Lời Giới Thiệu của N.X.B.

02 Tháng Sáu 200912:00 SA(Xem: 22731)
Lời Giới Thiệu của N.X.B.

“Lên Đường” có thể được coi như tiếp theo “Cô Bé Làng Hòa Hảo”(*) của Nguyễn Huỳnh Mai, là loại tự sự, như những trang nhật ký. Nói đúng hơn, đó là nhật ký, nhưng vì tác giả là nhà báo chuyên nghiệp nên viết giống như ký sự, với lối diễn tả linh động, sáng sủa, nhiều dữ kiện, nhiều khám phá. Cả hai tác phẩm cung cấp một góc riêng cho lịch sử, đặc biệt nhấn mạnh đến các diễn tiến của người Việt từ khi sống trong nước cho đến lúc tha hương với dấu chân in trên toàn thế giới: từ thuyền nhân tại các trại tị nạn Đông Nam Á tới đời sống ở các cộng đồng tị nạn, và đặc biệt là sinh hoạt của tín đồ Phật giáo hòa Hảo trong và ngoài nước.

Tác giả mời người đọc đi theo các chuyến “Lên Đường” của bản thân mình - như một ký giả - và còn được mời tham dự vào nhiều cuộc “Lên Đường” khác nữa. Từ chuyện những thuyền nhân đã “Lên Đường” đi tìm tự do, để rồi lại bị áp bức phải đớn đau quay trở về lại chốn lưu đày, những người tỵ nạn đặt chân trên đất người xa lạ với nỗ lực tìm cách hội nhập nơi vùng đất mới, cho đến chuyện bầy trẻ thơ bơ vơ, lạc lõng sau hàng rào kẽm gai, rồi còn những chuyến “Lên Đường” xa xôi hơn của những người - đặc biệt là tuổi trẻ - đang tìm một phương hướng mới cho đời sống tâm linh của mình.

Nguyễn Huỳnh Mai là nhà báo và cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo. Điểm khác biệt là “ký giả” Nguyễn Huỳnh Mai không chính thức viết riêng cho một tờ báo nào, tuy bài của bà có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Bà cũng chưa bao giờ tự xưng là “cư sĩ”, nhưng đời sống đạo của bà được thể hiện trong từng giờ từng phút. Tâm đạo hiển hiện qua nỗ lực vun trồng và trưởng dưỡng hạt giống Đạo trong tâm hồn mình, trong đời sống hàng ngày, đã được tác giả ghi chép một cách tỉ mỉ, trung thực, và kiên trì. Ghi chép ở đây là một hình thức tự quán chiếu để học hỏi, mà cũng để chia sẻ. Các tư duy xuất thần đó cũng có thể tìm được qua tác phẩm “Hồn Thiêng Dân Tộc”(**) của tác giả.

Thành hình trong sự quán chiếu đó, nhật ký “Lên Đường” của Nguyễn Huỳnh Mai vượt lên trên các chuyện vụn vặt thường tình của một phụ nữ yên vui hạnh phúc gia đình, mà luôn mang ấn dấu một thời đại đầy dẫy sóng ngầm, phản ánh diễn trình thâm sâu cuộc đời tu học với rất nhiều thử thách tâm linh.

Ký sự hay nhật ký Nguyễn Huỳnh Mai không chỉ nhắm vào một giới độc giả. Trong “Lên Đường”, tác giả nhắc đi nhắc lại ý nguyện hướng về đồng bào trong nước và giới trẻ Việt Nam. Thật ra, “Lên Đường” sẽ đáp ứng cho thành phần độc giả vô cùng đa dạng, để họ tìm hiểu, nghiên cứu, hoặc chỉ để chia sẻ tâm tư cùng người viết.

Tác giả đã dành hơn năm năm ghi chép nhiều biến cố, từ lịch sử, thời sự, chính trị, đến văn hóa, tư tưởng. Hai vấn đề then chốt nổi bật: Thuyền nhân VN tại các trại Đông Nam Á trong giai đoạn bi thảm bị cưỡng bách hồi hương, và sự chuyển mình hội nhập của cộng đồng tị nạn người Việt hải ngoại khắp thế giới. Chính tác giả đã tới tận nơi quan sát, tìm hiểu, và ghi nhận. Chỉ riêng việc này, Nguyễn Huỳnh Mai cho thấy tính chuyên nghiệp và sự tận tâm của một ký giả yêu nghề, cũng như sự dấn thân của một người tranh đấu cho thuyền nhân tị nạn.

Những diễn biến chung quanh ta chắc đã có nhiều người ghi chép, có khi còn đầy đủ hơn. Độc sáng và hãn hữu trong “Lên Đường” chính là diễn biến bên trong đời sống tâm linh của chính tác giả - như một người tu học. Đường đạo mênh mông không bờ bến, thật khó đi và vô cùng khó nhận diện. Những chia sẻ kinh nghiệm tâm linh trong “Lên Đường” là tài liệu tôn giáo hiếm quý, có giá trị khảo cứu lâu dài cho những người có tâm tu học.

“Lên Đường” là một chứng minh cụ thể về nỗ lực và kiên trì của Nguyễn Huỳnh Mai trong mục tiêu đóng góp cho Đời và Đạo, theo đúng những gì mà một tín đồ trung kiên đã học được từ giáo lý Tứ Ân Phật giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

 

                                    Nhà Xuất Bản CỬU LONG- 2001

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880