- Trung Quốc leo thang thống trị:
Tình hình trên kéo dài tới triều Thanh ở Trung Quốc. Vào khoảng đầu thế kỷ 18, Tây Tạng được coi là một nước chư hầu của Đại Thanh và các vị Đạt lai Lạt ma (nhà sư đứng đầu Tây Tạng) được nhà Thanh bảo hộ. Đến cuối thế kỷ 19, quân Anh từ Ấn Độ tràn lên kiếm chác ở Tây Tạng nhưng sau đó đã rút lui theo một hòa ước Anh - Tạng, được ký trên căn bản hòa ước Anh - Trung trước đó. Tiếp theo, nhà Thanh tới thiết lập quyền đô hộ trực tiếp tại Tây Tạng. Các cuộc khởi nghĩa của người Tây Tạng sau đó cùng với chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất đã gây khó khăn cho quân đội Trung Quốc.
Sau cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, quân du kích địa phương người Tây Tạng mở một cuộc tập kích bất ngờ vào đồn lính Trung Quốc, khiến quan chức Trung Quốc ở Lhasa buộc phải ký kết "Hiệp định 3 điểm" chấp nhận đầu hàng và rút đi lực lượng đóng tại miền trung Tây Tạng. Đầu năm 1913, vị Đạt lai Lạt ma quay trở lại Lhasa và ra một bản tuyên cáo lên án "ý định xâm chiếm Tây Tạng làm thuộc địa dưới quan hệ nhà bảo trợ - tu sĩ", và tuyên bố: "Chúng ta là một nước nhỏ, độc lập, phụng sự tôn giáo."
Cũng vào năm 1913, Tây Tạng và Mông Cổ ký kết một hiệp định công nhận độc lập lẫn nhau.
Nhưng sau đó, thực dân Anh Quốc và Trung Quốc đã dùng sức mạnh để chia cắt Tây Tạng. Một phần vùng đất này được tách ra và nhập vào Ấn Độ thuộc Anh, trong khi phần còn lại bị nhập vào Trung Quốc. Đây chính là bi kịch của nước nhỏ trong kỷ nguyên thực dân, khi mà luật pháp quốc tế chưa có.
Một giai đoạn dài dưới thời Trung hoa Dân quốc, Tây Tạng tồn tại như một quốc gia độc lập dù vẫn bị đặt dưới ách đô hộ của Trung Quốc. Đến khi nội chiến Trung Quốc xảy ra - quân Cộng sản đánh nhau với quân Tưởng Giới Thạch - Tây Tạng nhờ vào vị trí địa lý của mình mà được yên ổn trong một giai đoạn ngắn.
Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc của phe Cộng sản đuổi được Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan, Tây Tạng lại đứng trước nguy cơ mới. Năm 1950, khi vừa thắng Tưởng Giới Thạch, quân đội của Cộng sản Trung Quốc đã tiến vào Lhasa, đè bẹp sự chống đối của đội quân yếu đuối của người Tây Tạng và đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất này.
Năm 1951, đại diện Trung Quốc tại Bắc kinh đưa cho đại diện Tây Tạng với một Hiệp định 17 điểm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng. Hiệp định được thông qua ở Lhasa vài tháng sau đó.