52. NGƯỜI HÀNH ĐẠO NHẬN TRÁCH NHIỆM

23 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 70470)
52. NGƯỜI HÀNH ĐẠO NHẬN TRÁCH NHIỆM

 

16-11-09 – 11:30 giờ trưa

 

Làm việc đạo là làm việc với cái tâm từ bi và sáng suốt không dựa vào thời gian và không bị thôi thúc bởi thời gian.

 

Khi nội tâm trong sáng và từ bi, ta sẽ không bị thôi thúc bởi lý do nội tại và ngoại lai, ta phải dừng lại để suy xét, suy nghiệm lại chính mình.

 

Vì sao ta bị nội tại thôi thúc? Có phải vì ta còn muốn điều này điều kia cho bản thân mình, gia đình, phe nhóm? Tham vọng, ước muốn cá nhân chăng?

 

Còn nếu ta bị lý do ngoại tại thôi thúc thì có phải ta còn bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, của thời cơ, của lợi ích nhằm chụp lấy thời cơ tưởng đã đến, đã chín muồi nên mau mau nắm lấy cơ hội?


Làm việc đạo mà còn bị ảnh hưởng hay bị thúc đẩy bởi bất cứ một lý do nội hay ngoại tại nào thì ta sẽ thất bại, còn nếu thành công thì đó không còn là việc đạo, mà trở nên việc đời.

 

Có biết bao người ở vị trí tu hành làm việc đạo, việc liên hệ đến tôn giáo, đã thành công hoặc thất bại lại trở nên một con buôn chánh trị hoặc tôn giáo, chỉ vì lỡ bước vào những sự xoay vần của nhân cơ nên vấp phải những thời điểm mà người ta gọi là thời cơ, để rồi biến thể cuộc đời hành đạo của mình trở nên một sự hụt hẩng.

 

Trên con đường đạo ta cần vô cùng thận trọng và nghiêm túc với chính mình. Nhất là không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng.

 

Mỗi một bước đi và một việc làm ta đều cho đó là một sự thực tập và cứ như thế ta nên thực tập mãi cho đến khi rời khỏi trần gian. Ta cần gạt bỏ các chữ lãnh tụ, lãnh đạo, giáo chủ, hay bất cứ một danh từ đạo đức nào do người gán cho ta hay ta tự gán vào mình.

 

Chức vụ, áo mão, về tâm linh cũng như tôn giáo, là một cái gì vô cùng bí ẩn mà khi tròng vào sẽ trở nên một vòng kim cô, có khi ta phải đáo đi đáo lại cõi ta bà này mà vẫn không gỡ được. Chức càng cao, mão càng đẹp thì nhân quả càng sâu dầy nếu ta đi không đúng đường, hay nếu ta nghịch đạo dù ta không biết vì vô minh, hay người không biết vì bị ta mà mắc phải con đường sai lầm, lạc đạo. Nhưng luật nhân quả dính liền trong trí tưởng, hành động và hơi thở của ta.

 

Muốn đi cho trọn con đường đạo ta cần tẩy rửa sạch sẽ từ nội tâm cho đến ngoại cảnh. Ta cần buông bỏ mọi vướng mắc của tâm trần tục chứa lâu đời do thương ghét, sân hận của ta.

 

Ta cần tẩy rửa hình bóng nội tâm do ta hay người tạo ra lẫn cái hình dáng trần tục đi song hành với nó. Cả hai hỗ trợ lẫn nhau. Cái “hình dáng” mà ta thấy sẽ bớt sai lầm, bớt cao ngạo, bớt làm dáng, bớt tự cao tự đại, bớt nóng giận, vân vân... nếu cái “con người nội tâm” được cải sửa để trở nên sạch sẽ, tinh khiết.

 

Đức Thầy đã dạy, trên con đường đạo nếu ta đi đúng thì sống, mà đi sai thì chết, có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng ví như sự sống và chết.

 

Con đường đạo vô cùng hệ trọng, chỉ có đúng hoặc sai, ta không thể biện luận cho lý do sai lầm. Ta không thể bào chữa cho việc ta làm. Ta không thể đổ cho người này hay người khác.

 

 

Người hành đạo phải mạnh dạn thấy rõ, và nhận lãnh trách nhiện của sự sai lầm của mình.

 

 

Ghi chú: Nhân vấn đề chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng, Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880