10- ĐẾN TRẠI PHANAT NIKHOM

09 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6366)
10- ĐẾN TRẠI PHANAT NIKHOM

 

Ước vọng của tôi đã thành sự thật khi chiếc xe móp méo của chú Hai đậu ở cổng trại “O” tại trại Phanat Nikhom ở Chonbury. Trong khi chú Hai đến cổng trại trình giấy tờ và xã giao, tôi nhìn hai bên hàng rào trại.

 

Bên kia đường là trại S2, xung quanh có hàng rào kẽm gai. Bên đó phần đông là người tị nạn Việt Nam, có nhiều người đi tới đi lui. Buổi chiều tôi thấy nhiều người ngồi quanh quần ngoài sân ăn cơm. Nghe nói bên trại S2 có nhà giải khát, nhưng chú Hai quen đi cổng trại O hơn nên chúng tôi trình giấy bên này.

 

Trại O phần lớn là người Miên và người Lào. Tôi đi dọc theo hàng rào để nhìn vào trong trại thì thấy các thanh niên đang chơi banh. Trước trại O vẫn còn khán đài mừng sinh nhật của bà vua. Tôi nhờ Tài chụp một bức ảnh để kỷ niệm sinh nhật bà Hoàng hậu Thái Lan.

 

Chúng tôi được phép vào căn nhà gỗ, nơi thăm viếng thân nhân. Một chú lính Thái vào trại tìm dùm quý vị Đại Diện của 2 Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo ở hai trại S2 và trại O.

 

Chừng nửa giờ sau thì mọi người đều có mặt. Thay vì được vào văn phòng bên trong trại trò chuyện, chúng tôi đều đồng ý ngồi nơi đây cho mát.

 

Giấy phép cho tôi thăm hai ông Phan Bá Bách, cố vấn Ban Đại Diện PGHH trại O và ông Nguyễn văn Hai, Trưởng Ban Đại Diện PGHH trại S2. Nhờ chú Hai lo lót nên tôi được gặp thêm ông Nguyễn văn Rao hội trưởng và ông Đoàn Văn Có cố vấn. Hôm đó ông Có vừa mới bị tai nạn ở nhà thương ra còn rất xanh xao, băng một mắt vì bị dây chì gai móc. Cũng nhờ có rượu, thuốc lá và bia nên chú lính gác cổng đi rước các ông ra bằng xe Honda.



Khi anh Phan Bá Bách đối thoại với mấy ông an ninh bằng tiếng Thái Lan, tôi nghe rất lạ tai. Có lẽ chưa có người xứ nào nói được nhiều thứ tiếng như người Việt Nam. Tôi đi du lịch ở nhiều quốc gia, thường nghe người Việt Nam mình nói tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Miên, tiếng Tàu và tiếng Nhật, nhưng đây là lần đầu tôi được nghe người Việt nói tiếng Thái thật dòn. Tôi thấy hãnh diện và nghĩ rằng các đồng bào và đồng đạo của tôi ở các trại tị nạn bên Nam Dương, Mã Lai và Phi Luật Tân chắc chắn cũng nói được những tiếng của các quốc gia này.



Tôi định nhờ chú Hai chạy ra làng Kôpô mua vịt quay và bia, nước ngọt mang về làm một buổi tiệc nho nhỏ. Nhưng không ngờ hầu hết đồng đạo mà chúng tôi gặp đều ăn chay trường. Một ông nói: “Trong này ăn chay cũng như ăn mặn. Một tuần có mấy lát thịt thì ăn chay luôn cho rồi. Chúng tôi luộc rau chấm với chao ăn cũng xong bữa.”

 

Vì ở nhiều năm quá trong trại nên mọi người ai cũng đều ốm và xanh. Nhất là một anh bạn cựu sinh viên Võ bị Đà Lạt dạy cùng với ông xã tôi mới vừa xuất viện vì bệnh lao.

 

Các đồng đạo rất muốn mời chúng tôi vào Hội quán PGHH mà không được phép nên đề nghị chúng tôi ở lại đợi ban đêm, mặc quần áo của người trong trại rồi theo xe chở thức ăn lẽn vào bên trong. Tôi cũng rất muốn nhưng vì lúc đó đang bị đau nhiều phải trở lại Bangkok khám bệnh ở nhà thương Paolo và cho chú Hai có thì giờ tu bổ xe để chuẩn bị đi trại Sikiew cách đó 300 cây số.

 

Hiện nay các đồng đạo khác và nhiều đồng bào đã bị di chuyển về Sikiew và phần nhiều bị rớt thanh lọc, mặc dù là cựu sĩ quan ở tù cải tạo nhiều năm.

 

Được biết số đồng bào ở trại tị nạn S 2 lúc đó là 6.000 người, còn trại O có 3450 người. Tất cả đều đang trong tình trạng lo lắng vì được chia ra từng dợt để chuyển qua trại Sikiew (miền Bắc Thái Lan).

 

Trong tháng 7 trại O có một người chết vì tai nạn và cô Trương thị Ngọc Diệp chết vì tự tử đã được hỏa thiêu. Về phương diện an ninh cũng xảy ra vài vụ ăn cắp vặt hay chơi bài bạc. Họ thường bị phạt phải làm việc quanh trại.

 

Theo vị đại diện cộng đồng Việt Nam của trại O là anh Phan Bá Bách, tín đồ PGHH thì trại này có 148 trẻ em nghèo mồ côi được một số nhà hảo tâm bảo trợ.

 

Trong các lớp học thì học viên bắt đầu vắng mặt khá nhiều vì đang lo bị chuyển sang trại Sikiew, tương lai mờ mịt.

 

Tại trại O có 15 lớp học dành cho người Việt Nam, gồm 1 lớp mẫu giáo, 12 lớp trung học đệ nhất cấp, và 2 lớp Trung học đệ nhị cấp.

 

Ngoài ra còn có 5 lớp Trung học cho người Tàu, 3 lớp mẫu giáo cho người Miên, và 13 lớp Anh văn.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10668)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 54389)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 31533)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 42046)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 43009)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 49162)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41732)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41407)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43358)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39758)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45632)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40324)
1,863,880