2- Miami không có mùa Đông (NV, 9- 4- 91)

10 Tháng Năm 200512:00 SA(Xem: 15931)
2- Miami không có mùa Đông (NV, 9- 4- 91)
633800529269531250Ánh đưa tôi vào một tiệm nữ trang của người Tàu. Ánh bảo Tàu bán rẻ hơn Mỹ. Tiệm đó tên Angel Trading Co.

Tôi được ở trong căn phòng yên tĩnh có cửa sổ nhìn ra vườn sau của hai bác Lưu Hùng. Phòng này có một cái giường nhỏ, bàn viết và tủ năm ngăn. Căn phòng được lót gạch và có gắn một máy lạnh trên vách.

Bác Lưu Hùng cho biết bác hay đọc sách hay viết ở căn phòng này và thỉnh thoảng cùng các bạn xoa mạc chược đều phải chấp nhận điều kiện của bác là không hút thuốc trong nhà, vì bác đã bỏ hút thuốc, bác đi ngủ vào lúc một giờ đêm (các bạn có thể tiếp tục) và đặt thức ăn bên ngoài mang đến. Bác gái năm nay cũng gần 70 nên bác trai không muốn bác gái bận rộn và cực nhỡ đau ốm. Bác nói lúc đầu còn dọn ăn bằng bát dĩa kiểu, bây giờ dùng dĩa giấy để vứt đi cho tiện.

Nỗi lo lắng

Trên vách căn phòng tôi ngủ có một câu đối chữ Nho. Tôi hỏi bác Hùng trong bữa cơm thì bác ấy nói đó là câu đối mà ba tôi đã tặng bác lâu rồi. Câu chữ nho đó là "Hàn Trúc Phong Tùng." Bác giảng cây trúc là loại hợp nơi khí hậu ấm áp nhưng trời lạnh nó vẫn chịu được. Còn Phong là gió. Cây Tùng cao dễ bị đổi gẫy nhưng vẫn chống đỡ với gió. Có ý nghĩa là mình có thể chịu đựng, chống đỡ về mọi mặt. Bác nói các cụ ngày xưa nói về phương diện đạo đức chứ không nói về phương diện thương mại.

Mỗi lần nằm trên giường tôi hay nhìn trên vách trầm ngâm suy nghĩ. Có lẽ câu đối này của ba tặng cho bác lại có duyên với tôi chăng. Hôm qua gọi về nhà mới hay chú Nguyễn Ang Ca mất. Trước khi đi tôi có nhận được mấy hàng chữ viết vội của chú gửi thăm tôi và cho hay chú thím sẽ qua Mỹ tháng Mười, chú hẹn sẽ nói chuyện nhiều với tôi. Trong túi xách của tôi còn hình tôi chụp với chú ngồi trong thư viện báo NV lúc ông Đỗ Ngọc Yến và ông Lê Đình Điểu phỏng vấn chú. Một bức ảnh khác tôi chụp chú đứng trước tòa báo với ông Trần Dạ Từ, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Đình Điểu và Đỗ Ngọc Yến. Kèm trong lá thơ của chú Ca có lá thơ Thím Ca viết mặt sau của giấy nhà thương là chú vào nhà thương mỗ tim. Hôm trước khi chú thím qua Mỹ thấy chú có vẻ khỏe ra nên tôi cũng yên lòng không ngờ hôm nay nghe tin chú mất.

Hôm mới qua Miami tôi có gọi qua Orlando để báo tin vì bác Phan Phụng Tiên, bạn của ba là tôi sẽ qua thăm bác. Lại hay là bác vào nhà thương nhưng sau đó bác khỏe lại và về nhà. Tôi cảm thấy lo âu và nghĩ đến bác Trần Văn Ân bên Pháp. Sau khi ba tôi mất bác Bạch Sơn Vương Đức Đại bên Pháp cũng viết thư hẹn bác cháu sẽ có dịp hàn huyên tâm sự. Chỉ mấy tháng sau bác lại ra đi vĩnh viễn.

Tôi rất tiếc không có dịp nói chuyện nhiều với Bác Đại, chú Nguyễn Ang Ca vì tôi cần học hỏi ở các bậc Cha Chú. Nếu thế hệ của tôi mà dốt không biết vì về lịch sủ hay văn hóa nước nhà thì tội nghiệp cho các con cháu sau này không còn biết gì về Việt Nam nữa.

Đi mua đồ sỉ

Cả mười ngày ở Texas tôi đi rất nhiều và ngủ rất ít. Hết Houston qua Dallas rồi đi Garland, Arlington rồi đi bus về Houston nhưng lại rất khỏe và viết rất nhiều. Qua Miami khí hậu thay đổi nóng 85 độ gió nhiều nên tôi hơi "khó ở trong mình."

Hôm qua bác Hùng gái trông tiệm cho Ánh nửa buổi để cô ta đưa tôi đến Miami International Merchandise Mart mua hàng về bán và sẵn dịp cho tôi biết nơi bán đồ sỉ. Tôi cứ tưởng chỗ đó giống như Warehouse nên mặc quần áo "lèn xèn" chân mang dép. Không ngờ chỗ này đẹp như shopping làm tôi vào các tiệm ngắm xem hàng hóa đủ loại mà "quê một cục" Đã vậy mà Kim Ánh cứ giới thiệu với các chủ tiệm là tôi "from California" Tôi bảo Ánh đừng giới thiệu như vậy nữa. Ánh bảo thì mình là dân du lịch mà mặc gì chẳng được.

Ánh đưa tôi vào một tiệm nữ trang của người Tàu. Ánh bảo Tàu bán rẻ hơn Mỹ. Tiệm đó tên Angel Trading Co. Đồ giả ở đây khá đẹp đủ thứ bông tay, dây chuyền, dây tay, cà rá bằng hột xoàn, hạt bẹt cùng các loại đá đủ màu. Ánh bảo bây giờ cướp giựt nhiều nên người ta mua đồ giả đeo cho nó khoẻ. Chừng nào cướp đến thì cứ lột ra đưa.

Ở đây một bộ có dây đeo cổ hạt bẹt và kim cương có luôn bông tay chỉ 15 đồng trong khi ở Bullock hay Robinson ở Cali khoảng 80 đồng. Tôi ít đeo nữ trang mà đứng lâu thấy cũng ham. Tôi mua mấy bộ rồi mua mề đai gắn áo mỗi cái chỉ bốn, năm đồng mà thật là đẹp. Nào là nốt nhạc, con phụng, con hạc, con ve, lá cờ Mỹ v.v... Ánh bảo gắn lên ve áo veste đẹp lắm. Ánh thì mua cà rá đủ màu để về bán. Tôi gọi cô bạn đi mau để tôi đứng lâu sẽ hết tiền.

 Chúng tôi đi xem bóp, nào là da trăn, da cá sấu, đủ loại bóp đẹp chỉ mười mấy hai chục đồng. Các bóp này vào shopping Mỹ thì mắc lắm. Hôm qua là Good Friday nên nhiều cửa hàng đóng cửa để chuẩn bị ăn lễ Easter. Ông xã Ánh cũng được nghỉ làm ở nhà "săn sóc nhà cửa để Ánh đưa tôi đi chơi"

Bác sĩ Chiêu

Tôi đi chơi với Ánh mà trong người khó chịu. Hôm mới qua tôi giặt quần áo rồi ra sân sau của bác Hùng phơi. Gió ở đây nhiều, khí hậu hơi nóng. Ánh nói năm nay Miami không có mùa Đông. Hôm tháng 12 Bình, em gái Ánh từ Cali qua mang theo đồ lạnh mà chỉ mặc quần cụt đi chơi. Bình kêu nóng quá. Ánh bảo nhà Ánh phải mở máy lạnh quanh năm vì ông xã Ánh không chịu được gió.

Chợ của Ánh có chị Chiêu giúp cân rau, cải, sắp xếp hàng hóa và gắn giá cả. Hôm nọ ngồi chơi xem chị Chiêu cân ớt hiểm, tôi xin chị mấy trái ớt chín về ăn cá kho.

Tôi nói:

 - Chị Chiêu ơi, sao em bị vọp bẻ ở bên lưng đau quá.

 Chị Chiêu bảo:

 - Cô bị gió đấy. Đó là lói chứ vọp bẻ ở dưới chân.

 Tôi thấy khó chịu nên khi rời chợ Miami Mart tôi nói với Ánh chắc tôi phải cạo gió. Mấy hôm kia tôi muốn cạo gió mà sợ đi biển Miami tắm nắng không được. Tôi mà mặc áo tắm là Mỹ bu quanh tưởng tôi bị ai đánh đó.

 Ánh quảng cáo chị Chiêu về khả năng cạo gió của chị rồi Ánh chở tôi về chợ để "bác sĩ Chiêu" trị bệnh.

Asia Market

Tiệm của Ánh tuy chỉ 900 sf nhưng thật đầy đủ mặt hàng vì gia đình Ánh đã có kinh nghiệm từ Việt Nam. Trước kia hai bác Hùng có tiệm tạp hóa cạnh nhà tôi ở đường Vườn Chuối. Sau đó bác đổi sang mở quán cà phê Ngọc Thỏ.

Tôi hay chạy sang xem Ánh bán hàng. Có lẽ nhờ thế mà bây giờ Ánh nhớ hết mặt hàng cùng giá cả. Ánh vừa đứng bán hàng vừa gọi điện thoại đặt hàng ở NewYork hay Tampa. Theo Ánh thì Miami có ít chợ hay nhà hàng Việt Nam. Mỗi lần muốn ăn thức ăn Việt Nam ngon thì phải lái xe đi xa qua các thị trấn khác. Trước kia Ánh qua Cali mua hàng nhưng bây giờ thì mua quần áo, đồ chưng trong nhà, ở tại Miami.

Ánh nói đặt hàng bên Cali rẻ hơn nhưng phải mua số lượng nhiều. Vì vậy nếu Ánh đặt hàng ở New York, Tampa hay các nơi khác tuy đắt hơn nhưng có thể mua số lượng ít. Khi nào bán hết thì đặt thêm.

Theo Ánh thì sở dĩ Ánh mở tiệm là để cho bà cụ vui về già, thỉnh thoảng ra tiệm gặp gỡ người đồng hương cho đỡ buồn.

Trong tiệm Ánh có cả vải đủ màu, hàng thêu may áo dài, tranh cẩn xa cừ, áo choàng Nhật Bổn. Trong tủ kính ngoài các nữ trang cón có đủ loại dầu xanh, dầu nhị thiên đường, bạch hoa, dầu cù là con cọp.

Một bà Mỹ vào tiệm đưa cho tôi một mãnh giấy ghi bằng chữ Việt Nam: Bà này muốn mua dầu xanh. Bà mua một lúc ba chai. Tôi giới thiệu dầu cù là con cọp bà cũng mua luôn. Bà bảo:

 - I have pain everywhere.

Bà Mỹ khác thì vào mua xà bông trầm. Khách vào đây phần nhiều là người Phi nên Ánh có cho thuê phim video của Phi Luật Tân. Mỗi ngày 2 đồng. Video Việt Nam cũng có đủ loại, ca nhạc, cải lương, vọng cổ. Còn băng cassette thì bán không được. Ánh giới thiệu một cassette có hình một nam ca sĩ. Ánh bảo:

 - Biết ông này không? Em của ông Hồ Ngọc Ngạn đấy. Hát được lắm để Ánh để cho Mai nghe.

Báo tại Florida

Tiệm của Ánh có để báo biếu là tờ Thương mại Kỷ yếu Gia Đình phát hành tại Orlando, với mục đích xây dựng gia đình, phát triển thương mại tại Florida, Georgia, N & S Carolina, Mississippi, Albabama và Louisiana. Chủ nhiệm là Trần H. Nhân, phụ tá Minh Đức, chủ bút Cha Ba và thơ ký Hồ Anh. Trong bài lá thơ tòa soạn "Con đường chúng ta đi" nhóm chủ trương kết luận "Dân Việt Nam không thể để cho một chế độ, một guồng máy mục nát "thí nghiệm" trên lưng mình mãi được."

Trên kệ còn có tờ Văn Nghệ Tiền Phong, số 364 có hình lễ thượng kỳ mừng tết Tân Mùi trước tòa thị chính Oakland, CA. Ảnh do Bùi Văn Phú chụp. Phụ Nữ Diễn Đàn thì có hình Hoa Hậu Phương Hà. Rồi sách Tự học sáo, Tự học khai thuế, Tự học làm bếp, Anh Hùng nước tôi, Tái sanh duyên. Có cả kinh Dược Sư hay quyển Thương Nhớ Mẹ của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên.

Tại Miami tôi còn được xem tờ Florida Việt Báo có hình Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam Florida cử phái đoàn tham dự cuộc biểu tình ủng hộ các chiến sĩ Hoa Kỳ và Đồng Minh tham chiến ở Trung Đông. Báo này do ông Chu Bá Yến làm chủ nhiệm và chủ bút là Lê Văn Lai.

(Còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41860)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42805)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48934)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42524)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36570)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41522)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41220)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43143)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39565)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45155)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40132)
1,863,880