- NỘI DUNG
- DẪN NHẬP: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG I: Thức tỉnh, sáng suốt để bước vào Đại Đạo
- CHƯƠNG II: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG III: Lòng từ bi giúp con đường đạo
- CHƯƠNG IV: Tu Nhân học Phật là con đường thức tỉnh giác ngộ
- CHƯƠNG V: Hạt giống Đạo ăn sâu vào lòng đất mẹ
- TIỂU SỬ TÁC GIẢ NGUYỄN HUỲNH MAI
17-4-13 – 9:30 sáng.
Sự hiểu biết ta có thể giúp được, nhưng sự thức giác thì không.
Thức giác như một ngọn đèn, cần điện hay cần dầu để sáng, không do tác động hay sự giúp đỡ của người khác.
Ta chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm sự tu tập, sự hiểu biết, nhưng thức giác là một sự phát động do chính mỗi con người.
Sự ngu muội như một chiếc cửa tâm thức của con người bị bế, bị khóa chặt, bị cài then, ta không thể mở dùm cho họ, mà phải do chính họ tự mở, tự tông ra để giải thoát chính mình.
Sự giác ngộ của con người hoàn toàn độc lập, không thể có sự giúp sức từ bên ngoài, dù ta có cố gắng giúp thì chỉ hoài công, mà có khi thiệt hại đến bản thân nếu gặp phản ứng tiêu cực của đối tượng ngã mạn, tự ái, tự cao.
Con người có sự cộng nghiệp khi đến mặt đất, nhưng sự tu tập, giác ngộ sẽ có khả năng giải trừ sự cộng nghiệp do sự cố gắng của chính mình.
Sự tu tập, sửa đổi, thiền quán, giác ngộ giúp ta sáng suốt và biết tự mình gỡ những mối gút cột chặt mình với những nghiệp quả do liên hệ máu huyết hoặc với người thân mà vì ngu muội ta học theo, làm theo hay bị hứng chịu hậu quả.
Sự an định nội tâm khiến ta không nhìn sai, nên không thấy sai, hay lệch lạc mà nhìn đúng như nghĩ đúng, thấy đúng. Để từ đó ta không tạo thêm nghiệp quả hay nghiệp chướng. Tức không tạo thêm nghiệp mới và từ từ giải tiền nghiệp.
Chỉ có sự thức tỉnh toàn diện ta mới có khả năng gỡ dần tiền nghiệp hay cộng nghiệp bao gồm từ nguồn gốc nơi sanh trưởng, liên đới chủng tộc quốc gia, ông bà cha mẹ anh em, nhân quần xã hội.
Ta không thể nào gỡ được những sợi dây cộng nghiệp nếu không tu, tiến để đi đến sự độc lập của sự sáng suốt, giác ngộ. Khi ta thấy mình còn thành kiến, còn bị sự thương ghét hay bênh vực người này ghét bỏ người kia thì sự giác ngộ thức tỉnh mà ta tưởng đã đạt chỉ là những đám mây trắng bay qua, hay ánh mặt trời ban ngày rồi ra đi vào ban đêm.
Khi thực sự giác ngộ, ta không cần nương theo sự thay đổi của ngoại tại cho dù cho nhắm mắt thì ánh sáng của giác ngộ cũng lóe lên chói lọi rực hào quang.