Giấc mơ huyền nhiệm

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30953)
Giấc mơ huyền nhiệm

(Thư N.H.M. gởi đồng đạo T.Q.M.)

California 6-4-1996

Chú M. thân,

Thật là một điều huyền nhiệm chú M. ơi. Tôi phải kể ngay cho chú nghe. Sáng nay tôi được nghe về một giấc mơ từ chị Phương, vợ của đồng đạo Trần Thành Long ở New Mexico (viết cho ĐTB dưới bút hiệu Nhất Phương).

Chị Phương cho biết vào tháng 12-1995, chị có giấc chiêm bao lúc 6:00 giờ sáng. Chị thấy rất đông ông già ngồi với Đức Thầy. Chị nói Đức Thầy sao trẻ quá, vì theo chị biết, nay Đức Thầy khoảng trên 70 tuổi. Đức Thầy mặc đồ veste xám, áo sơ mi, tóc cắt ngắn và có thắt cà vạt. Khuôn mặt giống như hình anh Long đang thờ.

Đức Thầy biểu chị lên đứng cùng với mọi người trên sân khấu để hát. Chị vâng lời. Đức Thầy đưa cho chị một cuốn sách màu đỏ lớn như mình dang hai tay ra. Cuốn sách mở ra có hình rồng và phụng màu vàng trên nền đỏ. Chị nói bài hát này chị không biết nhưng cứ hát nhại theo người ta. Bên cạnh chị có một bà cầm tiếp chị, mỗi người một bên vì sách quá lớn. Chị vừa hát vừa nhìn chăm chú Đức Thầy vì thấy Đức Thầy trẻ quá.

Một lát sau chị không thấy Đức Thầy nữa. Chị hỏi mọi người thì họ nói Đức Thầy đi thuyết pháp rồi. Chị Phương nói những người đứng hát chung với chị trên sân khấu đều là người lạ, chị chưa gặp bao giờ. Chị nói chị thuộc hết mấy bài nguyện của Đức Thầy. Anh Long có tiệm bán bàn ghế ở New Mexico. Anh có phòng riêng sang băng PGHH phổ biến khắp nơi. Anh chị về Cali có ngủ ở Hội quán và anh Long có phỏng vấn mấy ông lão kỳ cựu mới qua để dành viết sách.

Nghe xong giấc mơ tôi buộc lòng phải kể ra vụ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc mà chú yêu cầu giữ kín cho đến khi được bên nhà cho phép phổ biến và đợi khi tôn giáo mình qua cơn pháp nạn. Trong thơ chú “nói nhỏ” báo tin việc ông Phạm Duy đã phổ nhạc xong bài Đạo Ca và cho vào CD. Thật ra tôi đã được nghe hai lần. Hôm trước tết Phạm Duy hát. Kỳ sau vào ngày 24-3-96, tôi đến nhà ông có mang theo một chậu lan để cám ơn ông. Ông có cho nghe CD đã hòa âm do các con ông Duy Quang và Thái Hiền hát, Duy Cường hòa âm. Tôi thích giọng nữ hơn.

Ông Phạm Duy đưa bài thơ trong cuốn giảng bìa cứng do Ban trị sự Úc châu phát hành cho tôi dò theo. Tôi phát giác ra đó là bài "Cho bà Năm Cò ở Sàigòn". Tôi nói với Phạm Duy, bà Năm Cò chính là bà ngoại nuôi của tôi, bà là người lo tài chánh cho Giáo hội. Đức Thầy dạy mẹ tôi làm con nuôi cho bà Năm Cò. Có một đoạn tôi kể trong Cô bé làng Hòa Hảo về bà Ngoại Cò. Tôi rất sợ vì bà nghiêm và oai lắm.

Anh Long đọc xong bài thơ nói thấy rợn cả người, vì ý nghĩa quá thâm sâu siêu thoát. Tôi nói chú T.Q.M. là người thực hiện băng Gia Bảo. Khi vào trại Sikiew, tôi có mang băng Cổ Truyền, nghe đồng đạo muốn băng Gia Bảo nên tôi đã gởi vào hai bộ Gia Bảo, hai bộ Chuyện Bên Thầy. Hiện các nơi nghiên cứu nhiều về PGHH, nên BTS không kịp phát hành băng cassettes dù sang bằng máy sang nhanh. BTS ở đây chuẩn bị in thêm kinh giảng và sách giáo lý. Tôi và cô em đang soạn một cuốn Việt, Anh, Pháp. Chúng tôi đã phổ biến PGHH trên mạng lưới điện toán, đang nhờ Kim Lan duyệt lại phần Anh ngữ để đưa lên mạng lưới hiện mỗi ngày có mấy chục ngàn người Việt Nam khắp thế giới liên lạc với nhau và trao đổi ý kiến.

Riêng tôi thì khoảng cuối tháng 5 sẽ xong cuốn sách thứ nhì mang tựa đề “Hồn Thiêng Dân Tộc". Cuốn 3 tựa đề “Lên Đường" loại nhật ký và bút ký hiện đang viết về tất cả những nơi tôi đi đến và sinh hoạt.

Kính thăm toàn thể đồng đạo tại Pert. Nhớ gởi hình ảnh và nhờ anh Phan Bá Bách, con chú Vương Kim Phan Bá Cầm, viết bản tin về sinh hoạt Giáo hội bên đó nhe chú.

Huỳnh Mai

Dưới đây la bài thơ phổ nhạc trong Sấm giảng Thi văn Toàn bộ của Đức Huỳnh Giáo chủ, trang 416:

CHO BÀ NĂM CÒ Ở SÀIGÒN

Ngọn gió thiền môn cuốn bụi hồng,

Lợi danh hai chữ mắt lờ trông.

Nương theo đuốc huệ tầm chơn lý,

Lóng tiếng từ bi diệt dục lòng.

Tỉnh ngộ đã nghe lời Phật thuyết,

Thoát mê suy nghiệm lẽ huyền thâm.

Mau chơn bước đến Long Hoa hội,

Chầu Phật hòa vui cõi Đại Đồng.

Sàigòn, năm 1943

 

 

 

(Thơ của ông T.Q.M. gởi N.H.M.)

Perth, 7-4-96 (9:00 am)

Cô Huỳnh Mai và Chú Tài thương mến,

Tôi đã nhận đủ 3 trang thơ của Cô qua máy fax.

Thật tình tôi vô cùng xúc động, khi nghe Cô kể về giấc mơ kỳ diệu của chị Phương. Tôi thấy như có một sự liên hệ vô cùng thiêng liêng giữa giấc mơ và bài Đạo Ca? Mà lại là một cơ duyên mầu nhiệm là Bà Năm Cò lại là Bà Ngoại nuôi của Cô? Và đặc biệt hơn hết là giấc mơ đến vào thời điểm tháng 12-1995 đúng vào lúc bài Đạo Ca đang thực hiện.

Thú thật với Cô Chú, tôi đã khóc, trong sự rung động của tâm hồn mình, với niềm tin vào các đấng thiêng liêng, của Đức Thầy..., qua sự trình này về giấc mơ của chị Phương do Cô kể lại.

Tôi và gia đình luôn luôn hết lòng tôn kính vào ơn trên và Đức Thầy. Khởi đi từ lúc bắt đầu thực hiện băng Gia Bảo, bao nhiêu sự thử thách phũ phàng đã dồn dập đổ vào tôi!!! Nhưng mầu nhiệm thay, với niềm tin tôi khấn nguyện nếu không "thuận duyên" tôi sẽ dừng lại! Nhưng mọi việc đều trôi chảy! Và khi ra đi... tôi tâm nguyện dù nổi trôi nơi phương trời nào, tôi và gia đình cũng nhứt tâm hướng về đạo pháp nơi quê nhà.

Có nhiều điều không giải thích được, là hình như mỗi sự khó khăn nghiêm trọng nào, cũng thường có "quới nhân" giúp đỡ, hay những điềm lành ứng hiện, giúp tôi thêm nhiều nghị lực?

Như vấn đề bài thơ phổ nhạc..., với giấc mơ mà Cô vừa kể.

Vô cùng cảm tạ Cô và chú Tài đã giúp tôi thêm nghị lực.

Tạm ngừng nơi đây, xin hết lòng cầu nguyện ơn trên và Đức Thầy hộ trì bà Chị và Cô Chú cùng gia đình được vạn sự toàn như ý.

...........

Kính thư (T.G.B. - ký tên)

8-4-96

Tôi mệt mỏi chỗi dậy sau cơn biến chuyển của cơ thể phải chịu đựng vào mỗi dịp lễ Đạo. Hôm qua là ngày 20 tháng hai âm lịch, ngày sinh nhật của tôi. Có nhiều lúc phải dồn dập chịu đựng giữa việc đời việc đạo, tôi tưởng mình không còn đủ sức nữa, nhưng rồi vẫn cứ tiếp tục, vì tôi vẫn là tôi, biết những việc gì mình phải làm, không để cơ thể yếu đuối và đầu óc suy luận của mình trấn áp.

Tôi ăn sáng qua loa, uống thuốc cho đỡ đau. Sau đó lo sang băng phát thanh kỷ niệm Ngày Đức Huỳnh Giáo chủ thọ nạn ở tại Đốc Vàng, băng Mẹ là Quê hương do Thy Lan ở Texas đọc, để gởi cho đồng đạo Huỳnh Minh Châu ở Seattle, một người có lòng lo cho đạo. Đồng lúc tôi phải chuẩn bị video Đản sanh Đức Huỳnh Giáo chủ và báo Đuốc Từ Bi gởi cho đồng đạo Lê Minh Suốt ở Portland. Tôi nhờ Thu chuyển điện tử thư qua Úc châu, Nhật bản về vấn đề can thiệp cho thuyền nhân, và đánh máy tài liệu Anh ngữ về PGHH.

Sáng nay khi sang băng Mẹ là Quê hương, tôi chợt nghĩ là tôi phải viết mười bài về mẹ để ca ngợi Mẹ Việt Nam qua mẹ. Nhiều lúc tôi cảm thấy yếu đuối và thiếu nghị lực khi thấy mẹ càng ngày càng già yếu, bệnh hoạn, hay lo buồn vì con cái, đời sống, Đạo pháp gặp lúc khó khăn, dồn dập chuyện bị phá hoại, chia rẽ, chống đối bởi những người muốn dùng Đạo làm nấc thang danh vọng. Tôi khuyên nhủ mẹ lúc mẹ buồn phiền ngủ không yên giấc. Nhưng không sao giúp mẹ thản nhiên trước chuyện đánh phá được. Tôi phải đầu hàng sự lo buồn của mẹ. Đổi lại, nếu tôi là một tín đồ kỳ cựu thành tín trung kiên, theo Thầy mến Đạo từ thuở mới lớn, cho đến giờ tóc đã bạc phơ, chứng kiến biết bao nhiêu pháp nạn dâu bể, giờ đây lại tiếp tục nhìn thấy các mặt trận đánh phá âm thầm, làm sao mà không khỏi băn khoăn đau lòng.

12:30 giờ trưa - Saddleback College

Tiếng nhạc vọng lại của một ban hòa tấu giữa sân trường đã giữ chân tôi lại. Một cặp sinh viên trẻ đã bước khỏi hàng ghế đặt dài cạnh Trung tâm Dịch vụ Sinh viên (Student Services Center), ra giữa sân nhún nhảy theo điệu nhạc. Anh chàng mặc áo sơ mi vải hoa miền nhiệt đới. Cô nàng gái Á Đông tóc dài, mặc áo nhỏ cột giữa ngực đưa ra khoảng bụng, khoác sơ mi đen dài tay thả nút bên ngoài, quần jeans. Cô mang kính đen che gần nửa mặt, miệng nhai kẹo cao su, nụ cười gắn chặt trên đôi môi sơn màu nâu đen. Bản nhạc Looking at the Sky cuốn tôi vào bầu trời nắng ấm, gió nhẹ hây hây thổi.

Các anh sinh viên Mễ tây cơ chơi nhạc giải thích đây là điệu nhạc Musica-Contemporanea from Indigenas (Nhạc Thời đại biến chế từ Thổ dân), pha trộn giữa Nam Mỹ, Trung Mỹ và Mễ Tây cơ.

Trên sân khấu, anh đánh trống đang say sưa đập vào một cái thùng vuông mà anh đang ngồi trên đó. Anh đến từ Peru, tóc dài dợn sóng, mặc áo thun trắng ngắn tay, còn bẻ thêm lên gần đến nách, quần jeans đen, giày bốt.

Sinh viên vỗ tay theo dồn dập khi ban nhạc chơi bài Columbia. Anh đánh trống rời bỏ chiếc thùng, đánh vào trống lớn, có hai chập chõa dựng hai bên. Tiếng hét vang khi các cô các cậu ra sân từng cặp nhảy nhót. Các cô cậu uốn éo vặn vẹo xoay quanh nhau trong tư thế khiêu khích và vui nhộn. Tiếng huýt sáo vỗ tay vang dậy.

Trên sân khấu, cô ca sĩ Mỹ trắng vừa hát vừa cầm một que nhỏ quẹt lên một khúc gỗ tròn làm thành hình dài như trái bầu. Cô sử dụng khoảng mười nhạc khí khác nhau, cả các loại ống tiêu. Mái tóc cô vàng óng, chải thẳng lên, cột bằng hoa đỏ và vàng. Cô mặc áo đầm đen thêu hoa nhiều màu sắc, cánh tay phồng to. Cô bắt đầu đem ra một cây đàn nhỏ có hình dáng như cây guitar. Bên cạnh là anh nhạc sĩ chơi guitar điện, tóc xoắn, áo sơ mi đen, đến từ Mễ tây cơ.

Hai bên cạnh tôi, các anh sinh viên Mễ vỗ tay dồn dập, nghiêng qua nghiêng lại, thúc vào bàn tay tôi đang viết, bảo tôi cũng phải vỗ tay và nghiêng theo điệu nhạc giống như họ đang làm. Tôi phải ngưng viết, kẹp cây viết vào ngón tay, để vỗ tay theo cho các anh vừa lòng.

Bản nhạc kế tiếp do một anh chàng đến từ Columbia, buộc túm mái tóc dài phía sau gáy, áo trắng dài tay, cổ treo lủng lẳng ba loại nhạc khí làm bằng ống tre. Bên cạnh anh treo nhiều loại nhạc cụ kim loại tròn nho nhỏ cột thành từng chùm để anh cầm rung theo điệu nhạc. Trước mặt anh, trên bàn, có khoảng hai mươi nhạc cụ khác nhau để tạo thành các âm thanh khác nhau, như tiếng chim kêu, vượn hú, hay nước chảy, tiếng lá xào xạc trong rừng.

Anh chơi guitar thứ nhì râu dầy che khuất miệng, áo sơ mi sọc xám, quần jeans trắng ngồi cạnh anh, lên tiếng hỏi khán giả, mọi người từ đâu đến. Khi anh hỏi, có ai đến từ Riverside không, mọi người cười rần lên; vì cách đây vài hôm, truyền hình loan tin cảnh sát Mỹ đánh đập tàn nhẫn mấy người chạy từ Mễ qua ngõ này.

Anh Columbia tóc dài đưa ống tiêu lớn lên miệng, bắt đầu thổi bài Cana-Brava, mọi người im lặng lắng nghe. Tiếng tiêu êm ái đưa mọi người vào sự dịu êm, nhẹ nhàng. Rồi cô Mỹ đánh trống lên; anh Argentina xuống ngồi lên thùng trống, khảy thật nhanh lên cây đàn bé tí thùng đàn bằng hai bàn tay hình dáng như cây guitar.

Trong những lúc mọi người quay cuồng, cuốn hút theo điệu nhạc, nhảy nhót, reo hò, tim tôi mấy lần chợt đau thắt. Tôi nghĩ về dòng sông êm đềm của làng Hòa Hảo.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880