- NỘI DUNG
- DẪN NHẬP: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG I: Thức tỉnh, sáng suốt để bước vào Đại Đạo
- CHƯƠNG II: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG III: Lòng từ bi giúp con đường đạo
- CHƯƠNG IV: Tu Nhân học Phật là con đường thức tỉnh giác ngộ
- CHƯƠNG V: Hạt giống Đạo ăn sâu vào lòng đất mẹ
- TIỂU SỬ TÁC GIẢ NGUYỄN HUỲNH MAI
21-11-2012 – 11 giờ sáng.
Muốn cho nội tâm an định trước những chướng nghiệp, ta phải buông chứ không phải dứt.
Khi ta có ý dứt thì ý đó đi đôi với sự không dứt được. Khi tìm cách cắt hay dứt thì tâm mình lại bị dấy động để tìm cách này cách kia dứt bỏ hay cắt bỏ, cắt đứt.
Lúc muốn tìm cách cắt bỏ, cắt đứt thì ta sẽ biện luận, suy nghĩ, sự buồn giận, những vết thương lòng lại dấy lên để hỗ trợ cho lý do cắt đứt đó. Như thế thì tâm ta lại càng giao động nhiều hơn buồn bực và giận dữ nhiều hơn.
Khi ta càng nghĩ đến dứt và nhớ lại tất cả những điều khiến ta muốn dứt thì vết thương lòng thay vì được hàn gắn thì bị xoáy mạnh hơn trong tâm ta khi ta tự đối thoại hay biện bạch cho cái phải của mình.
Có biết bao người càng xua đuổi, muốn dứt bỏ thì càng mang thêm nghiệp chướng. Chỉ có khi ta buông bỏ tâm ta mới được nhẹ nhàng.
Làm thế nào có thể buông bỏ nghiệp chướng? Phải chăng là khi ta không còn sân hận? Phải chăng là khi ta buông quá khứ? Hay ta nhìn rõ nghiệp chướng là do chính ta mang vào nhiều hơn là chính nó đeo đẳng mình?
Cái lý do mạnh nhất là sự suy nghĩ sai lầm của mình: Mình thương người sai. Mình tự buộc lấy bổn phận sai. Mình yếu đuối nên tự mang vào người.
Đối với con người ta thường đặt tình thương hay bổn phận không đúng chỗ nên tự ràng buộc với chính họ vì thế có bao nhiêu người đã khổ cả một cuộc đời nhưng vẫn nghĩ rằng đó là do duyên nghiệp, số mạng hay nghiệp phải trả do tiền kiếp.
Đó là sự sai lầm lớn nhất, nhất là trong những trường hợp có cùng huyết thống, vợ chồng, con cái, bà con hay xa hơn là bạn bè thân thiết.
Con người sinh ra được bình đẳng và được tự do lựa chọn những gì mình muốn và không muốn làm. Bất cứ một sự áp đặt hay tự áp đặt đều là đau khổ.
Người tu lại càng dễ tự áp đặt cho chính mình nhiều hơn nhất là khi lòng từ bi bác ái đang phát triển.
Khi người tu mở lòng từ bi bác ái một cách sai lầm thì rất dễ bị đau khổ và tổn thương nhiều hơn hết. Nếu tâm không vững ta rất dễ bị lợi dụng và lạm dụng thứ tình cảm này.
Nói tóm lại tu tập phát triển lòng từ bi cần có sự sáng suốt đi song đôi và sự sáng suốt này phải sáng suốt trong nghị lực và có sức mạnh của sự tình thức. Nếu không có sức mạnh của sự tỉnh thức ta sẽ trở nên mù quáng đi sai đường thì không buông được chướng nghiệp.
Chỉ có sức mạnh của sự tỉnh thức mới giúp ta buông bỏ các chướng nghiệp một cách nhẹ nhàng để ta có thể bước đi những bước vững vàng trên con đường đạo thênh thang không chướng ngại.