- Lời Giới Thiệu
- 1. Một chuyến xa nhà (Người Việt, 21. 3. 91)
- 2. Thăm bạn tại Houston, Texas (NV, 27. 3. 91)
- 3. Quanh các khu thương mại Việt Nam tại Houston (NV, 29. 3. 91)
- 4. Shopping tại downtown Houston (NV, 30. 3. 91)
- 5. Du hành từ Houston sang Dallas (NV, 31. 3. 91)
- 6. East Dallas: Khu nhà lá của người tị nạn Á Châu (NV, 2. 4. 91)
- 7. Phỏng vấn cấp tốc các Trung Tâm Phục Vụ Cộng Đồng (NV, 3. 4. 91)
- 8. Vòng quanh Dallas, Texas (NV, 4. 4. 91)
- 9. Muốn đi xa phải mang hành lý nhẹ (NV, 5. 4. 91)
- 10. Đi thăm vựa cá tại Houston, Texas (NV, 6. 4. 91)
Bạn của Huỳnh Mai, Phương Thuý, phóng viên nhật báo Chính Luận trước 1975. Hiện đang sống tại Houston, Texas
Loop Belt Way 8
Tôi đến phi trường Inte-Continental vào giờ tan sở. Khi tôi lấy xong hành lý thì đã 6 giờ ngày 18 tháng Ba, 1991. Cô bạn gái Phương Thuý đến đón và đưa tôi về nhà cô ở tận khu Bellaire. Cô nàng dặn tôi đến phi trường Hobby cho gần văn phòng cô ở downtown hơn không ngờ cô Bình bán vé cho tôi ở Cali lại cho tôi xuống phi trường lớn này.
Vì là giờ kẹt xe nên thay vì đi xa lộ 45 South thì chúng tôi phải đi xa lộ Loop Belt Way 8. Ông Sơn làm việc cùng văn phòng khai thuế của cô bạn tôi giải thích là quanh downtown Houston có hai xa lộ chạy vòng tròn để tránh kẹt xe. Một là xa lộ nhỏ 610, một là Loop Belt Way 8. Từ hai xa lộ đó có những exit để vào downtown. Trên hai xa lộ này có ít xe chạy vì có nhiều trạm thu tiền. Chúng tôi phải tốn 2 đồng 75 cho 3 trạm mới vào được khu South West.
Trước khi về nhà, cô bạn lại dễ thương đãi cho tôi ăn cơm tối tại tiệm ăn Tây Đô trong khu Dynasty Mall ở Bellaire. Trước khi vào bàn ngồi tôi vớ một tờ báo chuyên quảng cáo để biết tình hình chợ búa, nhà hàng, và công việc làm ăn sinh hoạt tại Houston này. Tờ báo này tên Thương Mại Việt Nam, đã sống được đến năm thứ tám và chia ra làm 8 phần, mỗi phần được 16 trang. Có lẽ nhờ chia làm nhiều phần mà tờ báo này có thể thu được nhiều quảng cáo giá cao cho trang đầu và trang cuối của mỗi phần.
Cô bạn cho tôi quyền ưu tiên chọn thức ăn xem ở đây có ngon bằng Cali không. Tôi đề nghị canh chua, sườn xào mặn. Anh bạn đề nghị thêm cải làn xào dầu hào. Trong khi chờ đợi tôi xem qua tờ báo. Một quảng cáo làm tôi chú ý. Thứ nhất là nơi quảng cáo tại South West, nơi chúng tôi đang ở, thứ nhì là có chữ đặc biệt thật to, thứ ba là có khuôn mặt đàn bà. Tên của tiệm là Nail & Skin Care.
Ở dưới chữ Đặc Biệt là mấy dòng quảng cáo hết sức hấp dẫn. Nail & Skin Care mới trang bị MÁY TẨY VẾT NHĂN vì tuổi già, vì làm việc quá sức. Vết nhăn sau cơn bạo bệnh. Song song với máy tẩy vết nhăn còn có Mỹ Phẩm Đặc Chế của Đức làm quý vị ngạc nhiên vì những vết nhăn đã được Nail and Skin Care xóa hết. Rồi hai hàng chữ thật đậm (1) Mang lại cho quý vị một làn da tươi trẻ. (2) Bảo đảm không hết vết nhăn, không lấy tiền.
Tôi đọc cho Phương Thúy cô bạn của tôi nghe. Cô ấy cười bảo "Thôi nhân dịp này Mai đi "tẩy" vết nhăn đi." Hai đứa cười xòa. Chúng tôi đùa là coi chừng khi về ông xã đón ở phi trường không nhận ra đó. Tôi thì nói lúc về bước vào báo Người Việt mọi người cứ tưởng cô sinh viên Báo Chí nào trong nhóm Thư Viện Lê Quý Đôn chứ không phải "cô Mai."
Nhắc chuyện xưa
Nhờ mẫu quảng cáo mà chúng tôi có dịp nhìn kỹ nhau hơn. Năm 1979 Phương Thúy có qua Cali đến ở nhà tôi một lần tại vùng Long Beach. Tôi và Thúy nhắc sơ chuyện cũ và thấy thời gian đi qua mau quá. Và dĩ nhiên hai đứa tôi đều bảo đùa với nhau là nên đến tiệm "Skin Care" đó để tẩy vết nhăn.
Có lẽ vì đói bụng nên tôi ăn rất ngon, đến ba chén cơm. Tôi bảo chắc thế nào đi hai tuần về cũng lên ký. Thúy bảo hôm trước Thúy có đi Cali mà không gặp tôi, lúc về Thúy lên 5 pounds vì "ăn thử" đủ các tiệm ở khu Little Saigon.
Ăn uống xong xuôi Thúy đưa tôi về nhà tại khu Pleasant Run Village. Căn nhà này Thúy vừa mua được bẩy tháng có bốn phòng cho bốn mẹ con, một phòng ăn và nhà bếp lớn, phòng khách, có thêm một cái đen nữa, ba nhà tắm và một khu vườn rộng mênh mông. Thúy bảo căn nhà này rộng 2500 sqft, Thúy mua 110 ngàn và Thúy thêm 10 ngàn nữa để sơn phết, thay thảm lót lại gạch nhà bếp và phòng ăn.
Tôi công nhận Thúy trang trí rất là khéo léo và có mỹ thuật. Thảm màu xanh nhạt, gạch bông màu xám nhạt, tường trắng. Nhà trông rất sang tất cả cửa là French Door. Màn cửa Thúy chọn rất là trang nhã lại hợp thời trang. Phòng nào cũng có chưng cây giả và hoa giả. Nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp.
Thúy nói có dặn ba đứa con là có cô Mai đến chơi phải dọn nhà cho gọn nên lúc chúng tôi bước vào thì "đâu vào đấy cả." Cậu Út năm nay được 5 tuổi đang ngủ trên giường của Mẹ nên Thúy phải bế lên lầu, kê giường cạnh chị Chi ngủ để nhường chỗ cho cô Mai với mẹ ngủ chung để "tâm sự."
Sáng sớm 6 giờ là Thúy đã trỗi dậy lo thức ăn sáng cho con để chúng đi học. Cô nàng dọn dẹp bếp núc, soạn thức ăn nấu sẵn để chiều con đi học về ăn. Xong cô ra vườn xịt cỏ hoang. Vườn của Thúy rộng mênh mông nhưng không phải cắt cỏ vì lót bằng những mảng đá lớn. Tuy nhiên ở các kẽ đá cỏ dại mọc hoài. Thúy bảo nhổ lên thì nó lại mọc nữa nên Thúy phải xịt bằng Diesel. Thúy nghe nói xịt vài lần thì nó sẽ hết mọc. Dầu Diesel đựng trong một thùng lớn, có một cái vòi xịt. Thúy xịt đến đâu thì dời thùng dầu theo. Tôi theo đứng bên Thúy để nói chuyện.
Thúy tâm sự là không biết làm sao mà Thúy lại lo hai cái business mà vừa lo cho ba đứa con nữa. Có lẽ nhờ Phước Đức ông bà. Thúy tuy là boss mà thật ra sợ thơ ký, sợ manager của hãng chả giò, sợ bà người làm gần chết. Vì họ biết Thúy đàn bà một mình nên "ăn hiếp". Người làm thì không được xem như người làm mà phải xem như mẹ hay mẹ chồng. Mỗi lần bà giận con bà đem bà qua Mỹ mà không nuôi thì bà khua chén khua nồi. Bà lười không nấu cho con Thúy ăn nên cho nó ăn toàn là trứng... Bây giờ thì con lớn hết, đi học Thúy không phải lệ thuộc các bà ấy nữa. Đứa con 5 tuổi Thúy phải gởi mỗi tuần 55 đồng vị chi mỗi tháng phải chi cho cậu Út là 220 đồng tiền học.
Khu vườn của Thúy có cái gazebo và xích đu bằng gỗ sơn xanh rất dễ thương. Thúy trồng bông giấy nhưng mùa này không có hoa lá vì lạnh. Thúy bảo chủ cũ thích vườn theo lối "thiên nhiên" nên khi dọn về Thúy phải tốn 1000 đồng tiền mướn người chặt cây dọn khu vườn lại cho "quang đảng". Thúy trồng nhiều cây ăn trái và hoa. Hè vừa rồi Thúy có mua một cái hồ tắm để giữa vườn cho các con chơi. Thúy bảo Thúy lo cho con không thiếu một thứ gì cả. Nhưng ở Mỹ này chúng nó lớn lên không biết có biết thương mình không, hay sau này học hành đỗ đạt rồi chúng nó bay nhảy còn mình thì nó bỏ vào Nursing home. Bởi thế Thúy rán đi làm để dành tiền để tuổi già "đỡ khổ."
Nghe cô bạn trạc 40 tuổi của tôi than mà tôi thấy thương ghê. Cô dự định bán hãng chả giò để có thêm thì giờ với con. Chúng tôi tâm sự đến đây thì thấy đến giờ để đưa cậu Quý đi học và Thúy đi làm nên vào nhà sửa soạn. Thúy bảo tí nữa ghé Nursery mua thêm ít hoa về trồng và ghé hãng chả giò để lấy vài thùng đem giao cho khách hàng.
(Còn tiếp)