Photo 1 Tác giả tại khu phố Narita, Nhật Bản 1991
Photo 2 Tác giả cùng chồng thăm viếng ngôi chùa Narita San Temple tại thành phố Narita, Nhật Bản 1991
Sáng nay chúng tôi ra phi trường sớm để có đủ giờ đi xe lửa xuống phố xem chùa Nhật Bản. Nếu bạn thấy cảnh chúng tôi chạy lăng xăng hỏi mua vé và tìm xe lửa nào cho đúng thì chắc chắn bạn sẽ cười đó. Cảnh này cũng giống lúc chúng tôi mới qua Mỹ đi làm giấy tờ trong các trại tị nạn lắm. Mặc cho chúng tôi hỏi gì các bạn Nhật Bản cứ sổ ra một tràng tiếng Nhật dòn tan. Vậy mà cuối cùng chúng tôi cũng xuống đúng nhà ga ở phố Narita.
Con đường đi từ nhà ga đến Narita San Temple rất nhỏ và dốc, nên người và xe cứ nhường nhau mà “cùng đi.” Để cho khỏi lạc, chúng tôi lấy góc đường có tiệm Mc Donald làm điểm. Hai bên đường hàng quán rất nhiều, sạch sẻ, ngăn nấp, và san sát nhau. Nhiều nhất là tiệm ăn Nhật, có để dép ở trước cửa cho khách hàng mang. Thứ nhì là tiệm bán bánh và bán các loại dưa chua, cá khô. Ngoài ra còn các tiệm giày dép, quần áo, tiệm bán máy hình... Cũng có tiệm uốn hay cắt tóc nhưng rất nhỏ, chỉ đủ vài chỗ ngồi. Có hai tiệm hoa và chợ bán rau cải, trái cây... rất mắc!
Narita San Temple rất lớn, mỗi năm có khoảng 13 triệu du khách đến thăm viếng. Trước khi các du khách bước lên các bậc tam cấp để vào chùa thì ghé bên phải, có một nhà nhỏ. Trong nhà đó có một người ngồi sẵn, múc nước trong hồ nhỏ để xối lên tay cho du khách rửa cho sạch sẻ trước khi vào nơi thiêng liêng. Sau hay trước khi rửa tay, du khách bỏ vào hồ đó tiền xu. Ông xã tôi hỏi bao nhiêu, thì anh chàng trẻ tuổi cười, đặt tay lên trái tim nói: “My heart” (tức là cho bao nhiêu tùy theo lòng hảo tâm).
Lên hết những bậc thang đầu tiên, các bạn sẽ được qua cái cầu bắc ngang qua hồ nước có nhiều rùa, cá vàng lội và nước phun. Nơi này các bà Nhật lại một phen liệng tiền xu xuống hồ. Hai bên đường lên chùa có hai miếu lớn để tượng hai ông Thần giữ chùa cho ma quỷ đừng vào.
Lên một số nấc thang nữa, chúng tôi đến khu chánh điện. Nhưng trước khi vào chánh điện, mọi người đều ghé vào một nơi có đặt một lò trầm hương nghi ngút.
Khí hậu Nhật Bản vào mùa hè cũng khá nóng, nên tôi tìm chỗ ngồi nghỉ mệt, vừa nhìn xem các người dân bản xứ đi chùa. Hầu như không có người Nhật Bản nào vào chùa mà không bước đến chỗ đốt trầm hương. Tôi thấy các ông, các bà, các cô cậu hay trẻ con đều đến thật gần, đưa hai tay khoác khói hương vuốt lên tóc, lên mặt hai ba lần. Có người ướp hương cả người cả vai. Có một bà ướp hương lên gối. Tôi đoán có lẽ bà bị đau chân.
Sau khi viếng đền Nhật xong, chúng tôi lội bộ trở lại con đường cũ và tìm gặp lại tiệm Mc Donald. Kỳ này thì chúng tôi tìm được xe bus trở lại phi trường. Vé xe lửa là 230 yen, còn vé xe bus thì mắc hơn, 380 yen một người. Tuy nhiên, xe lửa chạy dưới đường hầm, còn xe bus chạy trên đường lộ nên chúng tôi được ngắm nhà cửa Nhật, nhỏ và cất san sát nhau.
Cũng như bên Anh, xe cộ ở bên Nhật chạy bên trái nên cửa lên xe bus cũng ở bên trái, và ông tài xế ngồi bên mặt.
Tôi còn nhớ cách đây bảy năm, lúc qua Luân Đôn, Martin, anh chàng em rể của chúng tôi ra phi trường đón về nhà. Trên đường anh chàng lái thật mau, đường bên Âu châu lại nhỏ. Đã chạy lane trái, anh chàng còn qua lane ngược chiều để qua mặt các xe trước, làm cho tôi đứng cả tim. Lúc nào cũng thấy như xe ngược chiều đâm vào mình.
Ở bên Pháp cũng thế, xe thì nhỏ, ai cũng chạy nhanh, vậy mà có lúc xe hơi và khách bộ hành giành nhau đi. Thú thật với bạn, đi qua các xứ đó tôi thấy đi xe lửa hay đi bằng Metro là khỏe nhất, tuy nhiên phải thận trọng vì rất dễ bị móc túi. Riêng mấy ông Tây làm tài xế xe Taxi thì nóng tánh và “nẹc vơ” quá. Mấy ổng cứ chữi thề “Mẹc xà lù” luôn miệng, mặt thì đỏ lên kên tài xế xe khác. Mấy ổng hay quẹo cua thật gắt và cứ bóp kèn và thắng gắp liền liền làm mình phải gục gà gục gật cả chuyến đi. Tim tôi cứ đập liên hồi.