4-11-95 tại Chùa Hoàng gia
Tiếng hô vang dội đòi tự do dân chủ từ ngoài đường vọng đến tận chùa từ buổi chiều, của hàng ngàn học sinh sinh viên Thái lan biểu tình phản đối. Tiếng la hét chạy đuổi, tiếng ném đá vào khiêng của cảnh sát đến đàn áp rào rào... Tôi cố nhắm mắt mà không tài nào ngủ được nên tung chăn dậy bước ra ngoài.
Cũng may đó chỉ là một màn xuống đường... giả đóng một đoạn phim Thái lan diễn tả cảnh các thanh niên nam nữ Thái chống đối bạo quyền thời Nhật chiếm đóng Thái lan. Cảnh tượng thật sống động, quy tụ cả ngàn sinh viên học sinh - mỗi người được phát cho 250 baht, tức 10 mỹ kim. Một cô Thái trong đoàn quay phim cho biết cuốn phim mang tên “Vào tháng 10 năm 2516”. Họ quay từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Tội nghiệp quý thầy chắc cả đêm không ai ngủ được.
Từ lúc chúng tôi ở trại Sikiew quay về, đã chứng kiến cảnh xuống đường sôi động này. Lòng chúng tôi cũng đang xúc động vì chuyến tiếp xúc cùng đồng bào trong trại Sikiew, nên ra ngoài xem. Thầy Minh Mẫn, Phong và tôi chụp ảnh đoàn biểu tình giả. Họ diễn xuất như thật. Phong bảo họ được thực tập đó. Chuyện biểu tình ở Thái lan khá thường xuyên. Tôi nói cùng thầy, họ đóng phim nhưng đã đặt vào đầu ý tưởng và hành động đó, lúc nào cần họ sẽ làm thật. Phong lại nghĩ đến Sàigòn, và cầu mong lúc về thăm Sàigòn sẽ được chứng kiến cảnh tương tự như tối hôm nay.
5-11-95
Đến 6:30 giờ sáng, quý thầy đi khất thực lần thứ nhì để mang thức ăn về cho chúng tôi dùng, vì chùa không có nấu nướng.
Tôi cũng không ngủ được nên ra xem họ quay phim. Đoàn quay dời nhiều chỗ trên con đường cạnh chùa. Tôi thấy được anh tài tử chánh của phim Ku Cam Part two. Anh này thủ vai con một thanh niên Nhật yêu một thiếu nữ Thái trong phần một; và phần hai là chuyện tình yêu của đứa con mang hai dòng máu Thái-Nhật. Đoạn phim đang quay là thời gian thanh niên biểu tình chống ông thủ tướng Thái lan tham nhũng. Họ quay đoạn cuối anh thanh niên Thái-Nhật đang đi giữa đám biểu tình, nét mặt buồn bã, ngơ ngác nhìn quanh không biết có phải đi tìm người yêu hay không.
Sau nhiều lần quay cảnh này, đạo diễn cho hay đã hoàn tất. Trên một ngàn người, kể cả các nhân viên, đều vỗ tay và mừng rỡ chạy tứ phía. Hơn mười tiếng đồng hồ hô hào chạy tới chạy lui, các em trông mệt mỏi dã dượi, áo quần xốc xếch tung hết ra ngoài. Một số nữ tài tử có tuổi coi bộ đi hết muốn nổi. Nhiều phụ huynh theo yểm trợ cho con em phải ngủ bên lề đường. Các xe bán hàng rong đủ thứ, khô mực, bánh bao, thịt xâu, bánh mì, trái cây, nước dừa, nước mía đứng quanh đó suốt sáng, vội vã đẩy xe ra đường đến gần. Các em tụ đến mua. Các thứ quà vặt đó vào khoảng từ 10 đến 15 baht. Nếu em nào ăn sang hơn thì mì hoặc hủ tiếu khoảng 35 baht, giá bằng 1/3 tại miền Nam Cali.
Mấy lần tôi mở cổng chùa bước ra xem quay phim vì ồn không ngủ nghỉ được, có những đoạn cảnh sát mang mặt nạ chỉa súng, ném lựu đạn cay vân vân... đến khi tôi vào nằm trở lại cố dỗ giấc ngủ thì lại nhớ đến cảnh trong trại tị nạn và các cuộc đàn áp người khao khát tự do. Nước mắt cứ ràn rụa chảy ra. Các cảnh tượng chập chồng lên nhau. Tôi thương xót ai đây? Đồng bào tị nạn hay dân tộc Việt Nam của tôi?
Hình ảnh các em bé giơ cánh tay gầy guộc qua hàng rào kẽm gai xin kẹo bánh lúc phát quà; các bàn tay bé bỏng ấm áp vơ níu lấy tay tôi một cách vừa chào đón thân tình lại vừa kêu cầu vô vọng. Trời ơi cả một thế hệ trẻ em không được chăm lo săn sóc, nhất là về giáo dục, trong suốt cả hai mươi năm qua, và lâu hơn về trước. Giới trẻ được ưu đãi nhất của giai cấp xã hội mới - con em của các cán bộ lãnh đạo - họ có ý thức và hiểu biết gì về việc làm sai lầm của cha ông, cố bấu víu vào địa vị danh vọng hiện tại. Có nhiều người bắt đầu được gởi đi nước ngoài du học, kể cả các nước tự do dân chủ. Họ có thức tỉnh chăng, có lòng muốn học hỏi cầu tiến để phục vụ quốc gia dân tộc chăng, hay chỉ học đòi các tấm gương hoen ố cũ, đem chút khôn ngoan hiểu biết mới của mình để phục vụ cho quyền lợi cá nhân hay đảng phái?
Tôi không sao quên được những cái siết tay cùng các trẻ em lúc cổng tại Sikiew vừa mở ra. Càng đi vào sâu, tôi và Phong càng siết chặt các bàn tay nhỏ bé. Thấy tôi ràn rụa nước mắt, Phong cũng quay đi tìm khăn lau vội. Khi phát quà, chúng tôi đến ngồi chung với họ. Có nhiều điều muốn hỏi muốn nói, nhưng không nói nên lời. Công an vây quanh, sẵn sàng đẩy họ đi nếu có nói. Mà nếu có nói thì chúng tôi cũng làm gì được cho họ, có làm vơi bớt chăng hay chỉ sâu đậm hơn nỗi niềm cay đắng.
Khi tôi đến hội quán trong trại thắp nén hương khấn nguyện cho đồng bào và đồng đạo trong hoàn cảnh khắc nghiệt, tôi đã làm được điều mình hằng ao ước. Nhưng không biết nên buồn hay vui. Anh Huỳnh Minh Châu ở Seattle nói với tôi là anh Lê Văn Nho trong trại thật sự có tham gia kháng chiến, và khi trở về sẽ rất nguy hiểm; nhưng tôi làm được gì đây? Cả đồng đạo Nguyễn Tấn Lợi người của hội quán bị nhốt trong khu trừng giới; khi được ra gặp và bắt tay chúng tôi, hai tay run rẩy lạnh ngắt, người xanh xao trắng bệt như không còn máu. Vậy mà Lợi tươi cười bảo chúng tôi là đang dự định mở lớp giáo lý trong trại. Tôi thấy Lợi và nhiều anh em khác trong trại giam quả thật can đảm và hữu hiệu hơn chúng tôi ở ngoài chốn tự do...