22.Đức Đạt lai Lạt ma thuyết giảng Trình tự Tu thiền

24 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 38178)
22.Đức Đạt lai Lạt ma thuyết giảng Trình tự Tu thiền

Đức Đạt lai Lạt ma bắt đầu giảng Trình tự Tu thiền.

 

Được biết trong mấy năm gần đây, đức Đạt lai Lạt ma đã đi nhiều nơi trên thế giới để thuyết giảng Kinh pháp Tu thiền này, năm 2008, ngài giảng đạo suốt năm ngày tại Sydney, Úc đại lợi. Tập tài liệu chúng tôi có được theo bài thuyết giảng ở Sydney. Dưới đây chúng tôi xin phép tóm lược những điểm chính yếu trong bài giảng.

 

Tác phẩm Trình tự Tu thiền của Đại sư Phật giáo người Ấn Độ Liên hoa giới (Kamalashila) được đức Đạt lai Lạt ma cho là một tác phẩm rất quan trọng và là chìa khóa mở cánh cửa đưa vào kinh điển Phật giáo. Đại sư Liên hoa giới Kamalashila là một đại biểu quan trọng của trường phái Trung Đạo vào thế kỷ thứ tám. Liên hoa giới tôn giả chủ trương dung hợp Trung quán và Duy thức luận.

 

 

Bắt đầu bài giảng là Thời kinh bái tụng “Thắp sáng ba bậc tín tâm: tụng tôn kính 17 hiền thành cựu học viện Nalanda.”

 

Tiếp theo là Bài Thuyết giảng về Tâm gồm những đoạn (tạm ghi) chủ ý như sau.

 

Phần trình bày dưới đây là tóm lược bài giảng của đức Đạt lai Lạt ma, dựa theo bài Việt dịch của Hồng Như Thubten Munsel, đã hiệu đính chuẩn bị cho Pháp hội tại Sydney, 06/2008. Xin kính ghi công đức này của quý Thiện Trí Thức.

 

  • Quyền sống hạnh phúc:

Mọi sinh vật đều có quyền hiện hữu, sinh tồn. Từ cây cỏ cho đến loài hữu tình. Chúng sanh không những có quyền được sống, mà còn là quyền sống vui. Đây là lẽ tự nhiên. Cơ thể chúng ta ngay từ bản chất thích hợp với trạng thái tinh thần vui vẻ. Buồn phiền thì sinh bệnh. Vì vậy cơ thể này tự nó đã có chức năng tạo thành tâm lý an vui. Giữa thể chất và tinh thần có mối tương quan mật thiết, tâm vui thì thân khỏe và ngược lại. Mục tiêu chính của đời sống này là sống hạnh phúc, thành công. Đây là quyền bẩm sinh.

 

Hạnh phúc nói ở đây, chủ yếu là trạng thái tâm lý thỏa mãn sâu xa. Nghĩa là có khi thể xác đau đớn, gian nan khó nhọc, thiếu thốn vật chất mà tâm vẫn an vui. Trạng thái thỏa mãn có hai mức độ. Thứ nhất, tâm vui nhờ vật chất. Thứ hai, tâm vui nhờ tinh thần. Chúng ta là con người, có được bộ óc thông minh tuyệt vời hơn các loài khác. Nhưng chính vì vậy mà dù có đời sống vật chất đầy đủ vẫn lắm phiền muộn, lo âu, bất an, hoài nghi, cô đơn. Tất cả đều vì trí thông minh. Vì vậy thông minh chưa chắc mang lại hạnh phúc tinh thần, bình an nội tại.

 

  • Chức năng của tôn giáo - Ba câu hỏi về cuộc sống

Trong lịch sử, loài người đã nỗ lực tìm kiếm phương cách tạo nguồn an lạc nội tại. Đặc biệt luôn cần niềm tin để sinh tồn. Lòng tin mang lại nguồn hy vọng. Loài người khi gặp nghịch cảnh luôn hướng về một đấng tối cao, cất lời cầu nguyện.

 

Lòng tin mang nguồn hy vọng, mà hy vọng là điều tối quan trọng. Như vậy tôn giáo đáp ứng được nhu cầu tinh thần của con người. Dù là thế kỷ 21 vật chất đầy đủ, nhưng tinh thần vẫn không vui, và tôn giáo vẫn giữ vai trò trọng yếu với chức năng mang đến cho con người niềm vui nội tại.

 

Các truyền thống tôn giáo lớn nói chung đều nhắm đến ba câu hỏi:

 

1.Cái tôi là gì?

2. Cái tôi có điểm khởi đầu hay không?

3. Cái tôi có điểm kết thúc hay không?

  • Cái tôi là gì?

Phật giáo nói cái tôi hay ngã, chỉ là sự giả hợp của các thành phần thân và tâm (ngũ uẩn), hoàn toàn không có cái tôi độc lập tách lìa ra khỏi thân và tâm.

 

Ngoài Phật giáo ra, tất cả mọi truyền thống tôn giáo khác đều chấp nhận cái tôi là chủ thể, sở hữu thân và tâm, có khả năng điều động và sử dụng thân tâm. Đó là vì cảm giác tự nhiên của ta. Khi mắt thấy vật gì ta luôn tự nhiên có ý nghĩ “tôi nhìn thấy vật ấy.” Và ngay từ bẩm sinh ta luôn mang cảm giác thân này là tôi, tâm này là của tôi.

 

Phật giáo lại cho rằng cái tôi là giả danh, là tên gọi của một tổng hợp thân và tâm. Dựa vào sự tổng hợp của các thành phần trong xe mà gọi là cỗ xe; tương tự, dựa vào các thành phần tâm và thân (ngũ uẩn) mà làm nền tảng gọi là cái tôi.

 

Đó chính là quan niệm về vô ngã đặc thù trong Phật giáo. Tuy nhiên, đây không có nghĩa là phủ nhận sự hiện hữu của cái tôi, mà tìm cái tôi trong chân thực tại (chân đế). Ở đây chính trong Phật giáo có nhiều trường phái phân tích khác nhau và đưa ra câu trả lời riêng cho câu hỏi này. Có phái chú trọng đến cái tâm, có phái cho rằng chính ý thức là cái tôi, và có phái đề ra đệ bát thức (a lại da thức). Không thể giản lược trong vài ba câu có thể trình bày được những học thuyết thậm thâm đó.

 

  • Cái tôi có điểm bắt đầu không?

Nếu có bắt đầu thì như thế nào? Nhiều tôn giáo tin là có đấng sáng tạo: 1. Thứ nhất là Thiên Chúa giáo cho rằng tất cả đều do Thượng đế sáng tạo, và chỉ có một đời này. 2. Các tôn giáo Ấn Độ hữu thần thì cho rằng có đấng sáng tạo (Phạm Thiên Brahma) nhưng vừa chấp nhận luật nhân quả. 3. Truyền thống triết lý Ấn Độ cổ tên Số luận (Samkya) cho là có đấng sáng tạo gọi là Bản thể Nguyên sơ, tạo ra tất cả chỉ trừ chính nó và con người. Như vậy cái tôi hay bản ngã là trường tồn vĩnh cửu không có điểm bắt đầu.

 

  • Quan điểm Phật giáo về khởi điểm của cái tôi:

Cái tôi chỉ là tên gán đặt cho tổ hợp các thành phần thân tâm, đặc biệt là tâm, vì vậy để xét xem cái tôi có điểm khởi thủy hay không, cần tìm hiểu xem cái tâm có điểm khởi thủy hay không, và thân có điểm khởi thủy hay không.

 

Thân có điểm khởi thủy hay không? Nói về thân, đương nhiên có điểm bắt đầu. Thân ta đến từ cha mẹ, thân cha mẹ đến từ ông bà…thế hệ sau đến từ thế hệ trước, cứ thế cho đến thuở khai thiên lập địa. Nếu theo thuyết tiến hóa của Darwin, thì loài hai chân đến từ bốn chân, và loài bốn chân đến từ loài sứa. Truy ngược từ loài sứa đến từ loài bất động vô tri. Trên phương diện vi tế, thân thể vật lý của ta ngày nay có thể truy ngược từ thời điểm Đại bùng nổ. Truy ngược mãi đến cực vi, những hạt kết cấu thành thân thể ta đến đến từ một dòng tiếp nối liên tục, có thể nói là hoàn toàn không có điểm bắt đầu. Nếu những chất liệu vật lý tạo thành có thời điểm khởi đầu, thì những chất liệu ấy do đâu mà có? Đây là điều không thể lý giải.

 

Tâm có điểm khởi thủy hay không? Nói về nhận thức giác quan, như nhãn thức, nhĩ thức… loại tâm thức này đương nhiên có điểm bắt đầu. Thí dụ như khi nhìn thấy một đóa hoa, nhãn thức thấy đóa hoa sẽ phát sinh do hai yếu tố đóa hoa bên ngoài và con mắt thấy đóa hoa. Tuy vậy sự nhìn thấy này chỉ trở thành một kinh nghiệm tâm thức khi có một yếu tố tâm thức đi trước, một trạng thái tâm đó là tánh biết và tánh sáng. Thí dụ, một người say hay người điên nhìn hoa mà không có nhãn thức vì thiếu tánh sáng, hay ý thức.

 

Ý thức chia ra nhiều loại, khi tỉnh khi mơ, ý thức thô lậu hay vi tế. Tâm thức thô lậu đều do từ tâm thức vi tế sinh ra.

 

Chủ yếu, tánh chất của tâm là tánh sáng, tánh biết. Tâm hoàn toàn không có tướng dạng, hình thức, thức thể. Như thế, khi nói đến nhân tố chính yếu tạo ra tâm thì nhân này phải mang cùng tánh chất với tâm, nghĩa là chỉ là tánh sáng và tánh biết.

 

Theo quan điểm Phật giáo, sự liên tục của tâm là nền tảng của cái tôi. Tâm này không có điểm khởi đầu. Do bởi tâm sanh ra từ một cái tâm đi trước, chứ không do một điều gì hay một vật gì khác phát sanh ra, cho nên có thể xem như tâm không có điểm khởi thủy.

 

  • Cái tôi có điểm kết thúc không?

Theo quan điểm các đa số tôn giáo hữu thần thì cái tôi không có điểm kết thúc, vì: hoặc do phán xét cuối cùng và người tốt sẽ lên thiên đàng ở vĩnh viễn cùng Thượng đế; hoặc như các tôn giáo Ấn Độ thời cổ thì cái tôi vốn là một phần của đấng tạo hóa sẽ hoàn nhập trở lại cùng Đại Phạm thiên (Big Brahma) mãi mãi.

 

Trong Phật giáo có hai quan điểm:

 

1/ Các hệ phái thấp tin là khi đạt đến Niết bàn (Đại Bát Niết bàn - Mahaparinirvana) thì đi vào tận diệt, bỏ thân xác vật lý và cái tâm cũng hoàn toàn diệt tận; tức là chấp nhận thân và tâm có điểm kết thúc (ngã hữu chung).

 

2/ Các hệ phái cao tin là sự vật còn tồn tại hay không đều tùy nơi sự có mặt của các yếu tố hóa giải tương ứng hay không. Tâm vốn bao gồm nhiều loại tâm thức hư vọng, mỗi tâm hư vọng đều tương ứng với một tâm đối nghịch có khả năng hóa giải tâm hư vọng đó. Áp dụng tâm thức hóa giải tương ứng thì tâm hư vọng sẽ đoạn diệt.

 

Tuy nhiên, nếu nói đến tánh sáng và tánh biết của tâm, vốn là chân tánh của tâm, thì không có yếu tố hóa giải. Cho nên tánh sáng và tánh biết của tâm sẽ tiếp tục vĩnh viễn, không chấm dứt, mãi cho đến tận quả giác ngộ viên mãn. Vì vậy mà nói cái ngã không có điểm kết thúc (ngã vô chung).

 

  • Khác triết lý- Cùng thông điệp:

Mọi tôn giáo lớn đều có quan điểm triết lý riêng khác biệt nhau. Nhưng nhìn chung thì tất cả đều mang cùng một thông điệp, cùng mục tiêu hành trì: đó là thông điệp của tình yêu, của lòng từ bi bác ái, và mục tiêu hành trì là để thực hiện những điều này.

 

Khi chân thành mở tâm từ bi, thì tự nhiên có lòng độ lượng, và đi đến việc tự quan tâm kiểm soát chế ngự chính mình, không gây tác hại cho người khác. Trọng tâm của các tôn giáo lớn đều là thể hiện lòng từ bi bác ái. Từ đó đã phát sanh ra rất nhiều bậc vĩ nhân cống hiến trọn đời cho niềm an vui của người khác, với trái tim vĩ đại, nồng ấm.

 

 image120

 

 image122

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10564)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 54274)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 31409)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41898)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42850)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48977)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41560)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41259)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43182)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39605)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45203)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40168)
1,863,880