8-1-2009
Trời mờ sáng chúng tôi đã đến bờ sông. Các em bé bưng các rỗ hoa theo chân chúng tôi để rao bán. Phần nhiều là hoa vạn thọ kết vào nhau, trên có cắm đèn sáp. Phải đi xuống nhiều bậc thang mới leo được lên thuyền.
Lúc đầu trời u ám, mưa lâm râm. Chúng tôi đốt đèn cầy trên chiếc giỏ hoa nhỏ mua trên bờ và thả xuống nước, rồi cầu nguyện. Ghe của chúng tôi nhẹ nhàng lướt đi sau mỗi mái đẩy của người Ấn Độ. Thuyền đi dài dài theo bờ cho đến ngang nơi thiêu xác chết. Một xác đang bị thiêu trên giàn hỏa, lửa và khói bay lên một khoảng không gian u ám. Một vài xác khác quấn khăn đang được đặt nằm trên các nấc thang chạy dài từ trên bờ xuống tận mặt nước.
Người chủ chiếc thuyền yêu cầu mọi người không chụp hình nơi này. Quý thầy đọc kinh, chúng tôi niệm Phật cầu nguyện cho những người quá cố. Trời sáng dần dần, phương trượng của Ngari Kangsen thổi sáo khi con thuyền lướt nhẹ. Không khí đạo vị đang yên tĩnh bỗng trở nên ồn ào khi đi ngang dãy ghe xuồng buôn bán tụ đến vây quanh. Các xuồng bán cá đựng trong các chum hay thùng nhỏ, hay xuồng bán vật lưu niệm, trong đó có những bình nhỏ đựng cát và nước sông Hằng. Thượng tọa Thích Phật Đạo mua một số cá để phóng sanh. Tôi mua vài bình cát nhỏ để tặng bạn hay người thân chưa có dịp đi hành hương tại Ấn Độ, nhất là chưa được lướt thuyền trên con sông nổi tiếng thế giới.
Sông Hằng (tiếng Phạn: Ganga) là con sông quan trọng nhất tại Ấn Độ. Sông Hằng dài 2.510 km bắt nguồn từ dãy Hi mã lạp sơn phía trung bắc Ấn Độ, chảy theo hướng đông nam qua Bangladesh và chảy vào vịnh Bengal. Tên của sông được đặt theo tên vị nữ thần Hindu Ganga. Sông Hằng có lưu vực rộng 907.000 km², một trong những khu vực phì nhiêu và có mật độ dân cao nhất thế giới.
Là con sông lớn nhất mang lại nguồn sống và tài nguyên cho Ấn Độ, sông Hằng có tầm quan trọng về mọi mặt cho người Ấn, từ lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, chánh trị, cho đến tôn giáo. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu qua về mặt tôn giáo.
Những người dân tộc Hindu, dân tộc chiếm đa số trong dân số Ấn Độ, xem sông Hằng là một dòng sông thiêng: Ganga là con gái của thần núi Himavan hay Himalaya. Theo tín ngưỡng Hindu, tắm trên sông Hằng được xem là gột rửa mọi tội lỗi, và nước sông được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ thờ cúng. Uống nước sông Hằng trước khi chết là một điềm lành và nhiều người Hindu đã yêu cầu được hỏa thiêu dọc hai bên sông Hằng và lấy tro thiêu của họ rải lên dòng sông. Những người hành hương Hindu hành hương đến các thành phố thánh của Varanasi, nơi các nghi lễ tôn giáo thường được cử hành. Mỗi 12 năm, một lễ hội Purna Kumbha (Vạc Đầy) được tổ chức ở Haridwar và Allahabad mà trong các lễ hội này hàng triệu người đến để tắm trong sông Hằng. Những người hành hương cũng đến các địa điểm linh thiêng khác gần các thượng nguồn sông Hằng, bao gồm đền thờ dưới núi băng Gangotri.
Hơn hai ngàn năm qua, sông Hằng ngày nay vẫn giữ nguyên tầm quan trọng nói trên, mà nhiều người cho là một sự huyền bí. Một số nghiên cứu cho là dòng nước chở đầy rác rưởi và tro thiêu đó vẫn luôn trong sạch. Trên thực tế, nước sông Hằng đầy ô nhiễm. Kể từ thập niên 1950, dân số và ngành công nghiệp dọc theo các sông Hằng và sông Hugli đã nhanh chóng phát triển và nước thải công nghiệp và dân cư đã được đổ thẳng vào sông với số lượng khổng lồ. Ngoài ra, do tầm quan trọng về tôn giáo của sông Hằng, những người Hindu thường hỏa thiêu hai bên bờ sông và rắc tro và than xuống dòng sông, điều này thường được thực hiện ở Varanasi. Tất cả những điều này đã cùng nhau gây ô nhiễm dòng nước sông Hằng đến mức việc tắm và uống nước sông Hằng đang trở nên nguy hiểm. Năm 1986, chính phủ Ấn Độ đã phát động một Kế hoạch Hành động sông Hằng, một chương trình giảm ô nhiễm cho sông Hằng ở 40 thành phố ở các bang Uttar Pradesh, Bihar, và Tây Bengal. Theo kế hoạch này, nước thải được chặn lại đưa qua các nhà máy thanh lọc. Các lò thiêu điện cũng được xây dựng và nhiều khu vực hai bên bờ sông đã được hoạch định lại. Sau một thế kỷ triển khai kế hoạch hành động này, mức độ ô nhiễm sông Hằng đã được giảm xuống phần nào.
Chúng tôi rời sông Hằng đi ăn sáng rồi đi thăm Sanath tức vườn Lộc uyển. Vườn Lộc uyển còn có nhiều tên gọi khác: Lộc lâm, Lộc dã viên, Lộc dã uyển (Mrgadãva), Tiên nhân luận xứ, Tiên nhân trụ xứ, Tiên nhân đọa xứ… thuộc thành Ba la nại (Varanasi) miền trung Ấn Độ. Nơi đây Đức Phật chuyển Pháp luân lần thứ nhất cho Ngũ Tỳ kheo nhóm Kiều Trần Như (Kondinna). Đó là nơi Tiên nhân từ xưa đầu tiên thuyết pháp nên gọi là Tiên Nhân luận xứ. Là nơi Tiên nhân ở nên gọi là Tiên Nhân trụ xứ. Cũng là nơi năm trăm tiên nhân bị mất hết thần thông vì động tâm trước nhan sắc của một nàng công chúa. Đất này có nhiều hươu sinh sống nên gọi là Lộc dã viên hay Lộc uyển, Lộc lâm.
Được biết một trong những tiền kiếp của Đức Phật, Ngài tên Sãranganãtha, nghĩa là người bảo vệ loài nai. Vì thế tên nơi này được gọi là Sanath.
Thầy Thích Phật Đạo hướng dẫn chúng tôi viếng thăm từng di tích như nơi Đức Phật thuyết giảng thời Pháp đầu tiên. Trong khi Thầy ở lại ngồi thiền nơi này thì chúng tôi đi tiếp tục đến xem di tích những cột trụ đánh dấu nơi Đức Phật nhập hạ đầu tiên sau khi vận chuyển Pháp Luân cho năm anh em Kiều Trần Như.
Kiều Trần Như tôn giả, hay Kiều Trần Na, A Nhã Kiều Trần Như (âm tiếng Phạn của Kaundinya, Kondanna) dịch là Hỏa Khí. Thanh văn A la hán của Đức Phật, đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Trước là đệ tử của Uất Đầu Lam Phất (Udraka-Ramaputra) chuyên tu khổ hạnh. Cùng bốn bạn đồng tu là Át Bệ (Asvajit), Thập Lực Ca Diếp (Dasabala Kãsyapa), Ma Nam Câu Lỵ (Mahãnãman-Kulika), Bạt Đề (Bhadrika), đồng bỏ thầy theo đức Thích Ca cùng tu khổ hạnh. Sau khi đức Thích Ca thành Phật, trở lại độ cho năm ông, gọi là Ngũ Tỳ kheo, mà Kiều Trần Như đắc thánh quả trước nhất, nên gọi là A Nhã (Dĩ Tri).
Chúng tôi còn được thăm viếng một nơi lịch sử khác là cột trụ cổ, di tích kỷ niệm của đức vua A Dục (Asoka).
Vua A Dục (?-256 tr.C.n), còn gọi là A du ca, hoặc Vô Ưu, hiệu là Thiên ái Thiện kiến vương (Devãnapiya Piyadasi), là vị vua lịch sử đóng góp rất nhiều cho Phật đạo. Ngài là vị vua thứ ba triều Ma la ni da (Mauryan) xứ Ma kiệt đà (Magadha), thống nhất Ấn Độ và xưng vương vào năm 269 trước d.l. Thuở trẻ là người hung bạo, giết anh là Tu tư ma (Susmana) giành ngôi vua, và giết nhiều anh em tranh ngôi vị. Khi lên ngôi, vua rất thích chinh chiến, và tàn bạo giết chóc nhiều người. Nhưng được sự cảm hóa của đại sư Ni Cù Đà (Nigrodha) đã quy y theo đạo Phật vào năm 261 trước d.l. Sau đó xây đại tự, cổ tháp, mở Kết tập để duyệt Tam tạng kinh điển, mở đại thí hội, cho chư tăng đi truyền pháp ở khắp các nước xa. Phái hai con là Ma Thẩn Đà hay Ma Hi Đà (Mahindra) và làm trưởng đoàn Tỳ kheo, và con gái là Tăng Già Mật Đa (Samghamittã) trưởng đoàn Tỳ kheo ni, đi Tích Lan (Ceylon) truyền pháp, mở rộng đạo Phật đến các bờ cõi quốc gia khác. Ngài cho xây cất rất nhiều chùa chiền, và đặc biệt là các tháp thờ Xá lợi Phật (tương truyền đến 84.000 tháp) ở khắp nơi, đến nay còn nhiều di tích.
Tháp hay tháp bà (Phạn ngữ: Stupa), là nơi bảo tháp, hay linh miếu thờ Xá lợi Phật và Phật tích. Có bốn loại tháp thờ Phật nhiều phúc đức cho người tu, còn gọi là bốn Tháp khởi động tâm. Đó là:
1. Tháp kỷ niệm Đức Phật đản sanh;
2. Tháp kỷ niệm Đức Phật thành Đạo;
3. Tháp kỷ niệm Đức Phật chuyển Pháp luân;
4. Tháp kỷ niệm Đức Phật nhập diệt.
Tháp thờ Xá lợi Phật xây 13 tầng; thờ Bích chi Phật 11 tầng; thờ A la hán 4 tầng, thờ Chuyển luân thánh vương không xây tầng.
Khách hành hương đến mướn thuyền đi đạo buổi sang trên sông Hằng, Varanasi.
Cũng như mọi người trong đoàn tác giả thả hoa và đèn xuốngsông Hằng để cầu nguyện
Vườn Lộc Uyển Sarnath, Varanasi thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, nơi Đức Phật chuyễn pháp luân cho năm anh em Kiều Trần Như.