Chúng tôi đến nhà ngủ Surabhi International ở Varanasi vào buổi trưa. Các vị sư của tu viện Ngari Khangsen đã đến trước để lo chỗ ở cho chúng tôi đã hồi nhà ngủ tốt hơn đã mướn vì máy bay trể một hôm, nên chúng tôi đành ở nhà ngủ này. Gần như các bộ phận của nhà ngủ đều quá hạn, nên nước chảy róc rách cả đêm, phòng vệ sinh ngập nước, cửa phòng khóa không chắc cho lắm. Mọi người được khuyên là nên khóa vali và mang theo máy ảnh, tiền bạc, giấy tờ tùy thân.
Buổi chiều chúng tôi dùng cơm tối tại nhà hàng Laxmi và được gặp lại ngài Viện Trưởng của tu viện Dzongkar Choede là Jampa Kalsang Rinpoche. Ngài sẽ cùng đi với chúng tôi tham dự lễ hội bên bờ sông Hằng.
6 giờ chiều cả đoàn rời nhà ngủ đi xe buýt ra chợ. Khi xe vừa ngừng thì hàng chục xe lôi bu lại quanh chúng tôi. Tiếng mời gọi vang động cả một khu chợ. Sau khi ông lơ xe buýt giúp trả xong giá cả thì mỗi hai người lên một xe lôi đi về hướng bờ sông.
Trong lưu vực sông Hằng có lục đại thành nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo. Đó là sáu đô thị lớn nhất ở Thiên trước (Ấn Độ thời cổ) mang di tích của đức Phật. Là các nơi Ngài lần lượt đặt chân đến và giáo hóa vô số dân cư nơi đó:
1. Ca tỳ la thành (Kapilavastu). Là nơi Đức Phật giáng sinh, vua cha là Tịnh Phạn (Suddhudona), mẫu hậu Ma Da (Mãya). Sau khi đắc đạo bảy năm, Ngài trở về thuyết pháp cho vua cha Tịnh Phạn và dòng họ Thích.
2. Ba La Nại thành (Vãrãnasi). Nơi Đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu, sau khi Ngài đắc đạo và rời rừng Già da (Gaya) theo lời thỉnh của Phạm Thiên. Ngài thu nhận Ngũ Tỳ kheo, và từ đó thường thuyết pháp trong vườn Lộc uyển tại đây, rất nhiều thời kinh quan trọng.
3. Xá Vệ thành (Srãvasti). Thủ đô của nước Câu Tát La (Kosala). Khi Đức Phật thành đạo, vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) trị vì, là một vị đại thí chủ của Phật pháp. Ở Xá Vệ có vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc (Jetavena), trước của thái tử Kỳ Đà do trưởng giả Cấp Cô Độc mua lại cúng dường làm Tịnh xá, nơi Đức Phật đến thuyết pháp, và ban nhiều giáo luật Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Đây là nơi Xá Lợi Phất (Sãriputra) tịch, có tháp thờ kỷ niệm của ngài.
4. Tỳ Xá Lỵ thành (Vaisãli). Xứ này thuộc về dòng họ Lê Xa hoặc Ly Sa (Licavi, Lisavi), dịch là Lực Sĩ. Nơi này Đức Phật kinh hành lần cuối, đi từ Duy da ly (Vaisali) đến Câu thi na (Kusinaga) để nhập Niết bàn. Đây cũng là nơi Kết tập kỳ nhì, 100 năm sau khi Phật tịch, với 700 vị Tăng La hán họp lại, và phân chia thành Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ.
5. Bà Chỉ Đa thành (Vardhama). Gần thành Xá Vệ (Srãvasti). Khi Đức Phật thu phục Lục sư ngoại đạo ở thành Xá Vệ, họ bỏ đến thành Bà chỉ đa. Đức Phật đến thành này, dân chúng kéo nhau đến quy y. Ngoại đạo lại bỏ đến thành Tỳ xá li (Vaisali).
6. Chiêm Bà thành (Campaka). Xứ này ở ven sông Hằng, có nhiều hoa Chiêm bặc, tức Hoàng hoa, một loài hoa vàng rất thơm. Là nơi Đức Phật thuyết nhiều thời pháp và hoằng hóa dân chúng.Trong chuyến đi tứ động tâm này, chúng tôi sẽ được hành hương qua một số các thành lớn đó. Dùng phương tiện hiện đại từ máy bay, xe các loại mà chúng ta còn cảm thấy khó khăn, trong khi ngày xưa Đức Phật cùng chư Tăng kinh hành thuyết Pháp, đi bộ chân không qua lại các nơi đây suốt mấy mươi năm trời lập Đạo.
Trời mới tạnh mưa nên còn nóng hầm và ẩm. Đường lầy lội và chật hẹp, nên người đi bộ, xe lôi, xe đạp, xe bán dạo phải chen nhau di chuyển. Tiếng kèn và tiếng la inh ỏi tạo nên một không khí sinh động. Trông khuôn mặt của người đi đường có nét chú tâm. Có lẽ ai cũng mong cho mau đến nơi dù về nhà hay đi công việc. Khi gần đến bờ sông các xe lôi đậu lại một nơi để chờ chúng tôi cho đến lúc trở về.
Khi chúng tôi đi bộ đến sát bờ sông thì một cảnh tượng vô cùng hoành tráng, rực rỡ với ánh đèn và các bó đuốc sáng choang. Tiếng nhạc cùng tiếng đọc kinh vang lên cả một góc trời. Đây là một buổi lễ gọi là Ganga Seva Nidhi, thờ phượng nữ thần sông Hằng. Tôi nhìn quanh, không thấy một chỗ trống. Các chư tăng và chúng tôi được hướng dẫn lên cầu thang để lên nóc bằng của một căn nhà, nơi đã được đặt chỗ trước.
Dài theo bờ sông, một hàng bảy bục gỗ được kê bằng những cục gạch có trải khăn đều có trưng bày một bàn thờ nhỏ. Trên mỗi bục gỗ có một thanh niên ăn mặc tươm tất với một khăn choàng vàng quấn ngang vai, buông dài xuống chân, áo thun dài tay màu đỏ thẩm. Trên bàn thờ nhỏ trải khăn sa tanh vàng có trầm hương, hoa, đèn lồng, long não… Một vị sư chủ lễ đọc kinh, bảy vị này cầm đèn múa, người nhún nhảy nhịp nhàng.
Phía trên sân khấu của nguyên khu vực là một tấm vải băng đờ rôn đề Ganga Seva Nidhi, Dashashwamedha Ghat, Vanasi. Không khí trang nghiêm và có trật tự, khác hẳn với những tiếng ồn ào, những lộn xộn chen lấn trên hè phố cách đây không xa.
Khi buổi lễ kết thúc, chúng tôi trở ra góc đường có những anh xe lôi đợi sẵn. Những người ăn xin tấn công và áp đảo chúng tôi ào ào. Điều đáng đau lòng là càng cho thì càng bị tấn công nên chúng tôi đành phải bỏ đi…
Buổi lễ Ganga Seva Nidhi, thờ phượng nữ thần sông Hằng vào ban đêm tại bờ sông.
Đường phố lối đi ra bến sông Hằng tấp nập về đêm