- Lời Giới Thiệu
- 1- Trên đường đến New York
- 2- Đây New York ! (NV, 28- 3- 92)
- 3- Trên đường đến downtown New York (NV, 29- 3- 92)
- 4- Manhattan và người đàn bà bán hàng rong (NV, 31- 3- 92)
- 5- Vòng quanh phố Manhattan ( NV,1- 4- 92)
- 6- Trường thời trang tại New York
- 7- Đời sống tại New York (NV, 4- 4- 92)
- 8- Đi Metro đến chợ Tàu New York
- 9- Một cộng đồng đoàn kết (NV, 5- 4- 92)
- 10- Một khuôn mặt phụ nữ Việt Nam tại New York: Bà Hồng Liên (NV, 7 - 4- 92)
- 11- Hội phụ nữ Việt Nam tại New York (NV, 8- 4- 92)
- 12- Vietnet, con đường trở về nguồn (NV, 9- 4- 92)
- 13- Gặp No Ho tại phố Tàu New York (NV 10- 4- 92)
- 14- No Ho đang tiến mạnh (NV, 11- 4- 92)
- 15- Vài sinh hoạt của người Việt tại New York (NV, 12- 4- 92)
- 16- Cuộc biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc (NV, 14- 4- 92)
- 17- Trung Hoa lưu vong và Việt Nam tị nạn tranh đấu cho tự do dân chủ (NV, 15- 4- 92)
- 18- Liên đoàn Nắng Mới tại New York (NV, 16- 4- 92)
- 19- Thắng cảnh New York (NV, 17- 4- 92)
- 20- Viếng tượng nữ thần Tự Do (NV, 18- 4- 92)
- 21- Ellis, hòn đảo của người di cư (NV, 19- 4- 92)
- 22- Cảm nghĩ sau một chuyến đi (NV , 21- 4- 92)
Tác giả tại Penn Station, trạm xe lửa lớn nhất tại New York
Đồng hồ ở New York mau hơn Cali ba tiếng và khi đến không phận tiểu bang này thì trời tối. Lúc đó là 9 giờ đêm. Nhìn qua cửa sổ, giữa một khoảng trời đen mênh mông thành phố New York bổng hiện lên rực rỡ ánh đèn như một khủng cảnh trong giấc chiêm bao.
Tôi nhớ lại 17 năm về trước trên chuyến máy bay từ trại tị nạn Andersons ở đảo Guam qua Arkansas, máy bay chở toàn những người hoàn toàn chưa biết xứ Mỹ đã dừng lại thành phố Honolulu, Hawaii. Cũng những ánh đèn lấp lánh rực rỡ về đêm đã đem đến cho chúng tôi bao giấc mơ, bao suy nghĩ, trước sự mới lạ của một đời sống văn minh, phiêu lưu đầy xa lạ này.
Tiểu bang New York nhỏ nên khi máy bay nghiêng cánh lượn vài vòng là tôi có thể nhìn hết thành phố sắp đến long lanh như kết bằng những chuỗi ngọc thạch và kim cương. Thành phố New York về đêm như nỗi bồng bềnh trên mặt nước. Nơi nào cũng đèn là đèn. Đảo này nối với đảo kia bằng những chiếc cầu nổi dài nhiều cây số lấp lánh như những sợi dây chuyền vàng. Từ máy bay nhìn xuống giống như mình đang nhìn tấm bản đồ của New York, không thiếu điểm nào.
Phi trường J.F.K.
Hình ảnh lộng lẫy của New York biến mất khi tôi bước ra khỏi phi cơ. John F. Kennedy International Airport nhỏ và cũ. Nơi lấy hành lý có rất nhiều ông tài xế taxi mời và ra giá mỗi cuốc xe. Khi mình không đi thì họ tự động xuống giá 5 đồng, thay vì 35 đồng về khu Rockville Center.
Chúng tôi tìm được ông tài xế của nhà ngủ đến đón gởi đến với giá 22 đồng. Hành khách thưa dần và thưa dần chỉ còn lại chúng tôi và vài người nữa. Khi biết được hành lý bị lạc một bà Mỹ đen mập mạp la ầm lên. Mọi người đều chạy đến văn phòng làm giấy khiếu nại. May quá chúng tôi được một vali nhỏ đựng... giày và sách báo mang lên biếu Cộng Đồng New York. Chỉ mới ở phi trường chúng tôi đã cảm thấy người da trắng là thiểu số. Những ngày ở New York chúng tôi gặp rất nhiều người da đen đến từ tứ xứ, nhất là các ông tài xế taxi.
Nieuw Amsterdam
Người Dutch đã khám phá ra New York 450 năm về trước và đã thành lập cộng đồng của họ năm 1625. Họ đặt tên nơi này là Nieuw Amsterdam. Người anh lấy Nieuw Amsterdam vào năm 1664 và đổi tên lại là New York và cai trị đến sau thời kỳ Revolutionary War khi New York trở thành thủ đô đầu tiên của Hoa Kỳ. New York gồm có các vùng kể từ miền Bắc xuống là Bronx, Manhattan, Queens, Brooklyn hay Kings Long Island, Staten Island hay Richmon cùng một số các vùng phụ cận nhỏ khác như Jersey City, Fort Lee v.v... Bronx là vùng có lợi tức kém, nhà cửa sinh hoạt rẻ nên có nhiều người tị nạn Đông Dương sanh sống.
Nơi có Việt Nam khá nhiều nữa là Brooklyn an toàn hơn và dĩ nhiên đắt hơn Bronx. Manhattan còn được gọi là Downtown New York, nơi tập trung mọi cửa hàng danh tiếng trên thế giới và cũng là nơi các cô gái Mỹ thường mở tưởng đến đây nhảy múa, ca hát, lập nghiệp để trở nên ngôi sao sáng điện ảnh hay sân khấu về đêm.
Giao thông
Manhattan là cái rốn của New York. Nhìn bản đồ hệ thống giao thông bằng xe bus, xe lửa hay subway ta sẽ thấy tất cả đều đổ về Downtown này. Manhattan là một đảo nhỏ nằm dài bên cạnh tiểu bang New Jersey và được cách ngăn bởi sông Hudson. Từ Manhattan muốn qua Jersey City, thì hành khách đi Subway gần chợ Tàu: qua đường hầm Holland Tunnel rất nhanh.
Đi qua Union City thì có đường hầm Lincoln và qua Fort Lee (cũng thuộc tiểu bang New Jersey) thì có cầu George Washington. Ngoài ra còn có nhiều tàu hay phà (bắc) đi qua các đảo nhỏ như Statue of Liberty Ferry đưa du khách đi viếng tượng Nữ Thần Tự Do, Ellis Island Ferry qua đảo Ellis nơi những người tị nạn đầu tiên đến nước Mỹ hay Staten Island Ferry qua đảo State Island Richmond). Phía đông của Manhattan được ngăn với vùng Queen bằng con sông East River và vùng Bronx là Harlem River.
Có rất nhiều cầu và đường hầm nối liền các vùng trên. Những chiếc cầu thường được du khách chú ý là Brooklyn Bridge, Manhattan Bridge, Williamsburg Bridge v.v... Ngoài xe bus, xe lửa và subway người dân tại New York cũng thường di chuyển bằng loại xe khác như taxi service, taxi có đồng hồ và hai loại limousine thường và limousine đắt tiền.
Trên đường đến Downtown New York
Đứng tại trạm xe lửa, được cất cao như những chiếc cầu tôi nhìn xuống xe cộ chạy qua lại dưới đất. Mặt trời lên dần đuổi tan sương mù vào buổi sáng tại vùng Rockville thuộc Long Island tiểu bang New York. Nhà cửa, phố xá, những cây cổ thụ trụi lá hiện ra càng lúc càng rõ hơn. Tôi vội bước ra chỗ có nắng ấm. Gió thổi bay chiếc nón. Tôi vội chạy theo chụp lại. May quá chưa bay xuống phía dưới đường. Tôi đội nón lại, quấn chặt khăn len choàng kín áo lạnh lại.
May mắn là tuyết ngừng rơi khi chúng tôi đến New York. Xa xa đây đó vẫn còn sự hiện diện của vài mảng tuyết nhỏ. Tiếng vang ra từ loa cho hay là xe lửa sẽ đến đúng giờ. Mọi người đề chồm ra đường rầy để nhìn đầu toa xe lửa tiến tới dần. Một ông Mỹ bảo chúng tôi chạy mau xuống đất mua vé sẽ rẻ hơn mua trên xe lửa.
Xe lửa Mỹ, xe lửa Tây
Vé cho một người là 4.50 xu có thời hạn trong ba tháng, nhưng sau một tháng không được trả lại. Chúng tôi không được ngồi gần nhau vì hành khách nào cũng dành ngồi cạnh cửa sổ. Họ thường chiếm hết hai chỗ ngồi bằng cách để áo hay túi xách. Người thì đọc báo, đọc sách, kẻ thì ngủ, ít ai trò chuyện. Một hành khách đàn ông đi một mình đang ru con. Ít có người nào trong có vẻ thoải mái, hưởng thụ. Trông họ như đang chịu đựng khoảng thời gian và trông cho đến nơi để bước xuống. Không thấy ai muốn nhìn ai để làm quen chào hỏi.
Xe lửa chạy từ Rockville xuyên qua Lynbrook, Jamaica, Kew Garden rồi mới đến Manhattan. Có nhiều đoạn đường chỉ thấy cây trụi lá, cỏ khô. Phần nhiều đường xe lửa được xây cất phía sau các hãng xưởng, bukldings hay các đống rác nên trông buồn và dơ sau khi tuyết tan. Tôi không bị thất vọng nhiều như cách đây chín năm khi tôi đi từ Anh qua Pháp bằng đường xe lửa. Khi qua biển Manche thì chúng tôi đi bằng Hovercraft. Đó là loại bắc chạy như bay trên mặt biển.
Chiếc Bắc nằm trên một bánh xe cao su khổng lồ. Phía trên bắc có những cây quạt thật to. Khi chuẩn bị chạy thì bánh xe được bơm phình lên và khi lên bãi đậu bên kia bờ thì bánh cao su xì xẹp xuống. Hoverspeed chạy nhanh gấp đôi loại bắc loại chạy nhanh nhất. Nó chạy trên sóng nước với tốc độ rất nhanh có chở cả các loại xe hơi. Nơi ghế ngồi của hành khách giống như trên máy bay. Có tiếp viên mời nước và bán các loại rượu hay dầu thơm miễn thuế. Khi qua bên bờ biển của nước Pháp, chúng tôi đi xe lửa về Paris. Trên đường đi giấc mơ với những hình ảnh đẹp của thủ đô ánh sáng tan dần với những ngôi nhà nghèo nàn thiếu tiện nghi...
Madison Square Garden
Chúng tôi xuống xe lửa tại Penn Station, trạm lớn nhất tại New York. Có rất nhiều ngõ đi lên mặt đường. Dài theo đường hầm có bán đủ loại thức ăn, nước giải khát, sách báo, kẹo v.v... có nhiều văn phòng hay trường học cũng ở dưới hầm này. Đi qua Taylor Business Institute, tôi thấy có rất nhiều học sinh trẻ tuổi đeo túi đựng tập vở nói chuyện thật vui vẻ.
Chúng tôi lên ngã Madison Square Garden nơi trước kia anh chàng Mike Tyson làm mưa làm gió. Từ đây nơi này không còn thấy bóng dáng anh chàng vô địch đô vật này nữa. Ngay Penn Station là nhà ngủ Ramada Hotel nơi đây rất gần cửa hàng Macy, A & S Plaza, Impire State Building Garment District nơi bán quần áo nữ trang với giá sỉ và chợ hoa. Từ đây có thể đi bus hay taxi đến chợ Tầu hay trụ sở Liên Hiệp Quốc cũng không xa lắm. Thấy nơi này tiện lợi nên chúng tôi định bụng sẽ dọn về đây ở trong những ngày tới.
(Còn tiếp)