: "Ối, vô đó làm cái gì, ham làm gì cái thứ đó con." Hôm nọ mình đi học về thì có Tuyết Lan đến, mình lấy làm lạ, vì sao lại đi thăm vào buổi chiều sắp tối. Ai dè Lan rủ mình đi tiếp tân ở dinh Độc Lập. Mười cô đều mặc áo vàng. Mình trả lời rằng mình sẽ hỏi lại ba. Mình cứ tưởng rằng ba sẽ không hài lòng và mình cũng không mấy gì muốn đi. Ai ngờ ba lại bảo có đi chơi thì cứ đi cho biết với người ta. Thôi thì đi vậy!
Lúc sắp ra về, người ta yêu cầu các cô trong ban tiếp tân vào chụp hình chung với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mình và Lan (em của Hà Thanh) đứng tuốt ở ngoài chắc không thấy. Có lẽ như vậy tốt hơn! Sau này khỏi phiền phức cho mình.
Chiều nay sao nhức đầu lạ kỳ. Chắc mình muốn đau. Đi học về bốn giờ, muốn học bài cũng không được, mình bèn vào hầm cát (hầm chống pháo kích), nghỉ mệt và thiếp luôn tới chiều.
Buổi tối phóng sự truyền hình có chiếu cuộc họp buổi sáng của ông Thiệu, có dính mình trong đó một đoạn, nhưng chỉ xa xa thôi. Sau đó mình lên lầu cúng và ngồi niệm Phật. Mình niệm "Nam Mô Vô Thượng Như Lai". Tài nói cũng niệm theo lời mình dặn, cũng mong là anh giữ lời.
Niệm Phật xong, sao mình thấy hết nhức đầu. Mà sao hay quá nhỉ, mỗi lần nhức đầu, mình tịnh tâm niệm Phật một lát là hết ngay. Đúng rồi, mình đã bắt đầu thấy hiệu nghiệm rồi đó. Lúc trước mình nghe bác hai Hạnh nói niệm như vậy sẽ thấy tiến bộ lắm. Mình cứ nghĩ mãi không biết tiến bộ như thế nào. Bây giờ mình mới biết.
"Nam Mô Vô Thượng Như Lai, xin Ngài dẫn dắt con trên đường đạo đức."
Mình niệm theo như bác hai Hạnh chỉ dẫn, nghĩa là niệm "Nam Mô Vô Thượng Như Lai" ba mươi sáu tiếng, mỗi lần hít hơi vô và nín thở thì niệm. Lúc đầu mình cứ nghĩ đâu đâu và phải rất cố gắng mới tập trung tư tưởng được, và đôi khi còn phải niệm thành tiếng. Dần dần mình thấy khỏi phải đếm và bắt đầu vẽ hình Phật từng nét, từng nét trong tâm. Sau đó một thời gian mình tự nhiên tưởng đến các tượng Phật mà mình đã nhìn thấy ở Vũng Tàu, ở chùa Phú Lâm, chùa Xá Lợi và ở núi Ô Đông bên Cao Miên... Dần dần mình tưởng đến hình ảnh Phật đang tham thiền nhập định ở dưới gốc Bồ Đề và tưởng tượng ra mình cũng quỳ gần đấy niệm Phật "Nam Mô Vô Thượng Như Lai". Mình mong cho con đường tu thân học đạo của mình tiến hơn như vậy nữa và cứ tiếp tục mãi cho đến ngày gặp Đức Thầy.
Sao dạo này mình thấy thích ăn chay lạ. Mỗi khi mình nhai thịt, mình thấy một cảm giác kỳ kỳ, không tả được. Mình ăn mặn không còn ngon và mạnh miệng như xưa nữa.
Mình cầu xin thỉnh thoảng được gặp Đức Thầy trong giấc chiêm bao. Dạo này Sàigòn lộn xộn quá, cứ bị Việt Cộng pháo kích hoài. Mình phải ở lại Sàigòn với ba, để học thi, còn mẹ và các em đã tản cư về Long Xuyên ở tạm nhà bà Mười rồi. Mình buồn lắm.
"Nam Mô A Di Đà Phật. Con xin tối nay được thăm Đức Thầy trong giấc chiêm bao, và con xin thụ huấn những lời khuyên của Thầy sắp truyền dạy."

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880