12. Buổi Họp Báo Với Sơ Pascal Lê Thị Tríu

29 Tháng Chín 200412:00 SA(Xem: 20675)
12. Buổi Họp Báo Với Sơ Pascal Lê Thị Tríu

633800662599375000_400x194

Luật sư của sơ Lê Thị Tríu ôm đầu trước những câu hỏi của phái đoàn người Việt đến Manila, thăm viếng người Việt còn lại tại Phi

 

11 giờ khuya ngày 18-10-2003, nhà ngủ Copacabana, Manila.



Vào lúc 6 giờ 30 chiều , thiện nguyện viên của văn phòng người Việt tại Phi đã đến đón chúng tôi đi họp báo. Phải khởi hành sớm vì đúng vào giờ kẹt xe, và nhất là vào thời điểm Tổng Thống Hoa Kỳ sang thăm viếng Manila.

 

Chúng tôi đến nhà thờ thì trời đã tối. Nhân viên của cơ quan CADP dắt chúng tôi đi qua căn nhà nguyện với những dãi ghế dài rối mới đến phòng họp. Bước vào phòng tôi có cảm tưởng mình được mời đi ăn cơm tối hơn là đi họp báo. Khung cảnh làm cho phái đoàn báo chí cảm thấy không thoải mái vì mọi người đang nóng lòng muốn giúp người tị nạn hơn là một buổi họp ngoại giao gây cảm tình, có ăn uống.

 

Căn phòng trông tươm tất với bàn ăn chén dĩa kiểu khá sang trọng. Sơ Tríu ngồi giữa 2 luật sư người Phi : ông Sydprey Candelaria và ông Rene Sarmientd. Mỗi ông đều có thông dịch viên ngồi bên cạnh. Đức ông Nguyễn Văn Tài, đến sau ngồi nơi góc bàn bên trái của sơ. Trước mặt sơ có những bài báo của anh Ngân và anh Phong in ra từ trang nhà của nhật báo Người Việt và Việt báo, có gạch đích và tô màu.

 

Về phía truyền thông có luật sư Từ Huy Hoàng, trưởng phái đoàn và đại diên SBTN-TV; cô Phương Trang, Little Saigon TV; Hoàng Khởi Phong, nhật báo Người Việt; Du Miên, tuần báo thời Báo; Nguyễn Ngân, Việt Báo; ký giả Ngụy Vũ, cô Michelle Tran, anh Richard hall, cô Heather Ross thuộc Great Blue Productions và ...Tôi, Nguyễn Huỳnh Mai, nhà báo tự do.

 

633800662775000000

Sơ Pascal Lê thị Triú đang trả lời ký giả Nguyễn Ngân (góc trái)


Sơ Tríu nói có đủ bánh mì và súp cho mọi người nếu phải nói chuyện đến sáng. Nhân viên CADP phát cho mỗi người một tập tài liệu của về lịch sử người Việt tị nạn tại Phi, về Làng Việt Nam, các bài báo địa phương phỏng vấn anh Chế Nhật Giao về làng, về thức ăn Việt Nam, về bánh mì do làng sản xuất. Dưới các bài này có mẫu quảng cáo chuyến du lịch được bảo trợ bởi hãng máy bay South East Asian Airline.

 

Những bài báo khác có hình sơ Tríu chụp với Tổng Thống Phi Ramos năm 1996, hoặc hình bà nhận tiền 250.000 MK của Đài Phát thanh Quê Hương, kết qủa của chiến dịch "Một đồng cho vùng đất tự do" năm 1997.

 

Theo lá thơ của anh Chế Nhật Giao, Chủ Tịch Ban Đại Diện làng, hay đại diện cho Sơ, đăng trên tuần báo Quê Hương ngày 8-2-1997, thì số đồng bào xin thường trú là 1.292, tạm trú 299, xin đi Canada 15, xin đi Hoa Kỳ 22 đi Úc 36, về VN 43, xin cấp nhà 533 . Lá thơ đi với những lời hứa hẹn sẽ giúp người tị nạn v.v.... Chúng tôi vừa được biết, hôm nay 18-10- 2004, anh Chế Nhật Giao đã chính thức nghĩ làm việc trong làng.

 

Tài liệu của Sơ phát còn có một bản thống kê về Làng VN tháng 9-2002, với nội dung diễn tả một hình ảnh thật hoàn mỹ về đời sống của người Việt trong làng. Trong số 242 người của 99 gia đình thì 88% có tủ lạnh, 94 % có lò ga, 34% có có xe hơi, vvv. Phần thành quả thì tài liệu có ghi: Dưới sự lo lắng và hướng dẫn của giáo hội Công giáo thì Làng đã tự túc như: nhà hàng Việt nam (?), lò bánh mì, lò làm mì sợi, xưởng làm nước mắm, sản xuất thịt, nhà tiếp khách v.v.. . Tài liệu cho biết Làng được xem như là nơi thu hút du khách, các trẻ em được sanh ra tại đây xem như Phi là quê hương của chúng .....

 

633800662941562500

Ngày 15-10-2003, anh Chế Nhật Giao đã tuyên bố với phái đoàn người Việt hải ngoại là anh đã từ chức vụ đại diện cho dân trong làng vào tháng 9 vừa qua.


Sơ Tríu có đưa cho tôi xem hình ảnh của Làng chụp từ trên máy bay. Hình chụp rất đẹp khi Làng mới lập, như là một khu nhà mẫu cho người du lịch ở trên đảo, xung quanh có ruộng muối và bãi biển cát trắng, nước biển xanh bao la. Bức hình thứ nhì là hình chiếc cầu tre với vài căn nhà lợp lá, vách tre đan, vì vậy nên sau nhiều năm mới rách nát như chúng tôi vừa thấy cách đây mấy hôm. Ngụy Vũ ngồi cạnh bực mình khi thấy tôi ngắm nghía mấy tấm hình. Anh bảo: "Vô tận nơi thấy sự thật rồi mà còn xem hình gì nữa". Thật vậy, Hôm vào làng thăm đồng bào chúng tôi không thấy những cơ sở sản xuất như trong bản phúc trình, chỉ thấy nhà hàng và quán cà phê của cơ quan CADP ở đầu làng mà thôi.

 

Khi bắt đầu buổi họp, sơ Tríu kể chuyện từ lúc bà đi du học, kể về 3 trung tâm của bà, về việc lập Làng Việt Nam, cho đến năm 1999 thì bà về Việt Nam mỗi năm 2 lần. Bà cho biết người tị nạn làm "khổ nhục kế" để được đi định cư, họ bị cộng sản dạy nói dối v.v....

 

Khi nghe bà nói không bao giờ quyên tiền mà chính "quý vị" gởi, ký giả Du Miên, người sốt sắng ủng hộ trong việc lập làng Việt nam tại Palawan, đã đỏ mặt lên và hơi to tiếng với sơ. Tôi khuyên anh nên bớt nóng. Anh nói đã sang Palawan 3, 4 lần và kỳ này anh quá xúc động, anh đã rời làng Palawan trong nước mắt.

 

Anh Phong và cô Trang là hai người có nhiều xúc động nhất trong khi đặt câu hỏi với sơ, Đức ông Tài và luật sư Phi. Anh Phong nói anh có cảm tưởng người Việt tại Phi là "nạn nhân của sự tử tế". Các luật sư từ hải ngoại và những người trong cơ quan của Sơ Tríu đều lo cho họ. Một bên là nhất định vận động cho luật thường trú được quốc hội Phi chấp thuận, còn một bên thì vận động cho họ được đi định cư hay đoàn tụ với gia đình. Danh sách của hơn 1600 người Việt tại Phi trong số 1800 người Việt còn lại, cùng chữ ký của họ cũng không thay đổi được tình thế.

 

Đáp câu hỏi về tương lai của Làng, sơ đáp là sẽ biếu cho chánh phủ Phi để trả ơn và miếng đất sẽ thở thành Công Viên Tình Hữu Nghị Việt-Phi. Từ đầu sơ đã có vision như vậy rồi.

 

Gần cuối buổi họp tôi phải cắt lời anh Phong để được phát biểu và đặt câu hỏi với Sơ Tríu. Tôi nói là mình rất bị "sóc", thứ nhất là khi bước vào làng mà nhìn thấy sự đổ nát của nhà cửa. Thứ nhì là nghe sơ nói bà ở Việt Nam chớ không ở tại Phi với người tị nạn. Thứ ba là bà nói người Việt tại Phi làm “ khổ nhục kế” để được thương hại và được giúp đi định cư. Thứ tư là những người ở trong làng bị mắc bệnh tinh thần.

 

Tôi đặt câu hỏi với Sơ Triú là về phương diện tình người thì khi thấy đời sống của người tị nạn trong tình trạng vật chất tinh thần tệ hại như vậy thì bà có cảm giác như thế nào và nghĩ gì? Bà sẽ làm gì để giúp cho đời sống họ được cải thiện? Bà nói có vision ( thấy trước) là Làng sẽ trở thành công viên khi dự định lập Làng hay về sau này bà mới nghỉ như vậy ?

 

Khi buổi họp chấm dứt, mọi người ra về. Không ai có lòng dạ ăn súp hay bánh mì gì cả. Tôi tự cảm thấy mình bất lực và hèn nhát trước vần đề xem như nan giải. Đây không phải là cảm giác lần đầu mà đó là cảm giác khi có phong trào vận động gây quỹ khi lập Làng tại Hoa Kỳ. Những ý kiến ngược lại đều bị chụp mũ về phương diện tôn giáo vì vậy dù có đau lòng khi nghĩ đến những đồng bào thiếu thốn cơ cực tại các trại Sikiew Thái Lan, hay Hồng Kông đã rất cần tiền, tôi cũng đành chịu thua.

 

Tôi còn nhớ khi đến Hồng Kông vào tháng 11-1996, trong khoảng thời gian người tị nạn bị cưỡng bức hồi hương. Linh Mục Trần Công Vang, thuộc dòng Chúa Cứu Thế, phải chạy tiền để phát cho thuyền nhân bị giam ở nhà tù Victoria 5 đồng một đầu người để họ có tiền đi xe về quê và ăn cơm dọc đường. Bên Thái Lan, Linh Mục Peter Prayoon Namwong cũng rất cần tiền để giúp đỡ những người bị nhốt trong trại cấm Sikiew và sau đó họ đã bị đánh đập, lôi lên máy bay đem về Việt Nam.

 

Trong khoảng thời gian này, một số người lên tiếng yêu cầu số tiền quyên góp phải được bỏ vào một quỹ chung để có thể giúp được những đồng bào tại các trại tị nạn khác, hơn là tiền quyên góp tại hải ngoại chỉ tuông về một nơi là Phi Luật Tân. Những người này, trong đó có luật sư Nguyễn Quốc Lân thuộc cơ quan Lawas, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thuộc cơ quan SOS Cứu Người Vượt Biển, v.v... đều bị chụp mũ hay bôi nhọ trên một số báo chí hay đài phát thanh. Điều đau lòng là có nhiều người đã cùng chung vai sát cánh với nhau để lo cho người tị nạn chỉ vì vấn đề thành lập hay không thành lập Làng Việt Nam tại Palawan mà trở nên giận hay ghét nhau cho đến ngày hôm nay.

 

Về đến nhà ngủ, mọi người điều mang một nổi buồn như nhau khi thấy buổi họp không có kết quả. Anh Du Miên, mời tất cả sang tiệm mì ngang khách sạn để cùng ngồi lại với nhau, an ủi và khuyên nhau phải tiếp tục và kiên nhẩn để chuẩn bị cho các phương thức vận động cho người Việt tại Phi dù biết rằng sẽ gặp nhiều trở ngại trên những bước đường sắp tới./.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41779)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42728)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48849)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42432)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36487)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41432)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41141)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43050)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39464)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45056)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40044)
1,863,880