13. Lễ cầu nguyện Puja tại Gaden Ngari Khangtsen

24 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 46101)
13. Lễ cầu nguyện Puja tại Gaden Ngari Khangtsen

2-1-2009


Tờ mờ sáng, chúng tôi đã thấy các chú tiểu đã ngồi sẵn hai hàng trước sân gần chánh điện nhà Ngari Khangtsen, nơi chúng tôi trú ngụ. Cả phái đoàn cùng chư tăng lần lượt vào chánh điện nhỏ hẹp của khu này.

 

Sáng hôm nay là lễ cầu an puja do vị Lạt ma tái sanh, người hướng dẫn tinh thần cho nhà Ngari Khangtsen chủ tọa. Sau hồi kinh, một thầy đọc sớ có tên tuổi để cầu nguyện cho những thân nhân của Phật tử hiện diện còn sanh tiền hay đã khuất. Sau đó mọi người trong phái đoàn và các Phật tử Ấn và Tây Tạng vào cúng dường các chư tăng. Buổi cơm trưa hôm nay đặc biệt với nhiều món ăn nấu theo Tây Tạng và Ấn Độ. Hầu hết đều nêm gia vị cà ri.

 

 

* Lễ Pũjã (worship) hay gọi là nghi lễ, nghi thức, hành lễ, cúng tế, cúng dường. Các nghi lễ Phật giáo thay đổi tùy theo địa phương và tông phái. Thường bao gồm tụng niệm Quy y Tam bảo, dâng phẩm vật hương hoa. Trong Kim cang thừa (Vajrayãna) có thêm tụng niệm chân ngôn (Mantra) và tay bắt ấn (Mudrã), và thực hiện mạn đà la.

 

 

* Chân ngôn hay Thần chú, hay Mật hiệu cũng được đọc thẳng âm tiếng Phạn là Man-tra, có nghĩa là “lời nói chân thật”, là biểu hiện của chân như. Chân ngôn có thể là một câu chú, hay một Đà-la-ni ngắn. Lời nói huyền nhiệm chứa đựng năng lực đưa đến kết quả siêu nhiên hay thế tục. Vốn xuất phát từ đạo Bà-la-môn Ấn Độ, Chân ngôn có thể là một âm tiết, một chữ hoặc câu kệ được tiết lộ cho các hành giả lúc thiền định.

 

Trong Phật giáo, người ta cho rằng Chân ngôn chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện của một khía cạnh nào đó của Phật tính. Trong nhiều trường phái, Chân ngôn hay được lặp lại trong các buổi tu tập hành trì, đặc biệt trong Kim cương thừa. Ở đây Chân ngôn trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức hành giả. Trong ba ải thân, khẩu, ý thì Chân ngôn thuộc về khẩu và tác động thông qua âm thanh rung động do sự tụng niệm Chân ngôn phát sinh. Hành giả luôn luôn vừa đọc Chân ngôn vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ một ấn (mudrā) nhất định.

 

Câu Chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng là: Úm ma ni bát ni hồng (Om mani padme hum), cũng đọc Án ma ni bát mê hồng. Được xem là chân ngôn của Bồ tát Quán Thế Âm.

 

 

* Ấn hay thủ ấn dịch từ Phạn ngữ Mudrã, dịch âm là mẫu đà la, mẫu nại la, mục đà la. Ấn khế ước, được biểu thị bằng dấu hiệu của thân thể, nhất là cách kết các ngón tay (thủ ấn), hay cầm ngọc, tọa thiền (khế ấn) tượng trưng ý nghĩa trong tâm.

 

Có mười ấn quan trọng thường thấy nơi các tượng Phật và Bồ tát: 1. Ấn thiền (Dhyãni-mudrã); 2. Ấn giáo hóa (Vitarka-mudrã); 3. Ấn chuyển pháp luân (Dharmacakrapravartana-mudrã); 4. Ấn xúc địa (Bhũmisparsa-mudrã); 5. Ấn vô úy (Abhaya-mudrã); 6. Ấn thí nguyện (Varada-mudrã); 7. Ấn tối thượng bồ đề (Uttarabodhi-mudrã); Ấn trí tuệ vô thượng (Bodhyagri-mudrã); 9. Ấn hiệp chưởng (Anjali-mudrã); 10. Ấn kim cang hiệp chưởng (Vajrapradama-mudrã).

 

 

Mạn đà la, Mạn đồ la, Mạn đồ, dịch âm từ Phạn văn Mandala, là đàn, đạo tràng. Nguyên nghĩa là “vòng tròn, vòng cung”. Lối dịch mới là “luân viên cụ túc” (center and circumsference) tức là trung tâm và ngoại vi, cơ sở cho hiện tượng hợp nhất cùng bản thể. Nghĩa gốc là đắp một cái đàn hình vuông hoặc tròn, đặt chư tôn chư đức trên đó mà cúng tế. Đàn có hình như một đại pháp luân, đầy đủ trục, vành, nan hoa, tụ tập mọi thánh đức quy về. Hành giả có thể quán tưởng mình như là một vị thánh và là trung tâm của Mạn đà la và các nhận thức thuần túy ngoại vi như thuộc về chu vi. Đàn (mạn đà la) (Mandala), Chú (đà la ni) (Dharani), và Ấn (mẫu đà la) (Mudrã) là ba lối học dung hòa trong Mật tông. Ấy là biểu tượng Tam mật: Mạn đà la: Ý mật; Đà la ni: Ngữ mật; và Mẫu đà la: Thân mật.

 

Thường phân biệt bốn loại mạn đà la chính (four kinds of mandalas): 1. Đại Mạn đà la; 2. Tam muội da Mạn đà la; 3. Pháp Mạn đà la; 4. Yết ma Mạn đà la.

 

 

Buổi trưa, chúng tôi nhờ tu sĩ Shanu Dakpa Lekden hướng dẫn đi thăm một tu viện nơi Quyên, người bạn thân cùng đi hành hương Ấn Độ năm 1997 đã quy y. Đó là tu viện Thoding Monastery do Thầy Lobsang Monlam trụ trì. Nghe tôi nói đến tên sư cô Tashi, vị sư mang hình cô Quyên, bạn tôi, ra và rất mừng rỡ mời chúng tôi vào chánh điện, nơi có một số cổ vật thiêng liêng và ghế của đức Đạt lai Lạt ma. Cô Tashi hiện ngụ tại Monterey, miền bắc California. Mỗi năm cô trở về Ấn Độ nhiều lần tại tu viện này.

 

 

Trên đường trở về tu viện Ngari chúng tôi có đi ngang qua một khu chợ của người Tây Tạng Tị nạn. Ngôi chợ nhỏ, nghèo nàn, với một vài hàng bán trái cây như chuối và táo. Một ít tiệm bán quần áo Tây Tạng, nhiều nhất là những túi sách bằng vải mà chúng ta thường gọi là tay nải của các sư sãi. Tôi mua một bộ y tu sĩ giá 380 rupi cúng dường cho sư Shanu. Tôi mua cho riêng mình một một miếng vải treo đứng với nhiều túi để treo trên vách trong phòng thờ, có thể để giấy bút, hay thơ từ, trông rất dễ thương với những hoa văn Tây Tạng.

 

image076

Quý thầy và Phật tử đang dự lễ Puja cầu nguyện tại chánh điện của Gaden Ngari Khangsen thuộc tu viện Gaden Sartse, Ấn Độ

 

image078

Sư cô Jampa Tashi (Quyên) xuất gia năm 2000 do thầy
Jampa Thechock, cựu viện trưởng tu viện Sera Jey chủ lễ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10564)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 54274)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 31409)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41898)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42850)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48977)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41560)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41259)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43182)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39605)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45203)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40168)
1,863,880