8. Tâm Thân Ý bất ly là Định – hay: Trí Tuệ là bức tường không tánh bất hủy diệt (19-4-08)

05 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 79509)
8. Tâm Thân Ý bất ly là Định – hay: Trí Tuệ là bức tường không tánh bất hủy diệt (19-4-08)
19-4-08 – 6:30 giờ sáng

Muốn tiến hóa trong đời sống tâm linh, trước nhất phải quyết định sống. Sống đời sống chính mình và không để ai ngoài ta quyết định cho mình nữa, và phải liệng bỏ tất cả những tàng dư hủ lậu đã cài vào thân tâm ta khiến cho ta luôn bất lực trước mọi quyết định, mọi hành động, và ngôn ngữ.

Đã quyết định thì phải quyết tâm để ta không còn là một xác người biết đi mà chính ta đi đứng nằm ngồi trong giác ngộ.

Muốn như thế, ta phải tu tập. Tu là chấn chỉnh lại những gì mà sau khi định tâm định hướng ta thấy sai lầm. Tập là vừa chỉnh cái cũ và học làm cái mới.

Tu tập, cải sửa, học hỏi đòi hỏi một sự thường xuyên, hoặc luôn luôn có thể gọi túc trực tu tập, sửa đổi không ngừng nghỉ, không buông lơi cũng không buông trôi từ lời nói và hành động không mệt mỏi.

Tu tập, tu tiến, dần dần ta mới thấy sự mầu nhiệm của con đường đạo tuy đầy chông gai, nhưng khi ta đã kiên cường dấn bước, nếm mùi đạo, ta sẽ không chọn con đường về trở lại điểm khởi hành đầy sắc tướng, ô nhiễm của hỉ nộ sân si.

Con đường đạo là con đường bất tận mà ta càng tiến sâu, tiến cao sẽ càng thấy sự nhiệm mầu của tánh không.

Đời sống quanh ta như những sân khấu vĩ đại nhiều màu sắc. Cái thức của ta đã giữ cho ta kéo nhiều lớp màn của các sân khấu đời. Mỗi giai đoạn ta sẽ thấy sân khấu rõ hơn, kỹ hơn.

Khởi đầu cái thức giúp cho ta kéo những tấm màn nhung, dần dần sẽ đến nhiều tấm màn mỏng đủ sắc thái. Nếu ta lúc tỉnh lúc mê, thì ta vừa mở màn xong, lại đóng lại ngay và ta không còn nhìn rõ nữa.

Nếu ta tu tập rốt ráo thức tỉnh thường xuyên, liên tục thì thật tướng của mọi con người và sự vật hiện thật rõ và ta thấy được chân tướng của mọi sân khấu của cuộc đời, trong đó có ta.

Khi thấy rõ, biết rõ, ta phải nghe rõ. Ta cần ghi nhớ là giữ đừng cho mình quên mình, để kéo lại những tấm màn mà chính mình đã dày công lấy hết sức để kéo ra.

Nếu đã thấy rồi không thấy. Nếu đã mở màn rồi lại đóng màn che lại. Đó chính là lỗi của mình. Chính mình đã gạt mình. Chính mình đã lừa phỉnh mình rồi, chứ không ai khác hơn.

Như vậy thì mỗi lúc tham, sân, si, hỉ nộ ái ố thất tình lục dục nổi lên là do mình. Do thủ phạm là mình, là cái ta yếu đuối gây nên chớ không phải ai xa lạ.

Vậy thì phải nghiêm minh, nghiêm túc với chính mình trong đời sống hàng ngày. Vui, buồn, giận dữ, thương ghét, sân hận là do mình. Mỗi một xúc động nổi lên là vì ai? Ta cần xem xét lại cách tu tập quán chiếu của mình.

Phải chăng ta chưa quét sạch tâm thân ý?

Phải chăng ta vẫn còn yếu đuối nhường chỗ để cho mình gục ngã nửa đường?

Ta không thể tự biện hộ cho mình bằng cách đổ lỗi cho người và hoàn cảnh xung quanh. Bức tường thành không tánh của ta đã bị đập thủng hay bị đổ sập khi ta vẫn nhường bước cho sân si yếu đuối lộng hành.

Sau cơn mưa trời lại sáng. Ánh bình minh của sự thức giác trở lại, vươn cao tỏa ánh sáng soi rọi cho tâm thức rối bù u ám của ta được xoa dịu, chữa trị, dọn sạch.

Đó là sự nhiệm mầu của giác ngộ, thức tỉnh. Ta cũng không nên thất vọng vì sự yếu đuối, ngã gục của chính mình. Vì có thất bại mới có học hỏi những bài học mới để tu, để tiến, để không ngủ yên, trùm chăn trong sự tu học.

Tu học là một hành trình năng động, thay đổi luôn luôn trong mọi trạng thái của mọi bản năng con người. Không phải ta chỉ học ở mọi trạng thái biến chuyển của tâm, mà luôn của thân và ý. Cái này chuyển thì cái kia chuyển.

Con người thay đổi biến chuyển liên hồi theo tâm thân ý. Ta cần tu tập để không những là giúp cho tâm thân ý được đồng bộ, mà tâm thân ý phải hòa, phải hợp nhất bất ly.

Tâm thân ý bất ly là Định, lúc đó ta mới có Trí tuệ. Trí tuệ là bức tường không tánh bất hủy diệt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880