5. Tu viện Zongkar Choede với cổ tượng Phật Mẫu Tara

23 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 51613)
5. Tu viện Zongkar Choede với cổ tượng Phật Mẫu Tara

zongkar_choede_littlemonks-content
30-12-2008


Thật là một cơ duyên đặc biệt không ngờ mà tôi lại được thở và sống trong một tu viện Tây Tạng. Nơi mà những năm trước tôi đã có thiện duyên gặp vị lạt ma tái sanh Kalsang Gyatso Rinpoche hiện nay là vị viện trưởng. Và cũng chính nơi này, ngày mai tôi sẽ gặp một vị sư trẻ tên Thupten Thokney do tôi đã bảo trợ cách đây vài năm một số tiền nhỏ dành để mua thức ăn trong một năm.

 

Cũng nên nhắc lại lịch sử của Tu viện Zongkar Choede, ngôi tu viện gốc do nhà vua Tây Tạng Tribumdegon thành lập năm 1270 tại Mangyul phía trên vùng Gungthang thuộc miền tây của Tây Tạng. Nhà vua đã xây tu viện này đối diện với thành vua Phodrang Khunzong Karpo (the White Nest of Eagles).

 

Qua thời gian, tu viện đã trở nên một cộng đồng phát triển về mặt tâm linh và là trung tâm điểm của nền văn hóa Tây Tạng. Thời gian sau, nơi đây là một trong những chỗ tập trung quỵ tụ nhiều nhất về âm nhạc, hội họa, vũ thuật, tu học, vân vân… của tu viện Tây Tạng. Tu viện chia ra hai khu vực cùng chia sẻ một vách tường, mỗi nơi có ba trăm tăng sinh. Hàng trăm vị sư đã hy sinh cả cuộc đời mình để phục vụ cho con đường hoằng dương Phật pháp. Nhưng trong khoảng thời gian 1950-1959, vùng đất hòa bình, người dân và đời sống của họ rơi vào bàn tay của chánh quyền Trung cộng. Sự phá hoại dâng lên cao nhất trong thời gian cuộc cách mạng văn hóa, và các giá trị bản xứ của Tây Tạng trở nên trung tâm điểm của cơn thịnh nộ mãnh liệt này. Tu viện Zongkar Choede đã bị san bằng và hủy diệt hoàn toàn và các tu sĩ phải chạy trốn. Trong sáu trăm tu sĩ, chỉ còn 5% sống sót để kể lại sự tình.

 

 

Sau hơn một thế kỷ, Zongkar Choede Monastery Mới được xây dựng và khánh thành với sự chứng kiến của đức Đạt lai Lạt ma năm 1972 tại Gurupura quận Mysore tiểu bang Karnataka miền nam Ấn Độ. Tiểu bang này có 27 quận và dân số khoảng 45 triệu người.

zongkar_choede_3_1-content 
















Tu viện đã nuôi dưỡng và dạy dỗ những tu sĩ Tây Tạng trẻ đến từ Tây Tạng, hoặc Nepal hay Ấn Độ. Họ được học tụng kinh Tây Tạng, học múa mang mặt nạ theo truyền thống cổ điển của tu viện Tây Tạng (ancient Tibetan monastic ritual of mask dance), làm tượng bằng bơ và mạn đà la bằng cát, tượng trưng cho vũ trụ hay một phần của vũ trụ, được cho rằng làm mất đi những âm lực trược tính (art of making butter sculpture and world renowned and sand mandala, a symbolic representation of the universe or a part of the universe, said to remove the negative forces). Chương trình học cũng bao gồm Phật pháp (the study also includes Buddhist logic), nghệ thuật vẽ hay thêu thăng ca, và làm nhang theo truyền thống Tây Tạng (art of Thangka painting and making of traditional Tibetan incense making). Thăng ca tức loại tranh vải cổ truyền tôn giáo Tây tạng, họa lại hình tượng Phật Thánh và các Mạn đà la, chung quanh có viền vải thêu màu sắc, có thể cuộn dễ dàng để mang theo khi di chuyển.

 

Từ năm 1995, tu viện cũng có mở trường dạy văn phạm, lịch sử Tây Tạng, Anh ngữ và toán học. Ngoài ra cũng có Đại học Mật giáo là Gyumed Tantric University.

 

Đặc biệt tại đây có cất giữ những báu vật cổ nhất và tôn tượng Phật Bà Tara bằng gỗ, mang theo từ tu viện gốc ở Tây Tạng.

tibetan_little_monk-content 

 

Trở lại buổi sáng sớm hôm nay tại tu viện. Chúng tôi thức dậy lúc 6 giờ, sau một đêm ngon giấc với cảm giác thật bình an. Tôi nghe văng vẳng tiếng tụng trong trẻo của trẻ thơ càng lúc càng rõ, càng nhiều. Tôi nhìn qua cửa sổ thấy mù sương trắng xóa. Các căn nhà xung quanh hiện lên mờ mờ. Những bóng dáng bé bỏng khoác áo cà sa tiến dần đến gần khu nhà tôi ở.

 

Khi ra khỏi phòng tôi thấy vị cựu viện trưởng đã thức dậy đang ngồi trước cửa phòng của ngài. Ngài cười thật vui vẻ. Tôi nhìn ra sân thấy nhiều chú tiểu khoảng năm, sáu tuổi đang đi từ các khu nhà xa hướng về những lớp học cạnh bên. Có nhiều chú quẹo vào nơi chúng tôi đang đứng tò mò nhìn lên, miệng vẫn không ngớt đọc kinh. Có chú ngưng hẳn và trố mắt nhìn chúng tôi, quên cả chùi mũi.

 

Trời lạnh vào sáng sớm, nhưng các tu sĩ tí hon này chỉ khoác trên vai một mảnh khăn choàng nhỏ, bên vai kia để trần như các vị sư khác trong chùa. Tôi cảm thấy nao nao trong lòng vì biết được phần nhiều các tu sĩ nhỏ này được quý thầy đưa về khi lang thang côi cút bên Tây Tạng hoặc Nepal.

 

Dần dần hàng trăm tăng sĩ Tây Tạng tí hon kéo nhau đi về hướng các lớp học. Chúng tôi thấy có nhiều chú tiểu ngồi đọc kinh dưới gốc cây hoặc trước cửa lớp khi các lớp học đó quá đông không có chỗ ngồi. Một cảnh tượng rất dễ thương và bình an.

 

Được biết buổi sáng có lễ ở chánh điện, chúng tôi hướng lên đồi để đến ngôi chùa chính. Quý thầy đã ngồi hai hàng dài từ gần bàn thờ ra đến cửa. Tiếng đọc kinh mạnh mẽ rền vang. Chánh điện của tu viện Zongkar Choede thật rộng rãi và trang nghiêm.

 

Hai vị sư trẻ đem đến cho mỗi người một cái tách, rồi mang đến một cái ấm thật lớn. Họ rót đầy trà sữa và sau đó phát cho mỗi người một miếng bánh bột tròn, dẹp bằng bàn tay xòe ra.

 

Bắt chước các vị sư, tôi xé bánh bột ra chấm vào trà sữa để ăn. Cô bạn Tú Linh ngồi cạnh bên nói: “Quý thầy ăn như vậy ngày này qua ngày khác đó.”

 kalsang_gyatso__rinpoche_0-content

Sau đó Tú Hương dắt chúng tôi lên tầng trên để nghe những vị tăng tụng kinh Tara. Đây là căn phòng đặc biệt nơi cất giữ những báu vật thiêng liêng mang theo từ Tây Tạng.

 

Khi buổi tụng kinh chấm dứt, một vị sư hướng lên hai bức tượng Tara giải thích. Tôn tượng Phật Mẫu Tara đang ngồi có được sau khi Đức Phật nhập Niết bàn 400 năm. Ngài Long Thọ được Long Cung thỉnh xuống dạy sáu tháng. Long vương đã tặng ngài Long Thọ tượng Tara này và kinh Hoa Nghiêm. Tương truyền ngài Long Thọ Bồ tát cùng bức tượng có trò chuyện cùng nhau.

 




 nagarjuna

Bức tượng của Bồ tát Long Thọ trong tu viện Tây Tạng gần Kullu, Ấn Độ.
Bồ tát Long Thọ
, Long Mãnh hoặc Long Thắng (Nagarjuna) (thế kỷ 2/3), được xem là một vị Bồ tát chuyển Pháp luân lần thứ nhì. Tổ sư thứ 14 trong 28 vị tổ chính tông. Tổ sư của tám tông Hiển và Mật. Một trong những Luận sư vĩ đại nhất của Phật giáo. Một trong “Lục Bảo Trang của Ấn Độ”. 5 vị kia là: Thánh Thiên (Aryadeva), Vô Trước (Asanga), Thế Thân (Vasubandhu), Trần Na (Dingãga), Pháp Xứng (Dharmakirti).

 

Ngài Long Thọ ra đời khoảng năm 160, gốc xứ Bérar, dòng Bà la môn, sanh ra dưới cây A chu đà na (Arjuga) nên được đặt tên A chu đà na hoặc Thọ; nhờ loài Rồng (Nãgã) mà thành đạo nên gọi là Long. Ngài xuất gia theo Phật giáo, đến Đại viện Na lan đà (Nãlandã) thành Vương xá (Rãjagriha) tu tập nghiên cứu kinh điển, dưới sự hướng dẫn của La hầu la bạt đà la (Rahũlabhadra). Sau đó ngài thành Pháp sư của Đại viện. Ngài kế nghiệp cho Tổ sư 13 là Ca tỳ ma la (Kapimala). Tương truyền ngài xuống Long cung thỉnh kinh Hoa Nghiêm về, và mở tháp sắt truyền bá Mật tạng. Về già, ngài về quê hương Trung Ấn, trụ trong ngôi chùa ở cao nguyên Srĩparvata, trên ngọn đồi hiện còn mang tên là “Đồi Long Thọ” (Nãgãrjunakonda). Ngài truyền giáo lý về Không tánh cho Long Trí (Nãgabodhi) sau này tạo thành Chân Ngôn tông ở Viễn Đông. Long Thọ sống khoảng 64 tuổi, truyền y bát tổ sư thứ 15 cho Ca Na Đề Bà (Kãnadeva).

 

Long Thọ là vị đầu tiên trong lịch sử Phật giáo tạo dựng một “hệ thống” triết học, trong đó chứng minh thế giới hiện tượng không thật hiện hữu — theo kinh Bát nhã. Đây là nền tảng cho Trung quán tông và các triết lý Phật giáo ra đời về sau.

 

Trở lại câu chuyện bức tượng Phật Mẫu Tara do ngài Long Thọ thỉnh từ Long cung về.

 

white-tara-content 

Phật Mẫu Tara (dịch âm là Đa La, Đa La Tôn, Đa La Tôn mẫu, Đa La Độ mẫu, Đa La Phật mẫu), vị Diệu Phật (Yidam) hay Hộ thần mang dạng nữ thân, dẫn dắt con người vào Giác ngộ. Tara có nghĩa là mắt sáng như sao, cũng có nghĩa là cứu độ. Ứng thân của giác hành và diệu năng. Ngài là cổ Phật thị hiện thân Bồ tát, được xem như một thị hiện của Đức Quán Thế Âm, theo truyền thuyết thì chính từ Liên hoa Nhãn tướng từ bi của ngài thương xót chúng sinh nên hiện ra. Danh hiệu ngài thường được nhắc đến trong các kinh văn Mật tạng. Có đến 21 dạng Tara khác nhau về hình dáng, trang sức, màu sắc.

 

Hai hình thái được tôn thờ nhiều nhất: xanh và trắng. Tara Xanh (Green Tãrã) là độ mẫu của tôn giả A tì sa (Atisa). Hình tượng ngài ngồi chân phải duỗi ra như sắp đứng dậy độ chúng. Tay trái bắt ấn và cầm một cành sen xanh (utpala). Tay phải xòe ra biểu tượng độ tha tối thượng. Nét mặt ngài hơi nghiêm nghị, mắt mở lớn đầy năng lực, biểu tượng cho hành động chớp nhoáng của bậc giác ngộ. Màu xanh liên hệ cùng trí tuệ viên mãn. Tara Trắng (White Tãrã) ngồi kiết già, hai tay bắt ấn tương tự. Ngài có thêm năm mắt ở giữa trán, trên bàn tay và bàn chân. Ngài liên hệ đến trường thọ và sự bình an độ khỏi tật bệnh và tai chướng.

 

Tôn tượng Tara Xanh thờ tại tu viện Dzongkar Choede ở thế đứng. Tương truyền rằng tôn tượng Tara này khởi đầu ở tư thế ngồi. Khi Trung cộng đàn áp Tây Tạng, chư tăng đưa tượng Ngài chạy trốn. Đến ranh giới Tây Tạng và Nepal thì Ngài đứng dậy luôn.

 

Vị sư hướng dẫn cho biết, tượng Phật Mẫu Tara đứng rất linh thiêng, cũng thường nói chuyện với các chư tăng. Có nhiều khách hành hương thuộc nhiều chủng tộc khác nhau đã đến cầu nguyện và nhiều ước nguyện đã được thành tựu.

 

Chúng tôi lên lầu thăm viếng ngài Kalsang Gyatso Rinpoche, viện trưởng tu viện Dzongkar Choede. Rinpoche (Very Precious) tạm dịch là Tôn đức, Tôn quý. Đây là danh hiệu của Tây Tạng dành cho các Đại Lạt ma được tôn quý vì có thành tựu tâm linh cao hoặc do sự tái sanh của Chu cô (Tulku).

 

Ngài ở trong một căn phòng nhỏ, trưng bày giản dị. Lúc nào trên môi Ngài cũng nở một nụ cười thật hiền lành. Năm 2007, chúng tôi có cơ duyên được nghe ngài thuyết Pháp về thân trung ấm tại chùa Liên Hoa, thuộc quận Cam, miền nam California Hoa kỳ, và được ngài cho phép chiêm ngưỡng pho tượng Cổ Phật A Di Đà có hơn ngàn năm, từ thế kỷ thứ 7.

 

Ngài viện trưởng hướng dẫn chúng tôi đến nhà khách để ăn sáng trước khi ngài đưa chúng tôi đến thăm vài tu viện khác trong vùng. Chúng tôi cũng có dịp tiếp xúc với quý thầy phụ trách nhà bếp, vị giáo sư Anh ngữ cũng là thông dịch viên. Thức ăn sáng gồm bánh có nhân rau, súp sữa, bánh mì dẹp của Tây Tạng gọi là baglep, trà sữa pocha gồm sữa, bơ và muối, cùng món cà phê do quý thầy mang về từ các chuyến đi hoằng pháp tại Hoa kỳ trước đây.

 

 

Địa chỉ: Dzongkar Choede Monastery

TRL Settlement, Gurupura 571188

Distt. Mysore, K.S. South India

Trang nhà của Tu viện Zongkar Choede:

http://www.dzongkarchoede.org/

 

 

image028

Ngài Kalsang Gyatso Rinpoche, viện trưởng tu viện Dzongkar Choede.

 

image030

Chùa Dzongkar Choede với hàng ngàn tu sinh tại tại Gurupura quận Mysore tiểu bang Karnataka miền nam Ấn Độ

image032

Tôn tượng Tara Trắng (White Tara)

image034

Tôn tượng Tara Xanh (Green Tara)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10540)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 54246)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 31383)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41860)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42805)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48934)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41522)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41220)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43143)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39565)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45155)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40132)
1,863,880