4. Nhà Văn Nguyễn Hữu Nhật về hai quyển Nhật Ký Tâm Linh: "Lời Thầy Dạy" và "Cửu Long Giang Vùng Dậy" của Nguyễn Huỳnh Mai

31 Tháng Ba 200512:00 SA(Xem: 6587)
4. Nhà Văn Nguyễn Hữu Nhật về hai quyển Nhật Ký Tâm Linh: "Lời Thầy Dạy" và "Cửu Long Giang Vùng Dậy" của Nguyễn Huỳnh Mai

Có nhiều loại sách ở thể loại nhật ký. Tôi từng đọc một số nhật ký chính trị, nhật ký văn nghệ, nhật ký thân thế và sự nghiệp; riêng hôm nay, lần đầu tiên tôi được đọc "nhật ký tâm linh" của tác giả Nguyễn Huỳnh Mai, một nhà văn và nhà báo. Bộ Nhật Ký Tâm Linh gồm hai cuốn, Lời Thầy Dạy và Cửu Giang Long Vùng Dậy. Cũng có thể gọi cả hai cuốn này là "Nhật ký Tư tưởng". Hay "những điều suy tưởng hàng ngày về đời sống tâm linh."? Lời Thầy Dạy, (1984-2003), 360 trang, do Cửu Long tái bản.

Tác giả cho biết: "Khi chập chững bước vào đời sống tâm linh, từ những suy nghiệm sau khi tĩnh tâm hoặc hành thiền, bỗng dưng tôi bắt đầu viết ra những ý tưởng đột xuất. Mới đầu chỉ là những câu ngắn, đến rất bất chợt hầu như không cần suy nghĩ. Tôi viết bất cứ ở đâu, lúc nào, tuy có vẻ rời rạc, nhưng đọc lại thấy có sự tiếp nối lẫn nhau.", và: "Thường tôi viết rất nhanh, như tự động, như không cần suy nghĩ, dường như có một sự hướng dẫn và dạy dỗ của Đấng Thiêng Liêng, của Thầy Tổ. Những lời "dạy dỗ của Đấng Thiêng Liêng, của Thầy Tổ", theo người đọc, là một thế giới tinh thần "bất khả tư nghị", khó có thể đem ra cắt nghĩa, bàn bạc và Nguyễn Huỳnh Mai, chỉ như một người ghi lại những gì được soi sáng. Phần cảm nhận tùy theo từng người đọc. Và cảm nhận của tôi, một trong những người đọc tác phẩm Lời Thầy Dạy, chỉ là sự rung động riêng tư, thuần văn nghệ.

Lời Thầy Dạy, 1984, mở đầu bằng "Đạo". Trong đó có câu: "Nếu mình thấy được cái hay của Đạo mình mà không thấy cái hay của Đạo người khác thì cái thấy đó không giúp gì được cho mình.". Đạo, con đường hay học thuyết; một con đường, một tư tưởng ngụ ý là cách ứng xử của người đời, trong gia đình và ngoài xã hội. Nhưng trong Đạo Đức kinh của Lão Tử, Đạo mang tính siêu hình, một Nguyên lý Đầu tiên bao trùm vạn vật, sinh ra các hiện tượng; Đạo, "chính la Mẹ của Vũ Trụ". Siêu hình ở chỗ: "Đạo có thể nắm bắt được, không phải là Đạo" và ngay cả cái tên "Đạo" cũng không thích hợp với Nguyên lý Đầu tiên. Đạo ở đây, theo Nguyễn Huỳnh Mai tạm gọi, như một tín ngưỡng, tôn giáo, như một nền Đạo học nghiêng nhiều về phía Luân lý "Tu thân, học Đạo". Nếu tôi sinh ra trong một gia đình Hồi giáo, tôi chỉ thấy kinh Coran là hay; trong một gia đình Thiên Chúa giáo, tôi chỉ thấy kinh Thánh, Tân và Cựu Ước, là hay; trong một gia đình Phật giáo, tôi chỉ thấy kinh Phật là hay.

Nguyễn Huỳnh Mai muốn nhấn mạnh: "không thấy cái hay của Đạo người khác."? Một câu hỏi chí-tử cho những ai trên con đường đi tìm Chân Lý. Mà câu trả lời, thật giản dị, "cái thấy đó không giúp gì được cho mình."! Giúp gì? Trước hết, thấy cái hay của Đạo khác, chính là gốc gác của tinh thần Tự do Tư tưởng, chống lại mọi tha hóa "độc tôn, chính thống". Nước Ấn Độ trước khi được người Anh trao trả độc lập, một lãnh thổ rộng lớn, gồm các nước hiện có ngày nay: Ấn Độ, Pakistan, Bangalesh, Siri Lanka (Ceylan). Pakistan và Bangaladesh theo đạo Hồi; Ấn theo Ấn độ giáo; Siri Lanka theo đạo Phật. Điều gì đã khiến cho anh em trong một qua gia lớn chia rẽ thành bốn quốc gia, coi nhau như kẻ thù? Chỉ vì: "không thấy cái hay của Đạo người khác.".

Tự thân mỗi Đạo, đều Hay, chỉ không Hay khi không thấy cái Hay của những Đạo khác. Như Isarel và Palestin, cùng một cội nguồn, giờ đây tàn diệt lẫn nhau chỉ vì khác... Đạo? Tôi đã từng thấy nhiều người, học cao, vẫn có cách suy nghĩ thấp, kiểu như: "Đạo của tôi là Chân Lý. Đạo của người khác, quá lắm, chỉ là trên đường hướng tới Chân Lý!" Chưa kể, họ coi Đạo khác là tà đạo. Trong lịch sử nhân loại, "chiến tranh tôn giáo" vẫn là những đám mây đen trên bầu trời văn minh của loài người. Đạo nào cũng dạy con người phải biết thương yêu nhau, nhưng giữa các Đạo lớn không yêu thương được nhau? Thậm chí: "Khi người cùng một đạo không đoàn kết được thì đừng kêu gọi người bên ngoài đoàn kết.", như Nguyễn Huỳnh Mai đã ghi. Bởi vì: "Còn chấp là còn mù!". Mù? Một trạng thái Vô Minh, không sáng suốt do tính Cố Chấp. Khi tinh thần "độc tôn tôn giáo" chuyển sang "độc tôn chính trị", chính trị trở thành một thứ "tôn giáo mới", tạm gọi là "Tôn giáo Chính trị"; nơi mà các chính khách được guồng máy ttuyên truyền, bạo lực thần thánh hóa, trở thành nỗi tận cùng bi thảm của con người. Toàn bộ dân tộc dắt díu nhau đi vào "con đường mù", vô đạo, của tính cố chấp, thù hận, tàn tệ. Đạo là "con đường sáng". There is no way which goes to Tao because Tao is The Way. Nguyễn Huỳnh Mai đã tạm dịch: "Không có con đường đưa đến Đạo vì Đạo chính là Con Đường." Chỉ có bối cảnh sống và tâm cảnh suy tưởng về sự đau khổ tột cùng trong vòng "đời là bể khổ", may ra người ta mới nhìn thấy: "Sufferings lead to Tao. tạm dịch: Sự đau khổ đưa đến Đạo." Từ trong Khổ Đau tìm ra Hạnh Phúc. Hoặc ngược lại. Vì "Đạo là Đời mà Đời cũng là Đạo." Khởi từ sự Vô Chấp, cao nhất, là "vô chấp ngã": "Chưa chiến thắng được cái tôi là chưa bước vào con đường Đạo."

Theo Đạo Đức kinh của Lão Tử, hai yếu tính cần thiết cho một người trong việc mở Cánh Cửa Đạo, là: Thinh Lặng và Buông Bỏ. Không phải con người sống trong Thinh Lặng mà cùng hòa tan Con Người vào Thinh Lặng. Thinh Lặng với Con Người là Một. Buông Bỏ như chính Đời Mình cũng sẽ Buông bỏ Trần gian? Chương thứ 16, Đạo Đức kinh, mà tôi tạm diễn ý như sau:

Tới hư không cùng cực
Trước mọi vật bộn bề
Hãy giữ lòng thanh thản
Nhìn ngắm sự trở về
Cái gốc của mọi vật

Cái Gốc của Mọi Vật là Chân Như. Nguyễn Huỳnh Mai ghi nhận: "Ta phải là kẻ luôn luôn tỉnh thức, kẻ đã biết được nguồn cội của mình. Nguồn cội của ta là ánh sáng, là minh giác, là chân thiện mỹ, là chân như." Nói cho cùng, Chân Như chính là Chân Thiện Mỹ. Phải chăng nghĩa nôm na là tính Thật thà, lòng Tử tế và sự Đẹp đẽ? Chân, hay Chơn, như-như, thông thường, là Thật, Sự Thật, Thành Thật. Thiện là Tốt Lành, thuận theo Đạo lý, giải thoát Tâm khỏi phiền não" Thiện có những "thập điều thiện". Như: 1- Tha thứ & phóng sinh. 2- Bố thí. 3- Tôn trọng hàng phụ nữ. 4- Thành thật, ngay thẳng. 5- Nói lời nhân nghĩa. 6- Nói cho người thương yêu nhau. 7- Nói lời nhu thuận, hiền lành. 8- Thấy được lẽ Vô Thường. 9- Phải Từ bi & Nhẫn nhục. 10- Bỏ ta kiến, theo Chánh Kiến. Mỹ, Madhura, là tốt đẹp, tài ba, êm dịu, mới mẻ. Chấp Có hay Chấp Không Có, như nhau, cũng đều đau khổ. Vì đó là Cái Ngọn, không phải Cái Gốc của sự việc. Niết Bàn, Nirvâna, chính là Cái Gốc, mà "Đạo là con đường dẫn tới Nirvâna", nghĩa đen là Loại Bỏ, Buông Bỏ. Mới mong tự giải thoát khỏi Ham muốn, Hận thù và Sai lầm. Khi đạt tới một tâm-cảnh buông bỏ tất cả những ràng buộc trần thế mà cứu cánh rốt ráo là: Khỏi đau khổ. Khỏi sự chết. Khỏi Luân hồi. Song Nguyễn Huỳnh Mai thấy khó khăn ở chỗ: "Đạo rất giản dị nhưng con người làm cho nó trở thành phức tạp." Sự giản dị, của Đạo, theo tác giả cuốn Lời Thầy Dạy, có lẽ là "Đạo Lý Việt Nam", nó "bắt nguồn từ CHÂN TÂM của mỗi con người.?" Bởi vì Chân Tâm, Tấm lòng Chân thật, mà mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm xấu không thể chi phối được. Nhưng Chân Tâm theo Đạo Lý Việt Nam được hiểu như thế nào? Đó là Hồn Thiêng Dân tộc: "Nước Việt Nam sẽ phải chuyển đổi. Con Rồng Việt Nam - tiêu biểu bằng dòng sông Cửu Long chảy dọc theo dãy đất hình chữ S - đã bắt đầu chổi dậy sau giấc ngủ dài, để vươn lên với Hồn Thiêng Dân Tộc Việt Nam, kết tụ tinh hoa của biết bao nhiêu anh linh chiến sĩ và người dân đã bỏ mình hy sinh bảo vệ non sông đất nước từ mấy ngàn năm qua."

Tới đây, người đọc đã thấy rõ thông điệp mà Nguyễn Huỳnh Mai muốn ghi nhận, như một chân lý: "Mọi ý thức hệ, chủ nghĩa đều sẽ bị đào thải theo thời gian, nhưng Hồn Thiêng Dân Tộc, Tình Yêu Quê Hương thì mãi mãi trường tồn bất diệt." [Trích Cửu Long Giang Vùng Dậy.] Cuộc hành trình tư tưởng, 20 năm, từ 1984 tới 2003, qua Lời Thầy Dạy, từ các vấn đề "siêu hình" như Đạo, Thiền... tới Con Người, rất "hiện thực" như Ta Là Người, Ta Phải Câm... Từ "tiểu ngã" như Đặt Niềm Tin Nơi Chính mình, tới "đại ngã" như Thế Giới Mới... Với những ước mơ, khởi từ lòng thành, Đưa Đạo Vào Đời... để Trở Về với Đại Ngộ... Từ chuyện Thần Thông tới tới Chánh Đạo... tới Tự Do Trong Giác Ngộ... Nhiều lắm, rất nhiều vấn đề, mỗi vấn đề lại thăng hoa thành ra bao nhiêu tiểu luận, được Nguyễn Huỳnh Mai cô đọng; và mặc dù tác giả đã cố gắng dùng một ngôn ngữ hiện thực để nói về những chuyện trừu tượng, người đọc cũng khá vất vả trong việc bay lượn theo Nguyễn Huỳnh Mai trong cái thế giới nội tâm đa dạng. Nhưng nhờ Tâm Pháp của tác giả chứa đầy Lý Tự Nhiên, thành ra những Kiến Thức Vô Ngôn của Lời Thầy dạy bỗng dần dần trở nên dễ hiểu: Niết Bàn tại Thế.

Chính là lý lẽ Đời Đạo Song Tu. Mỗi người phải tự mình Vượt Sợ Hãi Mới Sống An Lạc, Hạnh Phúc. Nguyễn Huỳnh Mai đã làm nổi bật được tinh thần Vô Úy, không sợ hãi, đó cũng chính là Vô Úy Thí, cho mình và cho người sống không sợ hãi. Tự thân con người, từ lòng mẹ tới lòng huyệt, đời sống vốn bao sự sợ hãi vây quanh. Lại thêm những guồng máy chính trị, xã hội xô đẩy và bức bách con người thêm nhiều nỗi sợ hãi không đâu. Sợ bóng, sợ gió. Nguyễn Huỳnh Mai thấu hiểu tấm thảm kịch của dân tộc Việt, bắt nguồn từ việc người sợ người. Người tốt sợ người xấu. Người giỏi sợ người dốt. Vì bạo lực. Vì chuyên chế. Vì sắt máu. Con người chấm dứt được mọi nỗi sợ hãi để được sống trong tâm cảnh: Niết Bàn Tại Thế, thân được yên, tâm được vui. Vô Úy. Chữ Sancrit là Abhaya, tinh thần mạnh mẽ, tự tại, không biết sợ. Cho nên Vô Úy Thí, Abhaya-dâna, tức là bố thí cho chúng sinh cái tánh không bị sợ hãi kinh hoảng. Trong ba đường bố thí: Thí Tài, thí Pháp, thí Vô úy, thì Vô úy thí là cao nhất. Nguyễn huỳnh Mai cắt nghĩa: "Việc gì thấy đúng thì làm không lo lắng, ái ngại, sợ hãi. Vì sự lo lắng, ái ngại, sợ hãi làm cho tâm ta động. Khi tâm động sẽ đưa đến hành động và lời nói nhằm mục đích giải thích, bảo vệ, che chở cho hành động của ta. Tất cả sẽ gieo chấn động nơi tâm người khác tạo sự thắc mắc, nghi ngờ nơi họ. Sự giao động trong tâm của đôi bên sẽ tạo nên nhiều tưởng tượng, ảo tưởng nhằm đưa đến sự bất hòa, xung đột, đau khổ..." Quả thật, con người "xã hội tính" luôn luôn phải sống nhờ, sống dựa, sống theo đám đông... Bị tha hóa tới cùng tận.

Người ta sợ sự trống trải, trống rỗng, trống không. Trong khi: "Sự trống không là ánh sáng, là chân lý của vũ trụ mà mỗi khi bắt gặp nó con người lại tưởng đó là sự cô đơn, lại cảm thấy sợ hãi nó mà mau mau quay trở lại sự cuồng loạn của con người." Tư tưởng trên trích từ Lời Thầy Dạy. Muốn yên lành phải chấm dứt cuồng loạn. Sự yên lành cũng chính là Niết Bàn. Nirvana, Niết Bàn, là một trạng thái, một Tâm cảnh, không phải là nơi chốn. Nguyễn Huỳnh Mai thì cho rằng: "...Tự Do toàn diện. Đó là Niết Bàn tại thế.!" Tự Do toàn diện, vâng, trước hết là Tự do Tư tưởng, mới thấy rằng: Tu là để trở nên Người! Sửa cho hết thói hư, tật xấu để trở nên tính tốt, lòng lành cũng là tu; âm từ chữ Phạn, Sancrit, như tu-la, Âsura, là những con người thường có thần lực nhờ tinh thần trong sáng, ý chí mạnh mẽ trong việc tu thân; như Tu-đa-la, Sûtra, có nghĩa là Kinh hay Khế-Kinh, một trong Tam Tạng (Kinh, Sutra; Luật, Vinaya; Luận, Abhidharma) của nhà Phật. Kinh, hay Tu, gồm những Lời Dạy của đức Phật, nên ai đang học những lời đó để sửa mình gọi là nhà Tu hay tu-sĩ, người đang học cách chuyển đổi từ xấu tới tốt, từ ác sang thiện. Các nhà Tu, người đang học Kinh nhà Phật, không thể tự nhận mình là Sư, tức Sàstà chữ Phạn, có nghĩa là vị Thầy dạy học, nhà giáo, nhà giáo-hóa; không phải là ông Tăng, Samgha, có nghĩa là Chúng, gồm một nhóm từ ba nhà Sư thọ giới Tỳ-Kheo, trở lên tới 20 người. Tăng, Samgha, mang tính tập thể, không phải cá nhân. Cho nên ba ngôi Tam Bảo, Phật Pháp Tăng, được hiểu là đức Phật, Kinh kệ và những bậc Thầy dạy về Kinh kệ. Thưa tác giả, qua Lời Thầy Dạy, muốn nhắc nhở: Một người đang học giáo lý của nhà Phật chưa phải là Sư, hoặc Tăng; đừng đem lòng sùng bái cả những kẻ học hành chẳng ra chi; những kẻ giả tu, vờ sửa, cũng được đưa lên hàng ngôi báu thứ ba trong ba ngôi báu: Phật, Bouddha, tức giác-giả, là Người Sáng Suốt; Pháp, Dharma, bao gồm Tất cả Mọi thứ Lớn nhỏ, hữu hoặc vô hình, mà điển hình là Đạo lý Nhà Phật; và Tăng, Samgha, như đã nói. Phải cảm nhận được lời thầy dạy: "Tu là để làm Người.". Học đạo lý Nhà Phật để làm một Người Sáng Suốt. Việc học này không chỉ trăm năm, một kiếp người, là xong. Có khi tới vô lượng kiếp. Riêng kiếp này, chỉ mong sao: "Giảm bớt dần tính chất vô-minh, không sáng suốt, của con Người Tối Tăm", như lời thầy dạy.

Cái học của Đạo khác với cái học của Đời. Người đời thường nghĩ đại học giỏi hơn trung học; trung học giỏi hơn tiểu học. Trong Đaọ, mỗi người tùy theo Nghiệp, Karma, mà có khối óc ngu dốt lớn hay nhỏ, và nhờ học Đạo nên cái khối óc tối tăm đó giảm đi, hay ít nhất cũng không tăng lên. Đạo, chữ Phạn là Maggo hay Sancrit là Marga, nghĩa là đi tới, đưa tới, là Con Đường, theo lối hình tượng, để chỉ về sự chuyển-hóa, vốn trừu-tượng. Đạo, như tia nắng chiếu qua giọt sương, như đàn cò trắng tung bay trên những ruộng mạ non xanh như ngọc. Nước hay nắng trong veo? Gió bay hay cánh cò bay? Ánh đèn dầu hay nước mắt thức tỉnh làm cho sương chiều mờ đi? Đạo là gì? Mùi thơm từ cánh đồng lúa chín, chờ gặt, đêm phả vào Tổ đình làng Hòa Hảo lẫn với mùi nhang trầm, dường như rung rung theo tiếng chuông ngân? Tôi ghé đó một lần và nhớ mãi những bài thơ "Người dạy người làm Người", ôi Lời Vàng của Đức Thầy, vang lên bằng giọng thanh nhạc; không phải tiếng hát, không phải giọng ngâm, cũng không phải là lời đọc kinh. Lời Vàng được cất lên bởi Tiếng Lòng. Nhiều người, ở đó, cần tôi nói về thơ Lục Bát. Nơi đâu cần mình, mình phải có mặt, phải chăng đó là Đạo? Cánh đồng lúa chín cần người thợ gặt. Nhưng tôi đã ra đi. Thật tệ. Ý nghĩ này thường làm tôi buồn bã cho dù trong tâm thức của tôi việc "trở về làng Hòa Hảo" vẫn còn đây. Nhưng Nguyễn Huỳnh Mai, mượn Lời Thầy Dạy, đã chỉ ra cho tôi thấy, thật rõ: "Đi hay ở không quan trọng. Nó, Con Đường, là chuyện ra đi và việc ở lại, như ánh sáng và bóng tối, như cặp năng lượng Âm, Dương đối nghịch nhau, nhưng nhờ sự chuyển động thay thế và tác động qua lại, mà Âm Dương sinh ra Ngũ Hành, nền tảng của Vạn Vật và cả Vũ Trụ"

Tuy nhiên, chúng ta không nên đắm chìm mãi trong thế giới siêu-hình. Hãy cận-nhân-tình, như tự hỏi, cái Dụng của Đạo là gì? Sáng suốt để Cứu khổ. Cho mình và cho người. Cứu khổ là Đạo Cả!" Khổ, Duhkha chữ Sancrit, người Tàu phiên âm là Đậu-Khư, gồm hai lại chính: Khổ thân và khổ tâm. Khổ thân, như đói, khát...; khổ tâm, nhiều lắm..., như phải ở gần kẻ mà mình ghét, phải xa người mà mình yêu... Tuy ăn no, mặc ấm mà chưa được ăn ngon, mặc đẹp cũng... khổ. Vô cùng khổ. Từ cái khổ này sinh ra cái khổ khác. Như một trong nỗi khổ của tác giả: "Năm 1982, ý muốn xuất gia của thuở thiếu thời lại trở về với tôi một cách mãnh liệt. Tôi cảm thấy mình khao khát, đến độ hầu như ganh tỵ cùng một cô bạn học cũ (độc thân) đã xuất gia thành một ni cô được tu hành trong chùa, được sống trọn vẹn một đời tu sĩ. Tôi cảm thấy mình như bị giằng co giữa đời sống gia đình và lý tưởng xuất gia. Năm 1982, ý muốn xuất gia của thuở thiếu thời lại trở về với tôi một cách mãnh liệt. Trong cơn khủng hoảng giữa sự va chạm đời sống tâm linh và vật chất, giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo mà tôi được hấp thụ từ nhỏ trong truyền thống gia đình, với pháp Tu Nhân Học Phật, đột nhiên sáng tỏ như một con đường Chánh Pháp của Vạn Pháp, đã giúp tôi vượt qua cơn bão tố này..."

Chánh Pháp, theo Nguyễn Huỳnh Mai, là sự thăng bằng giữa đời sống tâm linh và đời sống vật chất. Lệch về phía nào, lẽ sống hay cuộc sống, con người cũng rơi vào đau khổ, thân không yên, tâm không vui. Tác giả, chẳng còn cách nào khác, ngoài việc phải lựa chọn con đường Trung Đạo; nghĩa là Con đường hòa hiệp, Hòa Hảo, chẳng bất cập, cũng không thái quá; con đường của tinh thần Phật giáo Tứ Ân; cái tinh thần Trung Đạo, tránh nghiêng lệch, xưa kia đức Phật từng thuyết giảng nơi vườn Mrgadava (Lộc Uyển), tại thành Bénarès (Ba-La-Nại), về: "chẳng thế nọ, không thế kia". Rõ hơn, con người hãy "hữu ngã trong vô ngã"; nghĩa là: "Đi quá vào tâm linh cũng vì sự vị kỷ quên đi bổn phận đối với gia đình xã hội, chỉ muốn sự thanh tịnh, an lạc cho chính mình mà quên rằng khi tìm được sự an lạc và giải thoát cho chính mình thì mình phải quay trở lại đem những kinh nghiệm lợi lạc đó chia sẻ giúp cho người cũng được thanh tịnh an lạc như mình. Sống thiên quá về vật chất thì cũng vì muốn cho cái bản thân mình được sung sướng, đẹp đẽ, khoái lạc, hưởng thụ hết mình."Nói tới thanh tịnh, vắng lặng nhàn hạ, là nói tới Lẽ Sống; và an lạc, yên vui, là Cuộc Sống. Nếu như cuộc sống của bao nông dân đang quằn quại, khốn khổ thì sự thanh tịnh của một nhà tu là theo lẽ sống nào? Đức huỳnh Giáo chủ đã dạy rằng "Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn..." Nhưng Ngài cũng nhấn mạnh: "Tu đền nợ thế cho rồi. Thì sau mới được đứng, ngồi tòa sen..." Tòa sen, cõi hạnh phúc tâm hồn, chỉ có được sau khi đã nhà tu đã trả nợ đời, nợ cha mẹ, nợ đồng bào, nợ nhà Phật và nợ nhân loại. Cuộc hành trình, tâm linh cùng vật chất, gắn bó để trở về với cái dụng của đạo Phật: Cứu khổ, cứu nạn. Cho mình và cho người.

Tới đây, thay cho câu kết bài này, tôi xin mượn lời của tác giả: "Khi ta tu tập, rũ bỏ tất cả để trở nên một người thánh thiện, ta lại lầm mình là một vị thiền sư thoát tục." Cũng như thế, bài viết nhỏ nhoi này, xin hồi hướng về nhà Phật và Lời Thầy Dạy để người viết tránh khỏi vọng ngữ. Vì "Đời như pho kinh lớn. Vừa hiểu chữ cuối cùng. Đã quên dòng thứ nhất. Mây trắng vờn mung lung." Và chính Nguyễn Huỳnh Mai, trong cõi vắng lặng, cũng nhìn nhận hết sức chân tình: "... Chín mươi phần trăm các bài viết này tôi đã viết sau khi lễ Phật và ngồi tĩnh tâm quán chiếu trước bàn thờ Ngôi Tam Bảo." NHN.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Ba 2005(Xem: 26834)
21 Tháng Chín 2004(Xem: 46758)
1,863,880