Bé thuyền nhân trước Quốc hội

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31652)
Bé thuyền nhân trước Quốc hội

21-5-94

 

Bỗng dưng ngôi khách sạn nhỏ bé cũ kỷ, với những khung cửa sổ lỏng lẻo mong manh khiến hơi lạnh len lén tỏa vào phòng, đã trở nên nơi quy tụ quần hùng, “chiến sĩ của người tị nạn”.

 

Khách sạn nằm ngay chợ Tàu bên trời Tây, càng lúc càng nhộn nhịp hẳn lên. Hết người nọ đến người kia tay xách nách mang bước vào. Người từ Hoa kỳ đến, người từ Gia nã đại, người bên Úc châu, người ở các xứ Âu châu... rồi nào là nhà báo, bác sĩ, luật sư, phóng viên truyền thanh, ký giả truyền hình, cơ quan thiện nguyện S.O.S. giúp người vượt biển, quý cha, quý sư, quý thầy... lần lượt đặt chân đến “Kinh thành Ánh sáng”. Sáng sáng mọi người tụ tập lại ở lữ quán dưới tầng trệt của khách sạn Majestic để ăn bánh mì tây, uống cà phê sữa tây thứ thiệt. Tiếng cười nói như pháo ran của những người đầy nhiệt tâm nhiệt huyết.

 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, trưởng phái đoàn, đến từ thủ đô tị nạn Little Saigon, với nụ cười thường trực trên môi, bộ đồ vét đen cố hữu, với cánh tay rất nhanh nhẹn, lúc nào cũng chực cho vào túi móc ví tiền ra... bao chót cho anh em. Chúng tôi hơi lo, cứ sợ lần đi tranh đấu cho thuyền nhân ở Quốc hội Pháp và Quốc hội Âu châu kỳ này về, thế nào cũng... lên cân; nhưng không thể nào ngồi yên mà nhìn những ổ bánh mì tây nóng dòn vàng ươm, bánh ngọt bánh croissant hấp dẫn, bơ béo ngậy, và cà phê sữa bốc khói thơm lừng trong buổi sáng trời lạnh. Có chết thì cứ... chết. Chúng tôi phải tranh thủ cho... sức khỏe vậy.

 

Nhà hàng của khách sạn nho nhỏ này ít khi gặp khách đông như vầy, cho nên anh bồi cứ phải chạy đi chạy lại như con thoi đến lò bánh mì gần đó để mua thêm vài ổ. Dân “mít” ở “ngoại quốc” đến Paris sao mà tiêu thụ bánh mì và bánh ngọt nhanh như chớp. Mọi người cứ gọi mãi để “xin thêm vài miếng bơ”.

Chúng tôi chuyện trò vang rân. Anh Phạm Long có giọng nói to nhất, lại còn thích chọc phá mọi người. Anh Đinh Xuân Thái ít nói cũng không chịu được phải góp chuyện. Giáo sư Lê Tinh Thông cởi mở hơn lúc tôi gặp ông ở các buổi lễ Công giáo bên nhà (Hoa kỳ). Tôi làm thân với các bạn trẻ, Đỗ Kỳ Hiển, hội chuyên gia Việt Nam phân hội Ottawa, và Lynda, đại diện cho LAVAS.

 

Nhưng người đặc biệt nhất phải nói là em Ngô Văn Hà, thuyền nhân vừa ra khỏi trại tị nạn Hong Kong, “ngôi sao” trong chuyến đi này. Em Hà nói giọng Quảng rặc ròng, nhanh như gió, líu lo, lanh lợi, khiến tôi có khi nghe không kịp, hơi khó hiểu, nhưng thấy rất vui và thích thú. Trước khi đi, tôi đã có nghe em nói chuyện trên các đài phát thanh địa phương. Bây giờ chỉ cần nhìn thấy em say sưa kể chuyện cũng thấy vui theo, vì nét mặt rạng rỡ và nụ cười không ngớt của em.

 

Lúc Nguyễn Đình Thắng, giám đốc cơ quan S.O.S. Cứu Người Vượt Biển, đưa Hà đến khách sạn, tôi hỏi, “Hà đâu?” Thắng chỉ, “Hà đó”. Tôi nhìn cậu bé trạc mười sáu tuổi, súng sính trong bộ đồ vét hơi dài nhưng mới toanh, tóc chải bồng bồng khá điệu, miệng cười toe toét, khiến người đối diện bắt vui lây. Em dạn dĩ vì đã trải qua quá nhiều biến chuyển. Có lẽ em là thuyền nhân nhỏ bé duy nhất đã điều trần trước Quốc hội Hoa kỳ, làm các dân biểu phải rơi nước mắt. Giờ thì em đang chuẩn bị tiếp tục vai trò của mình, bằng cách kể lại câu chuyện của mình trước các dân biểu, nghị sĩ tại Quốc hội Pháp và Quốc hội Âu châu ở Strasbourg.

 

Tôi đã thấy hình ảnh em trên báo vào năm 1991, khi đó tôi viết bài cho thuyền nhân và có đề cập đến trường hợp của em, nhưng chưa đích thân gặp mặt. Trong ảnh lúc đó em là một cậu bé nhỏ gầy, mặt bầu bĩnh, mắt tròn to ngó lên, miệng ngậm một búng cơm. Em mặc chiếc áo thun ba lỗ và quần đùi ngồi xếp bằng trên ván, tay mặt đang cầm đũa nhúng vào chén cơm cầm bên tay trái. Trước mặt em là những cái thau lớn nhỏ đựng cơm và thức ăn trong trại tị nạn. Sau lưng em, bên phải là tấm màn của sân khấu tạm có dán chữ “Happy New Year 1991”, bên cạnh hàng chữ có vẽ một nhánh mai vàng. Bên trái và phía sau Hà là tấm màn cũ kỷ, trên dây giăng màn có treo vài túi ny lông và vài cái khăn không rõ màu gì. Đó là khung cảnh của trại tị nạn Hong Kong.

 

Bây giờ, ba năm sau, tôi gặp em “bằng xương bằng thịt” ngay giữa “Kinh thành Ánh sáng” Ba Lê hoa lệ. Chỉ có mấy tháng qua thôi mà em trải qua quá nhiều thay đổi. Vừa mới trốn chui trốn nhủi khỏi trại tị nạn khi bị lính Hong Kong lùng bắt, giờ đây em tự do thăm viếng các xứ văn minh bậc nhất quả địa cầu, và em còn là “ngôi sao”, đại diện cho người tị nạn.

 

Duy có điều, câu chuyện của em thật là buồn, nét buồn vẫn còn phảng phất trên đôi mắt ngây thơ, chứ không qua nụ cười tươi tắn và kiểu cách nói năng nhanh nhẩu khôn ngoan trước tuổi. Câu chuyện mà Hà kể, em đã kể khá nhiều lần, cho nên rất nhuần nhuyễn. Em sẽ phải kể lại câu chuyện đó trước những người quan trọng, có quyền quyết định đến vận mệnh của một số những người khác sức yếu thế cô. Câu chuyện của Hà không phải chỉ là chuyện của riêng mình em, mà là hoàn cảnh của rất nhiều người khác, giờ đây còn kém may mắn hơn cả em, bởi vì họ không thoát khỏi vòng kẽm gai của các trại tị nạn.

 

Hà đến Hong Kong bằng thuyền nhỏ vào ngày 24 tháng 8, 1990. Hà là một em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha em là một sĩ quan chính quyền cũ, bị bắt học tập cải tạo, rồi đi lao động cưỡng bức, và lâm bệnh chết. Mẹ em sau đó cũng lìa đời . Gia đình chỉ còn lại mấy đứa con nhỏ. Một người anh của Hà vượt biển năm 1990, bị giam tại Phi luật tân. Còn một người anh khác, một em trai và em gái đều còn kẹt lại tại Việt Nam. Chỉ có Hà trốn đi theo những người vượt biên khác bằng thuyền nhỏ đến Hong Kong.

 

Nhưng khi đến Hong Kong, nhà chức trách đã nhốt Hà cùng những người cùng đi vào một trại cấm tên là Green Island. Trại cấm thì cũng giống như nhà tù vậy. Cũng có giới nghiêm, khẩu phần, hàng rào kẽm gai và canh gác võ trang. Trại Green Island cũng là một trại rất chật chội và bẩn thỉu, không điều kiện vệ sinh, thiếu thực phẩm và nước dùng. Hai mươi ngày sau, người ta chuyển Hà sang trại Whitehead, và tình hình sinh sống cũng vậy. Hai tháng sau thì lại chuyển đến trại Saikong.

 

Sáu tháng bị giam giữ ở trại này là cơn ác mộng khó quên cho em bé mồ côi mới mười hai tuổi, không chốn nương tựa. Ngày thì nóng bức, đêm lại muỗi mòng. Vì không có mùng, nên Hà bắt chước các em không thân nhân khác, tối tối phải kiếm thùng bìa cạc tông, dán những chỗ rách, trùm lên đầu để chống muỗi. Còn dù trời nóng đến đâu, cũng phải dùng mền quấn chặt quanh người. Thế mà sáng hôm sau mặt cũng sưng lên vì muỗi đốt, không hiểu làm sao bầy muỗi lại có thể chui vào thùng, vào mền được. Sau Saikong, em lại bị chuyển về trại Tai A Chau, và bị giam ở đó cho đến khi chuyển trở lại trại Whitehead, chuẩn bị về Việt Nam.

 

Vào tháng 9, 1992, Hà được biết mình bị từ chối định cư và bị ghi vào danh sách những người phải cưỡng bách hồi hương. Em quá đỗi kinh ngạc vì em chưa được chính thức thanh lọc bao giờ. Khi em trình vấn đề lên cùng giới chức thẩm quyền, thì họ cho biết là lần em được nói chuyện với một nhân viên Cao ủy năm tháng trước, và họ nói chắc là nói chuyện như vậy là thanh lọc rồi. Nhưng lần nói chuyện đó chẳng có gì khác ngoài vài câu hỏi về bố mẹ và người cậu của Hà ở Việt Nam. Hà nộp đơn kháng cáo, song cũng bị bác.

 

Mặc dù cậu mợ Hà ở Việt Nam không chịu nhận em, nhưng Cao ủy thay vì bảo vệ cho người tị nạn, nhất là trẻ em không thân nhân, thì lại ép người cậu phải ký kết và cưỡng bức em phải hồi hương. Cao ủy nói dối cùng người cậu là Hà đã về đến Hà nội, và người cậu phải ký tên ra nhận. Người cậu từ chối vì biết đó là mánh khóe cố ý đuổi Hà về. Khi biết chuyện này, đài ASIA Television Ltd tại Hong Kong đã gởi một toán săn tin đi điều tra, và loan báo trên đài truyền hình, khiến một làn sóng xôn xao nổi lên chống lại Cao ủy về việc cưỡng bách hồi hương. Hà còn giữ cả cuộn băng phát hình này.

 

Trường hợp của Hà lẽ ra được xếp vào hạng “vị thành niên không thân nhân, cần được che chở nâng đỡ”, lẽ ra chính sách của Cao ủy phải theo đúng luật tị nạn, tìm một phương cách tốt đẹp nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho em, nhưng họ cố tình làm ngơ các vấn đề khó khăn của em, mà cứ lo cưỡng bách phải hồi hương về cùng một gia đình không chấp nhận em.

 

Trong khi đó, một ông cậu và bà mợ khác của Hà cư ngụ tại San Gabriel, California, đã lập hồ sơ bảo lãnh cho em từ tháng 5-1991, sẵn sàng đón tiếp và đảm nhận trách nhiệm tài chánh lo cho em lưu trú tại Hoa kỳ. Cao ủy lại từ khước đơn này, và lạnh lùng áp dụng luật lệ, mặc dù biết rằng biện pháp nhân đạo đối với em thuyền nhân mồ côi này là cho phép em sang Hoa kỳ sống cùng người bảo trợ.

 

Cao ủy và các nhân viên tổ chức NARV (Cơ quan Cứu trợ Nordic cho người Việt Nam Hồi hương) còn dụ dỗ em là về nước sẽ được cho học computer, được trả tiền và đất để xây nhà nếu không muốn sống cùng thân nhân, được sống trong khách sạn thật sang, đi chơi bằng xe hơi thật đẹp. Khi Hà từ chối các đề nghị này thì bị nhân viên NARV kết án là ngoan cố, và đe dọa sẽ cho cảnh vệ đến bắt Hà đi. Hà vì sợ lời đe dọa bị bắt, nên bỏ sạp ngủ trốn đi.

 

Mang theo người một bàn chải đánh răng và một bộ đồ thay, Hà chuyển hết khu này sang khu khác trong trại, đồng bào thương tình cho em lưu ngụ, và báo động mỗi khi cảnh vệ đến. Thường khi Hà phải trốn dưới sàn sạp ngủ hay sau những bức màn che. Nhiều lần phải vụt bỏ chạy, chân không có giày dép. Hà cứ sống lẩn lút như vậy kéo dài đến bốn tháng.

 

Cuối cùng, Hà thật may mắn được gặp những luật sư làm việc trong trại tị nạn. Một vị nhận làm hồ sơ cho em. Hà cảm thấy an lòng vì tin tưởng trường hợp của mình xứng đáng đi định cư. Nhưng một hôm, ngay khi vị luật sư giúp đỡ em vừa rời khỏi trại, thì hai nhân viên cảnh vệ đến chụp bắt Hà, nhét giẻ vào miệng em, và đẩy em lên một cái xe. Họ mang Hà đến một căn phòng, bốn người đè chặt em dưới đất. Sợ quá, em phải vùng vẫy để thoát. Trong khi vùng vẫy, đầu em bị đập vào vật cứng, và em bị thương nhẹ. Lúc đó, những người bắt giữ Hà mới chịu buông em ra, đưa vào bệnh viện cứu cấp.

 

Tuy nhiên, trong thời gian Hà còn đang điều trị vết thương ở bệnh xá, một nhân viên Cao ủy mang đến giấy thông báo về quyết định cưỡng bách hồi hương cho Hà. Hà trông thấy con dấu của Cao ủy đóng trên giấy tờ thì vô cùng tuyệt vọng, nếu là con dấu của chính phủ Hong Kong thì còn có Cao ủy can thiệp, giờ thì không còn ai có thể can thiệp cho em nữa.

 

Nhưng Hà còn nhiều may mắn. Cộng đồng thế giới đã quan tâm đến số phận bi đát của em. Các chính trị gia, luật sư, nhân sĩ, đại biểu, và dân chúng, bao gồm người tị nạn trong trại, tất cả đều làm áp lực cùng Cao ủy và chính quyền Hong Kong để cho Hà được đoàn tụ cùng thân nhân ở Hoa kỳ. Chỉ dưới áp lực nặng nề như thế, họ mới chịu miễn cưỡng chấp nhận, và cho phép Hà đến Hoa kỳ định cư.

 

Hàng ngàn người Việt Nam tị nạn ở Hong Kong và các trại Đông Nam Á đã không may mắn được như Hà, vì họ phải chịu đựng những bất công mà người ngoài không hay biết hoặc không giúp đỡ được. Họ rất cần được giúp đỡ, nhiều trường hợp thật đáng giúp đỡ.

 

Vào ngày 7 tháng 4, 1994, năm ngày trước khi Hà đến Hoa kỳ, 1200 nhân viên an ninh Hong Kong xâm nhập trại Whitehead, bắn 500 quả lựu đạn cay vào đám biểu tình tuyệt thực chống cưỡng bách hồi hương.

 

Hà cũng từng là nạn nhân của những vụ tấn công như thế này, vào năm 1991, và cho biết thật vô cùng đau đớn, khi phải nín thở và cố không bị ngất đi. Cảnh sát Hong Kong bắn loạn xạ vào người tị nạn, không đếm xỉa gì đến an ninh của người già trẻ con. Tình trạng dùng bạo lực áp đảo này ngày chỉ càng gia tăng thêm...

 

Tôi đã biết câu chuyện của Hà, và nhiều thuyền nhân khác, từ mấy năm trước đây. Họ đã làm cho tôi, cho chúng tôi rất xúc động, từ đó tôi viết hàng loạt bài phóng sự và tranh đấu cho thuyền nhân. Và đó cũng là lý do cho những chuyến “Lên Đường” liên tục của tôi, với rất nhiều bạn đồng hành, hướng về phía thuyền nhân.

 

Bài báo dưới đây, tôi đã viết trong một lúc xúc động và suy tư về vai trò của báo chí hải ngoại đối với công cuộc đấu tranh cho tự do, và cho đồng bào kém may mắn, ở trong nước và trong các trại tị nạn.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880