12-8-97 - 10:30 giờ sáng
Hôm nay là ngày đầu nhập thất, sau khi lạy chư Phật và tổ tiên, tôi ngồi tại bàn ăn quán chiếu nội tâm. Tôi đọc kinh Bát Nhã Ba La Mật để cho tâm được an định, cho tất cả mọi suy tư, tính toán, bận bịu của đời sống được lắng xuống, trả lại sự minh mẫn sáng suốt của trí tuệ, hầu nhìn thấu con đường phải đi trước mắt.
Trước bàn thờ, tôi cầu nguyện cho Ơn Trên phò trợ cho Hồn Thiêng Dân Tộc với những gì nó chuyên chở, được đến tay người đọc càng nhiều càng tốt, để vận động cho một đất nước Việt Nam mới đầy tình thương yêu. Nếu tất cả đều hướng về Việt Nam với một ý chí mạnh mẽ thật sự muốn tái tạo một quốc gia không hận thù u mê, không độc tài áp bức; cùng nhau bao dung, xóa bỏ mọi vết hằn trong quá khứ, xây dựng một đất nước có tôn ti trật tự, biết đến đời sống tâm linh cao thượng kính nể Phật Trời, thì sức mạnh tinh thần đó sẽ chuyển đổi Việt Nam đau thương rách nát hiện tại. Ôi những bệnh tật, nghèo đói, dốt nát, tai ương, một xã hội đảo điên, tệ nạn lan tràn, người lớn tù đày hút xách cướp giật đĩ điếm, trẻ con mồ côi đói khát lang thang thất học... Cả một thế hệ đang đi thụt lùi.
Xin Ơn Trên phù hộ cho dân tộc Việt Nam mau qua cơn bỉ cực để đến hồi thái lai, mọi người biết cùng nhau đoàn kết từ bốn bể quay về bắt tay xây dựng lại đất nước.
Buổi giới thiệu Hồn Thiêng Dân Tộc sẽ có hội thảo về Phụ nữ Việt Nam Hải ngoại và sự Tu học. Tôi quả quyết tự hứa cùng chính mình là “Tôi tu học để phục vụ”.
Tôi nghĩ rằng, tu học để tự sửa mình, khi sửa mình, sẽ được biết đến những gì mình phải làm. Đó là sự phục vụ tha nhân. Ý nghĩa tha nhân đó bao gồm trong Tứ Ân, cha mẹ ông bà, đất nước dân tộc, đồng bào nhân loại, và Tam Bảo Phật Pháp Tăng.
Nếu tôi tham vọng cho cá nhân mình mà tu học cho hiểu biết, làm sách cho có tiếng tăm, để rồi lập nhóm lập đạo, tạo quyền lực cho chính mình, chính là tôi đi sai đường. Sự phục vụ phải hoàn toàn vô vụ lợi mới đúng con đường của người tu chánh đạo.
Có rất nhiều tác giả ngoại quốc mà tôi đã được đọc và nhận thấy họ có nhiều điều hay để học hỏi, nhất là ý tưởng lạ và ngôn từ mới mẻ. Những năm gần đây, họ đều đi thuyết giảng ở các đại hội New Age ở San Francisco hoặc một số nơi khác. Rồi họ làm workshop, thuyết trình, bán sách. Họ mở các buổi học tại các trung tâm riêng của họ tại Hoa kỳ, hoặc ở các nơi xa như Maui, New Mexico vân vân... Những người theo học phải đóng các lệ phí rất đắt tiền. Tôi thường nghĩ, như thế người nghèo làm sao có phương tiện để đi học. Hóa ra tâm linh cao chỉ dành cho giới giàu có hay sao. Có khóa học lên đến vài ngàn người.
Tôi phải thường xuyên nói, và viết lại những gì mình tự hứa, để luôn luôn kềm chế, nhắc nhở bản thân đừng quên. Những điều đó, khi được làm thành sách và phổ biến, độc giả của tôi sẽ là những người biết đến, sẽ theo dõi và kiểm soát giúp tôi, sẽ gìn giữ nhắc nhở hộ tôi đừng bao giờ “đi sai đường”.
Bây giờ thì tôi cảm thấy mình may mắn khi đầu óc trống rỗng. Vì cứ trống rỗng buông xả như thế này, khi cảm thấy mình không biết gì cả, tôi lại được học cái mới. Học hoài và cảm thấy cần phải học hoài...
15-8-97, 12:30 giờ trưa - Bãi biển Huntington Beach
Mặt trời ló dạng khi tôi đến bãi biển vắng, như đang chờ đợi tôi. Mấy hôm trước tôi đến sớm hơn, sau khi vừa đặt chiếc giỏ xuống, trải chiếc chiếu, nằm xuống và lắng nghe tiếng sóng vỗ. Đâu đây có tiếng cười đùa của trẻ em, thỉnh thoảng vang lại từ xa tiếng loa phóng thanh. Tất cả như hòa lẫn sống động cùng nhau, giữa thiên nhiên và con người.
Tôi thường đến bãi biển một mình, cất cả giấy bút ở nhà. Như thế mới thật sự sống. Sống với thiên nhiên và hòa mình ngoại cảnh. Khi tôi phải đặt bút xuống hoặc suy nghĩ đến những điều phải viết xuống, mọi vật hình như không còn là nó nữa, mà thu nhập vào lăng kính lục giác của tôi, truyền đạt trên dòng tư tưởng, không còn sống thật linh hoạt nữa, mà dường như đã chết đã tích đọng lại.
Mọi sự vật đều có vẻ đẹp riêng của nó. Nó sống thật không bằng sự thẩm lượng hình dáng xấu đẹp hay màu sắc, mà là sự sinh tồn nối tiếp dường như không bao giờ dứt. Sự sống có vẻ đẹp riêng của nó.
Nếu bắt đầu ghi xuống, tôi sẽ bắt đầu nhận xét và bình phẩm. Tất nhiên có nhiều điều xấu đẹp hay dở, hình dáng màu sắc. Tôi sẽ nhìn và thấy rằng, bãi biển ở Mỹ có nhiều người mập bự quá. Cả trẻ con, và nhất là những người gốc Mễ sao mà sớm nặng ký trước tuổi. Rồi tôi sẽ bắt đầu hồi tưởng, liên tưởng, bên Nice người ta thon gọn nhỏ nhắn hơn nhiều.
Ở đây người ta thích ăn thật nhiều. Ra biển cũng chỉ để nướng thịt, hot dog, hamburger, chế thêm các thứ sốt béo bở. Đùa giỡn một chút rồi ăn. Có nhiều người chỉ đến để ăn.
Một bà Mễ bụng thật to mặc áo tắm hai mảnh đưa chiếc eo đầy ngấn mỡ. Tay bà nắm tay chồng, hai người đi thả bộ ven bờ nước trông thật thoải mái, không màng để ý đến ai. Đất nước này có thật nhiều hạnh phúc tương tự, của sự tự do hưởng thụ. Mọi người dù ốm mập đen trắng thẹo vết đều cứ tự nhiên phơi bày. Ai cũng có quyền hưởng tiện nghi vật chất hoặc cảnh vật thiên nhiên, không sợ người khác phê phán hay dòm ngó.
Tôi cũng được niềm hạnh phúc đó. Rất đông người chung quanh, không ai buồn để ý đến tôi, màu da, tuổi tác, hình vóc, việc tôi đang làm. Quanh tôi có một đàn hải âu, và cả vịt trời. Đen có, trắng có, nâu xám, lẫn lộn vào nhau, thỉnh thoảng kêu lên inh ỏi dành nhau mổ những túi giấy thức ăn của ai đó vứt bậy trên bãi biển.
Sáng nay tôi định mang giấy bút theo, rồi bỏ lại, rồi lại lấy theo. Không thể ích kỷ hưởng thụ quá, phải làm việc. Kỳ nhập thất này tôi trễ đi một ngày, vì phải chờ đợi sự trả lời của thượng tọa Thích Minh Dung và giáo sư Lưu Trung Khảo, về buổi giới thiệu sách sắp đến, cũng như phải kiểm bài và viết tin nội bộ để trao cho giáo sư Long xem trước khi nhờ lay-out.
Tôi tụng mấy phẩm còn lại trong Kinh Pháp Hoa mà lúc ra mắt sách kỳ trước tôi đã tụng. Phẩm “Tín Giải” làm tôi xúc động rơi nước mắt. Tôi nhớ đến bài thơ tôi đã viết vào tháng 6-97. Thật vô cùng thiêng liêng mầu nhiệm. Chư Phật lúc nào cũng thương yêu, dạy dỗ, an ủi cho đứa học trò khờ dại này, một “cô bé” mới lên ba của làng Hòa Hảo ngày nào, đầu óc vô tư trống trải. Rồi tôi sẽ phải nói gì khi lên radio hay khi ra mắt sách đây?
Hôm qua, tôi đến chợ mua rau cải về nấu thức ăn chay cho cả nhà. Tôi nhắc Tài mùa Vu Lan sắp đến rồi, anh cần ăn chay để cầu nguyện cho ba anh được siêu thoát và má anh ở Việt Nam ở khỏe mạnh bình an.
Lúc dừng xe trước chợ ABC, tôi chợt nghĩ ra rằng mình không cần nhập thất nữa, vì từ nay mình đã có thể “nhập thất trong tâm” rồi. Trước đây, mỗi lần nhập thất thì sự lắng đọng, và thay đổi từ thể xác đến tâm hồn rất nhiều. Nhưng nay tâm tôi khá bình an, dù cho nhiều việc đến cũng không còn lo âu như xưa.
Khi trở ra xe, tôi loay hoay mở cửa, cửa xe kẹt vì đóng phải dây thắt lưng an toàn, thế là lúc mở ra đóng lại, tôi đóng lên luôn cả bàn tay của mình. Tôi bình tĩnh cảm thấy mấy ngón tay nằm trong cánh cửa xe. Tôi mở cửa xe ra, và đến tiệm bánh mì Cali xin muối xoa bóp.
Sự việc xảy ra lại nhắc nhở cho tôi biết, tâm tôi tuy có bình an, nhưng trí lại không sắc bén theo dõi hành động của mình. Tôi hay bị mẹ rầy vì tánh lơ đễnh hay quên của mình. Thế là tâm và trí tôi chẳng đi đôi. Có lẽ phát sinh từ sự lười biếng chăng?
Thế thì tôi cần tập “tỉnh thức” hơn nữa, để không “ngủ quên” trong sự an định của mình. Sự an định dễ tạo cho mình sự ích kỷ, vì muốn được bình an trong đời sống. Tôi không có quyền chỉ sống trong sự an định của mình, mà phải phục vụ, phải tập an định ngay trong sự sống động, bén nhạy. Hôm qua, tôi đã nhìn những trang tôi ghi chú, làm dấu, dán các mẩu giấy vàng có ghi số trang số hàng về những điều Phật dạy "phải tu theo Đại thừa". Tôi đã biết, và tôi hiểu hành xử theo Tứ Ân của Phật giáo Hòa Hảo là tu theo Đại thừa, phục vụ tha nhân. Tôi không thể sống an nhiên tự tại ở nơi chốn đầy sự hưởng thụ lạc thú này, bỏ mặc đồng bào tôi đau khổ, quê hương tôi lạc hậu, trong sự cai trị áp bức bất công ngu dân bóc lột.
Trong “Phẩm Phương Tiện” của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, có một đoạn Đức Thế Tôn dạy ngài Xá Lợi Phất:
“Ta bày phương tiện đó
Khiến đều vào Tuệ Phật,
Chưa từng nói các ông
Sẽ được thành Phật đạo
Sở dĩ chưa từng nói
Vì giờ nói chưa đến,
Nay chính là đến giờ
Quyết định nói Đại thừa.
Chín bộ pháp của Ta
Thuận theo chúng sanh nói
Vào Đại thừa làm gốc
Nên mới nói kinh này.
Có Phật tử tâm tịnh
Êm dịu cũng căn lợi,
Nơi vô lượng các Phật
Mà tu đạo sâu mầu,
Vì hàng Phật tử này
Nói kinh Đại thừa đây.
Ta ghi cho người đó
Đời sau thành Phật đạo
Bởi thâm tâm niệm Phật
Tu trì tịnh giới vậy
Hạng này nghe thành Phật
Rất mừng đầy khắp mình,
Phật biết tâm của kia
Nên vì nói Đại thừa.
Thanh văn hoặc Bồ tát,
Nghe ta nói pháp ra
Nhẫn đến một bài kệ
Đều thành Phật không nghi.
Trong cõi Phật mười phương
Chỉ có một thừa pháp
Không hai cũng không ba
Trừ Phật phương tiện nói
Chỉ dùng danh tự giả
Dắt dẫn các chúng sanh
Vì nói Trí tuệ Phật.
Các Phật ra nơi đời
Chỉ một việc này thực
Hai thứ chẳng phải chơn.
Trọn chẳng đem Tiểu thừa
Mà tế độ chúng sanh,
Phật tự trụ Đại thừa
Như pháp của mình được
Định huệ, lực trang nghiêm
Dùng đây độ chúng sanh.
Tự chứng đạo vô thượng
Pháp bình đẳng Đại thừa
Nếu dùng Tiểu thừa độ
Nhẫn đến nơi một người
Thời ta đọa sân tham
Việc ấy tất không được.”
(trang 69, 70, 71)
Tôi phải tụng đi tụng lại đoạn kinh này, phần Anh văn The Sutra of the Lotus Flower of the Wonderful Law, phẩm “Tactfulness”, trang 64-65 cho hiểu thêm ý nghĩa.
20-8-97
Nội tâm vật vã, đau đớn thể xác. Nếu không có hai điều đó thì một con người làm sao lột xác được để phục vụ đại đồng. Không lột xác được thì con người chỉ là một con người tầm thường với mọi nhu cầu để vinh thân phì gia, để hưởng thụ đời sống, hơn là phục vụ tha nhân, hữu ích cho nhân loại.
Không đau đớn oằn oại thì làm sao chuyển thể kịp thời theo đà tiến hóa của nhân loại ở thế kỷ 21. Sự tiến hóa từ nay nhanh vô cùng theo chiều xoay của con trục trái đất. Những kẻ có sứ mạng nếu trì trệ sẽ không theo kịp và rơi khỏi quỹ đạo vì không bắt kịp lệnh thiêng. Phải tiếp nhận những dòng điện mới càng ngày càng mạnh, vừa tiếp nhận vừa dung hòa để vừa quân bình trong đời sống trần gian, vừa tiếp nhận kịp luồng tư tưởng thế giới chuyển theo làn sóng âm thanh của vũ trụ, nhằm chuyển ngữ qua các bài viết phổ biến đến đại chúng tiếp nhận.
Người có sứ mạng luôn luôn đi trước, lãnh mệnh lệnh, để truyền đạt đến đại chúng. Phải chấp nhận và lướt qua khó khăn. Những kẻ có trách nhiệm được hỗ trợ, nếu trì trệ phải bị khảo đảo. Việc ta làm ta cứ phải làm, và nên tìm mọi phương tiện để truyền đạt càng nhanh càng tốt.
Tại sao câu “gặp nhiều chuyện khó mới biết Trí do Tâm mà ra”, đã được truyền đạt qua luồn sóng điện siêu âm nhận được khi Tâm thật an tịnh.
Lý do gì Trí do Tâm. Tâm là tim. Trung tâm đón nhận mọi cảm xúc của con người. Trái tim là thầy giáo dạy con người. Từ trái tim mới có sự khôn ngoan. Từ trái tim phát xuất đức từ bi hay sự độc ác, tùy theo mức độ tiếp nhận môi trường, và con người mà nó va chạm. Vì thế, tâm tính con người, cùng mọi biến chuyển để trở nên khôn ngoan, quỷ quyệt, trí tuệ mờ ám hay sáng suốt cũng từ nó mà ra. Sự độc ác hung hản, sự vị tha nhân từ, đều do tâm mà ra, không phải do bộ óc hiền hay dữ, mà do trái tim được cởi mở để thương yêu, hay vì lòng đau khổ thù hận mà trở nên hung dữ thâm độc.
Muốn chuyển hóa con người, ta phải đi vào trái tim họ. Mọi lý luận phải trái, tốt xấu, đều sẽ đưa đến thất bại.
Phải chăng người vô thần, tôn thờ chủ nghĩa vật chất, đã đánh mất trái tim? Tại sao họ chỉ nghĩ đến quyền lợi ích kỷ của bản thân hay phe đảng, để cho cả một dân tộc của chính họ phải chịu đau khổ, chậm tiến.
Ai cũng có trái tim, nhưng họ bị đào luyện theo một chủ thuyết tôn thờ vật chất nào đó (cộng sản hay tư bản), biến con người thành một người máy móc, chỉ tuân hành theo lý luận của chủ thuyết, hoặc là thuyết cộng sản đánh bóng cho quyền lực của đảng phái sân hận mù tối gian manh, hay chủ thuyết tư bản tạo chỗ đứng cho các cá nhân tư bản giàu có ích kỷ xảo quyệt. Họ phải đè nén trấn áp trái tim, không cho nó hoạt động và phát triển theo đúng nhân tính tự nhiên, trở thành khô héo hay chết dần. Vì trái tim đã chết, nên trí tuệ cũng không còn. Họ hành xử theo máy móc. Vì thế, họ trở thành các bộ máy không tim. Hành động, phán đoán của họ dựa trên tiêu chuẩn của chủ thuyết. Người máy không có trí khôn, chỉ có sự tinh ranh, xảo quyệt, các phương pháp máy móc để giúp họ thực hiện các mệnh lệnh của chủ thuyết giáo điều. Chẳng khác nào như bộ máy điện tử, tưởng rằng rất khôn ngoan, nhưng chỉ là công cụ tinh xảo mà thôi, không có trí tuệ, mà làm gì có được con tim?
Làm sao để thay đổi được những người máy đó, thức tỉnh họ, đánh thức được nhân tính sâu xa đã chìm lắng xuống tận trong siêu thức sâu thẳm? Thật quá khó khăn để đối phó với một chủ thuyết vật chất đã ăn sâu vào đầu óc của con người hóa máy; sự vô thần khiến họ càng thêm mê muội, làm sao thức tỉnh được con tim nối kết với thiêng liêng.
Nếu không có bạo động lật đổi quyền lực bằng chiến tranh súng đạn, thì chỉ còn có sức mạnh của thiêng liêng mới cải biến hoán chuyển được Việt Nam. Đó là con đường đúng nhất, một làn sóng hữu thần thật mạnh mẽ. Cũng có thể người vô thần ý thức được điều đó, cho nên họ cứ luôn luôn đàn áp tín ngưỡng tôn giáo, cảm thấy là nguy cơ tuy thầm lặng ôn hòa nhất, nhưng lại có sức mạnh vô cùng siêu diệu.
Một luồng tư tưởng thứ nhì tôi bắt được vào tối hôm nay, đó là “tranh đấu chính trị không quan trọng bằng sự quật khởi tiến bộ của một quốc gia.”
Phải chăng khi quốc gia tiến bộ, thì sự đấu tranh chính trị không còn cần thiết nữa. Nhưng làm sao cho quốc gia tiến bộ khi cứ mãi nằm trong tay người cộng sản khư khư muốn tranh thủ cho quyền lợi đảng phái.
Sự tiến bộ của một quốc gia ngày nay do chính toàn dân định đoạt. Sự tiến bộ không có sức mạnh nào cản trở được. Đó là sinh lực, sự quật khởi của toàn dân, vì tức nước sẽ đưa đến vỡ bờ.
Tương lai Việt Nam từ đây do chính toàn dân Việt Nam trong nước định đoạt, hải ngoại chỉ giữ một phần tác động nhỏ. Dân Việt Nam ở hại ngoại, vì không trực tiếp chịu đựng sự nhiễu hại, không bị trực tiếp va chạm vào sự an nguy và quyền lợi của cá nhân hay gia đình, cho nên không cảm nhận hết được sự thúc bách của nhu cầu tranh đấu. Đa số tranh đấu qua loa lấy có, để xoa dịu mặc cảm của lương tâm. Rất ít người hoàn toàn thật tâm và thật sự hy sinh tranh đấu. Người trong nước giờ đây cũng đã thôi mong chờ người hải ngoại, họ đã biết cách tự lực cánh sinh, tranh đấu cho nhu cầu sống còn của họ. Phải sinh tồn trước hết.
Có những người quá đau khổ từ vật chất đến tâm hồn, đánh động đến tận trái tim của họ. Có người chết mất cả con tim vì đau khổ. Nhưng cũng có những người mạnh mẽ hơn nữa, từ tận cùng sinh tử đó, con tim đột nhiên thức tỉnh, trí tuệ phát triển trong chốn tuyệt lộ, bộc phát một sự quật khởi mạnh mẽ.
Vì thế mới có câu “gặp chuyện khó mới biết Trí do Tâm mà ra”. Những gì do Tâm phát khởi sẽ mạnh mẽ vô cùng, vì đó là phát xuất từ “Lòng Người”, mà “Lòng Người tức là Ý Trời”.
Khi ngọn lửa phát sáng từ Tâm của quần chúng thì khó lòng mà dập tắt được.