Hình tại Linh Thứu Sơn, nơi đây Đức Phật đã tuyên thuyết Kinh điển Đại thừa
như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Lăng Nghiêm Đại Định,
Kinh Bát Nhã Ba La Mật chứa đựng tinh hoa của Phật Giáo
12-11-97
6 giờ sáng chúng tôi lên đường trên ba chiếc xe buýt nối đuôi nhau đi thăm sông Ni Liên Thiền, rồi đi Vương Xá Thành cũng như đi thăm viếng các chùa quanh vùng như chùa Miến điện, Tây tạng, Tàu, Nhật, Thái, Butan, pho tượng Di Lạc cao lớn giữa trời và sau cùng là Việt Nam Phật Giáo Quốc Tự tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi thượng tọa Huyền Diệu mà người địa phương thường gọi Dr. Lâm, trụ trì.
Đường đi nhỏ hẹp và gồ ghề nên những người ngồi các hàng ghế sau xe buýt mấy lần bị đụng đầu lên mui. Tài xế Ấn độ lại hăng say chạy rất nhanh và thích đua hay qua mặt xe khác nên nhiều lần chúng tôi hú hồn cứ tưởng bị bay xuống ruộng. Nhất là lúc bất thần có một chiếc xe lam hay xe bò lù lù hiện ra chạy ngược lại truớc mũi xe. Anh tài xế lại lanh lẹ đảo xe trở vào hoặc đợi đến thật gần mới thắng gắt. Mấy lần tôi phải nhắm nghiền mắt lại niệm Phật, tưởng đâu xe kia đã bị nghiền nát.
Trong suốt cuộc hành trình thượng toạ Viên Lý hướng dẫn mọi người trì chú tụng kinh. Thầy đứng lên chia sẻ những kinh nghiệm về sự linh diệu khi trì tụng Chú Đại Bi. Xe vồng quá thầy cứ bị lắc lư, có khi thầy như sắp bị bay đi khi xe gặp ổ gà quá lớn. Sau đó thầy Ân Huệ tụng Bát Nhã Tâm Kinh và hát nhạc thiền của thầy Nhất Hạnh bằng Anh ngữ.
Thượng Tọa Thích Viên Lý yêu cầu tôi đọc các bài nguyện của Phật Giáo Hòa Hảo. Tiếng cầu nguyện của tôi quyện vào những luồn gió thổi vi vút qua cửa xe, vang lên trên dất Phật:
"Nam mô nhứt nguyện cầu: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhơn Hoàng, Long Hoa Hải Hội, Thượng Phật từ bi, Phật Vương độ chúng, thế giới bình an....."
Trên đường đi, chúng tôi ghé sông Ni Liên Thiền, nơi Đức Phật tắm trước khi đến cội Bồ Đề.
Cách đó 2 cây số là nơi nàng Sujata dâng sữa cho Ngài thọ dụng. Tại đây có một miếu nhỏ với những cảnh tượng diễn đạt lại cảnh xưa.
Sau vài giờ chúng tôi đến Linh Thứu Sơn, một trong những ngọn núi bao bọc chung quanh Vương Xá Thành. Nơi đây Đức Phật đã tuyên thuyết Kinh điển Đại thừa như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Lăng Nghiêm Đại Định, Kinh Bát Nhã Ba La Mật chứa đựng tinh hoa của Phật Giáo.
Khi đến chân núi, thầy Hạnh Tấn chia mọi người thành hai nhóm. Ai gan dạ thì đi dây kéo (cable) lên ngã tháp Hòa Bình. Ai yếu sức thì chống gậy lên núi, mỗi cây gậy giá 10 Rs. Cụ già nhất trong đoàn, lưng còng, chân yếu thì có hai anh Ấn gánh, giá cho hai chuyến lên xuống là 450 Rs.
Tôi cảm thấy chân hơi lạnh khi ngồi tòng teng trên ghế nhỏ, nhìn xuống thấy đá nhọn chơm chởm chỉa lên dưới vực sâu, ngờ vực dây cáp cũ kỷ của Ấn độ. Nhưng khi nhìn thấy các bà Ấn bế con còn nhỏ từ trên núi trở xuống tỉnh bơ, hoặc những em bé trai hay gái ngồi một mình nhìn tôi cười toe toét, tôi bỗng thấy vững bụng, thở mạnh, yên trí. Còn Quyên sợ quá cười vang cả núi khi đến nơi an toàn.
Đây là ngọn Bảo Sơn có tháp Hòa Bình hình tròn, sơn trắng trông thanh thoát do phái Nhựt Liên Tông xây dựng. Chung quanh có đường kinh hành lót đá cẩm thạch và có bốn tượng Phật bằng vàng tả cuộc đời của Ngài. Ngôi chùa cạnh bên luôn luôn có tiếng trống đánh liên tục để cầu nguyện cho hòa bình thế giới và tiếng niệm "Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh".
Từ tháp Hòa Bình chúng tôi nhìn thấy đỉnh Linh Thiếu Sơn và nghe tiếng tụng kinh của thầy Minh Tâm thật rõ, nhưng chúng tôi đi bộ qua cũng mất 20 phút. Chúng tôi ngừng lại hang ngài A Nan vì đây là đường dẫn lên phòng của Đức Phật và cũng viếng thăm hang ngài Xá Lợi Phất, người quản chúng nên ở đầu tịnh xá để coi sóc chúng tăng.
Trên đỉnh núi là Hương Phòng của Đức Phật, vì nơi này lúc nào cũng hương khói không ngừng do Phật tử đến lễ bái và nơi đây đã ướp đầy hương thơm trí tuệ của bậc toàn năng toàn giác. Sau khi đảnh lễ kinh hành quanh hương phòng chúng tôi rời Linh Thứu Sơn để đi thăm Trúc Lâm Tịnh Xá do vua Tần Bà Sa La cúng dường cho Đức Phật. Trong vườn có một hồ nước để chư tăng tắm giặt.
Sau đó phái đoàn đi thăm viện đại học Nalanda, một thắng tích quan trọng và là cái nôi sản sinh ra những tư tưởng gia Phật giáo Ấn độ vĩ đại như ngài Long Thọ, ngài Mã Minh, ngài Vô Trước, ngài Thế Thân vân vân... và một số nhà học giả Trung quốc như ngài Huyền Trang, ngài Nghĩa Tịnh.
Đại học này xưa kia là nơi tu học của hàng mươi ngàn tăng sĩ Phật giáo. Khi Hồi giáo đánh chiếm Ấn độ, tăng sĩ đã bị giết, máu chảy thành sông. Thư viện Nalanda rất to lớn nên quân Hồi phải đốt đến ba tháng mới cháy rụi hết kho sách, lửa soi sáng cả vùng trong khoảng thời gian này. Sau khi hành lễ nơi ngọn tháp cao nhất còn lại. Mọi người ngậm ngùi nhìn xuống cảnh hoang tàn sụp đổ của Nalanda, những phòng ốc của chư tăng chỉ còn lại những nền đá giữa những bức tường đổ nát. Ai cũng tiếc cho những kinh sách Phật giáo đã bị kẻ dữ hủy hoại.
Trên đường về ai cũng yên lặng nhìn cảnh vật hai bên đường. Tôi nhìn những người đàn bà Ấn độ, mặc những áo choàng truyền thống đang làm ruộng, hoặc đội những bó rơm cao nghệu trên đầu, đi thất thểu trên bờ đê. Xa xa có những tiệm bán trà, bán bánh, có các ông đang ngồi uống nước, chuyện trò trên những giường cây hay quanh những chiếc bàn xiêu vẹo.
Tôi thoáng ngạc nhiên khi xe chạy ngang một cầu nhỏ, nhìn thấy một bà lão đang tắm trâu. Người bà ốm nhom, hai gò má nhô lên, áo quàng mỏng kiểu Ấn độ ướt nhem, dính sát vào người bà. Bà đang tắm cho một con trâu gầy còm đen thui dưới sông nước đục ngầu. Thỉnh thoảng xe đang chạy phải né tránh những phu làm đường, phần nhiều là phụ nữ. Họ đang đội hoặc đổ những rỗ đá vào các lỗ hổng trền đường lộ.
Nhà cửa nơi đây, phần nhiều vách đất trộn rơm hay bằng gạch đỏ không tô vách. Trên vách tường có gắn những cục phân bò trộn với rơm phơi khô để dành chụm lửa hay hong khói cho khỏi bị muỗi đốt.
13-11-97 thứ năm, nhằm 14 tháng 10 âm lịch.
Đêm cuối cùng hai phái đoàn đốt nến cầu nguyện, đi kinh hành quanh chu vi tháp Đại Giác.
Tiếng niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật vang rền. Những du khách đi hành hương đều dừng lại, chấp tay cung kính cuối đầu lâm râm niệm theo ngôn ngữ của họ khi chúng tôi đi ngang qua. Các hàng nến được gắn chạy dài theo các đường đi và đoàn người di động chậm rãi nhịp nhàng theo lời niệm Phật. Tay mỗi người cầm một ngọn nến thỉnh thoảng sáng lên sau cơn gió, những tà áo tràng bay bay. Có người lần chuỗi hay chấp tay lên ngực, khuôn mặt như chìm đắm vào cõi hư vô. Quang cảnh Đạo tràng trông nhẹ nhàng thoát tục.
Tôi nhìn lên ánh trăng tròn đang chiếu sáng Bồ Đề Đạo tràng. Âm thanh khẩn thiết niệm hồng danh Đức Thích Ca Mâu Ni làm dậy khởi một niềm xúc động mãnh liệt nơi lòng tôi. Tôi chiêm ngưỡng, thành kính, mang ơn Đức Từ Phụ đã dạy dỗ tôi hướng vào con đường chánh đạo. Tôi nguyện theo bước chân của Ngài và khẩn nguyện Ngài gia hộ cho bước chân tôi càng ngày càng mạnh mẽ, vững vàng hơn, không bao giờ lùi bước trước mọi khó khăn trên con đường hành đạo.
Suốt mấy ngày sống an lạc nơi Bồ Đề Đạo tràng, tôi đã bao lần khẩn nguyện, tâm sự với Ngài, nhưng sao đêm cuối cùng tôi vô cùng bối rối vì quá lưu luyến cội Bồ Đề, nơi ngày nào Đức Phật đã khổ hạnh và đạt đạo. Tôi xin Ngài trợ lực, tiếp dẫn cho tôi luôn được trí tuệ minh mẫn, biết rõ việc mình làm một cách sáng suốt.
Nước mắt tôi tuôn mãi khi cầu nguyện xin Ngài gia hộ cứu khổ cho dân tộc Việt Nam mau thoát khỏi làn sóng vô thần, để cho người dân có cơ hội xây dựng lại tình thương, xóa bỏ hận thù chồng chất đã bao năm để cùng nhau phục hưng quê hương, xứ sở. Tôi khẩn nguyện cho Phật Giáo Hòa Hảo được triển khai, Thánh Địa Hòa Hảo được mở rộng cho khách thập phương đến thăm viếng và tín đồ được tổ chức lễ đạo như ngày nào trước tháng 4-1975.
Tôi tần ngần nán lại cho đến gần giờ đóng cửa. Vị sư săn sóc, canh giữ Đạo tràng an ủi tôi bằng một trái quýt do Phật tử cúng dường xong trên Kim Cang Tòa. Hai cô gái trẻ trong đoàn cũng ở lại đốt nến quanh tháp. Cuối cùng vào lúc 9 giờ đêm, chúng tôi ôm hôn từ giã cây Bồ Đề trước khi rời tháp. Trên đường về mấy cô cháu không quên mua các loại trái cây như táo, chuối và nhất là quýt để hôm sau ăn dọc đường cho đỡ khát nước.