- Lời Giới Thiệu
- 1- Thăm bạn xưa tại Miami, Florida (NV, 7- 04-91)
- 2- Miami không có mùa Đông (NV, 9- 4- 91)
- 3- Anh hùng Biệt Cách Dù I (NV, 10- 4- 91) Phần II (tiếp theo)
- 4- Viếng chùa Phước Huệ tại Miami, Florida (NV, 11- 4- 91)
- 5- Những giấc ngủ trưa tại Miami (NV, 12- 4- 91)
- 6- Hải Âu và các hàng dừa của bờ biển đảo Key Biscayne (NV, 13- 4- 91)
- 7- Viếng thăm Florida Việt Báo (16- 4- 91)
- 8- Phỏng vấn ông Chu Bá Yến: Cộng đồng Người Việt tại Florida, một kinh nghiệm bầu cử (NV, 1- 4- 91)
- 9- Từ giã Miami, Florida (17- 4- 91)
Tôi đến viếng anh chị Chu Bá Yến vào tối thứ Ba 2 tháng Tư, 1991, khi tôi sắp sửa trở về Cali. Anh Yến là chủ nhiệm của Florida Việt Báo và cũng là Phó Chủ tịch Tổng Hội Cựu Chiến Sĩ QLVNCH miền Đông Nam Hoa Kỳ kiêm chủ tịch Hội CCS/VNCH miền Nam Florida.
Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với anh nhưng anh không phải là người xa lạ của tờ báoNgười Việt. Theo anh, nhóm chủ trương báo NV đã giúp đỡ phổ biến tin tức cho tờ Florida Việt Báo trong thời gian qua.
Lại bị than phiền
Mỗi khi một thân hữu nào, sau khi khen ngợi hay vui vẻ phân tách về tờ báo mà nói đến chữ NHƯNG là tôi bắt đầu thở dài "áo não." Thí dụ như khi ở Houston thì nhà sách Thiên Nga cho biết báo Người Việt bán rất chạy, độc giả rất thích nhất là lúc Cuộc Chiến Trung Đông bùng nổ NHƯNG: Không hiểu sao báo 13 tháng Ba, 1991 lại gởi một lượt với 23 tháng Ba, 1991?
Hoặc khi Thầy Thích Chánh Lạc ở chùa Phước Huệ nói về báo Người Việt thì thầy than: "Báo khá nhưng mà đọc tháng Ba năm rồi mời đến tháng Mười Một mới được đọc tiếp thì không được!"
Bây giờ tới phiên ông chủ báo ở Florida cũng than:
"Tờ báo Người Việt cuối cùng mà tôi nhận được là 6 tháng Ba, 1991. Nhờ chị nói lại với tòa soạn rán gởi sớm cho tôi. Nếu tốn thêm tiền tem tôi cũng chịu. Vì gởi sớm tôi mới "lấy tin" kịp."
Nguyên do
Cũng nhờ liên lạc với tòa soạn nên tôi giải đáp cho anh Yến về lý do chậm trễ hay đứt quãng của việc gởi báo NV. Theo ông Lê Đình Điển, TGĐ Công Ty Người Việt thì trong nhiều năm qua báo NV có biếu cho một số thân hữu và mấy trăm cơ sở tôn giáo. Mỗi năm chi phí gởi báo biếu khoảng từ năm đến tám ngàn đồng. Hiện nay công ty đã quyết định chuyển số báo biếu đó cho một số thân hữu HO vừa ở Việt Nam qua. Vì thế trong khi điều chỉnh để tái phối trí các danh sách thì có sự sơ sót đối với các độc giả dài hạn. Hiện tại ban phát hành đang cố gắng điều chỉnh và mong rằng độc giả dài hạn thông báo kịp thời khi không nhận được báo. Ngoài ra tờ báo cũng mong mỏi các thân hữu đã nhận báo biếu trong nhiều năm qua sẽ trở thành độc giả dài hạn của tờ báo.
Về việc các báo muốn nhận tin tức của báo NV hay muốn trở nên chi nhánh của tờ báo, theo ông LĐĐ thì nên mua diskette rẻ hơn và nhanh hơn mua báo dài hạn. Vì trong mỗi hai diskettes có chứa đủ bài vở để làm 26 số báo trong tháng. Người làm tờ báo địa phương có thể cắt xén sửa chữa lại bằng hệ thống IBM của họ mà không cần thuê người đánh máy lại. Ngoài ra họ có thể gởi quảng cáo về báo NV nhờ đánh máy sẵn. Vì thế nên việc tổ chức một tờ báo NV tại địa phương rất dễ dàng với chi phí rất hạ.
Cây trái bốn mùa
Anh chị Chu Bá Yến đều rất hiếu khách và vui vẻ. Anh cho biết người đã giúp đỡ anh rất nhiều trong sinh hoạt cộng đồng là ông Lê Bá Chư ở Cali, Giám Đốc Trung Tâm thâu băng Giáng Ngọc. Mỗi khi anh Yến tổ chức gây quỹ giúp chùa hay gây quỹ để hỗ trợ các hội đoàn quân nhân tại Florida thì ông Lê Bá Chư đã đem cả "bầu đoàn thê tử" qua ủng hộ hết mình.
Anh Yến cho biết các cô ca sĩ rất thích đến Miami vào mùa hè. Ông nói:
"Florida ngoài các thắng cảnh còn nổi tiếng có trái cây bốn mùa. Tại đây, nhất là mùa hè, có đủ cả trái vải, nhãn, xoài, xa bô chê, đu đủ, mãng cầu bở hay mãng cầu xiêm, có khi có mít hoặc trái cóc, hay me."
Ở sau hè nhà anh chị Yến cũng như nhà bác Hùng đều có cây xoài. Nhà bác Hùng thì đã có trái xanh cỡ nắm tay còn nhà anh chị Yến thì xoài mới trổ hoa.
Theo anh chị Yến thì tại vùng West Palm Beach, chánh phủ có trồng mấy dãy nhãn dọc theo đường. Trước kia mỗi khi có người đến hái nhãn thì chủ nhà rất mừng, có khi họ vác cả thang ra cho mượn để leo lên hái hoặc mang nước ra mời. Vì nếu không có ai hái nhãn thì lúc nhãn chín rụng đầy đất, ong, kiến đến bu, nên họ rất hoan hỉ khi có người đến hái miễn là thu dọn sạch sẽ sau khi hái xong. Tuy nhiên, theo anh Yến thì hiện nay họ không có "welcome" người đến hái nữa và nhiều khi còn từ chối vì các cây nhãn ngoài đường này đã có người dặn mua rồi.
Yên biển
Anh chị Yến đã có năm con, hầu hết đã trưởng thành, tốt nghiệp hoặc đã lên đại học ở xa. Ở nhà chỉ còn lại một cậu Út mà anh gọi là "Thằng Tèo". Tèo năm nay đã được 16 tuổi, cao lớn. Tên của Tèo được các bạn bè trong trại tị nạn của anh chị Yến đặt vì lúc ra đi Tèo chỉ có mấy tháng. Điểm đặc biệt tuy lớn lên ở Mỹ nhưng Tèo biết khoanh tay chào khách.
Chị Yến vào Nam năm 1950 bằng tàu. Nhân chuyến đi đó mà chị thích biển và vì thích biển nên chị yêu lính hải quân và làm vợ của lính biển cho đến nay.
Nghe tôi đoán anh chị trên 45, anh Yến cười xòa nói:
"Chị tính đi. Tôi đi lính 21 năm, tị nạn 16 năm. Lúc đi lính tôi được 18 tuổi. Chị cộng lại hết sẽ biết tuổi của tôi."
Anh Yến nói lúc nhỏ anh thích xem các phim về chiến tranh thấy cảnh các tàu và lính hải quân oai hùng và đẹp đẽ nên anh có "mộng làm lính Hải Quân."
Trong phòng khách anh chị Yến, ngoài một bảng lớn vẽ phù hiệu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trên kệ tủ anh còn có chưng Hải Vụ Bội Tinh và Bảo Quốc Huân Chương cùng Bản Tuyên Dương:
"The Army Commendation Medal with V Device" do Quân Đội Hoa Kỳ trao tặng.
Cũng như phần đông người Việt Nam tại Florida, anh Yến tiếp tục học khi qua Mỹ và anh đã tốt nghiệp ngành điện toán. Hiện anh đang làm việc cho Systeme One chuyên viết programs cho các hãng máy bay.
Khó khăn của tờ báo
Khi tôi hỏi: "Báo anh có lỗ không?"
Anh Yến cười lớn:
"Thường thường bỏ tiền túi ra thì đúng hơn."
Vừa điều hành tờ Florida Việt Báo phát hành hàng tháng và Đặc San Lính nên các anh trong Liên Hội Quân Nhân VNCH, Fl. hơi vất vả. Lúc đầu các anh đi tận các cơ sở thương mại để lấy quảng cáo, nhưng sau chỉ gọi điện thoại. Thường thì đăng dùm cáo phó cho các thân hữu. Hội viên được bớt phân nửa tiền quảng cáo. Có nhiều thân chủ quảng cáo sau ba bốn số mới trả tiền. Cũng có những thân hữu giúp đỡ bằng cách đăng quảng cáo dù thấy không cần thiết.
Thường thì nhóm chủ trương của tờ báo họp tại Ft Lauderdale cách Miami nơi anh Yến ở khoảng 50 miles. Có nhiều khi các anh họp đến 2, 3 giờ sáng tổng kết để sáng đem báo đi in. Anh Yến cho biết in ở nhà in của Mỹ rất mắc.
Theo anh mỗi số báo có một chủ đề và in từ 2,500 đến 3,000 số. Sau đó tờ báo được chuyển bằng UPS đến toàn tiểu bang Florida gồm bẩy thành phố và các tiểu bang khác như Georgia, Louisiana v.v...
Tờ Florida Việt Báo có 36 trang trong đó tôi đếm được khoảng 14 trang quảng cáo. Báo có những tin về thời sự như trong tờ số 8, năm thứ hai, tôi thấy có tin và hình của hội cựu CSVNCH/Fl. đi tham quan cuộc biểu tình ủng hộ các chiến sĩ Hoa Kỳ và Đồng Minh Tham Chiến tại Trung Đông. Báo cũng có bài tham luận chính trị của cụ Viễn Sơn; hay truyện ngắn, phiếm luận, trang phụ nữ, thơ, truyện dịch viết về tâm linh như "Đời tiếp nối đời". Một trang lớn đăng Thương Mại Niên Giám, sinh hoạt của tôn giáo như Tin Lành, Phật Giáo, hay Công Giáo.
Nhìn qua các quảng cáo của Việt Báo, tôi nhận thấy các khu thương mại Việt Nam tại Florida hầu hết tập trung tại các vùng Miami, Ft Lauderdale, Lake Worth, Lantana, Pompano, Tampa, St Petersburg, Orlando, Jacksonville v.v...
Địa chỉ Việt Báo là P.O.Box 163556, Miami, Fl 33116.
Tổng hội cựu quân nhân QLVNCH
Khi được hỏi đến Tổng Hội Cựu Quân Nhân, anh Chu Bá Yến, chủ tịch Hội Cựu Chiến Sĩ / VNCH miền Nam Florida cho biết:
"Thâu hẹp trong phạm vi của TB Florida, anh em cựu quân nhân chúng tôi đã đi từ những kết hợp nhỏ để đến kết hợp lớn. Những cá nhân tìm đến với nhau, thành lập Hội CQN. Rồi các hội hợp thành Liên Hội CQN / VNCH / Florida. Sau đến, Liên Hội Gia Nhập Tổng Hội CQN / QLVNCH (Hoa Kỳ). Để mở rộng tổ chức, chúng tôi đổi tên Hội CCQ thành Hội Cựu Chiến Sĩ để chào đón các anh em chiến sĩ nguyên là công chức, cán bộ, lực lượng bán quân sự v.v... Chúng tôi có hội viên là cấp tướng, tá, úy, binh sĩ đến với nhau trong tình huynh đệ thuần túy. Chúng tôi có hội viên là cán bộ, là giáo chức đến với nhau trong tình chiến hữu. Hoạt động tương kính và hòa đồng."
Qua tờ Florida Việt Báo số bẩy mà anh Yến đã cho, tôi thấy có hình ảnh của Đại Hội Quân Nhân tại Houston, Texas vào hai ngày 23 và 24 tháng Mười Một, 1990. Buổi đại hội này đã được tổ chức tại khách sạn Holliday Inn. Thành phần tham dự gồm có các Tổng Hội, Liên Hội, Hội Đoàn Cựu Quân Nhân từ các nơi từ Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và một số cựu tướng lãnh QLVNCH.
Đại hội đã bầu ra một Hội Đồng Điều Hợp Thống Nhất Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Hải Ngoại, Văn Phòng Thường Trực P.O.Box 498 Barker, TX 77413-0498.
Mục tiêu của Tổng Hội
Về mục tiêu của Tổng Hội thì anh Chu Bá Yến, cựu Trung Tá Hải Quân cho biết có ba mục tiêu chính là: Tranh đấu để quang phục quê hương, xây dựng cộng đồng, tương trợ các anh em cựu quân nhân ở quốc nội, ở trại tị nạn và địa phương.
Anh cho biết Hội CCS/VNCH Nam-Florida không những đã gây được cảm tình nồng nhiệt của đồng hương mà còn được sự hỗ trợ của các thân hữu ở xa, kể cả California. Ông nói:
"Một số những công tác mà chúng tôi hài lòng như:
-- Năm 1989 phát động chiến dịch tranh đấu Tự Do và Nhân Quyền cho đồng bào quốc nội nhân dịp kỷ niệm năm thứ 40 của bản tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
-- Tuy không tham dự cuộc biểu tình tuyệt thực chống đối thanh lọc người tỵ nạn được tổ chức ở LHQ/Geneve chúng tôi có gửi văn thư yểm trợ.
-- Đóng góp tài chánh, tham dự biểu tình tuyệt thực cho Tự Do Dân Chủ tại Việt Nam nhân cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Gorbachev và Tổng Thống Bush.
-- Tranh đấu cho các anh em tù cải tạo liên tục mới nhất là dịp Giáng Sinh vừa qua (Thư của Bộ Ngoại Giao).
-- Bảo trợ và phát động phong trào bảo trợ các cựu quân nhân từ trại tỵ nạn.
-- Đóng góp rất nhiều công tác xây dựng cộng đồng đặc biệt là việc đưa ra ý kiến, vận động, tổ chức Ủy Ban đại diện cho người Việt ở tiểu bang Florida."
Theo anh thì hội cựu quân nhân tại Florida đã vận động các hội đoàn trong toàn tiểu bang ngồi lại với nhau. Buổi đại hội này đã được 95% các hội đoàn hưởng ứng và đang tiến tới việc bầu cử một Ủy Ban đại diện cho cộng đồng người Việt tại Florida. Anh Yến nói:
"Trong tương lai chúng tôi sẽ có một người đại diện nói lên tiếng nói của tập thể người Việt đối với chính quyền địa phương!"
Sức mạnh của LÁ PHIẾU
Trong dịp tiếp xúc này anh Chu Bá Yến cũng đóng góp một vài ý kiến về sinh hoạt của giới chính trị người Mỹ khi họ đến viếng thăm Cộng đồng Việt Nam vào những mùa bầu cử. Anh nói:
"Nếu chúng ta biết được nguyên do thì chúng ta đã làm được nhiều điều ích quốc và lợi cho cộng đồng, giống như những người Cuba, Do Thái hoặc các sắc dân khác ở Hoa Kỳ. Gần một triệu người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ, số người gia nhập quốc tịch Hoa Kỳ không phải là một con số nhỏ. Hiến pháp của quốc gia này đã ban cho chúng ta một thứ vũ khí sắc bén đó là "lá phiếu". Vũ khí đó trở nên sắc bén hơn nếu biết kết hợp thành một tập thể và được hướng dẫn việc sử dụng lá phiếu một cách khôn ngoan."
Về lãnh vực Cựu Quân Nhân anh Yến nhận xét:
"Phía Việt Nam, hầu hết các gia đình đều có chồng, cha, con gia nhập QLVNCH. Thành phần đó di tản cũng không phải là một con số nhỏ trong số những người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ. Họ hoạt động trong mọi lãnh vực từ tổ chức chính trị đến xã hội, tôn giáo v.v...
Phía Hoa Kỳ, từ 1965 cho đến 1972, cứ mỗi năm có nửa triệu quân nhân Hoa Kỳ sang tham chiến ở Việt Nam. Như vậy đã có 3.5 triệu quân nhân Hoa Kỳ sang Việt Nam trong bẩy năm qua. Họ đã hy sinh ở Việt Nam trên 50,000 người và trên 300 ngàn người tàn phế. Khi cuộc chiến chấm dứt họ cũng có một nỗi buồn không kém người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng những người Quân Nhân Việt Mỹ đã chiến đấu cùng một chiến trường, cuộc sống gang tấc bên nhau và với một cộng đồng người Mỹ gốc Việt rất lớn ở Hoa Kỳ, trong đó khối cựu QN, công chức, cán bộ kết hợp lại, đến với những tổ chức CQN / Hoa Kỳ và gia đình của họ, tôi nghĩ, chúng ta sẽ làm thành một mặt trận lớn ở hải ngoại, tấn công những mũi dùi chính trị, văn hóa, kinh tế v.v... vào Việt Nam. Chúng ta vốn sẵn đã có chính nghĩa, làn sóng người vượt biển trong những năm trước đây, vấn đề nhân quyền, tù cải tạo lại càng chứng minh sự chính nghĩa của chúng ta. Rất thuận lợi để vận động sự ủng hộ của thế giới tự do, đặc biệt sau khi Đông Âu sụp đổ."
(Còn tiếp)