Trở lại mái trường

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 32511)
Trở lại mái trường

3-6-94 - 9:00 giờ sáng

 

Thoáng một chốc đã mười năm qua, hầu như mỗi buổi sáng tôi ngồi nơi cửa sổ này, trong một vùng yên tĩnh của thành phố hiền hòa Mission Viejo. Chim vẫn hót, hoa vẫn nở, lá vẫn xanh, mây vẫn bay ngang khung trời nhỏ. Những hàng cau và hàng dương ngang tầm mắt ngày nào đã cao vượt khung cửa.

Tôi vẫn ngồi đây nhưng tóc đã bạc nhiều hơn, da nhăn nhiều hơn, và nỗi lòng thương nhớ Việt Nam, quê cha đất tổ nơi chôn nhau cắt rún, cũng nhiều hơn.

 

Chúng tôi mua ngôi nhà này để các con chỉ cần mở cổng sau là bước xuống sân trường tiểu học, và có thể chạy về khi tan trường. Nay thì Thịnh đã vào đại học hai năm, còn Cường sẽ tốt nghiệp trung học vào hè 94 và chuẩn bị làm lễ tốt nghiệp Hướng Đạo với đẳng cấp Phượng hoàng (Eagle Scout). Trang, đứa con gái nuôi, vừa mua căn nhà ở Long Beach và có mang đứa con thứ nhì.

 

Tôi vẫn ngồi đây với biết bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu bài học đời, học Đạo, để quán chiếu, suy niệm, sửa chữa. Những bài học vui buồn, đau nhức của cuộc đời, những thăng trầm của tư tưởng chuyển biến theo nhịp độ thời gian. Có bao nhiêu lần những cơn sóng lòng gợn dậy được xoa dịu êm xuôi, hay tung vỡ ào ạt như bão tố rồi tan ra với những dòng nước mắt mặn nồng.

 

Những cơn xúc cảm và biến động của tâm tư với biết bao uẩn khúc kết chặt vào nhau từ những ưu tư của riêng tôi, cho đến những đau khổ của người chung quanh, của đất nước dân tộc, của toàn nhân loại cùng thở cùng sống chung nhau trên một quả địa cầu.

 

Tất cả đều chia sẻ cùng nhau sự sống, sự chết, nhưng mấy ai chịu nhìn thấy mối liên kết tương giao chằng chịt cùng nhau, hầu phát triển niềm yêu thương xây dựng thay vì nỗi hận thù hủy diệt. Có bao nhiêu người chịu thức tỉnh khi nhận ra rằng mỗi dấu mốc của thời gian đã đưa ta dần vào sự chia lìa vĩnh viễn, để rồi dẹp bỏ đi hờn oán, tỵ hiềm, tranh chấp, và biết nhìn kỹ nhau, lắng nghe nhau, và hiểu biết nhau hơn để cùng tha thứ và bắt tay xây dựng một việc gì đích thực cho cuộc đời còn lại của chính mình.

 

 6-6-94

 

Như một phép lạ tôi lại trở về ngồi đây: câu lạc bộ của đại học nhỏ Saddleback College. Khung cảnh ở đây thật đáng yêu làm sao. Trước mắt tôi là cả một vùng trời bao la, núi đồi phơn phớt cỏ xanh nối nhau trùng trùng điệp điệp.

 

Đã bao nhiêu buổi sáng, đã bao năm từ thuở tôi bỏ nghề báo chí truyền hình, xa các sinh hoạt cộng đồng dời về nơi đây để tìm sự bình yên cho tâm hồn, lấy dần lại niềm tin. Đã bao lần ngồi yên trong xe ở cuối bãi đậu gần chân núi, tôi chú tâm vào hơi thở để toàn thân trí hòa lắng với thiên nhiên, nhận diện được sức sống mầu nhiệm, cắt đứt nhịp vui buồn hờn giận ghét thương của cuộc đời.

 

Ngày hôm qua, 5-6-94, đối với tôi đột nhiên thành xa xôi dịu vợi. Ngày hôm qua tôi phải đến đài Radio Little Saigon cùng với phái đoàn tranh đấu cho thuyền nhân tận trời Âu. Bao nhiêu hình ảnh sinh hoạt nhộn nhịp đã trôi qua như bóng mây.

Tôi ra đi mang nặng bên mình bao lá thư, kháng cáo, báo cáo, tuyên cáo, tiếng kêu thống thiết của đồng bào tị nạn đang oằn oại đau khổ tự hủy sinh mệnh cho cuộc tranh đấu cho nhân quyền, cho tự do. Sao họ phải hủy hoại thân thể để không trở về quê hương. Ai lại không yêu thương quê cha đất tổ của mình. Họ không chối bỏ quê hương, chỉ khước từ không chung sống với bạo quyền hà khắc.

 

Một phần nỗi đau xót tận tâm cang là sự đánh phá bôi nhọ người trong Phật giáo Hòa Hảo, mà lần này mũi dùi chỉa vào tôi và gia đình. Một lá thư rơi nặc danh vu khống cá nhân tôi thậm tệ. Đó không phải lá thư đầu tiên, mà chỉ là cái mới nhất trong hàng chục lá thư đánh lén bôi nhọ giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, các vị lãnh đạo và gia đình của tôi. Nỗi đau của tôi phần lớn không phải cho cá nhân mình, tôi đã quen và đã biết trước phải nhận lãnh hậu quả này khi đứng ra làm việc đạo. Tôi chỉ thương ba mẹ. Ba tôi vừa nằm xuống chẳng bao lâu. Thật là tàn nhẫn. Ba mẹ tôi hầu như suốt đời hy sinh đóng góp cho đạo pháp.

 

 21-6-94

 

Tôi không bao giờ bỏ cuộc và cũng sẽ không bao giờ chùn bước. Một ngọn lửa sáng rực đã thắp cháy trong lòng tôi, cho tôi thêm sức mạnh để dấn bước, tiếp tục học hỏi, tiếp tục làm việc. Phải chăng đó là tình yêu quê hương, là lý tưởng phục vụ cho đạo pháp dân tộc.

 

Tôi sẽ không bao giờ gục ngã trước những sự xúc xiểm chướng ngại. Những niềm đau, những sự khó khăn càng là chiếc đòn bẫy đẩy bật tôi lên, giúp cho tôi cương quyết hơn, mạnh mẽ hơn dấn bước trên con đường đã chọn lựa. Hướng đi tôi đã được định sẵn từ lâu, không có gì làm thối chuyển.

 

Hôm nay tôi cảm thấy mệt trong người, nhưng vẫn cố gắng ngồi đến hết giờ học. Tôi yếu Anh văn, kém Pháp văn, quên Nhật ngữ, nhưng đó là các ngôn ngữ tôi cần học và cần nắm vững. Tôi cứ hay quên những điều đã học, có phải vì nhiều lúc lòng quá rỗng rang, hay vì ở trong môi trường ít thường xuyên sử dụng? Nhiều khi tôi cảm thấy mình thiếu kém quá nhiều thứ so với một phụ nữ sinh trưởng tại Tây phương nhiều phương tiện. Cũng có thể đó chỉ là mặc cảm, do tôi cảm thấy mình cần phải biết thật nhiều thứ để phục vụ chăng? Điều đó tôi không rõ. Nhưng có điều tôi rất rõ, đó là tôi chân thật với chính mình, tôi tìm thấy được chính mình. Nhiều khi tôi thấy như mình đang đứng bên ngoài để tự quan sát mình. Một cái tôi quả còn đầy hỉ nộ ái ố, một cái tôi lắm lúc đầy tình người muốn san sẻ bao dung, cái tôi vừa yếu đuối hiền lành của một người đàn bà, vừa can đảm cương quyết của một người đàn ông. Tôi biết mình cần phát triển những gì cần thiết nhất để tiếp tục cuộc hành trình.

 

Tôi lại lấy lớp Anh ngữ mùa hè tại Saddleback College, chung với các sinh viên phần lớn tuổi đáng con tôi từ nhiều nơi trên thế giới đổ về. Mỗi ngày tôi phải hiện diện trong lớp ba tiếng đồng hồ, xem phim, đọc các bài báo trích từ tờ Herald Tribune. Sao tôi cứ phải làm những điều khó khăn mà tôi muốn né tránh: sinh ngữ? Một tuần hai lần tôi lại đến tiệm hoa Conroy’s ở Irvine đón Sylvian tan giờ làm việc để về nhà cô ấy học Pháp văn. Vợ chồng Sylvian bán tiệm hoa bên Paris, sang Mỹ lập nghiệp. Tôi quen Sylvian khi đến làm việc vào những dịp lễ tại tiệm hoa Conroy’s ở Mission Viejo. Mỗi lần đón Sylvian, tôi thường đem hết các tài liệu Pháp ngữ về Liên Hiệp Quốc, về người tị nạn, về Quốc hội và Nghị hội Âu châu, cũng như về trẻ mồ côi tại Việt Nam nhờ cô bạn Pháp giải nghĩa ra Anh ngữ.

 

Phải chăng đã quá muộn màng? Thân thể và trí tuệ của một phụ nữ sắp ngũ tuần còn thích ứng để quay về đại học nhồi nhét vào đầu những điều mình vẫn sợ, chỉ với mục đích là phải làm việc, phải giải quyết một vấn đề cần thiết, đó là sự vận động cho tự do dân chủ ở quê hương, cho nhân quyền và tự do tín ngưỡng. Những điều thật quá mông mênh. Tôi sẽ làm được gì, đạt được đến đâu ở tuổi tác và vị trí hiện nay? Cũng không biết được. Không cần biết quá nhiều. Chỉ nắm chắc một điều, đó là sự cố gắng tận năng lực của mình.

 

Hôm qua tôi nói chuyện điện thoại với bác Như Phong Lê Văn Tiến thật lâu. Tôi nhắc nhở bác giữ gìn sức khỏe, bác cười hỏi ngược tôi tại sao làm việc như vậy mà còn bảo bác. Tiếp tay chương trình phát thanh Phật giáo Hòa Hảo, lo tập san Đuốc Từ Bi, người tị nạn, gia đình... Rồi còn hai cuốn sách phải hoàn tất, Cô Bé Làng Hòa Hảo và Cảm nghĩ từ Đời sống. Chưa hết, phải lo thể dục thể thao để còn giữ gìn sức khỏe, ngày một đôi lần ở Holiday Spa. Cũng có thể việc tôi nghĩ mình già yếu hoặc không còn năng lực là không đúng. Phải làm việc phải năng động mới giúp cho con người tràn đầy sinh lực và cảm thấy trẻ trung. Tuổi tác nằm nơi sức sống. Tôi cũng không nghĩ ra nổi nếu mình không làm gì hết thì mình sẽ ra sao.

 

Trò chuyện với bác Như Phong giúp tôi nhiều nghị lực. Bác Như Phong là bạn thân của ba từ hồi còn ở Việt Nam. Dù đã 71 tuổi, bác Như Phong vẫn là người đầy nhiệt huyết, dấn thân. Bác chuyên nghiên cứu về chính sách cộng sản. Tuy bác ở mải tận Washington D.C., nhưng tôi rất thích được trò chuyện cùng bác. Bác có lối nói chuyện dí dỏm, hoạt bát, rất sáng suốt, và tế nhị, ân cần giúp cho “đồng nghiệp” trẻ tuổi Nguyễn Huỳnh Mai nhiều kinh nghiệm hay ho, nhất là các nhận xét của bác về nhà nước cộng sản Việt Nam, nghe thật “buồn cười ra nước mắt”.

 

Bác sang Hoa kỳ vào ngày 11-4-1994, sau gần 15 năm sống trong tù cộng sản. Tôi có viết bài phỏng vấn bác đăng trên Việt Báo Kinh Tế. Bác nhận xét rằng chế độ Hà nội “hết thuốc chữa, như bệnh ung thư đến thời kỳ “chạy phá” (metastasis), với “sự xuống cấp về trình độ, khả năng và tư cách của các lãnh tụ cộng sản từ trung ương cho đến cán bộ địa phương ở mọi ngành”. Bác đặt nhiều hy vọng vào các “mầm mống cách mạng” trong nước như Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Bùi Tín ở ngoài Bắc, Câu lạc bộ Kháng chiến ở miền Nam với Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ, Hoàng Hồ (bị đầu độc chết năm 1990). Bác nói: “Còn nhiều tảng ngọc quý gấp bội sẽ hiển hiện khi nước ta bước sang vận hội mới”. Bác còn cho biết người trong nước, nhất là thành phần trẻ, rất “đợi chờ sự giúp đỡ của người ở ngoài nước hầu cải thiện tình hình và thay đổi chế độ”, nhất là về kỹ thuật đấu tranh, kiến thức xã hội, kinh tế...

 

Bác Như Phong còn có bút hiệu là Lý Thắng, bị cộng sản bắt vào tháng 4, 1976, khi bác chưa kịp sử dụng hai căn cước giả đã được chuẩn bị trước để “đổi vùng”. Bác bị cầm tù tại Sở Công an Thành phố, sau đó bị chuyển qua trại số 4 Phan Đăng Lưu, với lệnh bắt giam “tuyên truyền phản cách mạng”. Bác đã gặp giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và nhiều tù nhân lương tâm khác, khi bị đưa qua Chí Hòa năm 1979. Sau khi ra khỏi tù năm 1988, bác lại tiếp tục giao du với ông Đoàn Viết Hoạt và các bạn tù. Vì vậy bác bị bắt lại vào cuối năm 1990 với tội “gián điệp và hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Cán bộ cộng sản đem thư từ và một số bài viết của bác viết ra nước ngoài để chất vấn bác về tội “gián điệp”.

 

Những câu chuyện trong nhà tù cộng sản của bác Như Phong nghe vừa bi thảm, vừa buồn cười. Bác Như Phong là người miền Bắc, đã có kinh nghiệm cùng cộng sản Hà nội từ những năm 40, cho nên ngay từ sau Hiệp định Paris 1973, bác đã bắt đầu thực tập nhịn đói nhiều tuần lễ để chuẩn bị cho cầm cự lâu dài khi cộng sản thôn tính miền Nam.

 

Trước những ngày tháng tư năm 1975, bác Như Phong đã có hai việc làm và vé may bay sẵn để qua Anh hoặc Mỹ, nhưng bác đã viết thư cám ơn và từ chối cả hai với lý do: “Tôi không thể sống xa đồng bào tôi. Tôi không thể rời tổ quốc tôi trong thời kỳ này. Tôi cần ở lại để chia sẻ những đau khổ cũng như chia sẻ niềm hy vọng của đồng bào tôi”.

 

Khi vào nhà tù, bác Như Phong có dịp đem “đạo nhịn” của mình ra ứng dụng. Để cho tinh thần thể xác thích ứng với hoàn cảnh mới, bác đã nhịn ăn ngay từ tuần lễ đầu sau khi bị bắt. Thời gian nhịn ăn càng tăng dần trong những đợt sau, và gây xôn xao trong tù, cũng như bị cai tù phát hiện. Vì đã chuẩn bị trước, nên khi khai lý lịch, bác ghi vào mục tôn giáo là theo đạo ông bà, thờ cúng tổ tiên, và bản thân theo Đạo Nhịn. Bác còn giảng giải cho các cán bộ quản giáo rằng, Đạo Nhịn phối hợp phép dưỡng sinh của Lão Trang, với Mật tông Phật giáo Tây tạng, và còn có nguồn gốc xa là pháp Yoga của Bà la môn. Một trong những tác dụng của Đạo Nhịn là để sống khỏe không bệnh, bảo trì cuộc sống và bình an tâm hồn. Trước nhất là nhịn ăn, sau là nhịn một số nhu cầu khác, nhằm đạt đến mục tiêu đầu tiên là chế ngự cái sợ, và cuối cùng là giã từ cuộc sống mà lòng dạ trống không.

 

Nhưng sau khi nhịn ăn lần thứ ba trong tù, kéo dài hai tuần, bác bị cô lập và cắt nước uống. Bác nói với cai ngục: “Nếu tôi chết là do các anh giết, vì nhịn ăn không chết, mà không có nước uống thì chết”. Sau 24 giờ họ phát nước lại.

 

Vào tháng 7-1976, bác bị lôi ra sỉ nhục, bác nói với cán bộ rằng, lời lẽ đó khiến bác phát bệnh, và làm đơn xin nhịn ăn 7 tuần để chữa bệnh.

 

Khi bác nhịn ăn đến ngày 47, các cai ngục trói bác vào băng ca, khiêng ra bệnh xá để vô nước biển và đỗ sữa. Ban giám thị nhà tù cộng sản sợ thua ông Đạo Nhịn nếu bác sống qua 49 ngày. Thế là một tên kềm đầu, một tên kềm chân, một tên ngồi trên bụng, còn anh bác sĩ dùng muỗng cạy miệng bác để đỗ sữa. Cuộc vật lộn kéo dài từ sáng đến trưa thì nghỉ mệt, rồi cạy tiếp suốt buổi chiều. Vì bác cắn chặt răng nên răng bị mẻ, hai nướu đổ máu và môi bị rách. Sau cùng, họ thành công khi thọt được đuôi muỗng vào kẽ răng và nhét thỏi sắt vào giữa hai hàm răng khiến bác không cắn lại được. Họ luồn ống cao su vào miệng và bơm sữa vào bao tử. Chẳng phải họ ưu ái hoặc mong bác sống làm gì, họ chỉ không muốn chấp nhận rằng pháp duy vật biện chứng phải thua “đạo nhịn”.

 

Bác Như Phong vui vẻ nói đùa về kết quả các cuộc nhịn ăn trong tù, nó không làm giảm sút sức khỏe, chỉ tiếc là hư mất hai hàm răng vì bị nạy mẻ hết! Bác nhờ tập luyện xoa bóp và chà sát thân thể, cùng tắm nước lạnh ngày ba lần, cho nên vẫn khỏe mạnh tỉnh táo trong suốt thời gian bảy tuần. Bạn tù đi phát cơm, thường lưu tâm xem bác chết chưa. Khi họ hỏi: “Chịu khó ăn chưa? Không ăn chết đấy”. Bác cười trả lời: “Hít gió là đủ sống rồi. Có phép đấy”.

 

Tôi nói chuyện về dân Mỹ thích nhịn ăn và sợ mỡ trong máu, và hỏi đùa bác sang Mỹ có còn nhịn ăn không, bác cười cho biết, chắc bác thuộc vào thành phần thiểu số không sợ mỡ.

 

 23-6-94

 

Hôm nay tôi đến trường sớm với bánh bagel nướng sẵn và một chai nước lạnh. Tôi rất thích loại bánh mì tròn rất đơn giản thích hợp cho đời sống sinh viên này. Tôi ăn theo kiểu nửa Mỹ nửa Việt, nướng nóng dòn, trét cream cheese - loại nhẹ không chất béo - và còn rắc thêm tí đường.

 

Đậu xe dưới một tàng cây mát mẻ, tôi vừa ngồi ăn sáng vừa viết bài và dò bài thi. Lại trở về thời kỳ sinh viên của các năm 1978-1982, cũng ngồi trên xe ở bãi đậu. Học bài, suy tư, viết lách. Hình như đây là nơi thoải mái và có cảnh đẹp dễ chọn lựa nhất, vì nếu muốn ngắm rặng núi Saddleback tôi chỉ cần đậu xe tận dưới dãy đồi sau trường, gần các chảo ăng ten to tướng.

 

Hôm qua tôi phải đi bác sĩ vì từ hôm ở Pháp về đến nay bộ tiêu hóa của tôi không tốt. Sau đó đến nhà mẹ nghe chương trình phát thanh của PGHH vào lúc 2:15 giờ trưa và thu băng cho mẹ để dành nghe đi nghe lại. Đến Việt Báo Kinh Tế trao dĩa vi tính nhờ Hòa Bình sửa bản thảo Cô Bé Làng Hòa Hảo.

 

Tôi phải về sớm một chút để mua máy chụp ảnh lễ tốt nghiệp trung học của Cường vào tối nay, và đại lễ 18 tháng 5 vào chủ nhật này. Chiếc máy chụp ảnh yêu dấu của tôi đã bị kẻ trộm đập xe lấy mất khi tôi và Thanh Thu ghé Luân Đôn thăm Minh Thư, em gái tôi, nhân tiện đường từ Âu châu về Hoa kỳ.

 

Đại lễ 18 tháng 5 hai năm trước đây rơi đúng vào ngày ra trường của Thịnh. Năm nay Thịnh đã thay đổi nhiều. Tập thể dục ngày hai lần, ăn toàn rau, pasta, bagel, uống nước lạnh và không ăn thịt, đồ chiên xào, vân vân. Xá xíu là món Thịnh thích nhất mà chỉ nếm có một miếng duy nhất. Thịnh rất muốn tôi thưởng nếu xuống cân.

 

 27-6-94

 

Hôm qua đại lễ 18 tháng 5, kỷ niệm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, được cử hành thật trọng thể và chu toàn. Bàn thờ thật trang nghiêm hoàn chỉnh, lư đồng sáng choang, hoa trái rực rỡ, lại có hai chậu hoa lớn thật đẹp đặt hai bên, của Thượng tọa Thích Minh Mẫn, viện chủ chùa Huệ Quang tặng.

 

Phóng viên Nguyên Huy đến trực tiếp truyền thanh cho đài Little Saigon nên tôi bận soạn bài, không chụp được ảnh lúc chào cờ và hành lễ. Tôi giới thiệu ông Trần Bá Phải, cựu hội trưởng BTS San Jose cho anh Nguyên Huy phỏng vấn. Buổi sáng có chương trình mạn đàm trên đài Little Saigon, bác Trần Đức Thanh Phong và bác Lưu Trung Khảo nói 20 phút về PGHH.

 

Hôm nay tôi bớt đau, ngồi nơi bãi đậu xe - may quá còn một chỗ bóng mát dưới tàng cây - để ghi ít dòng trước khi vào lớp. Chút nữa tôi sẽ xem phim The Long Walk Home nói về sự tranh đấu của người da đen chống sự bất công của xã hội người da trắng tại Hoa kỳ. Tuần rồi, bà giáo Dolores chiếu phim The Joy Luck Club, có Kiều Chinh đóng, nói về sự khó khăn của nhiều thế hệ phụ nữ Trung hoa trong nước và tại xứ người, các bà mẹ lưu vong và các cô con gái trưởng thành tại xứ Mỹ. Lớp học rất hay mà chỉ mất có $7 mỹ kim nhờ không lấy tín chỉ. Nếu lấy tín chỉ thì phải trả $50 mỹ kim cho 1 tín chỉ, vì tôi đã có cử nhân truyền thanh và truyền hình tại đại học Long Beach. Luật nhà trường mới đổi trên một năm nay thôi. Lâu quá tôi không đi học nên không ngờ học phí giờ lại đắt quá. Trước kia tôi chỉ phải trả $5 mỹ kim cho 1 tín chỉ mà thôi. Vì thế tôi đã đi học đủ thứ từ nấu ăn, may vá, thời trang, trang trí nội thất, thể dục, nhảy múa, yoga, taichi, dương cầm, tennis, Pháp văn, Anh văn... mà đâu có tốn nhiều vậy.

 

Đến giờ học rồi, cô học trò già ơi, mau vào lớp kẻo bà thầy mắng!

 

9 giờ 20 sáng

 

Trong khi các bạn cùng lớp làm bài, tôi ghi nhanh vài cảm nghĩ. Bài Sociology of the Kimono: Everything Old is Young của Kay Itoi, trích từ báo Herald International Tribune, đã cho tôi một vài tia sáng. Cứ như tác giả phân tích, tôi còn có thể làm việc và viết lách thêm ít ra là 40 năm nữa.

 

Trong bài nói về chiếc áo kimono được thay đổi kiểu cho giản dị, nhẹ, dễ mặc và rẻ tiền hơn so với 40 năm trước. Bà Sueko Otsuka, người đã làm cuộc cách mạng, cắt chiếc áo kimono thành hai mảnh, nay đã 87 tuổi mà vẫn còn điều hành trường dạy may cắt của bà tại Tokyo và áo kimono do bà vẽ kiểu vẫn còn được yêu chuộng tại trung tâm thương mại Takashimaya.

 

Phải chăng niềm vui sáng tạo đã đem lại cho bà năng lực làm việc, và tuy thể xác già nua nhưng sức sống cùng tư tưởng của bà luôn luôn trẻ mãi.

 

Sau Cô Bé Làng Hòa Hảo, Cảm Nghĩ Từ Đời Sống, Lên Đường, Phóng sự Nguyễn Huỳnh Mai, Lời Thầy Dạy, Trở Về, The Lonely Search, When I See, vân vân... rồi tôi còn viết gì chăng, hay chỉ là những dòng chữ ghi vội này mà thôi?

 

1-7-94

 

Đúng ra hôm nay tôi phải vào sở vì là ngày thứ sáu không đi học, nhưng tôi ở nhà sửa sách, soạn hình, và nghỉ ngơi để chiều đi dự ngày kỷ niệm một tuổi của đài phát thanh Little Saigon.

 

Khi ăn cơm trưa, má chồng cùng tôi xem trực tiếp truyền hình vụ án O.J. Simpson. Màn ảnh chiếu cảnh hai vợ chồng nhân chứng khám phá ra tử thi của Nicole Simpson và người bạn cô tên Ronald Goldman. Khi họ cho khẩu cung lần trước, tả lại cảnh tượng lúc tìm thấy tử thi của Nicole và Ronald, với những vết thương chí mạng thật kinh tỡm, O.J. Simpson đã tỏ vẻ xúc động mạnh. Hôm qua, người bán hàng tiệm bán dao cũng ra tòa khai từng bán cho O.J. Simpson con dao dài 15 phân.

 

Tôi nhớ hôm xem truyền hình buổi chiếu cảnh đưa đám táng Nicole, tôi lo ngại khi thấy cảnh O.J. Simpson đến đưa tiễn, hai tay dắt hai đứa con, con gái tên Sidney lên tám, và đứa em trai lên năm tên Justin. Nhìn bàn tay to lớn của O.J. nắm hai bàn tay bé nhỏ của hai đứa bé ngây thơ vừa chịu nỗi đớn đau mất mẹ một cách tàn nhẫn, tôi cảm thấy thật là ái ngại. Phải chăng luật pháp xứ Mỹ này thật quá dễ dãi. Một người bị tình nghi giết người, mà chỉ cần có tiền để đóng bail thế chân là tha hồ tự do tại ngoại, người đó có thể rất nguy hiểm cho các người khác, nhất là các đứa trẻ con ở sát bên mình. Chưa có gì để chứng minh anh ta vô tội. Và đây là một vụ thảm sát gây rúng động đến cả xã hội Mỹ, vì mức độ khủng khiếp của nó, nạn nhân gần như đầu lìa khỏi cổ, chứng tỏ một sự tàn nhẫn bất bình thường.

 

O.J. Simpson rất giàu có, đã bỏ tiền để thuê đoàn luật sư giỏi nhất, các bộ óc tinh xảo hầu nghĩ ra các chứng cớ đủ kiểu, luồn lách vào các khe hở của luật pháp. Hôm đài vô tuyến truyền hình trực tiếp chiếu cảnh chiếc xe Bronco màu trắng trên đó O.J. Simpson kê súng vào đầu và bắt người bạn phải lái đưa anh ta về nhà thăm gia đình, cả nước đã hồi hộp theo dõi. Một đoàn xe cảnh sát chạy theo đuôi chiếc xe Bronco trên xa lộ, bên trên là đàn phi cơ trực thăng vần vũ. Tổn phí của chính phủ - của người đóng thuế - không biết bao nhiêu tiền bạc cho một nghi can giết người!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880