- NỘI DUNG
- DẪN NHẬP: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG I: Thức tỉnh, sáng suốt để bước vào Đại Đạo
- CHƯƠNG II: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG III: Lòng từ bi giúp con đường đạo
- CHƯƠNG IV: Tu Nhân học Phật là con đường thức tỉnh giác ngộ
- CHƯƠNG V: Hạt giống Đạo ăn sâu vào lòng đất mẹ
- TIỂU SỬ TÁC GIẢ NGUYỄN HUỲNH MAI
19-6-13 – 11 giờ sáng.
Một điều khá quan trọng trong đời sống tu học là cần nghiêm túc đối với chính mình. Nếu không biết nghiêm túc đối với chính mình, mình rất dễ đi lạc đường vì thay vì mình hành xử, ăn nói hành động theo sự hiểu biết tu học của mình thì mình lại hành xử theo người khác hoặc muốn người khác xem trọng mình và đánh giá cao mình.
Tu học mà muốn người khác đánh giá cao mình hay phục mình thì chắc chắn mình sẽ trở nên người giả đạo, người máy đi tu hay một hình nộm cho người đời chiêm ngưỡng, kính phục.
Tu học để làm người biết sống chánh đạo chớ không phải tu học để làm hình nộm đi, đứng, nằm, ngồi nói năng theo ý người. Vì cứ giả hình giả dạng như thế thì lúc nào nội tâm cũng bất an, dù ta có ăn nói, dáng đứng, dáng đi khoan thai đạo mạo.
Tu để trở nên một người thật chứ không phải tu để trở nên một kịch sĩ.
Nếu tu để trở nên một người thật sau khi lột hết mặt nạ của mình thì mình sống thật nhẹ nhàng, khoan khoái, tự do ăn, nói, hành động chân thật vì mình biết rõ mình.
Nhưng tu để trở nên một kịch sĩ thì thật là mệt mỏi vì cứ mãi đóng vai nào đó mà không có lúc nghỉ ngơi, thoải mái, sống thật.
Ta chỉ có một đời sống để sống, để thở và ta cần sự tự do của một con người để sống đời sống của chính mình. Ta cần buông bỏ những xiềng xích bao quanh cuộc đời mình. Tu học để cố vùng vẫy ra khỏi sự ràng buộc để trở nên một người sống, thở tự do. Hãy cởi bỏ những mặt nạ phải mang, áo mão của các sân khấu đời sống trong mỗi thời gian của tuổi đời.
Tu học là tìm lại chính mình và khi gặp chính mình thì mình phải thương nhiều hơn, nhất là khi tuổi đã về chiều.
Càng về chiều, tuổi thọ càng cao càng sống thật với chính mình và phải lựa chọn đúng con đường mà mình phải đi. Đó là con đường tìm lại chân tâm và sống với nó cho đến ngày ra đi để không bị đọa ngược vào cõi luân hồi.
Muốn thoát luân hồi phải sống với chân tâm.