Khám phá về mình

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31332)
Khám phá về mình

5-12-94, 3:30 giờ sáng

Lại qua một giai đoạn mới của đời sống. Một Huỳnh Mai ngày nào là cô ký giả với lý tưởng viết báo bằng ngòi bút chân thật; rồi đến một con người cô đơn đi tầm đạo qua những tư duy, những cơn bão lòng, cũng dùng ngòi bút ghi vội những ý tưởng bất chợt đến. Rồi cô thợ cắm hoa say sưa với những đóa hoa, những hòa hợp sắc màu và đường nét nhịp nhàng khởi từ sự sáng tạo.

Huỳnh Mai viết báo đã chưa bao giờ biết mình có hoa tay khéo léo, có khả năng sáng tạo đường nét và màu sắc, vì cô từng là người vụng về vào thuở bé trong các lớp hội họa. Cô rất là khổ sở khi chỉ vẽ một bình hoa nhỏ, vì trông xấu xí làm sao. Cô cũng thử học làm hoa vải, hoa tơ lụa, và cũng không hề thấy mình có khiếu.

Vậy mà có lúc cô lại quên mình, say sưa với nghiệp hoa. Thật đam mê, thật hạnh phúc với hoa với lá, quên cả những nỗi khó khăn chán chường của cuộc sống.

Một Huỳnh Mai rất ghét máy điện toán ngày nào hôm nay lại bắt đầu vui thích khi ngồi trước máy điện toán và luôn luôn được điểm cao trong lớp.

Cuộc đời quả là kỳ thú. Tôi đã khám phá về tôi mỗi ngày? Hay tôi khám phá ra những điều chung quanh tôi? Có lẽ cả hai chăng? Hay đó là sự mầu nhiệm của đời sống nếu ta buông bỏ những thành kiến về chính mình. Đó chính là sự giới hạn khả năng tự phát triển. Có bao nhiêu người đã không khám phá được năng khiếu của mình chỉ vì thành kiến, hay nói đúng hơn, họ đã tự ngăn chặn và không TÌM THẤY MÌNH.

Cái Tôi nào là thật, cái Tôi nào giả? Cái tôi nào do các thành kiến của văn hóa, xã hội, tập tục tạo ra? Làm sao để khỏi lầm lẫn cái tôi thật sự và cái tôi do môi trường tạo thành và cái tôi do ngũ uẩn nhào nặn?

Phải chăng trong cuộc sống cần phải có những giây phút cô đơn, một mình, sống yên tĩnh. Con người thường hay sợ hay chạy trốn cô đơn. Cô đơn thường bị đồng hóa với đau khổ. Nhưng phải chăng có đối đầu với đau khổ có trực diện với cô đơn, mới nhìn ra được con người thật của mình, chấp nhận nó, khám phá chiều sâu của nó, và từ đó mới đến được bến bờ giác ngộ.

Đời sống, con người, hoàn cảnh, là nơi để ta tìm thấy ta, để ta khám phá về ta, để ta giác ngộ trong chính nó. Không có đời sống thì không có ta, và ngược lại. Chính đời sống, con người và hoàn cảnh là Thiện tri thức giúp ta học đạo và đạt đạo.

Tối thứ bảy tuần rồi, tôi đi nghe thuyết giảng phẩm Nhập Pháp Giới trong Kinh Hoa Nghiêm tại chùa Liên Hoa.Trong Kinh, Thiện Tài Đồng tử đã học đạo cùng 53 vị Thiện tri thức. Ba Thiện tri thức cuối là Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thể hiện Đại Trí, Đức Phổ Hiền Bồ tát thể hiện Đại Hạnh, và Đức Di Lạc Bồ tát thể hiện Đại Từ. Thiện Tài Đồng tử học với nhiều Thiện tri thức Giáo thọ (người dạy mình). Mỗi vị dạy xong rồi giới thiệu đến vị khác kế tiếp vì đã dạy hết khả năng của mình. Thiện Tài Đồng tử học từ nơi người lớn đến trẻ con, đàn bà đến đàn ông, vân vân...

Những gì nằm trong sự hiểu biết, tưởng tượng của mình, còn luận bàn được thì gọi là tư nghì. Những gì mình không thể luận bàn, tức là vượt qua sự hiểu biết của ngũ uẩn lục căn, sắc thọ tưởng hành thức, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý của chúng sanh, thì được gọi là bất khả tư nghì. Khi học đạo trí tuệ khai mở và những gì gọi là bất khả tư nghì mà còn luận bàn được thì trở thành tư nghì, và phải học hỏi thêm để tiếp tục khám phá.

Con đường Phật đạo thật là sống động, mỗi bước đi là một khai sáng giúp cho người đi có khi đau khổ, có khi tuyệt vọng tưởng chừng đã nghẽn lối, lại chợt bàng hoàng khai mở ra thành những lộ trình mới thênh thang hơn. Cũng có lúc như rơi rụng xuống hố sâu thăm thẳm, hụt hẫng chới với, rồi đột nhiên bay bổng lên nhẹ nhàng êm đềm trong hạnh phúc an bình. Thật hiểm trở thay, mà cũng thật là kỳ diệu. Nếu vượt qua được sự sợ hãi ta mới có thể mạnh dạn tiến bước. Khi đã đạt Trí huệ phát Bồ đề tâm thì sẽ trở thành bất thối chuyển.

7-12-94

Đã hai lần liên tiếp tôi bị lạc đường. Thật ra cũng không phải lạc đường, mà bị hình ảnh hùng vĩ của núi non thu hút đến quên mất phải quẹo vào đường Medical Center để vòng ngã bệnh viện đến trường cho gần. Tôi cứ chạy thẳng đường Crown Valley, đến khi nhận biết đây là con đường cùng thì đã muộn. Tôi phải chạy theo vòng cung để trở lại, tuy tâm tôi muốn dừng lại nơi này vô cùng.

Vòng cung là một điểm nơi lưng đồi thật quang đảng. Đậu xe nơi đây để được một mình đứng trước cả một dãy núi đồi trùng điệp hùng vĩ mới tuyệt làm sao. Mình không phải nhìn từ dưới lên cao, mà được nhìn ngang cùng núi. Mình sẽ có cảm giác vừa bình an vừa khâm phục sự lớn mạnh cứng rắn của núi, sự bền vững tự tại, bao la rộng lớn của thiên nhiên. Và mình cảm thấy như hòa lẫn cùng vũ trụ.

Tối hôm qua tôi nói chuyện trong chương trình Phụ nữ của chị Thái Hà, trên đài phát thanh Little Saigon. Trên đường về, Tài bảo tôi nói chuyện có vẻ tự tin hơn trước. Khi nói về các nguyên do gây đổ vỡ các gia đình đoàn tụ, tôi cho rằng sự khác biệt giữa hai bên kẻ cũ người mới, đã tạo xung đột cũng như mặc cảm kẻ cho người nhận. Tôi nhấn mạnh đến lý do chính là thành kiến, trong đó có vấn đề mẹ chồng nàng dâu, và phụ nữ đã vô tình đóng góp cho thành kiến này trở nên định kiến khó sửa đổi. Ngoài ra, dù ai cũng biết chính sách chia để trị của thực dân Pháp, nhưng người Việt Nam vẫn cứ tiếp tục phân chia kỳ thị người Nam, người Trung và người Bắc. Trên hơn nữa là vấn đề tôn giáo và ý thức hệ - ngoại lai - đã phân tán xã hội Việt Nam khiến cho họ khó có thể đoàn kết được.

Thấy thì dễ, làm thì khó, thành kiến, định kiến, chủ kiến và chính (trị) kiến. Người ta thấy, biết, nhưng vẫn bị chúng chi phối. Họa hoằn chỉ quên đi chốc lát trong lúc thật sự nguy nan cần có nhau.

Muốn xóa đi những điều trên phải thực hiện trước hết nơi chính bản thân mình. Khi phá bỏ thành kiến và định kiến và sống trong sự phá bỏ đó thì có đi ngược lại với những người mang nặng chúng không? Và làm sao để cho mọi người chung quanh hiểu mình và nhìn thấy như mình? Làm sao để vừa sống trong sự tự do nội tại, và đồng thời cũng sống được trong kiến chấp của người, hầu có thể hài hòa cùng họ và tìm cách đưa họ thoát khỏi vòng kềm tỏa đó?

Việc đó có thể thực hiện được không?

17-12-94

I see, I see
My relationship with the sky
My relationship with the earth
My relationship with all of you
I see, I see.
(Tôi thấy, tôi thấy
Mối tương quan giữa tôi cùng trời
Mối tương quan giữa tôi cùng đất
Mối tương quan giữa tôi cùng tất cả mọi người
Tôi thấy, tôi thấy.)

Chúng tôi cùng nắm tay nhau lặp lại câu nói của Vince, ông thầy dạy Tai chi.

Bãi biển vào buổi sáng thứ bảy với nắng vàng rực rỡ. Chúng tôi vừa trải qua những giây phút thật tuyệt vời, tưởng chừng như hòa lẫn vào tiếng sóng, hơi gió, ánh nắng, với trời cao, mây xanh, biển rộng... Chúng tôi cử động nhẹ nhàng, chân bước vào cát mịn, hơi thở như hòa cùng khí trời, cùng vũ trụ. Cả một bầu trời sống động trước mắt tôi với những tia sáng lấp lánh của hà sa.

Lớp học Thái cực quyền của lục cá nguyệt kết thúc ở ngoài bãi biển. Các bạn ở lại để cùng chung vui một bữa ăn nhẹ. Tôi đi với Tài về khu phố Bolsa.

Trên xe, chúng tôi tiếp tục câu chuyện đã dở dang khi đến bãi biển. Tài bảo rằng tôi nên định lại “hướng đi”. Làm gì thì chỉ nên đặt trọng tâm vào một việc. Thí dụ như tị nạn thì đào sâu vào vấn đề này, hoặc tôn giáo, vân vân... Tài nói tôi ôm đồm nhiều việc quá làm không nổi.

Tâm hồn tôi chợt chùng xuống, thầm nghĩ, người ở cạnh mình không hiểu mình thì còn ai hiểu mình. Tuy nhiên, một ý tưởng khác đã đối đáp lại ngay. Tôi ngầm cảm ơn Tài đã làm một bức chắn, nhắc nhở tôi, hoặc đôi khi ngăn chặn bớt, để tôi đừng vì quá nhiệt tâm mà đi quá mức, để rồi thất vọng, lạc lõng, hoặc mệt mỏi, ốm đau... Tài nói thế chỉ vì nao lòng khi thấy nhiều lúc tôi làm việc quá độ, thức khuya dậy sớm liên tục, mà không biết ngừng lại để nghỉ ngơi tịnh dưỡng; và nhiều khi... quên cả chồng.

Tôi nhớ lại đã có một lần hai đứa đi bách bộ ở công viên dưới đồi phía sau nhà ở Mission Viejo, tôi đã giải thích với anh về việc làm của mình; và cả một vài lần khác trên đường cùng đi đến sở làm. Tôi chỉ đeo đuổi lý tưởng phục vụ cộng đồng, đất nước, dân tộc và đạo pháp; và cố gắng thực hiện điều đó qua vai trò một nhà báo.

Những lá thư trong trại tị nạn phải được viết lại qua hình thức một bản tin các báo mới đăng, và gây chú ý của các giới, nhờ thế họ mới hiểu vấn đề, và chịu khó giúp thuyền nhân. Những lá thư được phổ biến nguyên văn, hay các bản phúc trình dài, thường khiến cho tính cách khẩn trương của sự việc bị chìm đi hay mất thời gian tính.

Về tôn giáo chẳng hạn, tôi phải học hỏi và nghiên cứu nhiều về kinh sách để mở rộng kiến thức đạo pháp của mình hơn. Phật giáo Hòa Hảo cũng là Phật giáo, Đức Thầy luôn khuyến khích tín đồ học hỏi thăng hoa trong đạo pháp. Đạo pháp được giảng dạy trong các bộ Kinh Phật, chẳng hạn các kinh Đại thừa như Diệu Pháp Liên Hoa, Hoa Nghiêm, Vô Lượng Thọ Phật... vô cùng siêu diệu quý báu. Tôi phải học và viết lại, vì khi viết sẽ được thẩm thấu hơn lời dạy của chư Phật, và được dịp nhắc nhở lại các thứ kinh điển, đồng thời giúp các bạn cùng khóa tu học có tài liệu tham khảo.

Đại khái là tôi phải viết những gì có lợi cho cộng đồng qua đủ các thể tài nói trên, tin tức, đạo pháp... và nếu có thể trực tiếp tham gia các cuộc tranh đấu có ý nghĩa.

Một lần nữa Tài lại im lặng.
Sau đó tôi nói với Tài về bài “Lương Tâm Chức Nghiệp” và bài “Trí Thức Quyền Lực”. Tôi viết bài “Lương Tâm Chức Nghiệp” vì lúc đó có một số bài báo và một đài truyền hình địa phương và một tổ chức trong cộng đồng đã hỗ trợ cho việc cưỡng bức hồi hương. Họ phỏng vấn để viết lên báo hoặc đưa lên truyền hình các viên chức của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ và xem nhẹ sự đấu tranh của thuyền nhân.

Bài này cũng như bài “Trí Thức Quyền Lực”, tôi viết trước mấy ngày bãi bỏ lệnh cấm vận, đều có đăng ở khắp nơi, kể cả các báo ở Đông Âu. Nhất là tôi nhờ Nguyễn Đình Thắng đăng trên hệ thống điện toán của Vietnet, hy vọng các bạn trẻ ở Việt Nam đọc được bài đó. Tôi ngưỡng mộ lòng can đảm của các bạn sanh trưởng trong gia đình theo cộng sản, sống trong chế độ này, và hiểu biết được các sai trái của nó, nay đang tranh đấu cho tự do dân chủ cho Việt Nam ở hải ngoại.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880