Những ngày vui tại Đông Kinh

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30695)
Những ngày vui tại Đông Kinh

16-11-95

Nếu Yoshinori và cô bạn gái Akiko mà chỉ hiểu có 50% khi xem kịch kabuki thì làm sao tôi hiểu nổi. Tôi chỉ nghe lõm bõm có vài chữ. Yoshinori bảo các kịch sĩ này dùng toàn từ ngữ cổ xưa nên khó hiểu quá. Kabuki gần giống như hát bội của Việt Nam. Họ vừa múa vừa nói, nhưng họ nói rất nhiều, cả năm, mười phút tỉ tê, trong khi đó vở kịch chỉ dài có một giờ.

Yoshinori chạy ra ngoài nửa chừng để đi tìm tờ chương trình. Anh định đọc xong sẽ giải thích cho tôi nghe. Akiko thì bảo nếu đi một mình chắc cô sẽ khóc vì câu chuyện buồn quá. Tôi thì chỉ muốn xem múa, nhưng vì chúng tôi lo đi thành vua chụp hình, nên phải xem nhằm xuất kịch nói này. Chúng tôi xem ở lầu bốn chỉ mất có 9 mỹ kim cho một người. Nếu ngồi dưới đất, gần sân khấu, mà lại xem luôn ba vở kịch, thì phải trả đến 140 mỹ kim.

Rạp hát ở khu phố nhà giàu Ginza. Yoshinori bảo chỗ này là nơi các bà nội trợ giàu sang đi mua sắm. Anh không thích, và cho rằng mình thuộc giới trung lưu hoặc thấp hơn.
Ngoài đường phố, người ta đi nườm nượp, ăn mặc sang trọng. Các bà các cô Nhật cao ráo, mặc áo choàng len đắt tiền, tay xách toàn các chiếc ví mua ở các hiệu sang trọng nổi tiếng như Wako, Mitsukoshi, Matsuzakaya - có thể so sánh với Macy, Bullock hoặc Nordstrom bên California.

Riêng tôi, khi hai người bạn Nhật bản mới quen đưa tôi vào Matsukoshi, tôi nhận thấy nơi đây cách trưng bày trông sang trọng và thanh lịch hơn cửa hàng của người Hoa kỳ. Chưa bao giờ tôi thấy các nơi sang và đẹp như vậy, mà toàn là phụ nữ Á Đông. Tôi thích nhất nơi bán son phấn, trông lạ mắt, vì các cô đứng bán các loại mỹ phẩm đắt tiền toàn là người Á Đông, ăn mặc đồng phục và đang đánh mắt vẽ môi cho các cô cũng Á Đông. Tôi quen nhìn các cô Mỹ tóc vàng làm chuyện này cho mọi người bên Mỹ. Lòng tôi chợt vui vui, khi mơ tưởng rằng, một ngày nào đó, Việt Nam cũng sẽ như vậy.

17-11-95

Khi tôi ném đồng xu vào một khuôn sắt nghe leng keng, cúi đầu hai lần, vỗ tay hai lần, rồi lại cúi đầu, thì cùng lúc một vị sư Nhật đánh trống bắt đầu buổi lễ. Một bà Pháp đi cùng nhóm cởi giày bước lên chánh điện. Tôi bắt chước ngay. Một vị sư khác mau mau chạy lại yêu cầu chúng tôi trở ra. Chúng tôi cứ lờ đi cùng chấp tay cúi đầu.

Vị sư Nhật mặc lễ phục, đội nón vải rộng vành, đang chấp tay đứng trước chánh điện đọc bài cầu nguyện cho một vài khách Nhật đi với mấy đứa trẻ nít.

Không khí thiêng liêng. Cũng như lúc ném đồng xu bên ngoài, tôi cầu nguyện cho đất nước Việt Nam và cho gia đình. Đây là Fuji Sengen jinja, đền thờ của Thần đạo Shinto Nhật bản, nơi thờ vị nữ thần Konohanasakuya-hime no Mikoto. Đền thờ đã được xây cất 400 năm về trước, nằm dưới chân núi Phú Sĩ.

Bà Nobuko, người dẫn đường, cho biết người Nhật có 80% theo Phật giáo và 20% theo đạo Shinto thờ phượng Thiên Nhiên. Nhiều người tin theo cả hai. Tại Nhật có khoảng 8.000 nam thần và nữ thần. Bà bảo mỗi năm tuyết rơi trong hai tháng. Chúng tôi chỉ được viếng hai trong năm hồ quanh chân núi Phú Sĩ, là hồ Sagami, Kawaguchi Yamanaka (Hồ Bán nguyệt). Hồ sau rộng khoảng 6 cây số vuông, có nhiều cá lóc (mud fish) và cá lòng tong nhỏ (smelt). Quanh hồ có nhiều cây hồng gọi là kaki, lê gọi là yamanasho (yama là núi), nho, đào. Nơi này còn nuôi tằm dệt tơ, làm rượu nho, và làm nữ trang bằng các loại đá quý.

Tại chùa Fuji Peace Pagoda, tôi cũng gióng chuông và cầu nguyện chư Phật phù hộ cho Việt Nam mau được tự do dân chủ và người dân Việt chóng được sống đời hạnh phúc an lành như người Nhật.

Chùa này cao 47.5 mét, và chu vi 45 mét vuông. Nơi đây có thờ Xá lợi Phật trên một tháp cao màu trắng thỉnh từ Ấn độ về. Xá lợi Phật này trước đây được giữ trong bảo tàng viện ở New Dehli như bảo vật quốc gia, và Thủ tướng Ấn độ Nehru đã trao tặng cho Nhật bản để tạo dựng hòa bình. Chùa phát cho mọi người các lời dạy của đức Phật: “Tất cả mọi người đều là con ruột của ta. Tất cả, không phân biệt, đều được sống trong hòa bình, hạnh phúc”.

Sau khi đi bằng tàu một vòng trên hồ Ashi, chúng tôi được đi lên núi Hakone bằng thang treo. Trên đỉnh núi nhìn xuống, thấy quanh vùng núi Phú Sĩ như một cảnh tiên. Từ đó có thể nhìn qua núi Phú Sĩ phủ tuyết trắng. Nơi đây cũng có một đền thờ Shinto dựng trên một chóp núi cheo leo thật đẹp đẽ yên tịnh, chung quanh có mây trắng bay, khiến tôi chợt nhớ đến núi Tà lơn bên Cao miên.

Quanh khu này có nhiều suối nước nóng, người Nhật thường tắm suối trị bệnh đau nhức khớp xương. Từ các suối nước nóng hơi bốc lên như những cuộn khói trắng.

18-11-95

Người con gái tuổi độ sáu mươi, gầy gò, da ngăm, tóc ngắn, hai gò má cao, lăng xăng chăm chú bận rộn chung quanh bà mẹ già trên tám mươi. Bà mẹ người mập mạp, lưng còng, ngực và bụng thõng xuống, ngồi xếp trên hai đùi. Bà con xát xà phòng vào chiếc khăn xong dùng hai tay xoa chà chiếc khăn lên lưng lên tay chân mẹ, rồi dội nhiều gáo nước cho sạch.
Chúng tôi đang ở trong Sento hay Ofuro, nhà tắm công cộng tại Nhật bản. Nhà của Chi, em Hà, ở giữa chung cư có nhiều căn san sát nhau giống như khu Bàn Cờ ở Sàigòn. Nhà ở đây có lẽ còn bé hơn nữa. Tokyo rất thiếu đất. Có nhiều nhà không có nhà tắm, nên người ta đến tắm ở các nhà tắm công cộng mỗi ngày, và mỗi lần chỉ tốn 4 mỹ kim.

Nhà tắm này thuộc loại nhỏ. Trước cửa chia ra hai bên, một bên đàn ông, một bên đàn bà. Trên vách có nhiều hộc tủ nhỏ đựng giày dép. Bước vào trong, trên cao, có bà chủ ngồi thu tiền. Ngồi đâu lưng với bà là ông chồng nhìn qua phía đàn ông. Ngồi trên cao bà có thể kiểm soát từ phòng thay đồ đến phòng tắm có ngăn bằng cửa kiếng.

Sau khi trả tiền xong, mọi người bỏ quần áo vào hộc tủ có khóa trên vách hoặc bỏ vào cái thúng bằng tre, rồi cầm xà phòng và các vật dụng để tắm như bàn chải, đá mài chân, khăn vân vân... xong mới bước vào phòng tắm.

Hai bên nhà tắm có đặt vòi nước dài dài và các bà các cô ngồi xếp lên chân mà tắm rửa kỳ cọ. Phía thấp có hai vòi nước một nóng một lạnh. Mỗi người lấy một cái thau hứng nước tắm. Phía trên có một gương sen nước nóng để gội đầu. Các bà tắm kỹ ơi là kỹ, chà xát xà phòng trắng xóa cả người. Sau khi tắm thật sạch, họ mới bước vào bồn nước sôi sục 45 độ C phía cuối phòng.

Hai chị em chúng tôi trở về căn phòng nhỏ như nhà búp bê của Chi, tôi ngồi gọt trái cây trong khi Chi nấu ăn. Tôi bắt đầu quen mắt và thấy căn phòng rộng ra hơn lúc tôi mới đến. Chi bảo phòng chỉ 12 thước vuông, kể cả bao lơn đặt chậu hoa hồng và nơi phơi quần áo.
Tất cả đồ đạc trong phòng đều nhỏ tí xíu, từ tivi, bàn kê, sóng chén, bếp lò vân vân... đều bé bé xinh xinh. Vậy mà vẫn còn dư chỗ cho nhà tắm có cầu vệ sinh lẫn bồn nước nóng.
Hôm nay thứ bảy, Chi được nghỉ nên dắt tôi đến vườn ngự uyển Shinjukugyoen ngắm cảnh. Nơi đây vào mùa xuân anh đào nở đầy hoa, nhưng vào cuối thu trời giá lạnh, từng đôi thanh niên nam nữ ra ngồi hong nắng chuyện trò, hoặc trải tấm ny lông ra nằm ngủ trên thảm cỏ, có lẽ vì nhà chật chội.

Sau đó, chúng tôi đến Harẵuku, nơi có nhiều thanh niên nam nữ theo đợt sóng mới đến ca hát, nhảy múa ngoài đường vào những ngày cuối tuần. Gần nhà ga có nhiều sạp bán hình tài tử, áo quần loại bụi đời hippy kiểu Mỹ.

Cuối cùng, Chi dắt tôi về căn phòng nhỏ giá thuê mỗi tháng đến 600 mỹ kim ở Magomé, để xem nơi sống của một cô gái Việt độc thân tại Nhật bản. Tại đây, giới trẻ hiện nay theo lối sống Tây phương, đến tuổi mười tám là bắt đầu dọn ra ở tự do tự lập một mình.

21-11-95

Trước khi đưa tôi lên phi trường Narita của Tokyo, ông Wake đã đưa tôi đi một vòng chợ cá. Ông mua cho Tài năm gói cá khô ướp mè và nước tương. Ông bảo ăn cái này tốt cho sức khỏe lắm vì nó có xương. Tôi kể bạn tôi bảo người Nhật không thích uống thuốc. Thay vì uống calcium thì bác sĩ khuyên họ ăn tôm tép hoặc cá nhỏ có xương hoặc uống sữa cho tốt. Người Nhật có sức khỏe và sống lâu, xương rắn chắc, tóc tốt và đen, là nhờ ăn rong biển. Ông cũng mua cho tôi mấy gói sà lách rong biển, chỉ đổ nước vào là vài phút sau có thể ăn được với nước sốt chua.

Ông dắt tôi đi một vòng chợ cá. Có đủ loại cá khô và rong biển khô. Chợ rất sạch sẽ và ngăn nấp, cho dù bán cá tôm hơi có mùi. Chợ bắt đầu dọn dẹp vì đã 2:00 giờ trưa, và nhóm vào lúc 5:00 giờ sáng.

Ông đưa tôi đến trạm xe buýt của phi trường. May quá họ nhận hai va li nhỏ của tôi và một thùng giấy đựng thức ăn Nhật, các đồ dùng nho nhỏ bằng mũ rất dễ thương, và các món quà. Kỳ sau nếu có đi xa, thay vì mang hai va li nhỏ, tôi sẽ mang một va li vừa vừa và một thùng giấy quà cáp để khi nào có muốn mua thêm đồ, tôi chỉ cần thay đổi thành thùng lớn, vì các hãng máy bay thường chỉ nhận có hai món hành lý. Ông Wake nói nhờ tôi là người ngoại quốc chớ người Nhật thì không được.

21-11-95

Trên máy bay Japan Airline từ Narita, Tokyo trở về Los Angeles, California.
Trong khi tôi mải miết với đời sống thú vị của người Thái rồi người Nhật, thì thế giới Tây phương có nhiều thay đổi. Khi nãy trên truyền hình của máy bay có chiếu buổi phỏng vấn Công nương Diana trên đài Panorama của BBC London.

Đây là lần đầu tiên Công nương Diana lên tiếng rằng bà đã biết từ lâu cuộc tình của Thái tử Charles cùng Camilla Parker Bowles. Bà cũng tỏ thật là đã từng yêu anh chàng sĩ quan kỵ mã James Hewitt. Diana nói không muốn ly dị vì hai đứa con trai, William, 13 tuổi, và Harry, 11 tuổi. Bà cũng thú nhận chứng bệnh nôn mửa sau khi ăn vì ăn kiêng và bị khủng hoảng tinh thần do sự rạn nứt của hôn nhân.

Trên tờ Asahi Evening News ngày 21-11-95, có bài tường thuật về vụ anh sinh viên tên Amir ra tòa về tội bắn chết Thủ tướng Do thái Yitzhak Rabin. Lúc Rabin đang được chôn cất tại Jerusalem, thì anh này tuyên bố trước tòa: “Tôi làm như vậy để ngăn chặn diễn tiến hòa bình. Đó là diễn tiến của một cuộc chiến tranh.”

Anh bắt đầu tham gia vào các cuộc tranh đấu chống chính quyền sau khi Do thái ký kết thỏa ước hòa bình cùng Mặt trận Giải phóng Palestine PLO vào tháng 9-1993, với cái bắt tay lịch sử của Thủ tướng Do thái Yitzhak Rabin và Chủ tịch PLO Yasser Arafat, hy vọng mang lại hòa bình cho Trung Đông sau nhiều năm giao chiến.

Nơi trang nhất của tờ báo có bức ảnh thật lớn của Tổng thống Ba lan Aleksander Kwasniewski, đang ngồi sửa bài diễn văn đầu tiên mà ông sắp đọc trên truyền hình sau khi đắc cử. Ông mới 41 tuổi và là cựu đảng viên cộng sản Ba lan.

Nửa trang dưới có bài viết về người hùng Lech Walesa, cựu Tổng thống Ba lan, tuyên bố sau khi thất cử. Ông nói sẽ còn rất nhiều năng lực và điệu vũ tango sẽ bắt đầu ngay. Ý ông muốn cho biết đã bắt đầu vận động chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 1997.

Trên trang nhất của tờ Herald International Tribune cùng ngày, có đăng hình của Tổng thống Alexander Kwasniewski cùng vợ là Jolata, đang chào mừng quần chúng tại Warsaw. Ký giả Christine Spolar nói là cựu Tổng thống Lech Walesa đã tính sai nước cờ về sự tiến triển quá nhanh chóng của Ba lan sau sáu năm cộng sản sụp đổ. Người dân chán các khủng hoảng chính trị kinh tế, và về mười lăm năm thành quả chính trị của cá nhân và phe nhóm ông, Công đoàn Đoàn kết. Trong khi đó thì ông Alexander Kwasniewski nhìn thấy sức mạnh của sự đoàn kết nên kết hợp nhiều nhóm, đi công du nhiều nơi, và lắng nghe nguyện vọng của cử tri.

Chủ nhiệm báo Nowas Europa, chuyên về kinh tế ở Warsaw, ông Andreij Krzystof Wroblewski, viết rằng, “Khi nói về quá khứ ở Ba lan, chúng ta nên biết chắc là đang nói về giai đoạn nào. Đối với phần lớn dân Ba lan, quá khứ không phải trước 1989, mà đó là khoảng thời gian trước 1995. Họ đánh giá là có bao nhiêu việc được hoàn tất trong thời gian này”.

12:00 AM Japan - 7:00 AM California.
Tôi vẫn đang ở trên chín tầng mây. Trời còn mờ tối. Mọi người đều ngủ chỉ trừ tôi ít khi ngủ lúc ở trên máy bay. Nửa giờ nữa chúng tôi “ăn sáng”.

Trên bìa báo Times ra hôm qua đề ngày 20-11-95, có hình ông Daisaku Ikeda với tựa đề Quyền lực của Soka Gakkai. Ký giả Edward W. Desmond ở Tokyo cho biết, hiện nay, giáo phái Phật giáo này rất mạnh, nhất là tại Nhật bản. Họ có khoảng 8 triệu tín đồ và khoảng 100 tỷ mỹ kim. Đảng Komeito của họ rất mạnh trong Quốc hội Nhật bản.

Hôm 1-11-95, bà Akiko Asaki, 50 tuổi, dân biểu Quốc hội ở Higashi Murayama, một thành phố thuộc phía Tây Tokyo, đã nhảy lầu tự tử chết.

Hiện nay, người ta cho là bà bị áp lực của tổ chức Soka Gakkai (có nghĩa là Tập thể tạo Giá trị - Value-Creating Society). Bà Asaki từng cho rằng Soka Gakkai trở nên quá mạnh. Bà đã từng giúp cho những người trước kia theo giáo phái này và bị đe dọa, từ bỏ nó. Bà thường bị đe dọa trong thời gian gần đây bằng điện thoại. Hiện có một số nghị sĩ đang đưa vấn đề này lên Thượng viện. Đây là đề tài điều trần được xem như rất phức tạp có chiều hướng liên kết giữa tôn giáo và chính trị.

Bài báo cũng nhắc đến ông đạo Shoko Asahara, giáo chủ tôn phái Aum Shinrikyo, sắp bị ra tòa xử án về vụ ra lệnh tấn công dân chúng bằng độc chất hóa học sarin, khiến cho 11 người bị thương vong tại đường xe lửa điện ngầm ở Tokyo, cách đây ít lâu.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880