Từ Việt Nam đến các trại tị nạn

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31776)
Từ Việt Nam đến các trại tị nạn

18-8-96 - 6:30 giờ chiều

Tôi cảm thấy nhẹ nhàng trong người làm sao. Bên ngoài cửa sổ, trời đã mát hẳn. Nắng chỉ còn vương đôi chút trên các chòm cây cao. Hai khoảnh vườn của tôi và hàng xóm bên trái ngay trong tầm mắt, cây lá vẫn xanh nhưng thiếu vẻ tươi mát vì chưa được tưới nước.

Căn phòng thờ của tôi đã ngăn nắp, tươm tất. Cũng nhờ vậy mà tôi cảm thấy "nhẹ người". Chả bù với sáng này, nó lung tung như cái tổ chim. Giờ đây thì sách báo, băng, tài liệu đều vào trật tự hết rồi, Dĩ nhiên là có một số đành phải cho vào sọt rác.

Tôi lập thêm một hồ sơ mới. Đó là hồ sơ Việt Nam: thư từ của người hồi hương; giấy chứng nhận của chùa Bà Năm - đệ tử Đức Phật Thầy Tây An ở xã Tân An - có cả hình của chú Tư, ban Quản trị; thư và hình của chú Bảy ở An giang; tổ Từ thiện ở Đồng Tháp, Cao Lãnh vân vân...

Hôm qua tôi gặp Dũng chủ nhà hàng Hòa An vừa về từ Việt Nam. Tôi rất mừng vì Dũng đã quá kỹ lưỡng khi giao tiền dùm tôi. Trước khi giao tiền cho ai, Dũng đi điều tra từ đầu trên đến xóm dưới xem người đó có thật sự làm việc phước thiện lo cho đồng bào hay không.

Dũng bảo chú Sáu ở gần nhà mẹ Dũng ở chợ Lấp Vò lo làm phước thiện tận tình. Nào là nuôi đồng đạo bệnh tật, con nuôi, rồi mỗi ngày chích thuốc thí cho nhiều người, vì chú là y tá. Thấy chú gói kim lại, Dũng hỏi chú có nấu không. Chú bảo bệnh nhân chú vừa chích còn nhỏ, chắc chưa bị bệnh Aids, nên chú cất kim lại để nấu. Kim chích cho người lớn thì chú liệng bỏ.

Dũng cười quá, nói thời buổi này mà chú còn chạy xe Mobilette cũ xì, kêu bành bạch, vậy mà chú chạy khắp nơi để giúp bệnh nhân. Dũng nói lén, chú là y tá mà cái bàn chú dơ "thấy phát ớn".

Chú kể chuyện bà Tám mù ở xóm của Dũng. Bà ở trong một căn nhà nhỏ xíu như văn phòng trong tiệm ăn của Dũng. Bà trên bảy mươi, không có con cháu. Có hôm người ta bỏ quên, bà nhịn đói hết mấy ngày. Trước khi về, Dũng bới cho bà một tô thật lớn. Bà nói ăn hoài không no. Khi ăn xong, bà Tám lần mò xuống sông giặt quần và rửa tô. Lúc trở lên, bà vấp con chó rớt quần xuống sông trôi mất. Cái tô bể tan tành. Bà chửi con chó quá trời, nói là không có tiền thường cái tô. Dũng nói, ai bắt bà thường làm gì, mà bà đâu có tiền mà thường. Bà chỉ có hai cái quần, nay mất một cái, nên Dũng phải chạy về nhà lấy quần của vợ cho bà.

Dũng kể, ở Mỹ, người ta kêu đồ ăn giao tận nhà gần tiệm. Dũng chỉ giao, không có mệt gì, mà người ta còn cho tiềp típ ba đồng, còn ở Việt Nam, người ta làm suốt ngày không được hai đồng, thì làm sao cả nhà đủ ăn. Gạo thì chính phủ lo xuất cảng, nên Dũng ở quê dù có tiền cũng phải ăn cơm đen và rời rã không ngon như bên này.

Ở dưới sông thì tôm cá không có nhiều như xưa, có lẽ vì dân đói nên đi câu đi lưới quá nhiều. Cá có chút xíu, tép thì nhỏ rức. Lươn con nào con nấy bằng ngón tay trỏ. Cuộc sống dân quê hết sức nghèo nàn. Nếu ai có gia đình ở ngoại quốc thì cuộc sống còn đỡ, và họ bắt đầu lo sửa nhà sửa cửa. Còn ngoài ra thấy rất tội nghiệp. Dũng than:

- Thấy đồng bào mình nghèo như vậy, ai nở lòng nào về đó mà xênh xang ăn xài, làm le phách lối?

20-8-96 - 7:30 giờ sáng

Tôi đứng sát cửa sổ nhìn xuống sân trước. Khu vườn nhỏ của tôi trông cũng khá rậm rạp, tuy tất cả cây kiểng đều ở trong chậu, ngoại trừ miếng đất nhỏ trồng ba cây hồng ở sát hàng rào chung với nhà hàng xóm. Hàng rào này Tài dùng mấy khúc cây chống lên cho ngay ngắn, vì lúc trước chồng Mary chất dựa lên đó đủ loại máy móc, xe chạy trên sa mạc, bục gỗ... khiến nó nghiêng hẳn về phía bên tôi.

Khu nhà của tôi bắt đầu cũ kỷ, cuối tháng này nhà tôi và một số nhà khác phải lợp nóc lại. Chúng tôi cùng khảo giá và chọn một hãng có uy tín và rẻ nhất, là tám ngàn đồng. Những hãng khác đòi trên mười ngàn.

Lúc mới dọn đến, Thịnh Cường học tiểu học. Trang, con gái nuôi, học trung học. Các con cháu tôi còn nhỏ nên chúng tắm lội luôn trong hồ sau nhà. Từ lúc con tôi lớn lên thì cái hồ biến thành quá nhỏ đối với chúng, nên chúng phải qua nhà hàng xóm ngang bên kia đường để lội. Vợ chồng tôi lâu lâu chùi rửa hồ và thay nước sạch. Dù không tắm chúng tôi cũng phải chăm sóc, nếu để nó dơ trông vừa mất thẩm mỹ, vừa có thể bị hàng xóm thưa, nhất là nếu để hồ có lăng quăng thành muỗi cắn chích họ.

Tôi không hiểu kiến trúc sư của nhà này nghĩ sao mà họ xây sân sau phần có hồ lại cao hơn nền nhà; còn phần hàng hiên sát mái nhà thì mặt xi măng bằng bên trong nhà. Vì thế mỗi lần mưa to nước cứ tràn vào nhà, nhất là những năm gần đây. Có lẽ vì vách nhà và nền đã cũ, nên nước thấm vào từ lòng đất. Tuần rồi, Tài gọi người đến khảo giá, họ cho biết nếu làm lại hết sân sau sẽ tốn vào khoảng 20.000 đồng. Tôi bảo Tài, có lẽ phải lấp hồ lại vậy. Theo tôi biết thì nhà Á Đông thường thích có một cái hồ sau nhà cho "tốt" (gọi là hồ phong thủy). Nhà nào không có hồ thì họ mua một chậu lớn trồng lục bình hay hoa súng hoa sen, hoặc thả cá.

Nắng đã bắt đầu lên cao. Tôi đọc lại lá thư của cô Phạm Thị Lượng gởi tôi từ nhà tù "SDC" Bangkhen, Bangkok, Thái lan. Cô đã mổ bụng trong trận cưỡng bách hồi hương vào ngày 29-6-1996 tại khu A, Sikiew. Cô bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện, và qua 1-7-1996, cảnh sát đã đưa cô và 66 người khác vào tù cho đến hôm nay. Cô Lượng là phó hội trưởng BTS/PGHH tại khu A. Con lớn của cô tên Nguyễn Ngọc Thanh Thủy PST 1773, hiện đang còn ở trong trại A2, thơ từ nhờ cha Peter gởi hộ. Thư cô viết rất thảm thiết:

"Qua hơn một năm biểu tình bất bạo động, trong ôn hòa tại khu A, đồng bào đã khước từ lương thực từ phía Cao ủy, tuyệt thực dài hạn để phản đối và không tham gia chương trình "ORP". Cuối cùng Cao ủy vẫn không buông tha. Bây giờ lại đang bị giam giữ trong nhà tù "SDC", em khẩn thiết kêu gào đến tình thương của chị, của cộng đồng hải ngoại can thiệp và giúp đỡ cho em. Xin chị thương đến hoàn cảnh những đứa con của em đang còn bơ vơ lạc lỏng tại trại Sikiew... Xin chị đoái hoài thương cho hoàn cảnh của em và những đứa nhỏ đáng thương không nơi nương tựa, rất cần sự trợ giúp từ bên ngoài..."

Cô còn viết: "Em luôn cầu nguyện cho chị có đủ nghị lực và lòng hy sinh để đấu tranh cứu giúp đồng bào thoát khỏi hiểm nguy..." Tôi thở dài, thật sự không biết phải làm thế nào cho xứng đáng với các lời cầu chúc đó.

Hôm thứ bảy 17-8-96, trong lúc tại Los Angeles, đại diện cộng đồng Việt Nam tranh cãi nhau trước mặt ông lãnh sự Thái lan Suphot Phirekaosal, thì bên kia hơn nửa vòng trái đất, cảnh sát Thái tiếp tục dùng võ lực cưỡng bức 200 thuyền nhân khác, và có 30 người tiếp tục mổ bụng...

Sáng qua, Thu gọi điện thoại khóc nức nở, nói mọi chương trình dự định tranh đấu cho thuyền nhân đã hỏng. Hôm trước đi biểu tình cả ngàn người, họ còn sợ mình. Bây giờ trước mặt họ cộng đồng Việt nam mình lại tranh cãi nhau, làm sao còn dọa "tẩy chai" đồ của họ được nữa.

Cuối tuần này, 25-8-96, là ngày đi bộ cho thuyền nhân. Càng gần đến ngày, trận chiến càng nóng bỏng giữa... những người giúp cho thuyền nhân.

Một lá thư ngày 19-8-1996, có 11 chữ ký đại diện cho 28 thuyền nhân tại Phi luật tân. Thư này "tha thiết yêu cầu giúp đỡ chúng tôi được đi định cư ở nước thứ ba, vì chúng tôi không muốn trở về sống với cộng sản."

Thư ngày 18-8-96 của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Palawan, do Ban chấp hành ký gồm hội đoàn trưởng Chế Văn Mỹ, thư ký Nguyễn Văn Lâu, nghị viên Nguyễn Trung Tài, Phạm Thanh Bình, Lê Thị Ngọc Linh, Lâm Thanh Hiệp. Thư này bác bỏ việc ông C.N.G. tự xưng là đại diện trại, và đã gửi thư tường trình là đồng bào ở trại thỏa mãn về đời sống căn bản và không muốn đi định cư ở một đệ tam quốc gia. Họ còn bày tỏ sự lo âu về nguồn tin Giáo hội định mua đất lập làng Việt Nam, vì họ không muốn định cư tại Phi.

Lá thư khác đề ngày 18-8-1996 của ông Trần Liên, Chánh đại diện Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, năm đạo thứ 71, Thánh Thất Cao Đài Palawan. Thư này cho biết tín hữu Cao Đài cũng không muốn định cư tại Palawan và mong chờ đồng bào hải ngoại tranh đấu giúp đỡ.

Một lá thư của thuyền nhân tại trại P.F.A.C. (Philippines First Asylum Camp) do 157 người ký, đề ngày 19-8-1996. Thư này cho biết trại phải trả cho Bộ Tư lệnh miền Tây Wescom vào ngày 30-12-1996, nên trại phải dời đi nơi khác do Giáo hội Phi đảm trách. Bức thư này ngắn, và khẳng định “nguyện vọng khát khao của chúng tôi là: Xin quý vị giúp đỡ chúng tôi định cư ở một quốc gia đệ tam”.

Lá thư cuối có 46 chữ ký của 46 gia đình tại Trung Tâm Người Việt Tỵ Nạn Palawan. Bức thư này cho biết rõ hơn nữa, là họ chỉ muốn "tạm cư" tại Palawan chứ hoàn toàn không muốn "tái định cư” tại một nơi nào hẻo lánh cách thành phố gấp bốn hay năm lần so với trại PFAC. Họ nói, nơi này "khó khăn trong sinh hoạt, cũng như con em chúng tôi sẽ gặp trở ngại trong vấn đề học hành và thiếu thốn mọi mặt."

Tất cả những lá thư này đều ghi ơn sự giúp đỡ của Giáo hội Công giáo về việc ngăn chận cưỡng bách hồi hương, nhưng cho biết, thỉnh nguyện thư do ông Chủ tịch Hội đồng Trung tâm C.N.G. ký, không phải là nguyện vọng của họ.

Ngày thứ bảy 17-8-1996 quả là ngày không tốt cho cộng đồng Nam Cali, cho người tị nạn tại Thái lan, và cả cho ông Bill Clinton của Hoa kỳ.

Hôm qua là ngày 19-8-1996, sinh nhật 50 tuổi của ông Bill Clinton, thì hôm thứ bảy, máy bay chở đồ đạc và xe cộ của ông đi nghỉ hè bị rớt vì đâm vào núi ở Yellowstone, tiểu bang Wyoming. Có tám người trong phi hành đoàn, một nhân viên mật vụ Tòa Bạch ốc bị thiệt mạng. Máy bay cất cánh mới bốn phút, dự định trở về New York nơi tổ chức dạ hội mừng sinh nhật tổng thống vào tối chủ nhật, sau khi ông cùng gia đình vừa nghỉ hè chín ngày tại Jackson, Hole, Wyoming.

Tối hôm qua, tôi xem tin tức đài C-Span, thấy ông bà Clinton cùng cô con gái đứng trên sân khấu vui cười. Dạ hội này có đến 5000 người tham dự, với tiền thâu từ $250 đến $10.000 một đầu người, dành cho quỹ tranh cử của đảng Dân Chủ. Tôi chợt nghĩ đến gia đình của chín người thiệt mạng. Trong lúc tổng thống vui, đảng Dân Chủ vui, thì tang chế đang xảy ra cho những người làm việc với ông. Tôi hay nhớ lời ba tôi thường dạy: "Chúng ta đừng tận hưởng quá đáng!”

21-8-96

Sáng nay sương mù che khuất cả sân trường tiểu học sau nhà tôi. Mấy hôm nay trời khá nóng nên hai chậu hoa lồng đèn của tôi treo trên mái hiên trông thật xơ xác, một cây đã khô hết một bên. Tôi trồng hai cây hoa dừa trong một chậu khác, cây hoa màu hồng còn sống, còn màu trắng thì đã rũ rượi, lá hoa đều úa xào. Chỉ có ba chậu lớn bằng gỗ trồng hoa quỳnh thì tươi tốt đầy nụ.

Hôm nay, tôi hơi uể oải vì thức khuya đọc Ouspensky viết về Gurjieff. Cuối tuần qua, tôi đến chùa Viên Thông ở Long Beach nghe thầy Phạm Công Thiện thuyết giảng về tu tập theo pháp môn Lamrim của Mật tông Tây tạng. Cuối giờ, tôi đến hỏi thầy về George Gurdjieff. Tôi nói tôi dở chính trị và ít chịu đọc sách chính trị, cũng nhờ đọc Gurdjieff mà biết một số nơi bên Nga và thời bị cộng sản thôn tính. Thầy Thiện nói Gurdjieff hay nhưng khó, và đề nghị tôi đọc The Psychology of Man’s Possible Evolution (Tâm lý về sự Khả Tiến của loài Người" của Ouspensky (Peter Demianovich), học trò của Gurdjieff.

Sáng hôm sau, Cường chở tôi đến thư viện Đại học Long Beach, tôi mượn luôn cả Consciensce, the Search for Truth và Tertium Organum, The Third Canon of Thought, a key to the Enigmas of the World, cũng của Ouspensky. Ngoài ra, những cuốn khác tôi đã có xem qua.

Tôi biết Gurdjieff qua hệ thống Internet lúc học ở trường Saddleback. Trung tâm chánh của The Forthway ở Luân đôn, Anh quốc. Họ viết cho tôi qua điện tử thư (e-mail):

"One of the chief aims of this work is to united the knowledge of the West with the understanding of the East, to create a new synergy. So we are very interested in forming links with organĩations which can help with this. Perhaps you can help." (27-4-1996).

(Một trong những mục tiêu chính của việc làm này là kết hợp kiến thức Tây phương cùng sự hiểu biết Đông phương, hầu tạo một đồng lực. Vì vậy chúng tôi rất thích thú được liên dây cùng các tổ chức có thể giúp thực hiện điều này. Có thể bạn giúp được).

Forthway - Gurdjieff Ouspensky School có hội viên khắp trên thế giới, và liên lạc hội thoại qua mạng lưới. Họ có thể gặp gỡ với hội viên tại Luân đôn hoặc qua mạng lưới điện toán.

Tôi trao đổi e-mail với họ một thời gian và có gởi tài liệu về Phật giáo Hòa Hảo, cũng như sách của tôi. Họ rất muốn đọc Cô bé làng Hòa Hảo nhưng tiếc rằng nó bằng Việt ngữ.

Tình hình trong giới tranh đấu về tị nạn càng ngày càng rối rắm, căng thẳng. Có hội đoàn dự định liên lạc với tòa lãnh sự Thái lan nói rằng ông B. không phải là đại diện cộng đồng.

Về vụ Phi luật tân, hôm qua linh mục Mai Khải Hoàn, đại đức Thích Quảng Thanh, bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ và hai đại diện các nhóm trẻ lên đài truyền hình Little Saigon. Khi xướng ngôn viên Thanh Thảo hỏi về con số thuyền nhân hiện tại ở Phi luật tân và chi phí để giúp đỡ họ, bác sĩ Kỳ cho biết, theo thống kê của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ vào ngày 30-6-1996 thì còn 2.344 thuyền nhân tại Palawan. Theo bài "Làng Tị nạn Việt Nam tại Phi" của bác sĩ Kỳ đăng trên Việt Báo Kinh Tế số 716 ngày 27-7-1996, thì phần kinh phí, ông viết:

"Theo bản chiết tính (Budget Proposal) của Sister Pascale, Giám Đốc cơ quan CADP

- Quản trị và điều hành: 100,730.00

- Kiến trúc hạ tầng cơ sở (hệ thống đường xá, điện nước): 107,000.00

- Xây nhà: 250 gia đình x 1000: 250,000.00

Tổng số ngân khoản dự trù tính đến cuối tháng 6-97 là US$457,730.00. Phí khoản cần thiết để hội nhập những người Việt còn lại. Giáo hội hy vọng những thuyền nhân này có thể tự lập sau một năm. Ngân sách này không dự trù nuôi ăn hàng ngày cho thuyền nhân và cũng chưa dự trù tiền mua đất. Hiện tại có một khu đất 6 mẫu, gần biển và cách thị xã Puerto Pricesa khoảng 10 miles. Giáo hội đã trả giá US$200,000 (1/3 trị giá thị trường)."

Trong Việt Báo Kinh Tế số 708 ngày 17-7-1996, bài "Nguyên văn Hiệp thư Tị nạn Việt Nam ký tại dinh Tổng thống Phi”, có một đoạn như sau:

"Xét rằng, mặc dầu có những người Việt hồi hương và định cư, hiện nay vẫn còn khoảng 630 người Việt Nam tại Trung tâm tạm cư PLT sau ngày 1/7/96, và khoảng 800 người trốn trại (gọi chung là những người gốc Việt), tiếp tục cần sự giúp đỡ và những sự giúp đỡ khác trong khi một giải pháp lâu dài đang được tìm kiếm. Thêm vào đó, có hơn 327 trường hợp thuộc chương trình ODP nằm trong trường hợp con lai đã được chính phủ Hoa kỳ đưa vào PLT với mục đích đưa đi định cư tại Hoa kỳ.

“Xét rằng, cơ quan CADP, một tổ chức phi chính phủ thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo PLT (CBCP) và đăng ký với Ủy ban An ninh và Hối đoái, đã đề nghị tiếp tục giúp đỡ cho những người Việt Nam này bằng cách cung cấp cho họ những dịch vụ và tiện nghi cần thiết, cùng phụ trách vấn đề quản trị và kiểm soát PFAC hay một địa điểm tạm cư mới, do CADP tự đài thọ."

Bản thỏa hiệp được ký vào lúc 11 giờ sáng thứ tư 17/7/1996 tại Phi luật tân. Bản văn này được thiết lập và chấp thuận bởi:

- Bộ Xã hội và Phát triển (DSWD), đại diện bởi Bộ trưởng, Honorable Lina B. Laigo; và

- Trung tâm Cứu trợ Người Tản cư (CADP), đại diện bởi Giám đốc và Phối trí Chương trình, Sister Pascale Lê Thị Tríu, thuộc Dòng St. Vincent De Paul.

Trong lúc phỏng vấn, đài truyền hình Little Saigon có chiếu những hình ảnh thảm khốc về việc đàn áp hồi hương tại Hong kong, Mã lai, và cảnh tiếp đón thật trọng thể tại San Jose dành cho đức Giám mục Ramon Arguelles, Chủ tịch Ủy ban Di dân và Tị nạn thuộc Hội đồng Giám mục Phi luật tân.

Theo Việt Báo Kinh Tế số 731 ngày 17-8-1996, thì ngày 14-8-1996, các hội đoàn Việt Nam đã trao số tiền gần 500.000 mỹ kim cho đức Giám mục tại công viên Tòa thị chánh San Jose.

Hôm trước, qua điện thoại, tôi có nói chuyện cùng ông Nguyễn Đình Hữu, để xin ảnh các em mồ côi bị cưỡng bách về Việt Nam đăng vào quyển Hồn Thiêng Dân Tộc. Ông Hữu là người đứng ra vận động yểm trợ cho thuyền nhân tại Phi luật tân. Ông rất vui mừng về thành quả và cho rằng đây là lần đầu tiên các hội đoàn Việt Nam thống nhất trong việc yểm trợ thuyền nhân.

Hôm nay, tôi cần phải viết thư liên lạc cùng cụ bà Duyên, vợ của một trưởng lão đồng đạo còn bị cộng sản giam cầm tại trại Hàm Tân, nghe anh Phan Bá Bách cho biết tình trạng sức khỏe bất ổn. Bức thư như sau:

"California 21-8-96

Kính thưa bác,

Cháu là Nguyễn Huỳnh Mai, con cụ Nguyễn Long Thành Nam. Cháu có nhận được tin tức bác trai qua anh Phan Bá Bách con ông Phan Bá Cầm, cố Tổng bí thư Việt Nam Dân chủ Xã hội đảng.

Cháu có giấy Ra Trại 20-6-83, Lệnh Tha 15-7-87, và Lệnh Bắt Giam ngày 8-6-1991. Còn một tài liệu năm 1988 quá mờ cháu đọc không được. Nếu có giấy tờ gì thêm, nhất là sức khỏe xin bác cho cháu biết. Anh Bách nói bác trai bị giam 10 năm, trong khi một người khác nói 20 năm nên cháu không rõ lắm. Xin bác thơ cho cháu.

Thưa bác, cháu nhờ người bạn trao cho bác một chút quà để bác thăm nuôi và mua thuốc cho bác trai. Tuy chưa quen nhưng tình đồng đạo thắm thiết vì cùng chung một lòng tin. Nếu có thể xin bác gởi tặng cháu hình gia đình. Nhất là cháu cần hình ảnh bác trai trong nhiều giai đoạn. Nếu không tiện thì thôi bác nhé.

Mong bác cho cháu ít chữ và liên lạc thường xuyên qua địa chỉ bì thơ. Nếu cần bác chụp hình lại nhiều bản rồi hẵn cho cháu, để tránh bị thất lạc thư từ.

Chúc bác nhiều sức khỏe. Cầu xin ơn trên Thầy Tổ phò hộ cho bác trai.

Cháu

Nguyễn Huỳnh Mai

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880