74. Bị chôn trước khi chết (8-10-08)

05 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 73132)
74. Bị chôn trước khi chết (8-10-08)
8-10-08  - 9:00 giờ sáng

Tâm thân ý hỗ tương lẫn nhau, phần nào được thanh lọc nhẹ nhàng sẽ giúp các phần khác nhẹ nhàng theo. Nhưng không có nghĩa là các phần khác không cần thanh lọc.

Thân đã thanh lọc, bệnh tật giảm, sức khỏe tăng khiến cho tâm ý không bị trở ngại vì phải hướng về bệnh tật.

Làm thế nào để thanh lọc tâm và ý?

Tâm hay tim thường bị nặng nề vì cảm xúc. Ta thanh lọc bằng cách buông bỏ những nặng nề của kỷ niệm, hay các vết thương của quá khứ. Hầu hết con người đang đi đứng, nằm ngồi trong tâm trạng của quá khứ. Từ cách ăn nói, suy nghĩ, cảm xúc, cảm tình và cảm tính là hết 99% của quá khứ, của những động thái của quá khứ tác động trong giây phút hiện tại.

Khi ta nói chuyện với người nào, ta đều nói với tất cả cảm nghĩ, nhận xét, vui buồn đầy ắp dữ kiện quá khứ. Đầu óc ta tinh vi đến độ khủng khiếp. Các dữ kiện quá khứ đó trào ra mạnh quá đến đỗi ta trở nên mù quáng, một chiều, có nhiều lúc tia sáng tỉnh thức, giác ngộ đến rồi bị dữ kiện quá khứ đẩy lui và con người cũ, hay con lật đật, con người bị điều hành bởi dữ kiện tích trữ trong bộ nhớ, hành xử máy móc đứng ra chủ trì mọi tác động, đẩy lùi Phật tánh sáng suốt ra khỏi hiện trường.

Phải chăng ta chịu thua con người với đầy ắp dữ kiện vì ta biếng lười, không đủ nghị lực để đẩy lui đống rác đầy thành kiến chủ quan này để thống lãnh bộ máy người của ta?

Ta cần nhất quyết sống cuộc đời còn lại cho có ích cho ta, lẫn cho người, để không uổng một kiếp sống của một con người có đại nguyện đến mặt đất này để phục vụ, để góp một bàn tay, một khối óc cho sự trường tồn của nhân loại.

Muốn lọc được tâm, muốn tẩy trừ độc tố, ta cần sự đóng góp chặt chẽ và mạnh mẽ của ý. Cái ý là hướng đi. Muốn cái ý cho rõ rệt, ta cần gộp lại những gì chánh đáng mà ta phải làm, phải chọn lựa. Khi ý ta phân tán, thân và tâm ta cũng sẽ mất phương hướng vì thấy không đủ sức lực và tâm lực để hoàn tất.

Vì thế ta cần thanh lọc ý và vạch ra rõ rệt một ý hướng để chủ trì cho thân tâm cùng hợp nhất, cùng hỗ trợ cho nhau để tiến bước.

Khi ta trụ được ý, thì sẽ trụ được thân và tâm. Khi muốn trụ ý ta cần dứt khoát chọn lựa cho mình một đường hướng tu tập làm việc. Phải dứt khoát với chính mình và con đường mình đi như thế nào cho có lợi ích chung cho đạo pháp dân tộc, trong đó có ta và gia đình, quần sanh.

Muốn sáng suốt, ý ta phải rõ. Ta không thể để cho ý chao đảo, lúc như thế này, lúc như thế khác. Nếu vì ý đi đúng đường mà cá nhân ta bị thiệt thòi, ta cũng phải chấp nhận không luyến tiếc. Cái luyến tiếc là cái chao đảo, thiếu nghị lực và năng lực chịu đựng cái khó khăn, khó nhọc, hao tâm, lao lực của việc hành đạo.

Hành đạo, như đã nói nhiều lần, không phải là con đường đầy hoa thơm cỏ lạ, trải bằng nhung gấm, trải thảm đỏ, mà con đường hành đạo trải bằng đá nhọn, bằng đinh, có khi bằng phân hôi thối. Nếu muốn hành đạo, ta phải cắn răng mà bước đi dù có bị đinh đâm hay bị bẩn chân hôi hám.

Đó là ý nghĩa của câu nói đầy thiêng liêng và huyền bí cao siêu của Đức Thầy: “Ta chịu khổ khổ cho bá tánh.”

Trên con đường hành đạo phục vụ tha nhân, khi ta thấy toàn là hạnh phúc, vinh quang, chiến thắng, giàu sang, đó là lúc ta cần ngừng lại xem ta có lạc đường chưa, hay đã trợt chân vào hố sâu danh vọng.

Nếu đã lọt vào hố sâu danh vọng là ta đã bị chôn trước khi chết.

Viết tại công ty Sea One Seafoods

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880