6-1-2009
Chuyến máy bay 7 giờ đã bị hồi và chúng tôi phải đi chuyến sau lúc 9 giờ sáng. Các cô tiếp viên hãng Jetline khá đẹp với làn da trắng mịn, môi mọng đỏ, mũi dọc dừa, tóc đen bóng được bới cao lên một cách khéo léo. Thấy một cô đẹp nhất, tôi bảo cô bạn Tú Linh là cô này như tiên giáng trần.
Lúc ở phi trường tôi có mua một quyển tạp chí tên Hello giá 90 rupi. Báo khổ lớn, bìa dầy bóng hình màu có ảnh cô minh tinh nổi tiếng Twinkle Khanna và bài phóng sự đặc biệt về cô. Cô có những tấm ảnh mặc rất nhiều kiểu áo Ấn Độ thật sang trọng, đi với nhiều đồ hiệu nổi tiếng về trang sức, và giày, bóp phù hợp màu sắc. Tôi bảo với các bạn đồng hành là người Ấn Độ đẹp như vậy, nên nhiều năm phụ nữ Ấn đã đoạt giải hoa hậu thế giới.
Vì đi chuyến sau nên chúng tôi đã bị trễ chuyến máy bay đi Varanasi. Hãng máy bay cho biết nếu chúng tôi muốn đi buổi chiều cùng ngày thì phải mua vé với giá 7.000 rupi, nhưng họ chỉ có 13 vé. Chúng tôi đành phải đi mướn nhà ngủ ở lại qua đêm đợi sáng hôm sau mới lên đường.
Chúng tôi ở nhà ngủ Saptagiri gần phi trường, bù lại được ăn một bữa cơm Ấn Độ thật ngon. Tôi thích nhất là bánh naan của Ấn làm bằng bột mì có thoa tỏi nướng hơi cháy. Bánh naan (hay còn gọi là punjabi) là loại bánh bột mì nướng của người Ấn, nhỏ bằng bàn tay, tròn và dẹp. Bánh naan có bỏ thêm trứng, sữa chua và bơ nên thơm ngon hơn bánh mì thường. Ở California, mỗi khi vào nhà hàng Ấn Độ, tôi thường được ăn bánh naan với cà ri hay gà tandoori. Đây là loại gà nướng kiểu Ấn, ướp nhiều gia vị đặc biệt, như hành tỏi, gừng riềng, ớt, bột thơm, có cả sữa chua và nước chanh. Thường được nướng trên bếp than hay trong lò nóng. Thức ăn Ấn Độ dùng rất nhiều gia vị thơm nồng và cay, không giản dị như thức ăn Tây Tạng mà chúng tôi được nếm qua trong các chùa.
Đứng trên sân thượng của nhà ngủ nhìn xuống, tôi nhớ sự ồn ào náo nhiệt của thành phố Sài Gòn, nhưng Sài Gòn không đến đỗi cũ kỹ và nghèo nàn như khu phố này.
Chúng tôi cùng nhau đi một vòng phố Tân Đề Li. Các lề đường lồi lõm, các bờ xi măng bể hoặc chồng chéo, nhiều lỗ cống to thật nguy hiểm cho mỗi bước đi. Ngoài ra còn có nhiều loại phân hay rác khắp nơi, nên chúng tôi hết sức thận trọng, kẻ đi trước phải thông báo với người đi sau.
Chúng tôi đến khu chợ lớn có bốn phía. Tôi rất thích vì lần trước sang đây tôi đã mua được nhiều vật kỷ niệm và quần áo Ấn Độ với giá tương đối rẻ. Tại đây có bán thức ăn, vải may quần áo, khăn choàng, quần áo may sẵn, computer, đồ điện, giày, dép, vân vân… Mỗi áo thun chỉ khoảng 4 rupi, quần khoảng 8 rupi.
Dài dài theo phố có nhiều tiệm bán hay may quần áo vét, hay quần áo Ấn Độ lấy nhanh. Có tiệm muốn vào phải đi thang nhỏ để lên lầu, hoặc xuống hầm. Ở một góc hè có ông đứng hớt tóc, cạo râu cho khách. Tôi mua chuối của một ông Ấn đẩy xe đi bán dạo. Mỗi nãi chuối giá 20 rupi.
Trẻ con chạy chơi đầy đường phố. Chúng đều nhỏ thó, gầy gò. Có nhiều bé gái mặc áo đầm dài, tóc rối đanh, chân tay khẳng khiu, dơ bẩn, mốc thít vì không tắm rửa. Mặt của chúng đầy đất bụi. Chúng chạy theo chúng tôi, tay chỉ vào miệng liên tục.
Tôi chỉ tay phía trước, chúng mừng rỡ chạy nhanh theo. Khi gần đến nhà ngủ, tôi phát cho chúng mỗi dứa 10 rupi. Được tiền chúng phóng một cài vèo là biến mất. Nếu tôi phát tiền ở xa nhà ngủ, bạn bè chúng sẽ rượt theo đông rần rần, tôi sẽ không phát tiền hoặc chạy cho kịp.
7-1-2009
Buổi sáng chúng tôi lên sân thượng ăn điểm tâm. Có bánh Ấn Độ chiên phồng lên như bánh tiêu, nhưng mỏng hơn. Có món cà ri rau và khoai, bánh mì và trứng chiên mỏng. Nước trái cây cam, xoài, khóm hiệu Tropicana trong chai nên chúng tôi vững bụng uống. Tina Tú Hương đem cà phê gói hiệu Vina, có cả loại có sâm uống vào cho có sức đi đường.
Lúc 8 giờ, cả đoàn lên xe van ra phi trường. Nhìn xe trước chở hành lý đầy ấp trên mui xe, mà chỉ được riềng ngang bằng một sợi dây, chúng tôi hồi hộp lo sợ hành lý tuột rơi xuống đường. Nhất là vali lớn của chúng tôi đựng những món quà mới mua, và nhang, khăn quàng trắng, thảm nhỏ, quà của quý thầy ở tu viện Tây Tạng.
Chúng tôi lại phải kiên nhẫn ngồi chờ vì máy bay hoãn lại đến 12 giờ trưa. Tôi ngồi gần một phái đoàn từ Việt Nam sang. Các ông hỏi thăm về tứ động tâm. Một ông hỏi: “Khi xin cục đất ở nơi Đức Phật ngồi thiền được đắc đạo, có phải xin phép không?” Tôi cười nói không, mà chỉ xin ở trong tâm. Một vị trong phái đoàn dặn dò bạn đồng hành là phải “lén lút” vì ai cũng đào thì hư nơi đó hết, nên chỉ xin một “chút xíu.”
Một ông Việt Nam đến và bắt tay mọi người, kể cả tôi, có lẽ tưởng tôi cùng nhóm. Ông bên cạnh chỉ tôi nói tôi cũng là người Việt Nam.Tôi kể chuyện đi hành hương và nói rõ mỗi thánh tích quan trọng của Phật giáo nơi có dấu chân của Đức Phật và đề nghị mọi người cố gắng thăm đủ tứ động tâm. Ông mới đến nói ông đã đi rồi vì ông ở lãnh sự quán.
Tôi nói Việt Nam có nhiều thánh tích rất quan trọng và linh thiêng cần nên quảng bá cho thế giới biết đến. Đặc biệt là chùa Đậu xây dựng từ thế kỷ thứ 3 ở Hà Tây, nơi có am thờ hai tượng táng của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường. Được biết di hài bó sơn ta của hai nhà sư hiện là vật lịch sử quý hiếm trên thế giới và được xem là những “quốc bảo”của Việt Nam. Tôi từng được xem hình ảnh quang tuyến X-ray các pho tượng của chư vị thiền sư, nhìn thấy trong đó còn đủ nguyên dạng xương cốt của hai vị trong thế tọa thiền.
Trẻ em trong tuổi đi học trên đường phố tại Ấn Độ
Xe lam ba bánh trên đường phố Tân Đề Li