Thân phận phụ nữ Việt Nam

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31328)
Thân phận phụ nữ Việt Nam

1- Tâm tình với thính giả đài Văn Nghệ Truyền Thanh về lý do tranh đấu cho người tị nạn và nói về đời sống phụ nữ và trẻ em tại các trại tị nạn Đông Nam Á. (từ trái: Tuyết Long, Nguyễn Huỳnh Mai, ký giả Bích Huyền)
2- Đóng góp ý kiến về đời sống của người phụ nữ tại hải ngoạivới tiến sĩ tâm lý Phương Thúy trong chung trình "Tam Tình Phụ Nữ" của đài Radio San Jose do Như Hảo (áo đen) phụ trách. (12-9-1997)

31-10-94

Đồng hồ vặn lùi lại một giờ vào ngày hôm qua để chuẩn bị cho mùa đông. Sáng nay nắng chói chang nhưng sương mù vẫn còn nên các dãy núi nhuộm màu xám đen buồn bã. Bầu trời chỉ gợn vài nét mây trắng mong manh. Một bức tranh cô liêu tịch mịch.

Bích Huyền trao một số câu hỏi để chiều nay phỏng vấn tôi cho chương trình “Tâm tình phụ nữ” của đài Văn nghệ Truyền thanh. Động lực nào đã khiến tôi phải viết và tranh đấu cho người tị nạn? Phải chăng hình ảnh của các người phụ nữ khóc òa khi lột áo quần ra để chống bị cưỡng bức hồi hương, trong khi ngoài cửa phòng lố nhố các tên lính Hong Kong đầu đội nón sắt tay cầm súng xông vào áp tải họ đi. Phải chăng những em bé tị nạn đầu quấn khăn tang, có đứa bé tí xíu mình trần truồng chân đất, nước mắt nước mũi lem luốc thảm thương. Các em sinh trưởng ở trại tị nạn nên không có đến cả ý niệm về cỏ cây thú vật. Từ khi mới chào đời các em đã bị giam lỏng trong thứ tù gọi là trại cấm, chứa đầy những người đau khổ uất ức có, hằn hộc dữ dằn có. Tôi rất xúc cảm nhìn các em thấy như con của mình, và nhận ra nỗi niềm khổ đau u uất của các phụ nữ trại tị nạn chẳng khác chi niềm đau của chính mình.

Phụ nữ Việt Nam vốn đã quá đớn đau từ thời lập quốc cho đến các cuộc chiến tranh, khi người Việt Nam đau khổ, nỗi đau của từng phụ nữ còn nhiều gấp đôi, họ đau cả nỗi đau của gia đình chồng con. Nỗi đau không phân biệt phụ nữ miền Nam hay miền Bắc. Biết bao nhiêu người mẹ góa vất vả nuôi lấy con côi khi chồng ra trận không biết được ngày về; rồi đến lượt con lớn khôn, lại nhìn con ra đi để rồi bỏ mình ngoài chiến trận. Bao nhiêu người khác lại phải ôm con nuôi nấng khi chồng tù tội, bế con vượt biển tìm chút ánh sáng tự do. Bao nhiêu nỗi đoạn trường trên đường làm “đàn bà đi biển mồ côi một mình”.

Ngày xưa khi các cụ dạy “đàn bà đi biển” có thể chỉ nghĩ đến việc rứt ruột sinh con; nhưng ngày nay “đàn bà đi biển” thật sự, bồng bế con ra đi vượt biên để mong xây dựng chút tương lai cho con mình. Bao nhiêu người đã trả giá quá cao, biển dữ không thương xót gì các con tàu mong manh nhỏ bé, và hải tặc hung tàn lại càng ghê tỡm hơn nữa với các thứ trò người đày đọa người. Chưa hết, đến trại tị nạn cũng chưa phải là miền đất lành. Nơi đây không thấy có tự do, chỉ thấy có cường hào ác bá, có kẻ đầu trộm đuôi cướp, có lính canh khinh thị, có thiếu ăn thiếu mặc, và còn có biết bao nhiêu điều nữa. Thật hiếm hoi chính là tình người và lòng cảm thông thương xót.

Phụ nữ Việt Nam đã có những tội nghiệp gì mà phải nhận chịu mãi muôn ngàn cay đắng? Bích Huyền hỏi tôi tại sao phải đấu tranh cho thuyền nhân, nhất là cho phụ nữ? Làm sao tôi nói hết được đây?

18-11-94

Sáng nay tôi dậy sớm như mọi hôm vào lúc 4:30 giờ sáng. Ngồi viết lách một chút trên cái bàn nhỏ đặt trước bàn thờ của mẹ tôi cho dành để tụng kinh. Trên bàn thờ tôi kính cẩn đặt Kinh Phật và Sấm Giảng của Đức Thầy. Tôi thường thích viết trong căn phòng nhỏ có hình tượng chư Phật và ảnh Đức Thầy. Nơi đó thật yên tịnh, vì cả ngày nhà vắng người, chỉ có mình tôi hay làm việc tại nhà. Hơn nữa, bầu không khí trong căn phòng thiền định ít ai ra vào này có chút gì thiêng liêng khác lạ, khó giải thích; chỉ biết là tại đây, tôi viết rất dễ dàng và thanh thản.
Hôm nay tôi muốn viết vài lời tâm sự để nói lên hoàn cảnh trớ trêu của một người nữ ký giả chỉ muốn nói lên sự thật, và bị nhiều phe phái khác nhau cho rằng thuộc tờ báo này, thuộc đài phát thanh nọ, hay theo tôn giáo kia. Tôi dự định khi ra mắt sách Cô bé làng Hòa Hảo sẽ thổ lộ tâm sự của một người phụ nữ chỉ muốn đem hết tâm huyết hầu phục vụ cho đất nước, đạo pháp, và cộng đồng Việt thân yêu.

Hôm qua chú tôi có bảo sẽ cho tôi mượn quyển Đệ Tứ Tổ của Trúc Lâm để tôi học cách diễn tả. Sau khi tôi đọc qua điện thoại bài “Thắng kẻ tà” và “An nhiên tự tại” tôi viết lúc xuất thần cho chú nghe. Chú thích bài thứ nhì hơn. Bài nhất chú cho là tôi phải học cách diễn tả để tránh sự hiểu lầm của những người khác về mặt tôn giáo. Chú nhắc lại lời dạy của các đấng Minh Triết, Đạo là con đường cứu đời, giúp người bớt khổ, làm sao cho cái ác của con người ngày càng giảm bớt đi. Mình phải gắng điều hướng nó không bằng cách tranh thắng mà giúp cho kẻ ác hướng về chỗ thiện lành. Ngoài ra, tôi phải đặt quan niệm một cách rõ rệt, diễn tả minh bạch và cô động súc tích hơn nữa.

Chú còn bảo, muốn viết về chính trị thì phải đứng ra ngoài và bên trên chính trị để có tầm nhìn sâu rộng hơn. Người ta thường gọi là siêu nhân hay thượng nhân, để nói về phương diện đạo, là những người đứng ngoài xã hội. Phải có cái nhìn bên trên và bên ngoài thì mới tránh khỏi chủ quan.

21-11-94

Trời bắt đầu lập đông tại California. Tôi đậu xe vào nơi xa tít cuối bãi đậu sát gần chân núi. Trước mũi xe là một vùng cỏ dại mọc cao héo úa, tuy nhiên vẫn còn điểm chút hoa vàng.
Tôi nhìn xuyên qua hàng rào cỏ khô để chiêm ngưỡng dãy núi thân quen. Nhiều bụi cỏ cao đến độ che khuất vài ngọn núi.

Những cột điện lớn trên núi trông tựa như những người máy robot, chen lẫn cùng các trụ điện nhỏ tua tủa như xương cá, nối liền nhau bằng mấy sợi dây điện mong manh đằng xa trông như tơ nhện. Vùng trời phía mặt trong suốt với mặt trời buổi sáng đầu mùa đông. Phía trái trời trông ảm đạm hơn với màu xanh xám nhạt. Cả bầu trời không một đám mây. Chỉ thỉnh thoảng xuất hiện vài cánh chim bé nhỏ.

Tôi muốn cả vũ trụ cùng im lặng chiêm ngưỡng vẻ tuyệt vời của thiên nhiên. Nhưng đâu đây cũng có tiếng động thô thiển vang lại. Tôi tập cho hồn mình không chống mà cũng không phản ứng khó chịu, cứ buông xả tự nhiên. Tuy thế, cũng vì những tiếng động đó tôi lại phải chạy xe tít xuống nơi này để âm thanh vọng đến nhỏ bớt.

Phía sau tôi từ bên trái dội lại tiếng xe trải nhựa đường. Họ đang làm thêm bãi đậu xe nơi khu vực hôm nọ còn bằng đất, bụi bay mù mịt vào hôm tựu trường. Phía bên kia là tiếng ầm ì của chiếc máy dộng nền và máy đào lỗ, có lẽ để làm cống rảnh.

Lại qua một cuối tuần bận bịu với nhiều việc. Đi bộ tranh đấu cho thuyền nhân. Xếp đặt công tác phải làm. Nấu ăn cho gia đình, nhất là phải lo chăm sóc thức ăn cho má chồng đến ở chung. Sáng nay má chồng tôi dặn nhớ mua rau ngò om nấu canh chua. Khi tôi ra đi, bà lấy bó rau muống ra lặt. Bà bảo rất thích ăn rau muống. Có lẽ người Việt Nam nào cũng thích ăn thứ rau này.

Má chồng tôi cũng rất thích sinh hoạt cộng đồng, tham gia các việc làm phúc thiện. Gia đình chồng cũng xuất thân Phật giáo. Má chồng quy y với một trong các vị đệ tử của đức Phật Thầy Tây An. Thế nên chẳng những Tài tích cực trong việc góp sức cùng tôi, mà cả má chồng cũng thế. Hôm thứ bảy, mới đầu bà dự định đi tham dự “Đi bộ cho thuyền nhân” với chúng tôi, nhưng sau đó bảo là lạnh quá sức cụ già nên không đi. Khi chúng tôi ở ngoài công viên đi bộ cùng hàng ngàn đồng bào khác, thì bà ở nhà theo dõi qua đài Văn nghệ Truyền thanh. Bích Huyền cho biết Nguyễn Ánh và Bích Huyền có nhắc lại nội dung bài phỏng vấn của tôi khi làm phóng sự.

Sáng nay tôi nghĩ có lẽ khi ra mắt sách Cô bé làng Hòa Hảo, tôi sẽ lấy chủ đề hội thoại là “Tâm tình người phụ nữ”, và nhờ Bích Huyền, Bùi Bích Hà và Kim Chi tiếp tay. Tôi muốn phá vỡ sự im lặng của người phụ nữ Việt Nam đã cam nhận quá nhiều đau khổ qua bao nhiêu thế kỷ và bao nhiêu trận chiến tranh. Phụ nữ miền Nam hay Bắc đều đã im lặng nhẫn nhịn quá nhiều, và lại tiếp tục chịu đựng thêm khi qua đến xứ người. Từ việc làm con, làm dâu, làm vợ và làm mẹ. Lại thêm làm việc thuê mướn cho kẻ khác nơi xứ lạ quê người với đầy khó khăn và kỳ thị.

Hình như người ta chỉ phê bình và nhìn thấy những cái xấu cái dở của một số phụ nữ, mà không chịu nhìn nhận khía cạnh hy sinh, nhẫn nhịn, và cả đau khổ, tủi nhục của họ. Có những trường hợp thật tệ hại trong cộng đồng tị nạn xảy ra cho người phụ nữ. Chẳng hạn như vào lúc thập tử nhất sinh ngoài biển cả bị hải tặc vày vò hãm hiếp tủi nhục, có khi còn mang bầu nghiệp chướng, và nhiều người vì thế mà bị kẻ trên tàu trong trại biết chuyện dè bĩu cười chê... Tôi đã gặp một nữ họa sĩ bị nhiều mặc cảm và mắc bệnh tinh thần sau khi bị hải tặc làm nhục trên biển và vị hôn phu bỏ rơi khi đến Mỹ.

22-11-94, 4:00 giờ sáng

Tôi thức giấc vào lúc 2:30 giờ sáng, cúng lạy tịnh tâm, và vừa viết xong chương trình làm việc tương lai, cũng như tự nhắc nhở mình đừng để tình cảm ảnh hưởng chi phối đến các quyết định. Tôi phải dành nhiều thì giờ để học hỏi cho chương trình đã vạch ra, hơn là làm những việc cũng có lợi nhưng do các người khác muốn hay thúc đẩy.

Nếu đã biết nhìn, thấy, biết việc nào phải làm và việc nào phải tránh, hoặc việc nào cần hơn và hữu ích hơn cho đất nước quê hương, thì phải cứng rắn dành trọn thì giờ, tâm lực và trí lực hầu thực hiện; thay vì yếu lòng để làm các việc khác vì bị thuyết phục.

Muốn phục vụ một dân tộc phải có một tầm nhìn xa và phải cứng rắn để theo đúng chương trình đã vạch ra, thì mới đáp ứng được nhu cầu xây dựng của dân tộc đó.

8:30 giờ sáng
Cũng vẫn mấy cái đồi trơ trụi đó nhưng sao mỗi ngày trông lại khác nhau, tùy theo thời tiết nóng lạnh nắng mưa, mây nhiều mây ít, trời u ám hay trong trẻo theo với ánh sáng mặt trời. Cũng có khi khác biệt tùy theo tâm trạng của mỗi người. Có người nhìn thoáng qua, hay chiếu cố đến sự hiện diện lặng lẽ đó nhiều hơn một chút và thích hay ghét. Cũng có người chiêm ngưỡng và học hỏi từ nơi chúng.

Có người thích rừng xanh lại ước mơ thay vì những dãy núi trùng điệp khô cằn này sẽ là các khu rừng rợp bóng, ích lợi cho loài người hơn vì cho nhiều cây trái củi gỗ. Cũng có người thích sông thì ước ao nơi đây có con sông chảy dài để họ nhìn ngắm, thả thuyền câu cá, hoặc chơi đùa cùng sóng nước, và giúp cho vùng đất khô khan này không bị hiếm nước, nhất là vào những năm California bị hạn hán. Cũng có thể họ thích biển hơn. Có thể là họ thích núi, nhưng lại thích núi cao hơn hiểm trở hơn, hay là đồi nhỏ bé xanh cỏ mượt...

Tôi thích gì? Tôi là hạng sau cùng, thích chiêm ngưỡng thiên nhiên. Tôi thích cả sông biển, cả núi và rừng. Tôi thích cả nắng mưa, cả gió và mây. Vì mỗi lúc mỗi nơi tôi đều có thể dựa vào đó để tìm thấy một khía cạnh khác nhau của con người thật của mình. Trong đời sống điều tôi thích nhiều hơn điều tôi ghét. Có thể vì tôi may mắn hơn nhiều người bất hạnh khác mà tôi từng được gặp, dù cho tôi cũng gặp nhiều nghiệt ngã của cuộc đời. Con người có va chạm nhiều nỗi khó khăn đau đớn mới tỏ lộ ra được chân tướng, mà tận cùng chính là chân ngã. Tôi không cho là ai thật sự tốt hơn ai, vì người nào cũng đều mang Phật tánh tận bên trong. Chỉ có người này nặng nghiệp hơn người khác. Bị vô minh che lấp. Bị nghiệp dữ đeo đẳng. Có thể gọi là kẻ may và người rủi cũng được. Nhưng không thể xác nhận là ai hơn ai kém. Câu trả lời không đơn giản như thế. Do vậy, ta cũng đừng mừng rỡ, hãnh diện về sự thành công lớn hơn, sự vấp ngã ít hơn của mình, để mà cười chê người thất bại xấu số.

9:00 giờ sáng
Sự sống thật tràn đầy khi tôi kéo ghế ngồi xuống trong câu lạc bộ. Đưa mắt nhìn quanh, tôi thấy trí tuệ mình như bỗng bừng sáng theo mọi cử động của những người ngồi chung quanh.
Phần đông đều là giới trẻ. Cô Mỹ tóc dài đang ăn xong miếng bánh mì, quanh dĩa cô những mẩu bột vụn từ miếng bánh rơi vung vải. Các cậu sinh viên kẻ mang túi sách lên vai đẩy ghế đứng dậy đằng này, người bỏ túi kéo ghế ra ngồi đằng kia. Tiếng cười tiếng nói đến cùng lúc với sự lặng lẽ của một bà Mỹ già tóc trắng phau dáng vẻ quý phái mang chiếc kính gọng lớn đang đọc báo.

Trước mặt tôi gần khung cửa kiếng có nền trời núi, là một cậu Mỹ đen đầu trọc đang ngồi dò bài và đánh vào chiếc máy điện toán bé nhỏ. Cậu ăn mặc màu mè, quần jeans xanh, áo len dầy màu xám nhạt, bên trong là chiếc áo cổ lọ dài tay màu tím than. Cậu đột nhiên như cảm thấy có người nhìn, ngưng học, quay lại nhìn tôi mỉm cười, nâng ly nước lên môi uống, xong cúi xuống quyển sách và tiếp tục đánh máy...

Cậu nhắc nhở tôi phải buông viết xuống mở sách ra để dò bài thi. Hôm nay tôi thi về cách trình bày các thư từ thương mại, những bản phúc trình, thống kê, phụ lục và memo của các người làm chung sở ghi chú cho nhau.

Tôi chợt ngưng dò bài vì tiếng cười dòn tan của hai cô Mỹ ngồi bên cạnh. Tôi quay lại, bỏ mắt kiếng “làng” xuống. Hai cô Mỹ đen tóc xoắn tít, người thật tròn trịa có ngấn, nhưng chắc nịch xinh xắn. Một cô tóc kẹp cao lên đỉnh đầu, bỏ xõa xuống với nhiều lọn tóc nâu. Người căng phồng trong chiếc áo thun dầy trắng. Môi tô son đỏ sậm. Cô lấy kiếng tròn ra ngắm, một tay cầm chiếc bàn chải nhỏ, chải lông mi lông mày. Cô ngừng nói chuyện và nhìn tôi cười. Cô kia ngồi ngang tôi, hai chân gác lên bàn. Tai cô mang hai chiếc bông tai tròn lớn như chiếc vòng “hulahoop”. Cô cột một chiếc áo thun xanh nước biển ngang bụng, hở cả rốn. Tóc cô búi cao lên đỉnh đầu, đuôi tóc còn lại xõa ra sau ót. Thấy cô kia trang điểm, cô cũng vội vàng móc từ túi xách ra một túi nhỏ, kéo dây kéo ra, xấp trên bàn lĩnh kĩnh các hộp má hồng, son đỏ, phấn trắng... có cả đồ kẹp lông mi.
Các cô đã làm dấu hiệu đến giờ học. Tôi cũng phải chuẩn bị để vào lớp.

1-12-94

Tôi ngồi yên trước bàn thờ Phật. Khói hương nhang đèn còn sáng choang nghi ngút. Tôi cảm thấy bình an lạ thường. Nhang trên bàn thờ tổ tiên đã cháy được nửa cây, phần đã cháy uốn cong cuộn tròn lại. Mẹ tôi và má chồng thường cho như vậy là được ông bà chứng giám cho lời nguyện của mình.

Mấy tuần nay, thỉnh thoảng tôi đọc quyển Women in World Religions do Arvind Sharma biên soạn. Bà là giáo sư về tôn giáo của đại học Sidney tại Úc. Quyển sách tập hợp nhiều bài viết của các nữ giáo sư môn tôn giáo viết về vai trò của người phụ nữ trong Ấn độ giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Khổng giáo, Lão giáo, vân vân...

Tôi thích bài về Lão giáo của bà Barbara Reed, giáo sư tại đại học St. Olaf College, Northfield, Minnesota. Bà chuyên nghiên cứu về Phật giáo Trung hoa và Lão giáo.

Tôi ghi lại vài câu để suy nghiệm:
"The mysterious way of nature is called TAO. One can know Tao by yielding to and following nature. One should act spontaneously, naturally, without purpose.” (p. 161-162)
(Con đường huyền nhiệm của thiên nhiên gọi là ĐẠO. Người ta có thể biết Đạo bằng cách nhường lối và theo thiên nhiên. Người ta nên hành động một cách tự khởi, tự nhiên, không mục đích.)

“Creation in the Tao te ching is the production of all things from the womb of the Mother.” (p. 162)
(Sáng tạo trong Đạo đức kinh chính là sản phẩm của tất cả mọi thứ đến từ lòng Mẹ.)
"The Tao as empty has unlimited potentiality” (p. 162)
(Đạo rỗng không có khả năng bất tận - Đạo khả đạo phi thường đạo.)
"The Taoist follows the Tao by acting as a child and clinging to the Mother’s breast. The way to act in the world is to follow the role traditionally assigned to women in society - to be weak - flexible - and lowly. Creative power comes from these positions, not from positions of strength, hardness, or superiority.”

(Người học Đạo theo Đạo bằng cách hành xử như đứa trẻ thơ và bám vào ngực Mẹ. Cách xử thế ở đời là theo đúng vai trò truyền thống đã chỉ định cho người phụ nữ trong xã hội - phải yếu mềm - uyển chuyển - và nhún nhường. Sức sáng tạo đến từ các vị thế đó, chứ không từ nơi các địa vị của quyền lực, cứng rắn, hay cao kỳ.)
"The lowly position is identified with women, but is advocate all - particularly for the ruler,”
(Vai trò thấp kém được định danh cùng phụ nữ, nhưng nó lại biện bạch cho tất cả - đặc biệt là kẻ trị vì,)
"If the ruler acts passively, all things spontaneously follow the creative principle within them." (p.164)
(Nếu kẻ trị vì hành xử cách thụ động, tất cả mọi thứ đều tự khởi theo đúng cùng nguyên lý sáng tạo sẵn có bên trong.)
Một câu mà tôi thích nhất là:
"One who follows Tao also refrains from judgements and accepts all things that come from the Mother.” (p 164).
(Người theo Đạo cũng tự chế, tránh phê phán và chấp nhận tất cả mọi thứ đến từ nơi Mẹ.)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880