Dưới cội Bồ Đề

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 25808)
Dưới cội Bồ Đề

blank

Kim Cang Tòa dưới cội bồ đề nơi Đức Phật tọa thiền và trở
nên
bậc giác ngộ chánh đẳng chánh giác, 11- 11- 97

Bên dưới cội Bồ Đề là Kim Cang Tòa. Xung quanh nơi này được bảo quản bằng một hàng rào xi măng bên ngoài, bên trong được rào thêm một hàng rào trụ kim loại mạ vàng do nước Tích lan cúng dường. Trên hàng rào có treo nhiều cờ Phật giáo, khăn vàng, khăn đỏ cùng những khăn trắng mỏng dài của Phật giáo Tây tạng.

Theo các sử gia, Kim Cang Tòa do vua A Dục (Asoka) cúng dường làm bằng sa thạch dài 2 thuớc 8, rộng 1 thước rưỡi, cao gần một thước, trên mặt có khắc hoa văn, được đặt ngay dưới gốc Bồ đề. Trên Kim Cang Tòa, nơi Đức Phật ngồi bảy ngày thiền định sau khi thành đạo có trải khăn vàng, trưng bày hoa súng, hoa sen, các bình hoa huệ, hoa lan, những vòng hoa vạn thọ trải dài và một tượng Phật nhỏ màu trắng. Trên Tòa có một mái cong mạ vàng để che mưa nắng. Phía trên, nơi vách chân Tháp Đại Giác có đặt một tượng Phật lớn màu vàng lộng lẫy. Riêng gốc Bồ Đề được quấn khăn vàng. Bên cạnh là một tấm bảng song ngữ Anh và Ấn độ, với lời yêu cầu đừng ngắt lá và lấy đất của cây, vì có quá nhiều khách hành hương đến nơi này.

Theo thầy Hạnh Tấn, tác giả quyển Xứ Phật Tình Quê, một tài liệu hành hương, thì cây Bồ đề này xanh tươi bốn mùa nhất là mùa Phật tử đi chiêm bái. Nhưng vào ngày Đức Phật nhập diệt thì lá úa và rụng nhưng sau đó lập tức cây lại ra lá như cũ.

Hai phái đoàn từ Hoa Kỳ và Âu Châu cùng chung nhau đốt đèn, tụng kinh cầu nguyện phía sau Tháp Đại Giác, hướng về phía cội Bồ Đề và Kim Cang Tòa. Kim Cang Tòa dưới cội Bồ Đề, là nơi Đức Phật ngồi tham thiền nhập định 49 ngày trước khi đạt thành chánh quả. Trong khi phái đoàn nhà đang chiêm bái, thì cạnh đó có một đoàn Phật tử Tây phương đang ngồi thiền quanh gốc cây.

Sau khi cầu nguyện xong bên Kim Cương Tòa, Thượng Tọa Viên Lý ra dấu cho mọi người thay phiên nhau bước đến lễ Phật. Tôi quỳ phía đối diện nên được lạy Phật liên tục cho đến hết lễ. Tôi không biết diễn tả sao cho hết nỗi sung sướng vì trong đời mình được lạy Phật ngay chính nơi Ngài đạt thành chánh quả. Bên kia nhiều chị lễ Phật mà nước mắt ràn rụa đầy sự mến thương và cảm phục Đức Từ Phụ, người đã hy sinh rời bỏ cung vàng điện ngọc cuộc sống thế gian, chịu nhiều khổ hạnh thử thách để tìm con đường giải thoát cho chúng sanh.

Thầy Hạnh Tấn, người đứng ra tổ chức chuyến hành hương hướng dẫn phái đoàn vào chánh điện trong chân Tháp làm lễ và nói về sự tích của pho tượng cao lớn với nét sống động và đầy vẻ từ bi của Đức Phật. Bên ngoài phía trái của chân tháp là tượng Quan Thế Âm Bồ tát, bên phải là tượng Di Lạc Bồ tát. Thầy kể rằng, những ai có ước nguyện gì mà muốn biết có thể thành tựu hay không thì thường đến trước tượng đứng nhắm mắt thành tâm phát nguyện rồi đi thẳng đến bức tượng khoảng 4 thước. Nếu đến đúng chân tượng thì ước nguyện đó sẽ thành.

9 giờ sáng thứ ba 11-11-1997

Bốn giờ sáng tôi và Quyên thức dậy tắm gội, chỉ dẫn nhau cách tập thể dục cho có sức khỏe để chịu đựng trong những ngày "gian nan " sắp tới. Quyên tập những động tác chú trọng bàn chân, bắp chân và đầu gối còn tôi thì chú trọng tay chân, vai và cổ nhiều hơn vì tôi hay bị nhức đầu. Sau đó chúng tôi tập Taichi rồi vui vẻ mặc áo tràng đi lễ Phật. Ra khỏi phòng tôi thấy một số bạn đồng hành lớn tuổi đang tập Tam Thập Lục Quyền. Các bà cho biết bài tập này rất công hiệu trị đau lưng, nhức đầu, nhức mỏi chân tay... Trên đường đi đến tháp Đại Giác, chúng tôi ghé các sạp trái cây mua 6 trái chuối giá 10 rúp pi và 4 trái quýt giá 12 Rs. Một Mỹ Kim tôi đổi được 36 hoặc 37 Rs. Ông bán hàng không có tiền thối tờ giấy 100 Rs nên ông chỉ lấy 10 Rs và cho tôi thiếu số tiền còn lại. Ông bảo chừng nào trả cũng được.

Chúng tôi bị các anh Ấn độ đua nhau rượt đuổi mời gọi mua các tập hình Đại Tháp, chùa chiền trong vùng, lá bồ đề, chuổi hột vv. Họ nói 30 Rs mà trả giá xong tôi chỉ mua có 10 Rs, còn mỗi xấp lá bồ đề màu có in hình Phật ngồi thiền chỉ 5 Rs. Họ dành nhau bán, gây gổ điếc cả tai. Thầy Hạnh Tấn hướng dẫn chúng tôi đến một tiệm tạp hóa ngay đầu ngõ đi vào tháp để gọi điện thoại về Mỹ, chi phí cho mỗi phút là 2 mỹ kim.

Khi chúng tôi vào đến Đạo tràng, quý thầy và các anh chị đã quỳ cầu nguyện dưới cội bồ đề từ bao giờ vì Tháp đã mở cổng từ 4 giờ sáng. Thượng tọa Viên Lý và thượng tọa Ân Huệ còn ràn rụa nước mắt. Mọi người chia nhau khăn giấy. Lúc đi kinh hành chúng tôi vui mừng khi gặp thượng tọa Thích Huyền Diệu, viện chủ Việt Nam Phật Giáo Quốc Tự gần đó đang hướng dẫn phái đoàn bên Úc châu thăm viếng Đạo tràng. Thầy Huyền Diệu trước dạy đại học tại Paris, thầy hoằng pháp ở Ấn độ đã 30 năm. Hiện thầy đang xây dựng chánh điện cho ngôi chùa Việt Nam tại đây và một ngôi chùa lớn tại Lâm Tỳ Ni ở Nepal.

Lúc trước tôi được xem phim video về một chuyến hành hương năm 1994. Thượng tọa Thích Huyền Diệu có hướng dẫn một phái đoàn tăng ni đến cầu nguyện, tưới nước dưới cội Bồ Đề. Hòa thượng Thích Minh Châu, nguyên Viện Trưởng đại học Vạn Hạnh đã xúc động nghẹn ngào, tay run run chấp trước ngực, khóc suốt buổi lễ. Sau đó thầy bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Từ Phụ và nguyện trọn đời phục vụ Đạo Pháp. Thầy cũng kêu gọi hãy cùng nhau thương yêu và đoàn kết để bảo tồn Chánh Đạo. Hòa thượng đã già yếu, lông mày bạc phơ, khi đi phải có người dìu.

Chúng tôi trở về chùa Tây tạng lúc 8 giờ, ăn sáng với cháo trắng và trứng gà, bánh mì nướng trên chảo nóng với bơ và mứt. Buổi trưa trong khi chúng tôi nghỉ ngơi, bên ngoài những người Ấn gầy ốm ăn mặc nghèo nàn, quấn xà rong cũ đang khuân những chân giường, đội những tấm nệm hay bưng khăn gối mới vào một số phòng ở tầng trên, chuẩn bị cho phái đoàn Phật tử bên Pháp sắp đến.

Khi trở vào phòng nghỉ ngơi, tôi và Quyên vui quá vì được ở đất Phật. Hai chị em hát ca những bản nhạc đồng quê, rồi đến ca vọng cổ. Quyên sang Mỹ lúc còn trẻ mà vẫn không quên nhiều bản nhạc thật xưa. Tôi hát bản gì Quyên cũng họa theo. Tôi làm chú tiểu trong tuồng Lan và Điệp, còn Quyên làm Thành Được trong vai em rể của người yêu trong tuồng Nửa Đời Hương Phấn. Rồi chúng tôi làm Cô Giang rao lụa bán để lo cho anh hùng Nguyễn Thái Học. Nhưng khi tôi làm Tôn Tẩn Giả Điên than rằng vì tin người bạn là Bàng Quyên nên bị què, thì Quyên cười bò ra vì không ngờ tôi còn nhớ bài hát nổi tiếng thời chúng tôi còn bé xíu.

Hát xong tôi đề nghị kể từ hôm nay, hai chị em phải nhìn ngược vào bên trong, quán chiếu về chính mình, và ít nói hơn, cố gắng tu tập sửa đổi chính mình để không uổng phí những ngày được sống nơi đất Phật.

Trước giờ dùng cơm trưa, tôi ra phía sau nhà khách nhìn ánh nắng chiều rọi trên nóc chùa Tây Tạng. Cảnh vật quanh chùa cũng như những nơi khác tại đây đều có vẽ hoang sơ, khô cằn.

Tôi nhớ lại buổi tối chủ nhật khi mới đến phi trường tại New Delhi.

Trong đời tôi có lẽ đây là đầu tiên tôi gặp đông người Ấn độ như vậy. Đủ dáng dấp, đủ thành phần, đủ cách ăn mặc. Hầu hết là nước da nâu sậm. Lúc nhỏ tôi chỉ thấy họ qua các phim thần thoại hay cổ tích được trình chiếu ở Sàigòn. Hình ảnh của họ trong đầu tôi là những nàng tiên với đôi cánh trắng phau, hay các cô công chúa trang phục lộng lẫy với những nữ trang hột xoàn lóng lánh, đủ kiểu trên cánh mũi hay trên rốn. Họ múa may ẻo lả, đầu và hông uốn éo dịu hoặc, mềm mại, chân nhún nhảy, hai tay đầy vòng vàng đưa lên đưa xuống. Họ quay mòng mòng trên những chiếc trống thật lớn hay nép mình sau gốc cột, duyên dáng đưa khuôn mặt kiều diễm ra với nụ cười thật tươi với những chiếc răng đều như hạt bắp. Rồi họ được các hoàng tử đẹp trai quỳ dưới chân tỏ tình, hay các chàng hiệp sĩ vạm vỡ oai hùng đánh kiếm như vũ bão, leo cây nhanh thoăn thoắt cứu các nàng từ những lầu cao, ôm eo ếch phóng qua tường thành, bế người đẹp phóng ngựa thoát thân.

Khi lấy xong hành lý, chúng tôi mỗi người tự lo liệu lấy đồ đạc của mình giữa cảnh ồn ào náo nhiệt của những người băng qua đường và kẻ lái xe trờ tới cùng dành nhau đi một lượt, tiếng bóp kèn in ỏi. Người địa phương hầu hết đều đen và gầy ốm. Các phu khuân vác mặc đồng phục áo khoác đỏ. Nhìn thấy những chiếc áo nhà sư trong đám đông, chúng tôi mừng rỡ chạy lại. Đó là quý thầy Hạnh Tấn, Minh Tánh trong ban tổ chức chuyến hành hương hiện đang tu tại Ấn độ. Chúng tôi đứng sát vào nhau nghe lời dặn đò, sắp xếp của các thầy, tay người nào cũng nắm chặt hành lý của mình, mắt thì nhìn xung quanh, người này trông chừng dùm người kia lúc bất cẩn.

Trong sự ồn ào, nhốn nháo, đông đảo như nêm cối của góc đường, tôi nhìn thấy một vài người nằm ngủ say sưa trên vỉa hè lạnh lẽo về đêm. Ông nào cũng để đôi dép mỏng hay đôi giày cũ của mình dưới đầu, hoặc gác chân tay lên, hay ôm chặt trong ngực vì sợ mất. Có người đắp được chiếc khăn mỏng cũ mèm. Tôi nghe nói có nhiều người khóc ròng khi bị kẻ khác lấy mất chiếc khăn, tài sản duy nhất dùng che nắng mưa qua các mùa của họ.

Tôi may mắn được chọn vào "nhóm trẻ" ở chùa Nhật. Nhóm thứ nhì gồm quý ông bà lớn tuổi đến nhà ngủ "bốn sao", có thang máy để đi lên xuống dề dàng.

Hôm đó tôi quen với Quyên đến Ấn độ hành hương với ước nguyện ở lại tu học một thời gian. Trên xe buýt đi về chùa, nhìn phố xá nhỏ hẹp, phần nhiều cũ kỷ, chúng tôi nhớ Sàigòn, chỉ khác một điều là nơi đây có nhiều chú bò gầy ốm, đi tà tà, chậm rãi, lang thang.

Chùa Nhật cũng được tổ chức sắp xếp như khách sạn và dĩ nhiên là phương tiện đơn sơ hơn nhưng tôi rất thích. Thầy trụ trì Gyomyo Nakamura người Nhật, nhanh nhẹn và vui vẻ. Thầy qua Ấn được 20 năm và xây dựng được 3 ngôi chùa. Thầy đưa hình các ngôi chùa ở Linh Thứu sơn, Manali và Tân Đề Li cho tôi xem. Ngôi chùa tôi đang cư ngụ tên Nipponzan Myohoji Delhi Dojo.

Ngày hôm sau, thầy Minh Tánh hướng dẫn phái đoàn đi viếng thành phố. Tại Red Fort (Thành Đỏ) người đi xem đông như nêm cối. Thầy Minh Tánh cho biết nơi này kẻ cắp thường hay len lỏi vào gần sát mình để móc túi, rạch hay giật bóp. Chúng tôi phải nắm tay đi sát vào nhau, mắt cứ phải đảo quanh trông chừng nên mất cả vui.

Thành Đỏ là một kinh thành to lớn được xây bằng loại gạch đá đỏ vào năm 1638, với bức tường dài hai cây số tại Old Delhi. Vua Shah Jahan có kinh đô tại Agra muốn dời về Delhi nên cho xây dựng thành này. Không ngờ ông bị con mình là thái tử Aurangzeb chiếm ngai vàng, bắt nhốt ông vào ngục, rồi dời kinh thành về đây và trị vì cho đến cuối đời của triều đại Moghul.

Sau đó chúng tôi đi viếng đền kỷ niệm nơi hỏa táng thánh Gandhi, một người có tinh thần yêu nước và là người có công dành độc lập lại cho Ấn độ từ tay người Anh. Ngài đã bị ám sát vào ngày 30 tháng 1 năm 1948. Chúng tôi cũng có viếng đền thờ đạo Baha’i hình búp sen, viện Bảo tàng quốc gia, Khải hoàn môn, tòa nhà Quốc hội Ấn độ. Buổi trưa chúng tôi được ăn thật ngon với các món chay tại nhà hàng Số Dách (Ichiban) của Nhật và buổi tối ở nhà hàng Đôi Đũa (Chopsticks). Thầy Hạnh Tấn cho biết đây là hai buổi ăn huy hoàng nhất của chuyến hành hương.

Tại nhà hàng Đôi Đũa chúng tôi rất vui mừng vì được gặp hai phái đoàn cũng từ Mỹ sang do hòa thượng Thích Giác Nhiên và thượng tọa Thích Trí Lãng hướng dẫn, cũng như được tiếp xúc với quý thầy hiện đang tu học trong các tu viện. Biết được đời sống học tập cơ cực nghèo khó của nhiều thầy, cô còn trẻ nơi có khí hậu khắc nghiệt, mọi người phát tâm đóng góp cúng dường.

2 giờ chiều thứ ba 11-11-97

Hôm nay ai cũng vui vì được ăn chay ngon hơn nhờ tài nấu ăn của sư cô Diệu Thể và được dùng cơm chung với phái đoàn từ Pháp qua do Thượng Tọa Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Khánh Anh tại Paris, Trưởng ban điều hành Giáo Hội Phật Giáo Âu Châu hướng dẫn. Đi cùng với thầy còn có đại đức Thích Quảng Đạo và sư cô Diệu Hòa.

Hai phái đoàn cùng chung góp tiền để thăm viếng, cúng dường 15 ngôi chùa trên đường hành hương, buổi chẩn tế ở làng Phật giáo, nơi nuôi người vô gia cư và trường tiểu học Linh Sơn do sư cố Trí Thuận thành lập cho trẻ em nghèo tại Câu Thi Na (Kushinaga), nơi Phật nhập Niết bàn.

Phái đoàn 35 người đến từ Hoa kỳ, gồm nhiều người ở miền Nam, Bắc California, Florida, New York; riêng phái đoàn bên Âu châu có nhiều người ở Pháp hơn những người đến từ Thụy sĩ, Anh hay Hòa lan. Vì là chuyến hành hương chiêm bái thắng tích Phật giáo, ai cũng đi với tinh thần cầu đạo nên mọi người cảm thấy có tình thân với nhau thật nhanh chóng.

10 giờ đêm

Sau giờ cơm cả hai phái đoàn qua Đạo tràng làm lễ phía sau Đại Tháp, quỳ hướng về cội bồ đề và Kim Cang Tòa. Thượng Tọa Thích Minh Tâm nhắc lại khoảng thời gian Đức Cồ Đàm ngồi tham thiền nhập định và sau 49 ngày ánh sáng trí tuệ đã bừng dậy nơi Ngài. Ngài đã tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình tham ái và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, trở thành bậc toàn giác. Từ đó tên làng Uruvela được đổi là Bodh-Gaya, nơi thành đạo còn cây cao su nơi Ngài ngồi được đặt tên là Bodhi, tức bồ đề, giác ngộ.

Phái đoàn được hướng dẫn vừa đi vừa niệm Phật trên đường “Kinh Hành" bên hông Tháp Đại Giác, nơi có 18 hoa sen đỡ chân Đức Phật lúc Ngài đi kinh hành trong tuần lễ thứ ba sau khi thành đạo.

Xong khóa lễ và đi kinh hành nhiễu tháp, chúng tôi được hướng dẫn đi xem những dấu tích kỷ niệm nơi Đức Phật trải qua trong 7 tuần đầu sau ngày thành đạo. Được biết sau khi giác ngộ Ngài đã ngồi yên lặng thiền định bảy ngày trên Kim Cang Tòa, trước kia được trải bằng cỏ Kusa, tức cỏ cát tường (may mắn) để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát. Đêm cuối tuần Ngài xuất thiền và suy niệm về pháp Thập Nhị Nhân Duyên.

Sau đó trong tuần lễ thứ nhì Đức Phật đi về hướng đông bắc, đứng chăm chú nhìn trở lại cây bồ đề trong vòng bảy ngày để tỏ lòng biết ơn cây đã che chở nắng mưa cho Ngài. Nơi đây là là bảo tháp Animeshalochana do vua A Dục xây, có chứa bộ kinh Hoa Nghiêm bằng chữ Tây Tạng. Bên hông tháp Đại Giác có trụ Chankramenar, bên trên có 18 hoa sen bằng đá. Nơi đây đánh dấu kỷ niệm nơi Đức Phật đi kinh hành trong tuần lễ thứ ba và các đóa hoa đã hiện ra để đỡ chân Ngài.

Tuần thứ tư Đức Phật ngự trong "bảo cung" hay đền Ratnagraha, suy nghiệm về phần quý báu của Giáo Pháp. Thân Ngài tỏa ra những luồng hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng và cam. Ngày nay các nước Phật giáo lấy những màu này làm màu cờ tiêu biểu cho tôn giáo mình. Cây Ni Câu Đà (Nigrodha), nơi dánh dấu tuần thứ năm khi Đức Thế Tôn ngồi tham thiền thì một người Bà La Môn đến vấn nạn Ngài.

Khi chúng tôi đến Hồ Rồng Mù Muchalinda thì trời bắt đầu tối. Các anh Ấn độ mời tôi mua những con cá nhỏ đựng trong bao ny-lông với giá 10 rupi. Miệng thì mời, tay các ông chỉ chỉ xuống hồ. Mọi người lắc đầu vì thấy họ bắt cá từ hồ lên bán cho mình thả xuống. Nơi này đánh dấu tuần lễ thứ sáu khi Đức Phật ngồi tham thiền bỗng trời đổ mưa. Mãng xà vương từ ổ chun ra, quấn chung quanh Ngài bảy vòng và lấy đầu che cho Đức Phật khỏi bị ướt. Vào tuần thứ bảy, Đức Thế Tôn ngồi dưới cây Rauyatna để thiền định và nhận vật cúng dường từ những vị thương gia cũng như của bốn vị vua trời.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880