Phật Giáo Hòa Hảo

30 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 48390)
Phật Giáo Hòa Hảo
  • PHẬT GIÁO HÒA HẢO

I- Vị Trí Địa Dư:

 Đạo Phật giáo Hòa Hảo được khai sáng tại làng Hòa Hảo, quận Tân châu, tỉnh Châu đốc, Việt Nam, và từ đó phát triển bành trướng ở miền tây nam Việt, nhứt là tại 15 tỉnh sau đây: Châu đốc, An giang, Sa đéc, Kiến phong, Vĩnh long, Phong dinh, Chương thiện, Kiên giang, Ba xuyên, Bạc liêu, An xuyên, Định tường, Long an, Kiến hòa, Kiến tường, và thủ đô Sàigòn-Gia định. Đặc biệt đây là những tỉnh đồng bằng thuộc châu thổ sông Cửu Long, giáp nước Cao miên, được mệnh danh là vựa lúa của Việt nam.

 

II- Nguồn Gốc:

 Ngoài sự kiện kinh tế trên đây, vùng này còn có một số dải núi mà nhiều văn kiện lịch sử, xưa nay đã lưu truyền rằng tại đó chứa đựng nhiều điều huyền bí ly kỳ, nhứt là dải Bảy núi Thất sơn tại biên giới tỉnh Châu đốc giáp xứ Cao Miên.

 

Những điều huyền bí đó lưu truyền trong sách vở đến nay chưa ai cắt nghĩa được, ngoài sự kiện cụ thể là chính tại vùng Thất sơn này đã phát xuất, từ năm 1849 một vị Phật Sống tức Đức Phật Thầy Tây An, người sáng lập tông phái Bửu sơn Kỳ hương, và sau này vào năm 1939, cũng một vị Phật sống khác là Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, tiếp nối truyền thống Bửu sơn Kỳ hương mà khai sáng mối đạo Phật giáo Hòa Hảo, cũng tại một địa điểm gần dải Thất sơn.

 

Do đó, tuy là Phật giáo Hòa Hảo mới ra đời từ 1939 đến nay, nhưng đã có nguồn gốc tông phái Bửu sơn Kỳ hương từ 1849, tức là trên một trăm năm nay. Bửu Sơn Kỳ Hương không có hệ thống tổ chức giáo hội như các tôn giáo Tây phương. Do đó những người kế truyền lãnh đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã không được đề cử, thăng cấp, bổ nhậm theo các thủ tục của một giáo hội, hay được trao truyền y bát theo truyền thống Tổ Tổ lưu truyền của Phật giáo Trung Hoa.

 

 Các vị kế truyền trong hàng lãnh đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đều đã tự nhiên xuất hiện như một bực siêu phàm đắc đạo và được tín đồ tôn sùng như một vị giáo chủ. Hoặc là những vị đã trung kiên hành đạo, sáng suốt lãnh đạo quần chúng, nên được tín đồ cảm phục tin tưởng mà theo.

 

Có thể phân biệt ra hai dòng truyền thừa:

1. Lãnh đạo tinh thần với tư cách Giáo chủ kế truyền của Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

2. Lãnh đạo thế tục, là các cao đồ hay đại đệ tử của Phật Thầy Tây An.

 

Trong phần này chúng tôi muốn nói đến hàng Giáo chủ kế truyền gồm các vị mà ngôn ngữ tây phương gọi là Prophet, dịch ra là Tiên Giác, tự nhiên đắc đạo, thông đạt trí huệ, vượt hẳn lên trên người phàm tục và được chư tín đồ tôn sùng thờ kính như Giáo chủ. Các vị này cũng viết ra kinh giảng để truyền bá giáo lý, cũng trị bịnh cứu đời bằng phương pháp mầu nhiệm không cần dược liệu. Nội dung kinh giảng và pháp môn tu hành của các vị này cũng giống như giáo lý Bửu sơn Kỳ hương, và địa bàn hoạt động cũng trên một vùng địa dư với Bửu sơn Kỳ hương, và nhứt là đều có liên hệ đến linh địa Thất sơn. Cho nên các vị được quần chúng tin tưởng như bực siêu phàm hay Hoạt Phật xuất hiện, với sứ mạng thiêng liêng hoằng dương đạo pháp cứu thế độ dân.

 

Theo các tài liệu hiện hữu về Bửu sơn Kỳ hương và Phật Giáo Hòa Hảo, các vị Giáo chủ kế tiếp được xếp theo trình tự sau đây:

1. Đức Phật Thầy Tây An, tục danh Đoàn Minh Huyên, Giáo tổ khai sáng đạo Bửu sơn Kỳ hương (1849-1856).

2. Đức Phật Trùm (không rõ tục danh) truyền đạo 1868-1875.

3. Đức Bổn Sư, tục danh Ngô Lợi truyền đạo 1879-1890.

4. Đức Sư Vãi Bán Khoai (không rõ tục danh) truyền đạo 1901-1902.

5. Đức Huỳnh Giáo Chủ (tục danh Huỳnh Phú Sổ) khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo năm 1939.

 

Đức Phật Thầy Tây An đã nổi danh khắp miền nam Việt Nam, là một vị Phật Sống và một nhà ái quốc, cũng như sau này Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật giáo Hòa Hảo cũng được người Việt Nam tôn sùng là một vị Phật Sống xuống thế cứu đời, đồng thời cũng là một nhà cách mạng quốc gia chơn chánh.

 

 III- Số Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo:

 

 Tổng số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo được ước lượng vào khoảng trên 2 triệu người (trước 1-1-1966), đại diện cho một tỉ số 38% trên dân số vùng Hậu Giang, hay 10% trên tổng số dân Việt Nam Cộng Hòa. Có những tỉnh như Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong, Sa Đéc, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo lên đến 90 % dân số; ở các tỉnh khác, tỷ số này thay đổi từ 10 đến 60 %.

 

IV- Đặc Tính Phật Giáo Hòa Hảo:

 

 - Đặc Tính Thứ Nhất nằm trong truyền thống Bửu sơn Kỳ hương đến Phật giáo Hòa Hảo là một nền đạo Phật của nông dân.

 

Đức Phật Thầy Tây An trước kia vừa truyền bá đạo Phật vừa khuyến khích nông nghiệp dưới hình thức "Lập trại ruộng để vừa tu hành vừa cày cấy". Ngày nay cũng thế, hầu hết tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là nông dân và đó cũng là một lý do tại sao đức Huỳnh Giáo Chủ đã lập đạo tại một vùng đất phì nhiêu nhứt Việt Nam.

 

Trên phương diện nhân sinh và xã hội, người ta cũng nhận định rằng bản chất thuần phác của người nông dân cho họ có căn bản thuận lợi để tu học theo đạo Phật.

 

 Đặc Tính Thứ Hai, Phật giáo Hòa Hảo cũng như Bửu sơn Kỳ hương đều chủ trương tu hành tại gia. Bởi vì các vị Giáo Chủ này đã nghĩ rằng đạo Phật không những chỉ truyền bá ở thiền môn mà còn phải phát triển rộng rãi đến mọi gia đình.

 

Do đó các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không bị bắt buộc phải cạo đầu vào chùa, lìa bỏ mọi việc ngoài thế gian, mà họ vẫn ở tại gia đình, sống như mọi người công dân khác với nếp sống bình dị trong nông nghiệp, đồng thời tu hành theo giáo lý của Đức Thích Ca.

 

Tôn chỉ tu hành của Phật giáo Hòa Hảo là Học Phật Tu Nhân, tức là noi theo giáo lý chơn truyền của Đức Phật mà tu sửa con người, để vừa làm tròn bổn phận trong cõi đời đang sống, vừa dọn thân tâm cho trong sáng để được siêu thăng vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc, giải thoát khỏi vòng luân hồi.

 

Để thi hành tôn chỉ Học Phật Tu Nhân, người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo phải tích cực thực hiện Tứ Ân, tức bốn điều ân lớn, là:

1- Ân Tổ Tiên Cha Mẹ

2- Ân Đất Nước

3- Ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng)

4- Ân Đồng Bào Nhơn Loại

 

Cũng trong đường lối đó, người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã tỏ ra tích cực tu hành đồng thời cũng tích cực hy sinh vì đất nước, khi quốc gia hữu sự.

 

 Đặc Tính Thứ Ba là sự canh tân phương pháp hành đạo nhằm loại trừ mọi hình thức rườm rà mê tín dị đoan. Đặc tính canh tân này có mục đích loại bỏ âm thinh sắc tướng để phát dương phần tinh túy của đạo Phật, đúng theo chánh pháp vô vi của Đức Phật.

 

Phật giáo Hòa Hảo chủ trương canh tân như sau:

 - Không cất chùa đúc tượng thêm ngoài những ngôi chùa đã sẵn có. Ai giàu lòng từ thiện thì nên phát tâm bố thí, cứu trợ kẻ nghèo khổ, hơn là cất chùa lớn, đúc tượng cao.

- Không chấp nhận thầy cúng, thầy lễ, thầy bói, thầy phù thủy, cũng không dâng cúng chè xôi thực phẩm cho Phật, vì Phật không dùng những của hối lộ đó.

- Không dùng cờ phướn, lầu kho, đốt giấy tiền vàng bạc, phí tổn vô ích....

- Không khóc lóc hay làm linh đình lúc tang ma, mà chỉ im lặng cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát.

- Không ép hôn, thách tiền cưới hay tiệc rượu linh đình, vì sẽ mang nợ, gây hại về sau.

 

Tóm lại, giáo pháp vô vi Phật giáo Hòa Hảo nhằm canh tân phương pháp hành đạo để trở về với giáo lý chơn truyền của Đức Phật, là tu hành tại Tâm, chẳng phải ở hình thức lễ nghi bề ngoài.

 

 V. Sự Thờ Phượng Của Phật Giáo Hòa Hảo:

 

 Trong chủ trương canh tân nói trên, sự thờ phượng trong nhà các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thật là giản dị.

- Trên bàn thờ, không có tượng Phật, không có chuông mõ.

- Thờ một tấm trần dà tượng trưng cho Đạo và đất nước.

- Lập một bàn thờ nhỏ đơn giản gọi là bàn Thông thiên trước nhà.

image156

Chùa Tây An, nơi có ngôi mộ Đức Phật Thầy Tây An,

giáo chủ Bữu Sơn Kỳ Hương, tiền thân của Phật Giáo

Hòa Hảo, tại Thất Sơn,tỉnh An Giang

 

image157

Bàn thờ Đức Phật Trùm( 1868-1875)ấp Sa Lon, xả Lương Phi

 

image159

Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo

 

image161

Hình An Hòa Tự hay Chùa Thầy tại làng Hòa Hảo, một thánh tích quan trọng mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo muốn gìn giữ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10489)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 54196)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 31337)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41801)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42748)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48872)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41459)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41160)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43070)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39498)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45096)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40073)
1,863,880