26-3-09 – 11:30 giờ khuya
Vì sao có rất nhiều lần khi khởi sự làm, khởi sự nói một điều gì mà biết trước sẽ gặp phản ứng không thuận, sẽ gặp khó khăn trở ngại nhưng vẫn làm, vẫn nói?
Nguồn gốc của sự quyết định đó?
Lời nói, hành động phát xuất từ tâm chân thật nên quyết định làm, quyết định nói, vì cho rằng lời nói và việc làm mình có ích cho người.
Có phải lời nói và việc làm không đúng người, đúng chỗ chăng?
Sự nhạy bén, tín hiệu (signal) phát xuất đồng điệu với lời nói hay việc làm cùng lúc nên mình không ngưng được.
Vậy thì lúc nhận tín hiệu (signal) báo trước một việc gì không tốt hay trở ngại sẽ xảy đến nếu ta nói và hành thì ta phải làm sao để tránh?
Làm sao để có khả năng nhận tín hiệu trước khi nói hay hành? Đó là một vấn đề tuy khó khăn nhưng không thể không có khả năng được. Người tu phải sáng suốt trước khi phát xuất lời nói và hành động.
Ta cần nhận diện ngay sự khởi xướng của ý trong bộ não. Nắm bắt được ý của mình và có khả năng quán sát người đối diện hay nhiều người trong cảnh ngộ mà ta đang liên hệ. Phải có đủ trí tuệ và sự nhạy bén để biết người biết ta một cách đồng bộ. Phải bắt được ý người, bản chất, nguồn gốc, hoàn cảnh của họ. Nếu không lời nói của ta chẳng những không giúp được họ mà còn phản ứng ngược lại, đôi khi có hại cho ta.
Điều này cũng nằm trong lời dạy của Đức Thầy “Tùy phong hóa dân sanh phù hạp.”
Lời nói của Ngài có thể áp dụng từ trình độ thấp cho đến trình độ cao ở mọi hoàn cảnh. Nghe thì dễ mà hành rất khó. Phải có đủ tâm lực và nghị lực cộng với dũng khí thì mới hành được, để tránh tự hại trên bước đường hành đạo giúp đời, giúp quốc gia dân tộc.
Nhận ngay được tín hiệu là do sự nhạy bén của tánh linh, báo trước cho ta sự việc xảy ra nếu ta nói hay làm một việc gì.
Ta không làm không nói những điều ta đã định không có nghĩa là ta không làm không nói, nhưng ta nói ta làm như thế nào mà đạt được kết quả tốt cho tha nhân, mà không gây xáo trộn, gay cấn, phản ứng xấu. Vì cái phản ứng ngược sẽ làm người đối diện đóng ngay cánh cửa tâm của họ lại, và ta không còn cơ hội giúp họ.
Nếu muốn giúp người giúp đời, ta phải kiên nhẫn, phải có khả năng khai triển phương tiện thiện xảo, áp dụng nhiều phương thức phù hạp cho người và cảnh mà ta cần làm việc cho lợi ích chung.
Tu tập hành đạo không phải chỉ lựa những con đường rộng rãi thênh thang suông sẻ mà đi, vì các con đường đó, hay những người hạnh phúc giàu sang, nệm ấm chăn êm không cần đến ta.
Nếu thật sự ta có tâm nguyện giúp đời, giúp đạo, giúp dân tộc, ta phải gõ cửa những tấm lòng sắt đá, khép kín, những chiếc cổng nặng ngàn cân đang khóa chặt.
Ta có đủ năng lực để mở những trái tim, những cánh cửa đóng chặt chăng?
Câu hỏi cần sự tận tụy hết lòng.