- NỘI DUNG
- DẪN NHẬP: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG I: Thức tỉnh, sáng suốt để bước vào Đại Đạo
- CHƯƠNG II: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG III: Lòng từ bi giúp con đường đạo
- CHƯƠNG IV: Tu Nhân học Phật là con đường thức tỉnh giác ngộ
- CHƯƠNG V: Hạt giống Đạo ăn sâu vào lòng đất mẹ
- TIỂU SỬ TÁC GIẢ NGUYỄN HUỲNH MAI
DẪN NHẬP
CÓ TRÍ HUỆ KHI TỈNH THỨC TOÀN VẸN.
Muốn đạt được kết quả trên con đường tu học ta cần phải luôn tự giác, hay tự nhắc nhở mình luôn.
Muốn tự giác liên tục ta phải làm sao?
Ta phải xem mình như đi trên một sợi dây mong manh giăng ngang hai ngọn núi. Chỉ cần một phút bất cẩn, mất quân bình là ta rớt ngay xuống vực thẳm.
Muốn thẳng tiến trên con đường tu ta còn cần phải tránh “ngủ quên trên chiến thắng”. Ta thấy rõ mình sắp đến bên kia ngọn núi, nhưng nếu mừng rỡ, vội vàng đi nhanh cho mau tới mức, hay thấy sắp tới nơi rồi lơ là, ta cũng có thể bước trật và trợt chân té nhào, uổng bao công trình đã cố gắng vượt nguy hiểm, khó khăn rồi chỉ một phút chốc đã tan theo mây khói.
Trong đời sống không phải một lần ta thức tỉnh giác ngộ mà có hàng chục hàng trăm lần ta đã giác ngộ. Nhưng giác ngộ không cũng không giúp ta nếu ta không biết trân quý những giây phút ấy để rồi tìm mọi cách mọi phương pháp để có trí huệ.
Ta không thể có trí huệ nếu ta cứ chợt tỉnh rồi lại đắm say trong đời sống thường nhật và lại mê. Chúng ta phải làm sao để không vấp ngã, không cần khổ, không cần thất bại mà vẫn tỉnh, vẫn giác ngộ.
Muốn giác ngộ, thức tỉnh luôn ta cần nhớ ta luôn luôn, quán chiếu chân tâm luôn luôn, dù bất cứ ở đâu, khi nào.
Sự thức tỉnh thường xuyên khi vui cũng như lúc buồn, khi hạnh phúc lẫn lúc đau khổ, khi đau lẫn lúc mạnh khỏe thì ta mới thật sự cảm nhận ánh sáng nhiệm mầu của sự tỉnh thức.
Chỉ khi nào có sự tỉnh thức toàn vẹn thì trí huệ mới hiện diện, giống như bóng đèn chỉ tỏa sáng khi có điện. Vậy, chỉ có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn luôn luôn, thường trực.
Nguyễn Huỳnh Mai
Huntington Beach
2-1-2013