- NỘI DUNG
- DẪN NHẬP: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG I: Thức tỉnh, sáng suốt để bước vào Đại Đạo
- CHƯƠNG II: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG III: Lòng từ bi giúp con đường đạo
- CHƯƠNG IV: Tu Nhân học Phật là con đường thức tỉnh giác ngộ
- CHƯƠNG V: Hạt giống Đạo ăn sâu vào lòng đất mẹ
- TIỂU SỬ TÁC GIẢ NGUYỄN HUỲNH MAI
25-1-13 – 3:30 chiều.
Trách nhiệm, phận sự, hay cao hơn là sứ mạng của một người phổ truyền chánh pháp là gì?
Phải chăng trách nhiệm đó là đưa Phật Pháp đến con người càng nhiều càng tốt, dù có gặp khó khăn cũng không sờn lòng.
Muốn Phật Pháp đến nhiều người thì phải làm sao?
Phải nghĩ ra nhiều cách, nhiều phương pháp, nhiều phương tiện để chuyên chở những lời vàng, tiếng ngọc, lời dạy của Phật, của Đức Thầy đến cho người Phật tử, đồng đạo, lẫn người khác đạo, hay người chưa có tôn giáo.
Trách nhiệm của ta không chỉ gò bó trong người có đạo, người biết tu mà còn cần thiết, khẩn thiết hơn cho người chưa biết đạo, người dữ, kẻ vô thần.
Phật Pháp như ánh sáng đi đến đâu đẩy lùi bóng tối, đẩy lùi ác tính của con người và xa hơn có lợi ích hơn là cải hóa con người từ ác trở nên thiện tính sáng trong.
Người biết trách nhiệm, muốn hoàn thành trách nhiệm cần phải hiểu rõ là ta làm việc vì bổn phận và hết lòng với một tâm vô tư, trống không, không phải nương vào chức phận hay quyền lực mới có thể làm tròn nhiệm vụ vì chức phận và quyền lực thường đưa con người đi sai đường.
Vì sao chức phận và quyền lực thường đưa người hành đạo đi sai đường?
Người có chức vụ và quyền lực thường dựa vào phe nhóm, số đông. Vì vậy khi muốn bảo đảm địa vị và quyền lực họ luôn phải làm theo mục đích của phe nhóm, số đông ủng hộ đó nên luôn đi sai lạc mục đích chính của mình là phổ truyền và bảo vệ Phật Pháp theo lý tưởng, theo tâm nguyện phụng hành của mình.
Muốn hành theo tâm nguyện phụng hành, rao truyền Phật Pháp, phục nguyên chánh pháp, ta phải lựa chọn con đường đi với hai bàn tay trống không và một khối óc không tính, vô quái ngại, cô đơn, không lùi bước trước mọi trở ngại.